Lá thư
“Chúng
tôi hy vọng giải thích cho những người ruột thịt, bạn bè của chúng tôi
và những người khác, những người quan tâm đến những nguyên nhân đã thúc
đẩy chúng tôi xin nhập quốc tịch Liên Xô.
Kể từ khi vào làm tại Cục
An ninh Quốc gia NSA mùa hè năm 1957, chúng tôi được biết chính phủ Hoa
Kỳ chủ ý đưa ra những tuyên bố lừa dối để thanh minh cho những hành động
của mình, cũng như chỉ trích những hành động của các nước khác. Chúng
tôi cũng biết chính phủ Hoa Kỳ đôi khi tiến hành những trò lôi kéo cả
bằng tiền bạc và trang bị quân sự bí mật để mưu toan lật đổ các chính
phủ bị coi là thù địch đối với Hoa Kỳ.
Cuối cùng, chúng tôi chú ý đến
chuyện chính phủ Hoa Kỳ trả tiền cho một nhân viên cơ yếu làm việc tại
sứ quán một nước bạn bè ở Washington để có được thông tin có thể giúp
cho việc giải mã các bức điện mật mã của nước đồng minh này.
Việc làm
đó đối với chúng tôi là bằng chứng cho thấy chính phủ Hoa Kỳ cũng vô
trách nhiệm giống như họ vẫn cáo buộc chính phủ Liên Xô.
Một số lượng
lớn nhân viên Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo thuộc chính phủ Hoa
Kỳ đều biết chân lý của điều mà chúng tôi vừa nói ở trên. Tuy nhiên,
nếu ai đó toan khẳng định dù là một phần sự thật này mà không được phép
thì người đó sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Vụ rắc rối mới đây với
chiếc máy bay U-2 không hề có liên quan gì đến quyết định đào tẩu của
chúng tôi bởi vì quyết định này được đưa ra từ hơn một năm trước. Vụ rắc
rối với chiếc U-2 chỉ là một trường hợp cụ thể khi mà sự thật trở nên
quá rõ ràng để có thể ỉm nó đi bao lâu cũng được hay nhào nặn nó theo ý
mình.
Khi đưa ra những lời tố giác này, chúng tôi không tìm cách
thanh minh cho các hành động của mình. ở Mỹ, có những con người rất cơ
trí và không thể mua chuộc, những người mà nếu có điều kiện họ có thể
khắc phục các hậu quả bất lợi của những hành động thảm hoạ của chính phủ
Hoa Kỳ trong những năm gần đây.
Ngoài sự thất vọng và lo lắng mà
chúng tôi bày tỏ đối với những xu hướng cụ thể trong đường lối đối ngoại
của Hoa Kỳ, còn có những bối cảnh khác mà ở mức độ đáng kể đã là nguyên
do để chúng tôi ra đi sang Liên Xô.
Tại Liên Xô, một số người lớn
hơn chia xẻ những giá trị chủ yếu và mối quan tâm của chúng tôi. Do đó,
chúng tôi cảm thấy ở đó chúng tôi sẽ thích nghi tốt hơn về mặt xã hội và
sẽ có thể thực hiện các chức trách nghề nghiệp của mình tốt hơn.
Một
nguyên nhân thúc đẩy khác là việc ở Liên Xô, năng lực của phụ nữ luôn
được khuyến khích và được sử dụng ở mức cao hơn ở Hoa Kỳ. Chúng tôi cho
rằng, điều đó làm giàu cho toàn bộ xã hội Xô-viết và làm cho phụ nữ
Xô-viết trở thành những đối tượng mong muốn hơn về mặt tình yêu.
Những
vấn đề tranh cãi quan trọng nào đang gây bất hoà giữa nhân dân Hoa Kỳ
và Liên Xô? Lý lẽ của những người khẳng định Liên Xô là cái ác bởi vì ở
đó đạo đức Kitô bị bóp méo là không đáng tin. Nếu như đa số công dân
Liên Xô không coi Jesus Christos là người cứu rỗi của riêng mình thì đó
là việc của họ.
