Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Ra đi và Cuộc họp báo (7)

VietnamDefence - Ngày 24 tháng 6 năm 1960, khi đi nghỉ kỳ phép tiếp theo, Martin đã gọi điện thoại cho mẹ. Anh ta rất chán chường và rõ ràng đang muốn tìm sự an ủi.

Ra đi

Ngày 24 tháng 6 năm 1960, khi đi nghỉ kỳ phép tiếp theo, Martin đã gọi điện thoại cho mẹ. Anh ta rất chán chường và rõ ràng đang muốn tìm sự an ủi. Bà mẹ khuyên anh ta đừng tuyệt vọng và hứa cầu nguyện cho anh ta. William nổi đoá: “Tại sao mẹ không làm cái gì đó một cách con người thay cho việc cầu nguyện?!” Đó là câu chuyện cuối cùng của hai mẹ con.

Theo giả thiết chính thức, hai nhân viên NSA đi nghỉ phép đã rời Washington để đi thăm gia đình. Một tháng sau khi họ không trở về làm việc theo thời hạn quy định, người ta đã tìm hiểu được rằng, thay vì đi bằng ôtô như dự định ban đầu, trưa ngày 25 tháng 6, các nhân viên này đã bay từ Washington đi Mêhicô bằng chuyến bay của hãg hàng không Eastern. Từ đó, sau khi nghỉ đêm tại khách sạn, họ bay tiếp sang La Havana. Một tháng sau, khi hai người này xuất hiện tại cuộc họp báo ở Moskva thì tất cả đều nhất trí rằng: trên đoạn hành trình từ La Havana đến Moskva, những kẻ đào tẩu này đã đi trên một chiếc tàu đánh cá Liên Xô.

Các quan chức chính thức lý giải các sự việc một cách đơn giản đáng ngờ. Trong đó chả có các chi tiết, lẫn động cơ hành động. Người ta đã biết rằng, Martin và Mitchell đã rời khỏi nước Mỹ và một tháng sau đã đến Moskva. Tất cả chỉ có thế. Khi nghiên cứu kỹ hơn các sự việc đã biết liên quan đến vụ Martin và Mitchell, đập vào mắt là sự bất ngờ của việc ra đi của họ. Về bản chất, đây không phải là sự ra đi mà là một vụ trốn chạy. Martin và Mitchell nói với cấp trên và bạn bè của họ là họ chuẩn bị đi chơi bằng ôtô. Trong cuộc gọi điện thoại với mẹ ngày 24 tháng 6, Martin không đả động một lời về chuyện kế hoạch của anh ta đã thay đổi. Sau này, tại bãi đỗ xe, người ta đã tìm thấy chiếc xe mà đôi bạn kia định dùng để đi thăm cha mẹ, với đầy đủ đồ đạc được đóng gói cẩn thận trong mấy chiếc vali.

Có thể một lúc nào đó, chính phủ Mỹ sẽ công bố các chi tiết liên quan đến sự ra đi của Martin và Mitchell. Cho đến nay, giả thiết đáng tin nhất là giả thiết theo đó sự vắn tắt của thông báo chính thức của Mỹ về sự kiện này được giải thích là do họ không muốn để lộ mức độ hiểu biết thực sự của họ về hoạt động của Martin và Mitchell, cũng như do sợ gây rắc rối vì họ đã không áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn hoạt động đó.

Có căn cứ để nói rằng, người ta đã cho theo dõi Martin và Mitchell. Một là chuyến đi của họ tới Cuba năm 1959 và những cảm nghĩ hào hứng về chuyến đi này không thể không gây nghi ngờ. Hai là cả hai đều đã được học bổng để tiếp tục học tập tại các trường đại học, còn Martin lại có được vinh dự này những hai lần, điều mà bản thân nó đã là điều chưa từng có. Có thể sự hào phóng chưa từng có ấy là vì người ta muốn giữ họ ở xa những bí mật của NSA. Ba là Martin và Mitchell đã công khai chỉ trích Mỹ về những chuyến bay do thám trên lãnh thổ Liên Xô, thậm chí còn định “mở mắt” cho nghị sĩ Hayes về sự nguy hiểm của những hành động kiểu đó. Bốn là khi học ở Đại học Tổng hợp Illinois, Martin đã duy trì quan hệ với những thành viên của các nhóm cộng sản.

Có lẽ ngày 24 tháng 6, Martin và Mitchell đã biết là họ bị theo dõi. Nguyên nhân có thể là bất cứ cái gì: trình độ non kém của các mật thám, thái độ thay đổi của cấp trên, việc hạn chế quyền tiếp cận tài liệu mật, ý kiến nhận xét thiếu thận trọng của đồng sự hay lời cảnh báo của một kẻ đồng loã biết nhiều. Tiếp đó là cuộc chạy trốn vội vã theo hành trình Washington-Mêhicô-La Havana-Moskva và dấu chấm hết cho nó là cuộc họp báo ở điểm đến cuối cùng.

Cuộc họp báo

Ngày 6 tháng 9 năm 1960, tại Toà nhà Nhà báo Trung ương ở Moskva, tập trung hơn 200 phóng viên Liên Xô và nước ngoài. Ngồi trên sân khấu chói sáng đèn của gian phòng lớn là Bernon Mitchell, William Martin và hai phiên dịch viên. Trên bàn phủ nỉ xanh, trước hai người Mỹ có đặt không dưới 11 chiếc micro. Martin và Mitchell ngồi cạnh nhau.

Họ cư xử rất tự tin: rõ ràng là cả hai hoàn toàn mạnh khoẻ và có tâm trạng tốt. Martin ngồi bất động, quan sát đám phóng viên tập trung trong gian phòng. Mitchell, trái lại, xử sự rất vui vẻ. Thỉnh thoảng, một trong hai người quay sang nhau, trao đổi với nhau nụ cười sảng khoái và qua lại mấy câu.

Cuộc họp báo được khai mạc trọng thể. Phát biểu khai mạc là M.A. Kharlamov, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Liên Xô. Ông tuyên bố rằng, hai công dân Mỹ có mặt trong phòng đã xin tị nạn chính trị tại Liên Xô. Thỉnh cầu này đã được đáp ứng và bây giờ họ đã là công dân Liên Xô. Sau đó, đến lượt các “cựu công dân Mỹ” phát biểu.

Người lên tiếng trước là Mitchell. Anh ta đọc bản sao bức thư gửi nhân dân Mỹ mà anh ta và Martin đã để lại trong két sắt gửi ký thác của nhà băng thành phố Laurel, bang Maryland. Lá thư này, theo lời Mitchell, cho thấy quyết định sang Liên Xô đã được đưa ra mà không hề có áp lực bên ngoài nào.

Dưới đây xin trích dẫn nguyên bản dịch bức thư của những người trốn chạy. Cần trích dẫn toàn bộ bức thư, không cắt bỏ tí nào. Ta cần phải đổ lỗi cho các tác giả lá thư về những trúc trắc trong phong cách viết thư.

Print Print E-mail Print