Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: Bá tước đa tình - Hiến vợ cho lý tưởng (3)

VietnamDefence - Thuyết phục vợ yêu cưới kẻ thù để lấy tin tình báo - đó là hành động anh hùng hay tội ác? - Day dứt của Bá tước Dmitri Aleksandrovich Bystrolyotov, một trong những điệp viên lỗi lạc nhất của tình báo Liên Xô.

Điệp viên Romeo của Stalin - Dmitri Aleksandrovich Bystrolyotov (4/1/1901-3/5/1975)
Trong những năm ấy đã xảy ra một chuyện nhỏ nhưng rất khó chịu với Liên Xô. Làm việc tại sứ quán của chúng ta ở Paris có một anh chàng Besedovsky, lớn tuổi và một đảng viên được tín nhiệm ở chức vụ cao nào đó. Hắn đã lợi dụng quỹ mật gửi từ Moskva, bỏ ngoại tệ và những tài liệu quan trọng nhất vào chiếc valy nhỏ và chạy vào vòng tay tình báo Pháp.

Sau đó tên phản bội còn in thêm cả một cuốn sách tố giác chúng ta. Stalin chăm chú đọc cuốn sách này và tại một chỗ ông viết lên lề vẻn vẹn hai từ: “Nối lại”.

Sau đó, tôi được gọi từ các fio Nauy tới một cuộc gặp bí mật ở Oslo, tại khách sạn Viking và nhận lệnh khẩn cấp quay về Moskva. Với giấy tờ của một kỹ sư dệt người áo, tôi lập tức lên đường theo một hành trình dài đầy dích dắc và tại Lubyanka, tôi đã nhận tận tay chính cuốn sách ấy, trong đó thu hút sự chú ý của tôi là một câu chuyện về sự việc ngớ ngẩn đã xảy ra ở sứ quán Liên Xô ở Paris mà bây giờ tên phản bội đã nói ra công khai.

Besedovsky viết rằng, có lần một người đàn ông tóc đen nhỏ bé có chiếc mũi đỏ, mặc bộ đồ xám và đội mũ nồi, với bông hoa cẩm chướng đỏ chói cài trên khuy áo và xách chiếc cặp to màu vàng đã đến sứ quán Liên Xô ở Paris. Người lạ mặt đòi được gặp tuỳ viên quân sự. Khi một mình đối diện với ông ta, người này lấy trong cặp ra những cuốn vở bìa đen và tuyên bố:

“Đây là toàn bộ mật mã của Italia. Chúng đáng giá 250 ngàn franc Pháp. Nếu có mật mã mới đưa vào sử dụng, ông sẽ nhận được chúng và lại 250 ngàn nữa. Giá trị của tôi với tư cách một nguồn tin không chỉ là ở chỗ anh nhận được chìa khoá khám phá những bí mật của kẻ thù của nước ông mà cả khả năng khai thác nguồn tin này trong nhiều năm.

Hiển nhiên là ông có điệp viên của mình tại bưu điện Paris để thu thập các bức điện mật mã, trong đó có cả của sứ quán Italia. Tôi tin ông. Ông cầm lấy các sổ mật mã này đến phòng mật mã của ông và giải mã thử vài bức điện của Italia. Lúc đó ta sẽ tính toán với nhau”.

Vị tuỳ viên quân sự tin các mật mã là thật, ông cho chụp ảnh rồi trả lại cho người lạ và xua ông ta khỏi sứ quán bằng cách la lối ông ta là kẻ tống tiền, rằng qua kiểm tra cho thấy tài liệu của ông ta là vô dụng và nếu ông ta không biết điều đi ngay thì sẽ gọi cảnh sát đến. Người lạ chết sững, nhún vai và nói: “Ông đã đánh cắp của tôi 250 ngàn franc. Đối với một người thì đó là mất mát lớn, nhưng đối với một nước lớn thì đó là món thu hoạch quá nhỏ. Nhưng chính ông đã chối bỏ một nguồn tin giá trị hiếm có và như vậy nó đã cho thấy các ông không phải là những nhà tình báo mà là những kẻ keo bẩn, những kẻ làm ăn nhỏ xảo trá không có nhãn quan tầm cỡ quốc gia...”.

Các bản sao mật mã đã được gửi về Moskva với tin báo tiệp mô tả những thủ đoạn tinh vi đã giúp tình báo chúng ta khám phá những bí mật về đường lối của Mussolini, đồng thời lại tiết kiệm khối tiền cho nhà nước Xôviết. Vị tuỳ viên quân sự được nhận huân chương, còn người Italia đã lập tức thay đổi mật mã và toàn bộ thành tích tan thành mây khói.

Tại Lubyanka, người ta kể cho tôi nghe toàn bộ và nói thêm:

- Anh đã đọc thấy chữ “Nối lại” trên lề chưa?

- Rồi.

- Stalin viết đấy. Đó là mệnh lệnh. Đêm nay, anh phải quay về và tìm cho ra người này và nối lại quan hệ với anh ta để nhận những tài liệu ấy.

Tôi há mồm vì ngạc nhiên.

- Nhưng tôi biết tìm ông ta ở đâu cơ chứ?

- Đó là việc của anh.

- Mà chúng ta chỉ biết là anh ta thấp nhỏ, có chiếc mũi đỏ to. Trên trái đất này, những người như thế có cả triệu!

- Có thể.

- Làm sao mà tìm ra ông ta được?

- Nếu như chúng tôi biết điều đó rồi thì chúng tôi cần quái gì anh. Đã hiểu mệnh lệnh chưa? Thi hành đi! Tiền không hạn chế, thời gian cho thực hiện điệp vụ này rất hạn hẹp - chỉ nửa năm. Chúc anh thành công.

***

Trên bờ hồ ở Geneva, tôi ngồi trên một chiếc ghế dài và chậm rãi ném đồ ăn cho đám thiên nga.

- Ông “mũi to” của tôi ở đâu nhỉ? Làm thế nào tìm được ông ta? Bắt đầu từ đâu bây giờ?

Tôi đã cử hai nhân viên cấp dưới dũng cảm và được việc của tôi là Pepick và Erika giả làm thợ chụp ảnh trên phố gần các sứ quán Italia ở các nước khác nhau với nhiệm vụ chụp ảnh tất cả những quan chức sứ quán có dáng thấp nhỏ. Chúng tôi quyết định bắt đầu từ các thủ đô lớn. Chúng tôi đã có danh sách họ tên các quan chức. Vừa cho thiên nga ăn, tôi vừa nghĩ “Mũi to” có thể không phải là kẻ phản bội mà là người trung gian của kẻ phản bội.

