Thời đó, KGB là trung tâm phối hợp việc xử lý tin tức quân sự chiến lược về Mỹ và có độc quyền báo cáo tin này cho Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Tổng bí thư. Tất cả các đơn vị của KGB , GRU, các cơ quan tình báo của các nước xã hội chủ nghĩa đều gửi thông tin quân sự chiến lược về cơ quan tình báo đối ngoại của KGB. Tại đây thông tin đó được nghiên cứu, tổng hợp và hoàn chỉnh để chuyển vào Kremlin và cho các xếp của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Tất nhiên là các tin tức quan trọng nhất phải được gửi về cơ quan tình báo KGB vì dù sao đi nữa thì đây đang nói về báo cáo gửi cho ban lãnh đạo Điện Kremlin. Định kỳ, các nhà phân tích KGB lại chuẩn bị các báo cáo tổng hợp thông tin quân sự chiến lược về Mỹ và NATO do cộng đồng tình báo các nước Khối Hiệp ước Varsava thu thập được.
Như vậy vào năm 1982, tỷ lệ thông tin của Bill chiến trên 50% trong tổng lượng tin về Mỹ. Điều này vừa làm người ta hài lòng và đồng thời cả sự nghi ngờ. Mọi sự sao mà xuôn xẻ thế? Bill có phải là mồi bẫy không? Cả sự tự chủ đáng kinh ngạc của anh ta cũng khiến người ta nghi ngờ. Valentin có quan hệ rất tốt với điệp viên và lo lắng cho sự an toàn của anh ta. Nhưng đôi khi anh cảm thấy là bản thân Bill hoàn toàn chả lo lắng vì vấn đề này. Mà đó lại là một dấu hiệu của mồi bẫy, một thủ đoạn mà cả FBI lẫn CIA chả e ngại sử dụng vì nó có lợi cho họ.
Dù cho Valentin có đau đầu đến đâu vì câu hỏi nan giải này thì kỳ lạ là việc giải quyết nó lại là do những người khác làm. Theo quy định, điều đó nằm trong thẩm quyền của Trung ương. Câu hỏi về Bill chỉ có một câu trả lời một nghĩa: không phải là mồi bẫy! Vai trò chính ở đây thuộc về các nhà lãnh đạo của các viện thiết kế Liên Xô và là những người chủ yếu nhận thông tin do điệp viên này cung cấp. Họ tuyên bố thẳng với lãnh đạo cơ quan tình báo rằng, con mồi không bao giờ chuyển giao một cái gì giống như các tài liệu của Bill.
Nhưng dù sao thì Trung ương vẫn cảm thấy chưa thoả mãn. Người ta quyết định kiểm tra Bill với sự giúp đỡ của cơ quan tình báo của nước bạn CHDC Đức.
Khi đó, “các bạn Đức” có một điệp viên giá trị và tin cậy làm việc tại trung tâm hàng không vũ trụ Bochum ở Tây Đức. Và người ta đã quyết định nhờ anh này kiểm tra các tài liệu của Bill về các công nghệ được dùng để chế tạo máy bay ném bom tàng hình Stealth, những công nghệ có vẻ là gần như viễn tưởng đối với các chuyên gia quân sự Liên Xô.
Điệp viên Đức đã xác nhận thông tin của Bill! Các quan chức quan liêu của cơ quan tình báo Liên Xô yên lòng và liệt Bill vào loại điệp viên quý giá. Họ không biết là vào thời gian đó đã xảy ra một sự kiện đã có thể dễ dàng đưa họ ra khỏi trạng thái phởn phơ vô căn cứ.
Bill đã mang đến một tài liệu có nêu các tính năng kỹ thuật của một trong những loại tên lửa hành trình tiên tiến nhất của Mỹ. Trong tài liệu có rất nhiều con số, trừ một con số. Chỗ nêu độ chính xác điểm chạm của tên lửa vào mục tiêu lù lù hiện lên một lỗ thủng to tướng. Có ai đó đã thận trọng xoá bỏ con số này, rồi sau đó mới ném vào sọt rác. Không có con số đó thì chắc là người ta coi tài liệu không còn là bí mật nữa.
