Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: Cô nàng Dusya đa nghi

VietnamDefence - Mất đoàn kết và các bà vợ làm hỏng hoạt động tình báo như thế nào?

Evdokia Petrova, kẻ đào ngũ bất đắc dĩ
Cái đất nước ấy là thế nào mà các nghệ sĩ, vận động viên thể thao, quân nhân, nhà bác học, và thậm chí cả những người mà Đảng tín nhiệm nhất - các nhân viên KGB, cũng thường chạy trốn khỏi nó?

Và người ta đã phải cùm kẹp các công dân Xôviết như vậy để làm gì?

Người ta cho bảo vệ, theo dõi mỗi đoàn đi là một nhân viên Cheka đi theo, họ luôn để mắt theo dõi từng công dân làm việc ở nước ngoài. Ta vẫn nhớ là đâu đó vào năm 1979 trước khi nhạc trưởng Yevgeny Svetlanov đi Đan Mạch cùng với dàn nhạc, tôi đã nhận được từ Moskva một lá thư nói đùa là ông ấy chuẩn bị chạy trốn. Tôi thừa thông minh để không giật mình. Và không vặn tay cả dàn nhạc. Còn đây là trường hợp vợ chồng Petrov. Đây là những “con én đầu mùa” trong những năm sau chiến tranh.

***

Dusya Petrova đã đi vào lịch sử vào ngày 19 tháng 4 năm 1954. Cái cảnh hai nhân viên KGB kiêm giao thông viên ngoại giao mặt hằm hằm túm tóc lôi cô ta ra máy bay ở Canberra, Australia sau này đã trở thành hình tượng cho các diễn viên điện ảnh Hollywood vào vai các nhân viên của cơ quan tình báo Liên Xô.

Giày tuột khỏi chân phải, đôi tay run rẩy giữ chặt chiếc xắc đen, đôi mắt buồn rầu, gương mặt tuyệt vọng. Bức ảnh có một không hai này đã có mặt trên tất cả các tờ báo trên thế giới và đã tạo ra một ấn tượng mãnh liệt.

Thực ra, Evdokia Petrova không phải là người bình thường, mà là đại uý MVD (Bộ Nội vụ) và là vợ của một trung tá của cơ quan đáng sợ này mà thời đó đang làm chức năng của ChK - OGPU - KGB.

Chồng cô ta là Vladimir Shorokhov sinh năm 1907 ở làng Larikh ở miền trung Siberia, nơi ông cha anh ta đã sống và lao động nhiều năm. Dusya lớn lên ở làng Lipka thuộc tỉnh Ryazan và nhiều hơn chồng bảy tuổi. Cả hai đều xuất thân từ nông thôn.

Số phận của họ khá giống nhau: cả hai đều đi từ đoàn thanh niên, còn Vladimir do tình yêu đối với giai cấp tiền phong còn đổi cả họ thành Proletarsky (nghĩa là vô sản).

Vladimir và Dusya đã xao xuyến trước những cuộc trấn áp kulak (phú nông) và trung nông ở quê mình và sau đó là các phiên toà chính trị, nhưng họ tin đồng chí Stalin “còn hơn là tin vào chính bản thân mình”.

Sau khi phục vụ ở hạm đội với tư cách nhân viên cơ yếu, Vladimir vào công tác ở OGPU. Evdokia cũng vào cơ quan này làm việc vào năm 19 tuổi, một phần là nhờ cha cô là lái xe ở phòng vận chuyển của cơ quan. Ban dầu, chị ta làm việc ở bộ phận cơ yếu, sau đó chuyển sang phòng nước ngoài.

“Tôi đã làm cái mà thời đó có vẻ hoàn toàn rõ ràng và bình thường, - sau này cô ta đã viết. - Đối với tôi, OGPU là một tổ chức do Lenin sáng lập để bảo vệ cách mạng chống lại những kẻ thù chính trị của nó”.

Nữ nhân viên Cheka trẻ tuổi sống với nhân viên Cheka ngưòi gốc Serbia (khi đó đăng ký kết hôn được xem là tàn dư tư sản) và sinh cho anh ta một đứa con gái. Năm 1937, người chồng bị bắt và ông đã phải sống nhiều năm trong các trại giam.