Một tuần sau, đám thiên nga đã nhận được tôi và lao đến từ tứ phía ngay lúc tôi còn chưa kịp ngồi xuống ghế dài. Không, độ mạo hiểm của kiểu phản bội như thế quá lớn... Một quan chức sứ quán có quyền tiếp cận các mật mã, sẽ bị nhận ra khi có mặt người khác và khi trao tài liệu.... Kẻ phản bội chắc phải là nhân viên phòng mật mã của Bộ Ngoại giao Italia. Một tuần sau tôi lại chính xác hoá thêm: “Hay có thể là một thành viên chính phủ!”

Cho đến lúc đó, các tài liệu gửi đến liên quan đến những bức ảnh của tôi lại chẳng có gì phù hợp. Cả bức thư từ Moskva, trong đó thông báo là một đồng chí có trọng trách đã nhớ được thêm hai dấu hiệu của người lạ mặt đó là: “Mũi to” cư xử thoải mái và không có vẻ là một nhà ngoại giao lão luyện. Mặt ông ta có màu vàng sạm, còn cái mũi màu đỏ có lẽ không liên quan đến rượu và bệnh tật mà là do cháy nắng.

Hôm đó, đám thiên nga được ăn suất nhiều gấp ba bình thường. Thứ nhất, các cử chỉ của “Mũi to” đã xác nhận sự phán doán của tôi - ông ta không phải là kẻ phản bội tổ quốc mà chỉ là điệp viên của kẻ phản bội. Thế còn màu da vàng sạm thì sao?...

Tôi suy nghĩ mất một tuần và bỗng vỗ vào trán mình - đó là sạm da do ở vùng núi. “Mũi to” - hoặc là người Thuỵ Sĩ, hoặc đang sống ngay ở đây! Nhưng chính xác là ở đâu? Tên điệp viên của kẻ phản bội có liên quan đến tình báo và đang làm cái việc mạo hiểm chết người này có thể phét lác ở đâu tại đất nước Thuỵ Sĩ tí hon này được nhỉ? Chỉ có thể là ở Geneva!

Đàn thiên nga trong cái ngày may mắn ấy cũng được ăn không ít, còn tôi thì gọi ngay nhà hình hoạ thành Antwerp tuyệt vời Gan van Loi của tôi đến đây.

Geneva là một thành phố buồn, kiểu cách nặng dấu ấn của trường phái Tân giáo Calvinism, và tất cả những người nước ngoài vui tính, nhất là những người có công việc đặc biệt, thường có mặt ở hai địa điểm - quán Internationale Bare đắt tiền và quán bia rẻ tiền Brasseri Universaille. Các bức tường của hai quán này dán đầy chân dung các nhà văn danh tiếng có chữ ký của họ. Giữa các bức chân dung còn có không ít những bức ảnh, nhưng có cả những tranh vẽ tuỳ hứng do các hoạ sĩ vãng lai vẽ. Tôi để Gan ngồi trong quán Brasseri, còn mình thì vào quán mang theo bút chì và giấy với bộ dạng một hoạ sĩ nghèo. Và cả hai chúng tôi chỉ trong một ngày đã tóm được “Mũi to”!

Tiếp đó chỉ còn việc hành động mạo hiểm. Thừa nhận mình là tình báo viên Xôviết có thể là sai lầm vì “Mũi to” đã một lần bị nhục nên bây giờ ông ta không chỉ không tin mà còn căm thù chúng tôi hơn bất kỳ ai. Thế là tôi quyết định giả làm một găngxtơ Mỹ kiêm tình báo viên Nhật.

Nhân viên quán bar Emile mang cho tôi rượu whisky với soda. Trong quán có ít khách và khi Emile lảng đi quay sang nói chuyện với một cô gái Mỹ xinh đẹp thì tôi cả quyết ngồi xuống ghế cạnh “Mũi to”.

- Hoá ra chúng ta đều là người quen! - tôi khơi mào thẳng thừng và mở chiếc hộp thuốc bằng vàng.

- Tôi không nhớ là... - “Mũi to” ngạc nhiên, nhưng vẫn cầm lấy điếu thuốc lá. - Thế ai đã giới thiệu chúng ta với nhau thế?

- Chẳng phải ai, mà là cái gì, signor (tiếng Italia - thưa ông), - tôi trả lời. Tôi dừng lại khá lâu rồi thì thầm vào tai “Mũi to”: Các mật mã của Italia ấy mà!

Ông ta run bắn người, nhưng lập tức tự chủ được:

- Emile, tôi trả cho cả hai! Chúng ta đi thôi, thưa ngài.

Trên phố ông ta nắm rất chặt khuỷu tay tôi:

- Thế nào?

- Khuỷu tay thì có ý nghĩa gì vì tôi bắn rất siêu đấy - tôi cười mỉa mai. - Chúng ta sẽ là bạn! Người Nhật không thể tự mình làm việc của mình vì mắt thì một mí, da thì vàng, nhưng họ biết giữ câm lặng như nấm mồ và trả tiền kha khá đấy. Tôi biết ông thường có hàng, còn tôi thì có tiền.

Chúng tôi đã bắt đầu hợp tác và trong quá trình làm việc, tôi dần dần hiểu ra rằng, kẻ làm trò buôn bán mật mã không phải ai khác mà chính là ngoại trưởng Italia, ngài bá tước Ciano, chồng của Mafalda Mussolini. Theo uỷ thác của ông ta, “Mũi to” đi khắp các cường quốc và thu lượm đôi triệu, rồi sang các nước tầm tầm để bán cũng những mật mã ấy với giá rẻ hơn, đáng nghìn thì bán lấy trăm, rồi sang các nước nhỏ để bán đổ bán tháo hàng của mình với giá bèo bọt, đáng nghìn thì bán lấy chục.

Khi mà cả trái đất đã được trang bị đủ các mật mã của Italia thì bá tước Ciano liền đổi mật mã và “Mũi to” lại lên đường làm một chuyến chu du mới quanh thế giới để tìm bạn hàng.