- Chúc mừng anh nhân dịp gặp được mồi bẫy - trưởng trung tâm tình báo Yakushkin xịu mặt nói khi đọc xong tài liệu. - Đây chính là một trong những dấu hiệu chủ yếu nhất: điệp viên làm cung cấp tài liệu dường như là mật, nhưng trong đó lại không có điều chủ yếu. Người ta đang cố nhử chúng ta vào bẫy mà không làm tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ.
- Anh hãy lưu ý, - Valentin bắt đầu ngắn gọn, - tài liệu chỉ bị xoá có một con số. Với chúng ta, con số nào là con số lớn nhất?
- Số 9, - Yakushkin nói không chắc chắn lắm vì không hiểu Valentin định nói gì.
- Đúng. Tại chỗ này có thể có tối đa là con số 9, nghĩa là 9 bộ (foot), tức là khoảng 3 m. Nghĩa là, độ sai lệch tối đa của tên lửa so với mục tiêu sẽ không vượt quá 3 m. Thế thì có gì khác nhau đâu nếu mà độ sai lệch này là nhỏ hơn thế? Với uy lực của đầu đạn của tên lửa này thì 3 m thực tế có nghĩa là bắn trúng ngay vào mục tiêu.
- Một ý kiến tuyệt vời, - Yakushkin phấn khởi hẳn lên. - Thế thì cậu viết ngay vào bức điện: 3 m.
Lần đầu tiên các chuyên gia quân sự Xôviết biết đến độ chính xác điểm rơi của các tên lửa Mỹ là như thế đấy và vì thế mà họ đã tỏ lòng biết ơn sâu sắc với cơ quan tình báo, thậm chí còn xin tặng thưởng huân chương cho các sĩ quan tình báo.
Nên hiểu điều đó như thế nào?
Còn Bill thì vẫn làm việc không mệt mỏi và thực tế chẳng lấy của Valentin chút thù lao nào mà anh chỉ liều mình vì lý tưởng của mình mà thôi. Anh không thể tưởng tượng nổi là rất nhiều khi kết quả lao động của anh là không đáng với mức mạo hiểm như thế.
Một số tài liệu của Bill vì thế mà đã không ra khỏi phạm vi phòng tổng hợp của cơ quan tình báo.
Bộ Chính trị không được biết về tài liệu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ xác định những điều kiện sẽ buộc Mỹ phải sử dụng sức mạnh quân sự trên quy mô lớn (không kể trường hợp Liên Xô tấn công Mỹ). Trong số các điều kiện đó có: Liên Xô tấn công Tây Đức; phương Tây mất nguồn cung cấp dầu mỏ ở Cận Đông; đảo chính của cộng sản ở Mehicô; Cộng hoà Nam Phi gia nhập khối xã hội chủ nghĩa.
Ban lãnh đạo cơ quan tình báo Liên Xô kinh ngạc một cách khó chịu với những yêu sách có vẻ hạn chế như thế của Mỹ. Hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác, cơ quan an ninh quốc gia Xôviết rung chuông ầm ĩ về những âm mưu bành trướng ngày càng tăng của Washington, “sẵn sàng chơi với lửa khi có cớ hoặc chẳng cần có cớ”. Thế mà trong tài liệu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, người ta thấy gần như là một học thuyết phòng thủ. Mẹ kiếp, thế thì suốt thời gian ấy tình báo KGB đã làm cái gì? Bọn Mỹ định đánh lừa ban lãnh đạo Liên Xô chăng? Hay là Mỹ lại tỏ ra thiếu hiểu biết? Chà, cái tài liệu này mới khó chịu làm sao!...