Vào năm 1938, Volodya Proletarsky trở về sau chuyến công tác ở Trung Quốc, ở đó anh ta làm ở lãnh sự quán Liên Xô. Hồi ức rõ nét nhất của ông là việc thủ tiêu một tỉnh trưởng Trung Quốc - một điệp viên Xôviết rất giá trị. Mọi chuyện diễn ra rất dơn giản, nhưng lại đặc biệt: viên tỉnh trưởng được mời ăn tiệc tại lãnh sự quán, sau đó họ cho mở máy ôtô tải đậu trong sân nổ hết cỡ, dẫn ông ta xuống tầng hầm, cho một phát đạn vào gáy và chôn ngay theo đúng những nguyên tắc bảo mật chuẩn mực nhất.

Rồi thì Volodya Shorokhov - Proletarsky đã chết mê chết mệt Dusya, anh ta bám theo cô từng bước, quan tâm dịu dàng đến cô sau khi đứa con gái nhỏ của cô ta chết vì bệnh viêm màng não và năm 1940 thì anh được cô nhận lời yêu.

Năm 1942, đôi vợ chồng nhân viên Cheka này được cử đi Stockholm công tác tại sứ quán Liên Xô. Sau khi suy tính kỹ, cấp trên quyết định đổi họ Proletarsky (ai mà biết được bọn Thuỵ Điển tư sản thâm căn cố đế sẽ phản ứng thế nào với cái họ “vô sản” này) sang một họ khá bình thường là Petrov. Người ta định đưa họ sang thủ đô Thuỵ Điển qua Arkhangelsk nhờ các đoàn tàu Anh nhưng không được. Họ buộc phải đi vòng quanh thế giới để đến nơi công tác, bằng cả đường không và đường thuỷ: Teheran, Cairô, Durban (ở Hồng Hải, tàu của họ còn bị tàu ngầm Đức tấn công bằng ngư lôi), sau đó đi máy bay dến London, và từ dó đi máy bay qua Aberden đến Stockholm.

Tại thủ đô Thuỵ Điển, Petrov làm công tác cơ yếu và đảm nhiệm cả công tác bảo vệ cộng đồng Xô kiều, kể cả nhiệm vụ điều tra vị đại sứ bị trục xuất một cách danh dự sang Stockholm là Aleksandra Kollontai, người mà Stalin không còn tin tưởng nữa.

Dusya ban đầu làm thư ký tại trung tâm tình báo ở đây, còn sau đó được chuyển sang làm nghiệp vụ và chút nữa đã tuyển được một nữ nhân viên Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển.

Hai vợ chồng đã có 4 năm hạnh phúc ở Thuỵ Điển, tất cả những cám dỗ của cuộc sống tư sản đã không lung lạc được niềm tin của họ vào cuộc cách mạng vốn đã đưa họ từ bùn đen lên để được mở mặt với đời, họ trở về Moskva trót lọt và năm 1951 được cử sang Australia.

Tại sứ quán Liên Xô tại Canberra, Petrov lãnh đạo VOKS (Hội liên lạc văn hoá với nước ngoài toàn liên bang VOKS (1925-1958) - ND) mà cho tới gần đây là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị), nhưng công việc chính vẫn là công tác bảo vệ nội bộ cộng đồng Xô kiều, mà thường gồm cả đại sứ, đồng thời làm cả nhiệm vụ đánh người vào các tổ chức chống Liên Xô và dân tộc chủ nghĩa, cũng như xây dựng lưới điệp báo bất hợp pháp tại Australia. Năm 1952, ông ta được bổ nhiệm làm quyền trưởng trung tâm tình báo, mà thực chất là xếp của trung tâm, vì thực ra ngoài vợ ông ta cũng chả còn ai khác ở trung tâm.

Dusya được cử làm thư ký cho đại sứ và kế toán của sứ quán.

Đôi vợ chồng chẳng hề nghĩ đến chuyện phản bội tổ quốc, nhưng điều không may là họ đã lọt vào dòng thác những âm mưu và những trò chơi xỏ nhau trong nội bộ sứ quán, bản thân họ đã trở thành những người tích cực tham gia vào các cuộc xung đột mà điều tiếng về chúng đã lọt đến tai Trung ương đầy quyền lực.