Sau khi cuốn sách tố giác của Beseodovsky được xuất bản, gia đình duce (Duce - tiếng Italia nghĩa là lãnh tụ, từ được dùng để chỉ nhà độc tài phát xít Italia B. Mussolini - ND) náo loạn: họ không muốn mất mánh làm ăn ngon lành như thế. Điệp viên của Ciano trong sứ quán Berlin đã bí mật nhét cuốn sổ mật mã vào sau chiếc tủ nhỏ trong nhà vệ sinh và nói là bị mất. Ciano bất ngờ đến đó kiểm tra và truy tìm. Ông ta đã “tìm thấy” tài liệu bị mất và tống các nhân viên mật mã lên “đảo quỷ” của Italia là Stromboli. Tất cả họ đã chết ở đó. Chúng làm thế còn là để nhân dân Italia thấy rằng, trong cuộc chiến vì lợi ích quốc gia, bọn phát xít chẳng thương xót một ai. Vụ việc đã được ém nhẹm khéo léo như vậy.

“Mũi to” té ra là một sĩ quan quân đội Thuỵ Sĩ người gốc Italia, đã về hưu, có quan hệ rộng ở Roma và Vatican bởi chú ông ta là một hồng y. Làm việc với “Mũi to” không hề buồn chút nào.

Nhưng điều tồi tệ là tên bợm này lại hay mạo hiểm vì những chuyện nhỏ nhặt. Một lần ở Dower, nước Anh, chúng tôi xuống khỏi phà và đi trong nhóm hành khách hạng nhất - ở Anh họ không bị kiểm tra hải quan. Đó là một buổi chiều đầy sương mù, khắp nơi là đầy những cớm dắt chó và treo đèn trên ngực. Bỗng từ ống quần của “Mũi to” rơi ra cái gì trăng trắng. Tôi chết lặng. Tên cớm khiêm tốn đưa mắt xuống, các quý bà, quý ông cũng vậy. “Mũi to” bình tĩnh cúi xuống và nhét cái cuộn màu trắng vào chiếc mũi to tướng của mình. “Đó là đăng ten Brussels! - sau đó anh ta giải thích cho tôi - Tôi mang đi bán để kiếm thêm ấy mà!”

Chút nữa thì tôi táng cho hắn một trận... Còn sau đó, hắn suýt bắn tôi, còn tôi thì thoát thân được một cách tình cờ. Chuyện bắt đầu từ việc hắn bán các mật mã mới ban đầu ở Tokyo cho người Nhật, còn sau đó là cho tôi ở Berlin và bằng cách đó hắn xác định được là tôi không phải làm cho Nhật. Sau đó, theo danh sách những nước đã mua mật mã của hắn, hắn xác định được tôi là tình báo viên Liên Xô. Hắn tái mặt vì căm tức vì hoá ra chúng tôi đã lừa được hắn đến cả lần thứ hai!

Hắn đã thuyết phục tôi đi ngay sang Thuỵ Sĩ gặp hắn để ở đó hắn sẽ giới thiệu tôi trực tiếp với bá tước Ciano và Edda Mussolini. Tôi đồng ý. Buổi chiều, chúng tôi ngồi lên chiếc xe ôtô khoẻ của hắn và đi về miền nam.

Trời mưa như trút nước. Chiếc xe lao vút qua màn mua như một cơn lốc, vượt qua những đoàn tàu hỏa đi cùng đường. Cả hai đều im lặng. Bình minh chúng tôi đã đến Zurich và dừng lại trước một biệt thự lớn màu tối ở trên núi Dolder. “Mũi to” khoá cổng và cửa vào. Bật đèn. Tiền sảnh lộng lẫy nhưng trống không, trên các bức tượng và tranh phủ đầy bụi, đồ gỗ được phủ vải che. Tôi hiểu ngay đây là cái bẫy. “Mũi to” bắt đầu cởi áo. Tôi đứng trước gương để có thể quan sát được từng cử động của hắn - hắn cố tìm cách đứng sát sau lưng tôi. Tôi đã cầm lấy khẩu súng ngắn trong túi, đạn đã lên nòng. Tôi đã trông thấy hắn mặt méo xệch vì tức giận rút súng ngắn khỏi bao súng dưới nách. Tôi đã có thể bắn trước, nhưng không phải bắn - trên phố chợt vang lên tiếng còi xe ngắn và to, cả thành phố bừng tỉnh, chuyển động bắt đầu. Vì bất ngờ, “Mũi to” run bắn người và rút tay ra.

- Thằng ngu, - tôi nói. - Đó là các chiến hữu của tôi vừa đến và báo cho tôi biết là nếu sau 10 phút nữa mà tôi không ra thì họ sẽ xông vào đây và sẽ lặng thinh biến ông thành món thịt băm. Chúng tôi mạnh hơn. Hiểu không? Tôi nhắc lại: đừng có giở trò ngu ngốc! Thế mà cũng đòi làm tình báo, ha ha! Chả lẽ cả đêm anh không bao giờ ngoái lại và thấy là đằng sau chúng ta ngay từ Berlin đã có một chiếc ôtô thứ hai chạy theo ư?

“Mũi to” quay sang phàn nàn về chuyện tiền nong, còn tôi hứa sẽ trả thêm và may mắn thoát khỏi biệt thự. Biệt thự này chính là điểm khởi đầu để tôi tìm hiểu “Mũi to” và các mối quan hệ của hắn.

Trong thời gian làm việc với tôi, “Mũi to” đã kịp giới thiệu tôi với rất nhiều điệp viên của các cơ quan tình báo khác.

Trong khi mải khoác lác trên trời dưới biển, “Mũi to” dường như đã buột miệng nói rằng, ở Locarno, có vị đại tá bộ tổng tham mưu Italia về hưu Gaetano Vivaldi, một người đàn ông đã có tuổi, goá vợ và một kẻ bảo hoàng triệt để, đang sống tại một biệt thự sang trọng. Biệt thự của ông này là trung tâm tình báo Italia chống lại nước Đức Hitler, mà Mussolini thì đang theo dõi tình hình vũ khí trang bị của nước Đức với sự ghen tức và lo lắng.

Tôi đã viết báo cáo về việc cần tìm cách tiếp cận viên đại tá. Các tướng Malli và Bazarov, những người từng là thủ trưởng của tôi ở nước ngoài, đã ủng hộ tôi. Boris Berman đã đồng ý. Moskva cũng tán thành.

Kế hoạch rất đơn giản: cho vợ tôi lấy đại tá Vivaldi làm chồng.