Không được đưa lên cấp trên còn có cả các tài liệu về những nỗ lực của Lầu Năm góc cân đối chi phí của mình để đạt hiệu quả cao hơn cho mỗi đồng đô la bỏ ra. Nhưng được cái là những thông tin về những khoản đầu tư lớn cho Bộ Quốc phòng Mỹ thì lại được hoan nghênh nhiệt liệt vì trên cơ sở đó Bộ Quốc phòng Liên Xô lại có thể đòi tăng ngân sách cho mình.
Như vậy là các tài liệu của Bill đã đem lại lợi ích cho một nhóm các nhân vật lãnh đạo KGB và tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Trong khi đó, nó lại gây ra những tổn hại mới cho người dân thường Liên Xô vì họ bị đòi hỏi những đóng góp hy sinh mới vì sự hùng mạnh về quân sự của Liên Xô. Kết quả là tuy về hình thức là làm việc cho tình báo Xôviết, nhưng trên thực tế Bill đã giúp nước Mỹ đạt được mục tiêu chiến lược của họ là làm sụp đổ nền kinh tế Liên Xô.
Thế thì chả lẽ Bill là mồi bẫy chiến lược? Valentin thường tự đặt câu hỏi này cho mình và luôn đưa ra câu trả lời phủ định cho nó. Logic nhận định của anh tựu trung lại là: cả FBI lẫn CIA trong tình trạng hiện tại không thể chuẩn bị được một lượng tài liệu nhiều như Bill đã lấy được và nhất là đòi được sự chấp thuận chính thức để chuyển giao chúng cho KGB. Theo anh, chỉ có một nhóm của Mỹ đã có thể đủ sức đánh Bill vào KGB - đó là một nhóm có một không hai gồm 3 người: Bill, giám đốc FBI và tổng thống Mỹ - một bộ ba khó tin, một bộ ba khó có thể cũng giống như bản thân điệp vụ cài cắm Bill.
Valentin đã tin Bill khi anh ta nói: “Tôi giúp đỡ các nhà quân sự của các anh không phải vì họ giỏi hơn người Mỹ mà là vì họ yếu hơn nhưng vẫn tìm cách đối địch lại”. Nhưng anh ta còn hy vọng ban lãnh đạo Liên Xô sẽ buộc phải chấm dứt cuộc chạy đua tự sát nhằm giành thế cân bằng quân sự với Mỹ. Đó đã là phần thưởng lớn nhất đối với anh. Và anh đã nhận được phần thưởng này.
Bước ngoặt căn bản
Tổng bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev qua đời vào mùa thu lạnh lẽo của năm 1982. Người kế nhiệm ông trên cương vị này là nguyên chủ tịch KGB Yuri Andropov (Yuri Vladimirovich Andropov (1914-1984), Chủ tịch Uỷ ban An ninh Quốc gia Liên Xô KGB (1967-1982), Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (1982-1984)). Bộ máy kinh tế của Liên xô đã ở trong tình trạng rất rệu rã có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào và chôn vùi đất nước dưới những mảnh vỡ của mình.
Andropov có lẽ là người nhiều thông tin nhất trong ban lãnh đạo Xôviết nên ông đã nghĩ rằng, không thể tiếp tục sống như thế được nữa. Mùa hè năm 1983, ông yêu cầu tình báo KGB cung cấp thông tin về triển vọng phát triển lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược của Mỹ. Báo cáo này đã được soạn thảo hoàn toàn dựa trên các tài liệu của Bill.
Vào ngày đó, văn phòng rộng lớn của Andropov giống như một bộ tổng tham mưu thời chiến tranh. Các bức tường treo la liệt những sơ đồ bản vẽ, trên bàn đầy ắp những bản đồ, sách tra cứu.