Chỉ mấy tháng sau khi tới Australia, Petrov nhận được bức điện mật: “Theo thông tin của chúng tôi, đồng chí Petrova (tức Dusya - ND) đôi khi tỏ ra thiếu tế nhị trong quan hệ với các đồng sự, kể cả đại sứ và điều đó đã phản ánh một cách tiêu cực trong công việc của cô ấy. Vì việc này, chúng tôi yêu cầu anh uốn nắn cô ấy”.

Tâm điểm xung đột ẩn giấu, như thường gặp, trong thái độ đối với thời trang của hai đệ nhất phu nhân trong cộng đồng Xôkiều. Theo Dusya, người đã từng lăn lộn ở Stockholm, bà vợ ông đại sứ ăn mặc còn xấu hơn cả vợ một người quét rác, kể cả khi nóng chết mẹ cũng mặc đủ lệ bộ để cho to béo hơn (chồng bà ta tôn thờ các phụ nữ to béo), trong 9 năm ở Canberra chỉ dám mua một đôi tất nylon vì cho là chúng quá đắt và lại thường đi chân không tất.

Bản thân Dusya, theo lời cô ta, rất biết cách ăn mặc và thậm chí còn khiến những người sở tại thán phục. Điều đó đã làm “bà đại sứ” vốn thường nghĩ chồng mình luôn dán mắt vào cô thư ký kiêm kế toán phải nổi điên lên.
Nhưng bà đã nhầm: vị đại sứ đã thận trọng ngay sau khi nhân viên kế toán mới đề nghị thanh toán theo quy định hợp pháp chi phí thuê đồ gỗ hàng tháng của cơ quan cho toà nhà. Cô ta đã buộc phải vâng lời đi vào quy củ, nhưng mầm mống xung đột đã xuất hiện.

Dusya đã bị tấn công từ một hướng hoàn toàn không ngờ: dưới tấm kính trên bàn giấy, cô ta đã dại dột để ảnh một ngôi sao điện ảnh Hollywood và một con chó đang chơi đàn piano ngay cạnh chân dung của lãnh tụ Stalin vĩ đại. Điều đó bị coi là một tội lỗi rõ ràng. Tại cuộc họp chi bộ, hành động này được coi là tội nhạo báng “lãnh tụ của các dân tộc”. Cô ta đã phải viết tường trình và chứng minh tất cả là do vô tình.

Sau đó, lại có những chuyện rắc rối hơn. Petrov nuôi chó. Và lập tức toàn bộ nhân viên sứ quán đều gào lên về Moskva là con chó đó chạy suốt ngày khắp hành lang của toà nhà sứ quán. Khi vị đại sứ và vợ cuối cùng cũng về Liên Xô, vợ chồng Petrov đã tưởng là mọi sự sẽ yên. Nhưng cả đại sứ mới cũng bắt đầu với việc bảo trưởng trung tâm tình báo: “Vladimir Mikhailovich, Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã thông qua quyết định để anh không được dẫn chó vào khu vực sứ quán”.

Vào tháng 3 năm 1953, Iosif Vissarionovich (Stalin) qua đời, sau đó Berya bị bắt và thế là tai hoạ lại đến: các nhân viên ngoại giao báo cáo về Moskva là trạm trưởng tình báo và vợ đã lập ra một phe thân Berya! Lời cáo buộc ấy lúc đó thực sự không phải chuyện đùa.

Bất ngờ, Petrov bị bệnh đau mắt, cần phải mổ. Nhờ một người bạn Ba Lan, ông ta gặp được một bác sĩ sở tại nhưng ông này lại có liên hệ với các cơ quan tình báo. Trong cuộc nói chuyện với các bạn Australia thường xuất hiện chủ đề: Tại sao anh không ở hẳn lại Canberra? Chưa chắc có chỗ nào khác mổ mắt giỏi hơn ở đây....

Trong thâm tâm thì Petrov từ lâu đã sẵn sàng cho điều đó, nhưng cô vợ Evdokia, người đã kịp mất chức vụ thư ký vì vụ xì căng đan mới (nguyên nhân là do Dusya ném một miếng bánh ngọt vào vợ ông đại sứ) không hề muốn chuyện tị nạn chính trị vì ở Moskva vẫn còn bà mẹ và em gái, họ có thể bị đàn áp.