Tôi chưa hề có kinh nghiệm để người vợ yêu quý của mình lấy người khác làm chồng để đạt được những mục đích chính trị-quốc gia. Trong sách vở cũng không có cái gì mà từ đó có thể tìm thấy những chuyện tương tự. Tôi buộc phải tự quyết định phải nói chuyện thế nào để Yolanta có thể hiểu hết được thâm ý của biện pháp này. Nó phải vượt lên mọt sự việc bình thường, quen thuộc mà đạt đến đỉnh cao của chiến công đầy hy sinh. Nếu không thì có thể thấy trước sự từ chối và một thảm kịch gia đình.

- Em yêu, - tôi cố nói một cách dịu dàng tối đa khi một lần chúng tôi ngồi ở Davos, trên ghế trong công viên xung quanh bọn sóc chạy nhảy, chúi mũi vào túi chúng tôi và lấy chân bới ra những quả hồ đào (tôi bắt đầu nói tiếng Nga, vì nếu nói tiếng Anh thì phải dùng đại từ nhân xưng “you” nó lạnh nhạt thế nào ấy). - Em yêu, công việc của chúng ta được trả khá hậu hĩnh và chúng ta đang trở thành những anh hùng với cuốn séc trong túi. Một đêm nào đó trên cây cầu Karlow ở Praha, em đã nói là không muốn hạ mình đến mức đó.

Yolanta quay ngoắt lại nhìn tôi.

- Anh nói tiếp đi. Em đang lắng nghe đây.

- Cần phải giũ mình và tiến một bước nữa về phía trước. Chúng ta đang chơi với lửa, hiện tuy nó chưa đốt cháy, nhưng nó có thể làm chúng ta bị bỏng.

- Có cần thế không?

Tôi sắp xếp lại ý tứ.

- Hình như em đã nói là em yêu anh vô cùng. Em muốn giữ cái chủ yếu nhất của anh đó là tâm hồn anh, còn tâm hồn của em thì em trao nó cho anh. Như vậy em đã làm cho anh hiểu rằng mỗi người chúng ta đều có quyền có những quan hệ tình cờ.

- Em không nói một cách đơn giản và thô thiển như thế.

- Có thể, Yola. Nhưng chúng ta đã làm đúng như vậy. Khi anh dẫn em đến Berlin khám bệnh, em đã như dở sống dở chết và suýt chết sau một điệp vụ không thành công. Lúc anh vào phòng, thậm chí em còn không đủ sức để quay đầu trên gối mà chỉ đưa mắt nhìn anh. Anh cảm thấy mình sẽ khóc oà lên ngay lúc đó, nhưng để che giấu điều đó, anh đã giả vờ như bị ho và thò tay vào túi lấy khăn mùi xoa. Ngay lúc đó anh chợt nhìn thấy nụ cười yếu ớt của em - nụ cười đầu tiên. Lúc đó anh nhận ngay ra là thay vì chiếc khăn mùi xoa, anh đã móc ra một chiếc quần xi líp màu hồng mà trước đó anh đã cởi của một cô gái khá ngon lành nên anh đã hốt hoảng nhét lại vào túi. Còn em sau đó không bao giờ nhắc lại điều đó với anh.

- Đúng, vợ tôi trả lời một cách nghiêm túc.- Đúng là đã có chuyện như thế.

- Và anh đã đáp lại em cũng đúng như thế. Khi anh đến với em, ban đầu ở Aroza sau đó ở Davos, anh luôn gọi điện từ Paris: “Anh đang đến đây!” để em có thời gian tìm chiếc cà vạt hoặc đôi tất lạ nào đó trong nhà mình để kịp cất đi.

- Và anh đã không thấy chúng.

- Cảm ơn em. Em nói đúng. Nhưng thời gian vẫn trôi đi, cuộc chiến đấu ngày càng gay go, nó làm cho tất cả trở nên tàn nhẫn hơn. Chiến tranh đang tới gần, em ạ.

Tôi dừng lại một cách đầy ý nghĩa. Cô ấy im lặng. Sau đó nở nụ cười.

- Chúng ta không tránh được những điều đó, Yola. Khi Hermman, nguồn tin quý giá của chúng ta, bị bại lộ và anh buộc phải khử anh ta, Moskva hạ lệnh cho cả nhóm chúng ta - anh, Pepick và Erika phải rời khỏi nước này. Anh đã cho họ đi, còn mình thì ở lại. Anh có hộ chiếu chắc chắn và nó sẽ bảo đảm cho anh có đường lui. Anh đã quyết định thử tuyển một ai đó trong số các bạn làm cùng bộ của Hermman.

Bà vợ của một sĩ quan Đức đã mời anh đến ăn và còn nói thêm là sẽ có một người bạn của ông chồng đã quá cố của bà sẽ đến. Anh ta là một người rất dễ chịu nhưng lại là một kẻ nát rượu. “Đúng là dê tự đem thân đến miệng cọp!”- Tôi vui mừng và đến dự bữa ăn. Tôi tự giới thiệu với người quen mới mình là nhân viên của nhà băng nước ngoài mà người quá cố đã gửi tiền. “Bây giờ tôi đang bảo vệ quyền lợi của bà goá của gia đình người đã mất”- Tôi giải thích.

Khi nhìn vào khuôn mặt đã say xỉn của quan chức ấy, tôi nghĩ cách làm thế nào tiếp cận với ông ta cho khéo hơn. Bỗng ông ta nhìn quanh và đứng bật dậy đóng hết các cửa rồi thì thào rất nhanh rằng Hermman đã phạm một tội nặng ở cơ quan, có dư luận nói rằng ông ta chết không phải là vì tự sát mà là bị giết và rằng hiện nay trong thành phố này vẫn còn một kẻ đồng loã của ông ta, một điệp viên của một cường quốc nước ngoài và có thể chính anh ta là kẻ sát nhân.

Ban đầu, câu chuyện với nữ chủ nhà cũng dở hơi, sau đó bà ta bắt đầu kể những chuyện khiến tôi lạnh cả người.

Bà ta không hề nghĩ là đã giao mạng sống của mình cho tôi nên đã kể rằng trong hành vi của người chồng lúc nào cũng say xỉn của bà có nhiều điều kỳ quặc nên anh ta thường xuyên ra nước ngoài và luôn mang theo những tài liệu công vụ nào đó để trong chiếc cặp của giao thông viên ngoại giao. Sau đó, bà ta bỗng thú thực là chính ông ta đã nhận được hộ chiếu ngoại giao một cách phi pháp và thậm chí còn yêu cầu bộ trưởng ngoại giao ký một hộ chiếu nước ngoài ghi tên họ một vị quý tộc nào đó không bao giờ tồn tại trên thực tế.

- Họ tên? - ông quan chức kia đỏ mặt quát.