Theo chúng tôi, những vấn đề quan trọng là có liên
quan đến việc thể chế chính trị và kinh tế nào phục vụ tốt hơn lợi ích
của toàn thể nhân loại.
Nhược điểm của xã hội tư bản là ở chỗ khoa
học và kỹ thuật là nguyên nhân của những đau khổ không cần thiết của con
người, làm tăng thất nghiệp. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi
có nhiều người Mỹ đến thế có thái độ phủ nhận đối với hoạt động trí tuệ
và sáng tạo. Chúng tôi hy vọng trở thành những cán bộ khoa học ở Liên Xô
và chúng tôi cho rằng, chúng tôi sẽ có thể tiến hành những nghiên cứu
khoa học ở đó mà không phải lo điều đó sẽ làm tồi tệ tình hình kinh tế
của những người khác.
Một số kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản ở Hoa Kỳ
đang bảo vệ quan điểm chiến tranh phòng ngừa chống Liên Xô. Họ đang cố
đạt được một mức độ an ninh theo đó hàm ý tiêu diệt hoàn toàn những
người có quan điểm trái với quan điểm của chính họ. Cuộc chiến tranh như
thế trong trường hợp lý tưởng nhất sẽ có thể làm cho họ trở thành những
kẻ cai quản nấm mồ của nhân loại.
Thay vì đầu tư ngày càng nhiều
năng lượng cho việc phát triển những phương tiện huỷ diệt mới và mạnh
mẽ, chúng tôi hy vọng cả Hoa Kỳ và Liên Xô sẽ hướng những nỗ lực của
mình vào sự tranh đua trong lĩnh vực hệ tư tưởng. Một trong những phương
tiện để đạt được điều đó là việc đăng tải rộng rãi ở cả hai nước này
những cuộc tranh luận trong lĩnh vực lý luận và thực tiễn kinh tế và
chính trị ở quy mô hai bên thoả thuận với nhau và ở dạng không cắt xén.
Thật là khó có ý kiến về hoạt động tuyên truyền của mình mà không lắng
nghe hoạt động tuyên truyền của người khác.
Với tư cách phương tiện
củng cố sự hiểu biết lẫn nhau, chúng tôi cho rằng, việc trao đổi các
đoàn văn hoá, khoa học và công nghiệp hiện có nên được tiếp tục và mở
rộng.
Tuyên bố này được đưa ra mà không có sự tham vấn sơ bộ với chính phủ Liên Xô.
Cơ
sở cho tuyên bố này là việc chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ giải thích
cho nhân dân Mỹ những nguyên nhân của hành động của mình bằng chính lời
của mình và chúng tôi muốn làm điều đó bằng cách sao cho sau đó không
thể diễn giải nó như một hành động tuyên truyền và được xúi giục bởi
chính phủ mà chúng tôi đã xin phép cho chúng tôi nương náu.
William H. Martin, Bernon F. Mitchell”
Sau
khi bức thư được đọc xong, các phóng viên Liên Xô đã đặt một loạt câu
hỏi cho Martin và Mitchell. Đáp lại câu hỏi của phóng viên báo Izvestya,
Martin đã nói rằng, NSA làm công việc thu thập tin tức và giải mã các
bức điện thu từ các kênh liên lạc của Indonesia, Italia, Cộng hoà Arập
Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, Uruguay, Pháp và Nam Tư. Sau đó, suy nghĩ một
lát, anh nói thêm: “Tôi nghĩ điều đó là đủ để có hình dung chung”.
Tiếp
đó đến lượt Martin đọc một tuyên bố dài do anh ta và Mitchell viết ngay
sau khi tới Moskva. Dưới đây trích nội dung của một thứ tác phẩm bất hủ
độc đáo của thời đại đó với một chút cắt gọn. Chúng tôi bỏ qua những
thông tin đã lạc hậu về cơ cấu của NSA mà may ra chỉ các chuyên gia về
lịch sử cơ quan này quan tâm và những thông tin đã được trình bày khá
chi tiết ở trên.