Các sự kiện đã diễn tiến rất nhanh chóng. Ngày 27 tháng 2 năm 1954, Petrov lần đầu tiên liên hệ với phản gián Australia, họ đã hứa cho hắn quyền cư trú chính trị và một khoản tiền lớn để mua trang trại. Nhưng hắn chỉ quyết định chạy trốn sau khi mà hắn phát hiện ra trong két của mình ở sứ quán các tài liệu mật mà theo quy định phải được cất giữ ở chỗ khác. Điều này có nguy cơ gây ra những phiền toái lớn, kể cả bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đó chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly và Vladimir, thậm chí còn chẳng kịp nói gì với bà vợ yêu quý, liền lấy theo một số tài liệu mật, rồi biến khỏi sứ quán.

Tất cả các sự kiện đầy kịch tích liền diễn ra. Người ta bắt đầu tìm kiếm người đồng bào mất tích: anh ta có thể bị giết hoặc bị bắt cóc - điều đó đâu có hiếm ở nước ngoài! Evdokia bị chuyển từ căn hộ trong thành phố vào ở trong sứ quán, không còn điện thoại, đài, báo chí và bị kiểm soát. Ông chồng biến mất và tương lai vô định phía trước là điều không thể chịu đựng nổi và Dusya đáng thương đã định treo cổ bằng dây bàn là, nhưng sợi dây đã bị đứt.

Ngày 13 tháng 4, đài phát thanh Australia chính thức thông báo bí thư thứ ba sứ quán Liên Xô Petrov đã xin cư trú chính trị ở Australia. Nhưng Evdokia coi chuyện này là nói láo, là thủ đoạn quen thuộc của bọn đế quốc, bởi vì chị ta tin là chồng mình bị lôi đi ngoài ý muốn!

Hai giao thông viên ngoại giao Liên Xô có vũ trang đang dẫn Evdokia Petrova ra máy bay
Hai tuần sau khi Vladimir biến mất, hắn chuyển cho vợ một lá thư đề nghị gặp gỡ. Người ta đã đọc để cô viết thư trả lời: “Em ngại gặp anh, đó có thể là một cái bẫy” - và cô ta đã tràn đầy quyết tâm trở về Moskva.

Ngày 19 tháng 4, một đoàn hộ tống ngoạn mục dẫn Dusya ra máy bay trong tiếng réo gọi của bọn vô công rồi nghề và các phóng viên đang kêu gọi cô ta ở lại Australia. Để hăm doạ đám đông, đoàn hộ vệ ra lệnh chụp ảnh những người tụ tập và nghĩ là họ sẽ giải tán ngay.

Nhưng chẳng có ai chạy mà trái lại, các nhân viên phản gián lại đổ xô đến sân bay, tách đội hộ tống ra và đề nghị Dusya ở lại nhưng cô ta từ chối. Máy bay cất cánh. Trong khi bay, trưởng kíp bay và các nữ tiếp viên cũng trò chuyện với Dusya. Nữ nhân viên Cheka cứng cỏi này cũng từ chối ngay.
Sắp tới, máy bay phải hạ cánh ở Darwin, điểm cuối cùng trên lãnh thổ Australia.

Tại sân bay lại nổ ra một sự kiện kịch tính mới: đội hộ tống bị cảnh sát Australia bao vây và tước hết vũ khí mặc dù các giao thông viên được quyền mang vũ khí. Lập tức, người ta cho Dusya nói chuyện điện thoại với chồng. Hắn van lơn vợ đến với hắn vì hắn biết rõ điều gì đang chờ đợi cô ta ở Moskva.

Chỉ lúc đó cô ta mới vượt qua con sông Rubico (Rubiconis - tên cổ của một con sông chảy vào biển Adriatic mà vào năm 49 TCN, Gaius Julius Caesar (100-44 BC) (danh tướng, nhà hoạt động nhà nước La Mã, người đã thiết lập nền tảng cho hệ thống đế quốc La Mã), bất chấp lệnh cấm của nghị viện, đã vượt qua cùng các đạo quân lê dương của mình với tiếng kêu: "Alea jasta est!" (Việc đã nhất định rồi!) - điều đó báo hiệu sự bắt đầu của cuộc nội chiến. ở đây có nghĩa là thực hiện hành động cương quyết không thể đảo ngược - ND) và ở lại Australia.

Có lẽ Dusya đã đi vào lịch sử các vụ đào ngũ như một kẻ đào ngũ đa nghi nhất, và công chúng đã nhận được đúng cái mà nó có.

Print Print E-mail Print