Cô ta liền nói ra cái tên họ được ghi trên tấm hộ chiếu tưởng chừng vững chắc như bê tông của tôi.

Ông ta lao ngay đến điện thoại và quay số đọc cái họ tên này rồi ra lệnh:

- Hãy ra lệnh truy nã ở tất cả các cửa khẩu biên giới để bắt giữ ngay! Đặc biệt khẩn cấp!

Cũng cần phải nói là sự sợ hãi bao giờ cũng đến với tôi khi mà sự nguy hiểm đã trôi qua. Lần này cũng vậy. Tôi bình tĩnh đỡ chiếc ống nghe từ tay ông khách nọ và vừa cười vừa nói:

- Tôi nghĩ tôi có thể khám phá được nhiều hơn cho ông. Từ lâu, tôi cũng có những điều nghi ngờ và tôi sẽ nói với ông ngay bây giờ đây. Cái họ tên ấy chắc là bịa và ông không thể tóm được người đó đâu. Tôi đề nghị với ông một cách khác. Nhưng đó là một câu chuyện dài. Và rất buồn tẻ đối với quý bà của chúng ta. Tôi đề nghị ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau vào lúc 2 giờ tại nhà hàng Adlon. Ngay bây giờ, tôi sẽ đặt bàn.

Tôi quay số và đặt bàn. Tôi bóp bụng cố ngồi cho đến hết bữa ăn. Sau đó, tôi ẩn vào góc Tirgarten - một vườn hồng mang tên một nữ hoàng nào đó.

Tôi nghĩ. “Tất cả toi rồi... Tôi đã bị mắc bẫy rồi... Chẳng còn hy vọng gì nữa - tôi chỉ có một mình”.

Yolanta thở phào. Cô vỗ tay.

- Và bỗng nhiên em xuất hiện! Mang theo một hộ chiếu mới trong buồng gửi quần áo dành cho anh, anh yêu!

Tôi cầm tay cô và áp vào môi.

- Lúc đó, em đã cứu sống anh.

Nhìn tôi với đôi mắt long lanh, cô phẩy tay.

- Thôi mà!... Quên chuyện đó đi anh yêu! Chúng ta là đồng chí cơ mà!

- Đúng, - tôi nói.- và với tư cách một đồng chí đã được em cứu sống, anh chuyển cho em một đề nghị của Trung ương...

Yolanta tái mặt. Cô mở to mắt.

- Sao?

- Em phải đi lấy chồng. Lấy một viên đại tá đứng tuổi chỉ huy của tình báo Italia chống lại Hitler. Ông ta thường đi Roma và Cologne, nơi có một người họ hàng là vợ của một sĩ quan Đức đã được người Italia tuyển mộ. Viên đại tá này có nhiều thông tin quân sự rất quan trọng. Em sẽ lấy trộm mẫu chìa khoá két và mở cửa cho anh vào nhà vào những giờ quy định. Anh sẽ chụp anh toàn bộ.

- Còn em?

- Em thì sao?

- Thế em phải đóng vai vợ ông ta hay sao?

- Đúng vậy.

Chúng tôi im lặng rất lâu và khi sự im lặng trở nên không chịu đựng được tôi nói:

- Chẳng phải em đã phải cầu nguyện trước ảnh anh trong suốt những năm anh làm việc cho tình báo hay sao. Có gì khác nhau đâu...

Cô ấy nặng nề cất đôi mí mắt. ánh mắt cô ánh lên cái gì rất lạ với tôi.

- Thế mà có đấy! Có khác biệt đấy, chỉ tiếc là anh không hiểu thôi. Em rất tiếc.

- Yola, nhưng...

- Chờ một chút. Em hỏi anh, liệu các thủ trưởng của anh - Boris Berman và hai vị tướng của chúng ta có đưa vợ họ vào giường kẻ khác không?

Tôi không trả lời....

Đêm đó, Yolanta bỗng đánh thức tôi. Tôi mở mắt và thấy căn phòng sáng trưng, Yolanta đang vội vã mặc quần áo và mắt ẫm lệ hét lên với tôi:

- Tôi không cần biết con đĩ Mafalda Mussolini là con nào, nhưng sao anh muốn biến tôi thành con đĩ, sao anh lại nỡ đối xử với tôi như thế...

- Em yêu, bình tĩnh nào. Em hãy ôm lấy anh đi! Em phải hiểu là việc làm điếm đó cũng là một việc đặc biệt cần thiết, sẽ không ai dám chê trách em đâu.

Khi mặc váy, Yolanta lúng túng rất lâu trong những nếp gấp, cuối cùng cũng chui được đầu qua và vừa nuốt lệ, cô rít lên:

- Anh bắt tôi... với một đại tá cơ mà!

Cô ấy dùng cách nói rất thô bỉ.

Cô ấy kéo chiếc váy cho bó vào người, lấy ống tay lau những giọt nước mắt, túm lấy chiếc valy, lôi nó ra giữa phòng, mở tủ và và vừa khóc nức nở vừa ném váy áo vào valy. Bỗng cô ấy ngừng lại, quay lại với tôi và hét lên bằng tiếng Anh:

- You are bastard, lousy of a bitch. (Anh là thằng con hoang, thằng chó đẻ).

Cô ấy quỵ gối trước chiếc valy và gục mặt vào đống quần áo nhàu nát.

Cảm thấy là sự việc đã đi quá xa, tôi quyết định thực hiện một bước đi tuyệt vọng: tôi ngồi xuống sàn nhà bên cạnh, ôm lấy vai cô và cố hết sức nhẹ nhàng và bình tĩnh kể về quan hệ của mình với Forella Imperiali. Tất nhiên là tôi đã đặt dấu chấm hết cho câu chuyện tồi tệ này. Nhưng nó lại chống lại chúng tôi, chống lại công việc hèn hạ này và có thể là lý lẽ mà Yolanta muốn có.

- Em thấy đấy, em yêu, cả hai chúng mình đều là nạn nhân. Nhưng là các nạn nhân tự nguyện. Chúng ta bước chân vào lửa để sự nghiệp của chúng ta thắng lợi.

Nhờ tôi nói mà những tiếng thổn thức dần ngừng lại. Yolanta bình tĩnh lại và tôi thở phào nhẹ nhõm. Và tôi chỉ muốn nói: “Đấy em xem, mọi chuyện đã ổn”, - đứng dậy từ tư thế quỳ gối, Yolanta ngửng mặt lên và tôi chết lặng: đó là gương mặt của của người mù hoặc của người sáng, nhưng nó không biểu hiện cái gì cả, đôi mắt mở to trống rỗng nhìn lên trên thế giới này vào một thế giới khác.