Báo cáo viên là một chuyên gia phân tích của cơ quan tình báo. Điểm cao trào của cuộc họp này là việc trình bày các phương án tương lai triển khai các tên lửa chiến lược của Mỹ. Chuyên gia phân tích này đã diễn đạt những những ý tưởng của mình một cách cực kỳ đơn giản và dễ hiểu. Từ thời Brezhnev, có một nguyên tắc đã bám rễ trong cơ quan tình báo - đó là thông tin càng lên cao càng phải đơn giản. Còn để dành cho Bộ Chính trị thì người ta đã phải viết “để cho bất cứ ai cũng phải hiểu được”.
Theo các tài liệu của Bill thì Lầu Năm góc đang xây dựng những phương án sau.
Phương án 1. Các tên lửa chiến lược bố trí trên mặt đất của Mỹ được triển khai lộ thiên. Nhưng một khi có tín hiệu về việc Liên xô phóng tên lửa hạt nhân thì chúng sẽ được di chuyển sang một bên khoảng 1 dặm - thật là thần kỳ! - Chúng tự vùi xuống đất nhờ một loạt các vụ nổ định hướng. Bên trên chúng được che phủ bởi một lớp đất dày đến mức không sợ bất kỳ một vụ nổ hạt nhân nào. Chúng không hề bị tổn thương trước các tên lửa của Liên Xô vốn đã được nhắm bắn vào các trận địa phóng trống không, và sẵn sàng giáng đòn trả đũa huỷ diệt.
Phương án 2. Các tên lửa chiến lược bố trí trên mặt đất của Mỹ được triển khai bên trong những vách núi lớn ở độ sâu mà khi đầu đạn hạt nhân bắn trực tiếp vào cũng không hề hấn gì. Để phóng các tên lửa từ bên trong vách núi, người ta sẽ thực hiện một loạt các vụ nổ định hướng mà có thể là một vụ nổ hạt nhân công suất nhỏ nhằm tạo ra một đường hầm để theo đó các tên lửa bay ra ngoài.
Lưng còng xuống và với vẻ mặt ốm yếu, Andropov quay sang Kriuchkov (Chủ tịch KGB khi đó):
- Thông tin có đáng tin cậy không?
- Tuyệt đối tin cậy, - vị chỉ huy cơ quan tình báo trả lời.
- Đó là sự kết thúc, - Andropov khó nhọc nói. Tiếp tục tranh đua với người Mỹ trong lĩnh vực quân sự là vô nghĩa. Chúng ta có thể làm khánh kiệt hoàn toàn nền kinh tế. Cần phải thương lượng với Mỹ dù cho phải có những nhượng bộ lớn. Chúng ta làm điều đó càng sớm thì phải nhượng bộ càng ít. Nếu để họ bắt đầu thực hiện các phương án này thì sẽ muộn mất. Mà cũng cần phải xem xét lại học thuyết quân sự của chúng ta nữa.
Đó là một thời khắc lịch sử đánh dấu một bước ngoặt căn bản trong học thuyết chiến lược và đường lối đối ngoại của Liên xô. Gorbachev chỉ đưa vào thực tiễn đời sống cái mà Andropov nghĩ ra nhưng không kịp thực hiện.
Bại lộ
Lúc đó Valentin đang công tác ở Moskva ở cương vị trưởng hướng Washington ở phòng Bắc Mỹ của cơ quan tình báo Liên xô. ở cương vị này, ông điều phối hoạt động của trung tâm tình báo Liên xô ở Washington do vị chỉ huy mới là tướng Androsov đứng đầu. Đóng góp lớn nhất mà Androsov thực hiện trong khi làm việc với Bill - đó là không cản trở. Ông Yakushkin sáng suốt cũng đã hành động đúng như thế và nhờ đó đã dành được những thành công lớn. Điều không may là vị trưởng trung tâm mới lại thích chỉ huy. Việc đầu tiên là ông ta chỉ thị yêu cầu Bill chọn lựa kỹ càng hơn các tài liệu và chỉ mang đến những gì quan trọng nhất. Ông ta nói thế thì an toàn hơn cả cho anh ta lẫn cho sỹ quan chỉ đạo. Thật là một sai lầm lớn!
