Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Vụ bê bối - Martin (4)

VietnamDefence - William Hamilton Martin sinh ngày 27 tháng 5 năm 1931 tại một thành phố tí hon ở miền Nam nước Mỹ. Khi Martin 15 tuổi, gia đình cậu ta chuyển từ miền Nam lên miền Bắc nước Mỹ, đến một thành phố nhỏ khác với cư dân không quá 10 ngàn người.

Họ phải chuyển nhà là vì cha của William được bổ nhiệm giữa một cương vị điều hành trong một hãng công nghiệp ở thành phố nhỏ này.

Gia đình Martin cư trú tại một khu vực sang trọng của thành phố, nơi sinh sống của giới trung lưu. Chỗ ở của họ là một ngôi nhà xuềnh xoàng kiểu nhà rancho (nhà tranh của người chăn nuôi) được trang trí cẩn thận và có bãi cỏ được chăm sóc dưới các cửa sổ. William không gặp khó khăn gì với trường học: cậu ta học tốt đến mức đã thu hút được sự chú ý của các giáo sư của trường cao đẳng địa phương.  Theo yêu cầu của một vị giáo sư, William đã tham gia trắc nghiệm để chuyển đến Đại học Tổng hợp Chicago trước khi tốt nghiệp trung học. Mặc dù William nằm trong số những học sinh có năng lực nhất nhưng giáo viên chủ nhiệm nghĩ cậu ta vẫn chưa đủ trưởng thành để chống chọi với những khó khăn khi học xa nhà. Bởi vậy, người ta đưa ra phương án thoả hiệp là cho phép William học một số môn tại trường cao đẳng địa phương, đồng thời tiếp tục học ở trường trung học. William học xong chương trình trung học trong hai năm.

Không khí gia đình cũng cực kỳ thuận lợi cho William. Ông bố hết sức chăm chỉ củng cố sự thịnh vượng của gia đình. Bà mẹ được láng giềng coi là hình mẫu cho tính hiếu khách của người miền Nam, cách cư xử của bà rất mềm mỏng. Nhưng theo ý kiến chung, đằng sau cách cư xử đó ẩn giấu một tính cách khắc nghiệt và một ý chí thép. Theo lời những người hàng xóm, William chịu ảnh hưởng lớn của người mẹ. Quần áo của anh ta luôn tươm tất - sơ mi trắng và cà vạt. Việc bà mẹ không muốn cho con trai mình đến thành phố khác đã đóng vai trò quan trọng trong quyết định của William không đi đến Đại học Tổng hợp Chicago.

Từ thời thanh niên, William đã nổi bật bởi khả năng hiếm có là có thể trở thành chuyên gia trong mọi lĩnh vực mà anh ta quan tâm. Kết hợp với tính tò mò bẩm sinh, điều đó đã dẫn đến việc anh ta am hiểu những lĩnh vực rất khác nhau như âm nhạc, thôi miên, toán học, tâm lý học và cờ.

Tuy nhiên, ở đây cũng thể hiện độ chín chưa tới của tính cách anh ta. Trong các buổi tối liên hoan, William đã thôi miên các bạn mình mà không hề quan tâm đến những hậu quả xấu đối với sức khoẻ của họ. Anh ta không thể áp dụng một cách xây dựng những kiến thức rộng lớn của mình trong lĩnh vực tâm lý học vào đời sống hàng ngày. Cô giáo của William ở trường trung học đánh giá cao khả năng hùng biện của William, đồng thời lưu ý đến tính trừu tượng và khó hiểu trong những ý kiến của anh ta.

Những thắng lợi ròn rã của anh ta trong chơi cờ, cũng như tại các cuộc thi hùng biện, theo những người xung quanh, chỉ là để tự khẳng định mình. Anh ta khinh bỉ những kẻ bại trận. Với những người vượt qua anh ta trong các cuộc thi đấu, anh ta bày tỏ chút ít kính trọng, nhưng đó chỉ là mặt nạ, đằng sau đó vẫn ẩn giấu sự khinh bỉ đó. Một nét khó chịu ở cậu trai Martin là thói thích khuyên bảo khi người ta không yêu cầu. Đa số những người mà cuộc đời xô đẩy gặp gỡ William Martin đều nói anh ta là một kẻ ích kỷ, hơi đàn bà, đôi khi vô trách nhiệm và ưa nịnh nọt.

Trái với bậc cha mẹ ngoan đạo của mình, William là một kẻ vô thần nhiệt thành. Một lần, khi đến chơi nhà một người bạn mà gia đình theo đạo Kitô và nhìn thấy trên bàn một cuốn sách tôn giáo nhỏ nào đó, anh ta đã khua khua nó trước mũi bà mẹ đang đầy sửng sốt của người bạn và nói: “Bác lẽ ra có thể thông minh hơn. Chẳng lẽ bác không biết tôn giáo là một thứ thành kiến ư?”

Trong hai năm học cao đẳng, Martin đã được đào tạo tốt về toán học. Và mặc dù học giỏi, nhưng anh ta vẫn bỏ trường mà chẳng có lý do đặc biệt nào để gia nhập Hải quân Mỹ. Nhìn lại, có thể khẳng định chắc chắn nguyên nhân của việc đó chính là mong muốn của Martin thoát khỏi vòng ảnh hưởng của người mẹ. Tình cảm ái quốc xâm chiếm người Mỹ trong những năm ấy do cuộc chiến Triều Tiên cũng đã có vai trò nhất định trong quyết định này. Dù nguyên nhân của hành động này là gì chăng nữa thì năm 20 tuổi, năm 1951, William Martin đã nhập ngũ. Sau khi học xong khoá quân sự cơ bản, anh ta được cử đến trạm chặn thu ở Kamisi trên quần đảo Nhật Bản.

Print Print E-mail Print