Cô ấy bình tĩnh đứng dậy và nói bằng tiếng Anh.

- Xin anh thứ lỗi. Anh hãy đứng dịch ra một chút. Cám ơn.

Và cô ấy bắt đầu treo lại quần áo vào tủ. Cô ấy cầm lên, giũ, phủi bụi, vuốt phẳng những nếp gấp và cẩn thận treo lần lượt từng cái lên mắc áo.

Không hề quay lại, cô ta hỏi qua vai:

- Cái áo này em mặc vào đêm tân hôn của chúng ta phải không?

- Đúng rồi.

Im lặng, Yolanta bình tĩnh đóng cửa tủ, cởi quần áo và nằm xuống giường.

- Em tắt đèn nhé?

Chúng tôi nằm cạnh nhau mà mắt mở chong chong. Trong bóng tối, Yolanta nói bằng tiếng Anh:

- Ông là một anh hùng. Nhưng tôi nghĩ ông hiểu là giữa chúng ta mọi chuyện đã kết thúc. Ông đã đạt được cái ông muốn: tôi sẽ là vợ của đại tá Vivaldi. Nhưng đồng thời tôi cùng không còn là vợ ông. Ông là một con người đáng sợ. Ông đừng chạm vào tôi. Ông là tên sát nhân.

- Nhưng anh đã giết ai, Yola?

- Chính tôi đây...

***


...Tôi không định viết về tình báo Liên Xô và công việc của tôi khi làm cho tình báo Liên Xô, không muốn làm độc giả sửng sốt về những chuyện phiêu lưu bốc phét và tự tôn mình thành anh hùng. Tôi đang viết về người vợ mình, còn về tình báo tôi nhớ đến rất ít, mà chỉ là để miêu tả cuộc sống của chúng tôi khi đó, tính chất cuộc sống ấy và nếu các bạn muốn là cả phong cách của nó nữa.

Khi chuẩn bị điệp vụ Vivaldi, chúng tôi nhớ lại một người mà tôi quen biết sơ sơ - ông bá tước già Caesar-Adolf-August Estergazi. Ông bá tước này đã phung phí hết sạch tài sản của mình, kể cả một cung điện tuyệt đẹp ở Praha và bây giờ đang chui rúc ở đó trong căn nhà nhỏ của người làm vườn trước đây. Căn nhà nhỏ chỉ có một phòng mà chiếm trọn nó là chiếc gia huy bằng đá của dòng họ bá tước Estergazi. Nó nằm tựa vào tường, còn bên dưới, trong cái khe là chỗ ngủ của vị bá tước già và một gia nhân trẻ. Nhưng vị bá tước không thể chối bỏ cả gia huy lẫn gia nhân. Đó là cái duy nhất ông còn lại từ sự huy hoàng quá khứ.

Bây giờ, chúng tôi đề nghị cho ông ta một khoản tiền lớn để làm một đám cưới giả bằng tiền của những người đóng thuế Liên Xô, rồi đưa chú rể đến Nizza nơi cô vợ chưa cưới đang chờ ông ta. Yolanta đã kiếm được hộ chiếu công dân Tiệp Khắc Rona Dubsskaya, con gái một quan chức nhà nước, 25 tuổi, đã ly dị.

Sau khi ký giấy đăng ký kết hôn, chú rể mới cưới được đưa về lại cái khe của ông ta dưới chiếc gia huy xiêu vẹo, vào chiếc giường bên người gia nhân trẻ, còn cô dâu mới, bà bá tước mới ra lò thì thả neo tại Paris. Tại đây, sau khi qua những bàn tay ma thuật của các hãng thời trang trên phố Le Monde và bằng tiền của những người nông trang viên Liên Xô, bà bá tước đã biến thành một mỹ nhân kiều diễm và một phụ nữ bất hạnh.

- Ái chà chà! Chúng tôi đồng thanh nói khi lần đầu tiên nhìn thấy cô ấy trên phố. Một tuần đã trôi qua cho việc tập những động tác đẹp và chán ngán học thuộc tiểu sử mới. Sau đó, nữ bá tước Rona Estergazi với một con chó tí hon giống Bolonais đã xuất hiện ở Locarno. Đó là thời kỳ chuyển mùa đông với mùa hè, một làn sóng du khách vừa ra đi, còn làn sóng mới thì chưa đổ đến cái thị trấn nhỏ bé này, và một người đàn bà ngoại quốc lọng lẫy cô đơn không thể không thu hút sự chú ý. Hơn nữa cô ta không nói được tiếng Italia và cần được giúp đỡ. Ông đại tá hào hoa liền chìa tay giúp đỡ. Tình bạn đã nảy nở. Sau đó, trong ngôi nhà thờ nhỏ Thánh Luigi, vị cha già đã chứng thực bằng hôn ước bí mật cho tình yêu nồng thắm giữa viên sĩ quan luống tuổi với nữ quý tộc còn trẻ nhưng đến lúc đó đã kịp có giấy chứng nhận ly hôn.

Liệu việc bắt Yolanta lấy chồng có phải là sai lầm của tôi không? Tôi cũng không biết nữa. “Đó là tội ác hay hành động anh hùng?” - khi đó tôi đã tự hỏi mình. Nhưng trong thâm tâm, tôi cảm thấy sự hy sinh này còn lớn lao hơn là hy sinh chính mạng sống của mình. Tôi đã hy sinh cái đáng quý nhất mà tôi có, tôi chẳng còn gì hơn nữa...

Tôi nhìn đại tá Vivaldi mà chẳng hề thù hằn hay ghen tuông gì. Tôi nhìn ông ta từ xa và nhận thấy ông ấy là một con người thẳng thắn, giản dị và kiêu hãnh nên tôi thậm chí còn lấy làm mừng là đã trao người vợ yêu dấu của mình vào tay một con người trung thực và đàng hoàng. Tôi cảm thấy mình thoát khỏi tất cả những gì cá nhân, đời thường.

Mau chóng, lợi dụng sự cả tin của Vivaldi, Izolda đã chuyển đến nhà họ như một người bạn gái cũ và làm người khách thường xuyên của và vợ. Tôi đã thử từ xa ngấm ngầm xua cô ta đi nhưng không được...