Đơn thuần là Bill chẳng có dủ thời gian để xem kỹ và chọn tài liệu. Khi dọn dẹp các văn phòng anh thường xuyên nằm dưới sự kiểm soát của bộ phận bảo vệ ở đó. Theo chỉ thị của Androsov chỉ Bill còn có nước hoặc là ở lại lâu hơn trong thang máy với những bao tải giấy (điều này cực kỳ nguy hiểm) hoặc là đem tất cả về nhà rồi ngồi mà chọn tài liệu. Hiển nhiên là điệp viên đã chọn phương án 2. Chẳng bao lâu nhà anh ta đã chất đống những tài liệu đánh cắp. Làm gì với chúng bây giờ? Trước đây anh chỉ cần vứt chúng đi thôi, nhưng hồi ấy anh còn chưa phải là một điệp viên của tình báo Xôviết, nên quá lắm thì anh chỉ bị đuổi việc. Còn bây giờ thì anh có nguy cơ bại lộ nguy hiểm.
Nhưng Androsov chẳng hề nghĩ đến điều đó và mùa xuân năm 1983 đã ra lệnh cho Bill chuyển sang liên lạc bằng hộp thư chết, một phương thức liên lạc được coi là an toàn hơn. Trong thực tế, việc chuyển tài liệu thông qua các hộp thư chết về kỹ thuật phức tạp đến nỗi việc ách tắc trong liên lạc nhất là ở giai đoạn đầu là không thể tránh khỏi: mà từ ách tắc trong liên lạc cho đến bại lộ chỉ còn là gang tấc.
Một thời gian sau, Bill đã giấu một hộp tài liệu cách vị trí mà sỹ quan chỉ đạo xác định trong quy ước 3 mét. Mọi cố gắng tìm hộp tài liệu đều không thành công. Phải mất gần 2 tuần thì cuối cùng chính Bill mới tìm ra và lấy lại nó.
...Nhưng Valentin bỗng lo ngại: “Thế chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong vòng 2 tuần ấy hộp tài liệu rơi vào tay FBI và bọn phản gián cứ để nguyên nó tại chỗ để bắt đầu trò chơi với KGB?”
Chuyện đã có mùi khét rồi.
Vào giữa tháng 9 năm 1983, trạm chặn thu của trung tâm tình báo Liên Xô ở Washington đã phát hiện ra có theo dõi ngoài đối với một đối tượng nào đó ở trung tâm Washington. Thông thường, các nhân viên theo dõi ngoài của FBI sử dụng liên lạc mã hoá. Nhưng lần này họ liên lạc trực tiếp và các cuộc đàm thoại này cho thấy chắc chắn đang có đuôi bám theo Bill.
Cũng trong chiều đó, người ta quyết định phát tín hiệu báo động cho Bill. Nhưng rõ ràng là Bill, sau khi phát hiện bị theo dõi, đã tự cảnh báo nguy hiểm cho tình báo viên Xôviết. Anh đã làm được điều đó ngay trong tình huống có theo dõi ngoài dày đặc đến thế! Người ta phải ngừng làm việc với Bill và sau đó một thời gian đã biết được một vài chi tiết về sự bại lộ của Bill. Trung tâm tình báo của KGB ở Peru đã liên hệ với một người họ hàng của anh, người này cho biết có một lần FBI đã sục đến khám nhà và phát hiện ra một lượng lớn giấy tờ đánh cắp.
Dấu vết của điệp viên biến mất hoàn toàn. Còn Valentin cho đến nay vẫn chưa biết chắc chắn ai đã thu hút ai cộng tác. Hoặc là anh đã thu hút anh hoặc là Bill đã sử dụng anh, một tình báo viên Liên Xô để chinh phục những đỉnh cao mới trong công việc ưa thích của mình - “Lượm rác học”.