...Lúc này, tôi hiểu rằng, trong những ngày đó tôi đã biến thành một con thú. Có thể, Izolda là vẫn có thể vẫn ngủ ngon nếu như không có một nhân viên kế toán nào đó, một nhân viên cửa hàng mũ hay một giáo viên trung học nào đó đã ghen tuông điên dại vì cô. Những kẻ đó hãi sợ thần thánh và không có vũ khí, mà giết người trong một đất nước có văn hoá lại không phải là dễ. Nhưng tôi là một người đã trải qua trường đời khắc nghiệt. Khẩu súng ngắn luôn nặng trĩu trong chiếc túi sau và điều chính yếu - tôi là một tình báo viên chịu trách nhiệm về nhóm người tuyệt vọng thuộc quyền tôi. Khi không còn tỉnh táo, tôi còn đáng sợ hơn cả thú dữ.

Tôi viết điều này không phải để thanh minh mà để giải thích. Con người luôn là con người và thực chất chỉ có những hậu quả xã hội của hành động anh ta làm mới là quan trọng.

Lúc đó, ở Thuỵ Sĩ, tôi chả là gì cả, chỉ là một người với hộ chiếu giả, hành động của tôi và cái chết của Izolda đều chả ai thèm biết đến. Tôi chả cần phải thanh minh với Phòng Nước ngoài của OGPU, nhưng với lương tâm mình tôi không có gì để thanh minh, tôi đau đớn nhận thức được điều đó. Trước toà án lương tâm, tôi thú nhận: “Tôi có tội!”

***

...Đại tá Vivaldi vắng nhà khá thường xuyên và Rona luôn biết chính xác ông ta đi đâu và đi bao lâu. Cô ấy đã lấy được mẫu chìa khoá két và học cách mở két. Ban đêm, khi chồng đi vắng, Rona mở cửa sổ hướng ra vườn để tôi bò vào phòng chụp những tài liệu tôi cần. Như vậy là viên đại tá đồng thời làm việc cho cả Roma lẫn Moskva và tất cả đã có thể tiếp diễn yên ổn và khá an toàn trong nhiều năm dài.

Đã có thể là như thế. Nhưng trong cuộc đời không phải mọi thứ đều chiều lòng người. Ban đầu, đại tá Vivaldi thường nhận tài liệu ở Cologne hoặc Bazel, dùng ôtô chở chúng về nhà ở Locarno và giành cho mình một tuần nghỉ ngơi với người vợ trẻ. Cũng đúng vừa đủ để tôi chụp hết tài liệu. Nhưng tình hình chính trị ngày càng căng thẳng và các ông xếp ở Roma của đại tá Vivaldi đã đòi ông phải đưa tài liệu về nhanh hơn: nhận được tài liệu là đi thẳng về Roma giao tài liệu chứ không qua nhà nữa.

Còn tôi? Còn việc chụp tài liệu nữa? Thượng cấp ở Roma dĩ nhiên là chả tính đến chuyện này. Còn thượng cấp của tôi, ở Moskva thì lại đòi phải chụp cho được - biết làm thế nào đây. Hai lần mà tôi không có cơ hội chụp tài liệu tôi đã bị cấp trên ở Moskva gần như coi là thằng khờ khạo và vô trách nhiệm. Tôi đã thoả thuận với Rona và cô ấy đã diễn một vở kịch. Cô ấy làm mình làm mẩy chất vấn chồng: cô ấy còn là vợ nữa hay không? Chả lẽ cô không có quyền giữ chồng ở nhà lấy một ngày đêm hay sao?

- Em có quyền! - ông đại tá trả lời và bắt đầu ghi sai ngày tháng trên các báo cáo của mình để giấu thời gian rẽ qua nhà dù chỉ một đêm.

Chụp tài liệu khi ông ta đang ở trong phòng bên (phòng ngủ và phòng làm việc nằm cạnh nhau) là cực kỳ nguy hiểm. Ban đêm, viên đại tá có thể bất thần vào phòng làm việc vì lý do vớ vẩn nào đó, chẳng hạn để lấy bao thuốc lá. Nhưng điều chủ yếu là trong đêm yên tĩnh thì một tiếng động nhẹ của máy ảnh ở trong phòng ngủ cũng nghe rõ mồn một. Chính Rona cũng đã thử kiểm tra điều này.

Biết làm gì bây giờ? Moskva trả lời: kiểu gì cũng phải liều, bất chấp mọi nguy hiểm!

Khi đi ôtô từ Zurich về Locarno ban đêm, tôi luôn sẵn sàng cho bất cứ mọi sự. Dưới nách đã có sẵn khẩu súng ngắn để có thể bắn nhanh xuyên qua áo complet như kiểu Mỹ. Nhưng lá chắn chủ yếu là Rona, nhất là khi cô ấy có thể có mặt khi tôi chụp tài liệu. Nhưng thường thì điều này là không thể và tôi phải cài chốt cửa phòng làm việc từ bên trong và để cửa sổ mở sẵn để chạy trốn khi cần. Tôi cũng đã chuẩn bị các phương án cho trường hợp khi chạy trốn tôi phải bắn ông đại tá vì ông này có thể chạy ra thềm nhà. Khẩu súng ngắn của tôi có nhiều đạn và lại là súng vi thanh nòng được lắp ống tiêu âm.

Mỗi lần đột nhập như thế có thể là cuối cùng đối với tôi.

Và một lần...

- Tại sao ở cửa không có chìa khoá? - tôi lầm bầm gần như thành tiếng vì tôi hiểu là không thể chốt cửa vào văn phòng.

- Gaetano đã tình cờ cầm nó rồi, Rona môi trắng bệch trả lời.

- Ông ta đâu?

- Đang ngủ.

Từ chiều, cô ấy đã cố tình quên chiếc áo khoác nhẹ trong phòng làm việc và bây giờ nhẹ nhàng ra khỏi phòng ngủ ra vẻ đi lấy chiếc áo khoác.

Tay đi găng phẫu thuật cực mỏng, tôi mở két, lôi ra cặp tài liệu và ngồi lại sau bàn viết - đó là vị trí thuận tiện nhất mà.

Tích... Tích... Tích... Tích... - chiếc máy ảnh kêu dưới chiếc khăn mềm dày có lỗ thủng: tôi nhìn qua lỗ thủng để ngắm chụp, chiếc khăn giúp làm giảm tiếng động của cửa chắn và che ánh sáng đèn chớp.

Rona dùng tay trái ép chặt chiếc áo khoác Trung Hoa màu đỏ vào ngực, mắt nhìn ra cửa không chớp mắt. Mặt cô xám xịt, tay phải cầm chiếc dao xương dùng để dọc giấy và cô đã quên bẵng dùng đôi tay run rẩy ép nó vào môi. Trong sự tĩnh lặng chết chóc, tôi nghe thấy tiếng va lách cách đều đều của con dao vào răng cô ấy. Từ cách đây ba gian phòng, từ trong nhà tắm hay trong bếp vẫn nghe thấy tiếng nước rỏ từ vòi nước không đóng kín. Xa xa trong thành phố vang lên tiếng ôtô và những con hải âu kêu đêm. Không gian tràn đầy những tiếng động gần xa mà chúng chỉ làm nặng nề thêm sự tĩnh lặng như trong mồ của đêm hè và sự nguy hiểm chết người đang treo lơ lửng. Cái âm thanh nhiều sắc độ của yên lặng cũng không làm che lấp được tiếng đập như trống làng của quả tim và tiếng ù trong tai - quả tim đúng là như nhảy ra khỏi lồng ngực, nó đập ầm ĩ vang khắp căn phòng, khắp ngôi nhà và khắp cả Locarno.

Bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng sột soạt khẽ ở sau cánh cửa và nó mở toang. Vị đại tá đã đứng lù lù giữa cửa, miệng vẫn tóp tép khoan khoái và lấy tay dụi mắt. Tôi chỉ thấy rõ bộ ria đen với mái tóc hoa râm lên trên cùng cái miệng há to. Tôi kịp chụp lấy khẩu súng ngắn và ngắm bắn khi ông ta nói lúng búng từ ngưỡng cửa:

- Hôm qua anh mệt quá... Em làm gì thế, Rona? Vừa bước vào phòng, viên đại tá liền quay đầu về hướng mà cô ấy đang nhìn và liền trông thấy tất cả - khẩu súng ngắn chĩa vào ông ta, tôi, chiếc máy ảnh nằm dưới chiếc khăn nhung đen, kẹp tài liệu mật trên bàn và sau tất cả là chiếc két mở toang.

Chúng tôi im lặng mấy giây.

- Hắn dùng súng cưỡng ép em à, Rona? - cuối cùng viên đại tá nói khàn khàn.

- Không phải em, - cô ấy trả lời to, rõ trong khi vẫn nghịch con dao xương. - Mà là anh đấy. Anh hãy để cho anh ta đi đi. Hãy nhớ đến mình, đó là điều chính yếu.

Viên đại tá thở hồng hộc như con thú bị truy đuổi.

- Bắn cũng chả có ích gì, chúng tôi đã có cái để bôi đen ông rồi, - tôi nói bằng tiếng Đức với cái giọng xa lạ và đối địch và bằng mọi cách tôi cố làm cho giống kiểu người Anh nói. - Ông đã thua rồi, ông đại tá. Chúng ta sẽ kết thúc trò chơi một cách bình tĩnh. Ông hãy vào phòng và nằm úp mặt xuống thảm. Chúng tôi sẽ là người đầu tiên rời khỏi đây.

Nhưng viên đại tá đã bình tĩnh lại. Ông ta lau trán như để cố dằn những ý nghĩ đang bùng lên. Ông uể oải lê bước đến ghế và ngồi phịch xuống.

- Thật là hồ đồ! Thật là hồ đồ!... Còn bà, bà đừng đi. Tôi thực sự đã thua. Và bây giờ tôi sẽ tự lo tất cả, tôi sẽ cất tài liệu đi, khoá két lại và tôi sẽ đi ngay Zurich. Trên đường sẽ xảy ra tai nạn với tôi. Bà hãy tổ chức tang lễ chu đáo và lo làm tất cả những gì còn lại. Bà hiểu không? Tôi sẽ không nói một lời về chuyện gián điệp. Tôi đã thua. Và tôi bây giờ không thể bắn cả hai người trong nhà tôi. Đã muộn mất rồi. Mà cũng chẳng để làm gì. Các người hãy đi đi.

Buổi sáng, cảnh sát đã biết là chiếc ôtô mà đại tá Vivaldi đi đã văng khỏi dốc. Trong chiếc túi trên ghế xe, người ta tìm thấy một chai wishky uống dở và chiếc ly. Việc mổ tử thi cho thấy có cồn. Vị đại tá đã dàn xếp tất cả thật chu đáo, bởi vậy kết luận của cảnh sát không làm tổn hại gì đến danh dự của người quá cố và không động chạm đến quyền lợi của bà goá che mặt bằng khăn voan.

Việc biến đi quá sớm có thể nguy hiểm với cô ấy. Vội vàng mà làm gì chứ? Bây giờ thì chả có đi đâu được nữa.... Yolanta đã ở lại cho đến khi kết thúc toàn bộ thủ tục an táng dài lê thê và chuyển quyền thừa kế cho gia đình người quá cố.

- Thế là xong. Bây giờ em được tự do, Yola, - tôi nói với cô ấy sau lễ an táng viên đại tá.

Chúng tôi ngồi trong quán cà phê dài và buồn tẻ trên phố Nhà Ga ở Zurich: tôi đi Paris, còn cô ấy đi miền nam nước Pháp để nghỉ bên bờ biển. Thêm một đoạn đời nữa của chúng tôi đã chấm dứt. Một đoạn đời tồi tệ nhưng chưa phải là cuối cùng đối với chúng tôi. Hơn nữa, trong đời một tình báo viên thì những đoạn như vậy có không ít.

Tôi hút nốt điều thuốc và tợp một ngụm whisky.

- Sau khi nghỉ ở Pháp, em sẽ đi - Yolanta nói khẽ.

- Em đi đâu, nếu đó không phải là bí mật?

- Về Moskva.

- Nhưng...

- Thôi để em yên. Đừng thuyết phục mà làm gì. Em từ bỏ công việc này. Ở Moskva, em muốn là cái người mà em đã từng là khi còn ở Praha, một người nhân viên kế toán bình thường. Em không muốn sống nữa.

- Tại sao?

- Tại vì em không thể chịu đựng hơn nữa.

- Em tha lỗi cho vì anh hay làm phiền, Yola, nhưng cần phải làm rõ bằng hết: anh đã đưa em vào nhóm của chúng ta và anh chịu trách nhiệm về em. Tại sao em không muốn sống?

- Bởi vì đây là thời đại của các anh, và cuộc sống bây giờ chỉ tốt đối với những người như anh.

Người ta mang cà phê cho chúng tôi. Trên phố mưa rơi như trút.




Print Print E-mail Print