Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Vụ bê bối - Tình bạn (5)

VietnamDefence - Người ta biết rất ít về tình hình phục vụ của Martin và Mitchell tại trạm chặn thu Kamisi tại Nhật. Qua các lá thư của Martin gửi về nhà có thể thấy rằng chính ở đó, Martin và Mitchell đã trở nên thân thiết với nhau. Mà làm sao tránh được?

Bởi lẽ cả hai người cứ như hai hạt đậu nhỏ trong cùng một quả đậu. Cả hai đều lớn lên ở những thành phố nhỏ của Mỹ như nhau, trong các gia đình trung lưu đàng hoàng. Cả hai đều thích chơi cờ và âm nhạc. Trí thông minh của cả hai đều cao hơn mức trung bình. Cả hai đều là người hướng nội và độc thân đang tìm sự an ủi trong một thế giới hình thức và không có bản sắc của khoa học nói chung, nhất là toán học. Về tín ngưỡng thì Mitchell tự xưng là đệ tử của thuyết bất khả tri, còn Martin thì xưng là kẻ vô thần.

Mitchell là người trở về Mỹ trước để học tiếp cao đẳng, tuy nhiên không phải là ở trường mà anh ta đã học trước khi nhập ngũ. Đó là một trường cao đẳng lớn, danh tiếng, ở xa thành phố quê hương anh ta. Mitchell học chuyên về toán và học rất tiến bộ.

Khác với Mitchell, sau khi hết hạn quân dịch trong Hải quân Mỹ, Martin đã ở lại quân đội nhưng với tư cách nhân viên dân sự. Martin vẫn làm thứ công việc mệt mỏi và đơn điệu mà anh ta đã chán ngấy. Martin chán ghét nước Mỹ. Thêm vào cảm xúc này là sự ghen tị với Mitchell. Cuối cùng anh ta quyết định quay về nước.

Tại Mỹ, trước tiên, Marin về thăm gia đình. Anh ta đã quyết định học tiếp, chỉ còn việc chọn trường cao đẳng phù hợp. Một trong những cô giáo yêu quý của Martin thời học phổ thông đã chuyển sang bờ Tây nước Mỹ làm giáo viên tại một trường cao đẳng tầm cỡ. Martin đã vào học ở chính trường này. Môn học chính anh ta chọn là toán. Không lâu sau, anh ta có thêm một sở thích nữa là tiếng Nga. Anh ta vẫn không ngớt quan tâm đến những đam mê cũ là cờ và thôi miên.

Mùa xuân năm 1957, Martin và Mitchell đồng thời, mặc dù họ học ở các trường cao đẳng khác nhau, nhận được lời mời vào làm cho NSA. Đóng vai trò quyết định là yếu tố họ học chuyên về toán và trong một thời gian đã phục vụ tại trạm chặn thu của Hải quân Mỹ. Cả hai đều nhận lời và từ ngày 8 tháng 7 năm 1957, họ đã bắt đầu thực hiện chức trách của mình. Và mặc dù sau này, các đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ đã mô tả chức vụ của Martin và Mitchell là “các nhà toán học cấp thấp”, nhưng chắc là họ được thuê để làm nhân viên mã thám.

Trong thập niên 1950, tất cả các công chức Mỹ khi thực thi công vụ được tiếp xúc với tin tức bí mật đều bắt buộc phải trải qua khâu “kiểm tra toàn diện”. Đối với NSA có một ngoại lệ: trong những tình huống đặc biệt, khi cần một chuyên gia nào đó làm việc ngay lập tức cho đất nước thì anh ta được phép tạm thời tiếp cận các bí mật. Quyền tiếp cận tạm thời đó cũng đã được trao cho Martin và Mitchell dựa trên những kiểm tra mà họ đã trải qua khi nhập ngũ, cũng như khi điều tra hồ sơ của họ tại các cơ quan điều tra các hoạt động phạm pháp của Mỹ. Sau này, các uỷ ban điều tra hoạt động chống Mỹ của Hạ viện Mỹ đã phát hiện ra là NSA thường lạm dụng quyền cấp phép tiếp cận bí mật tạm thời để cấp nó cho hầu như tất cả không có loại trừ cho những người vào làm việc.

Không lâu sau khi được nhận vào làm việc ở NSA, Martin và Mitchell được đề nghị kiểm tra bổ sung trên máy phát hiện nói dối. Mitchell ban đầu nhất quyết từ chối các câu hỏi liên quan đến việc phát hiện ra những lệch lạc tình dục ở anh ta. Sau đó, anh ta nghĩ lại. Trong buổi kiểm tra trên máy phát hiện nói dối, Mitchell đã thú nhận là hồi 13-19 tuổi, anh ta đã tiến hành các thí nghiệm về định hướng tính dục với chó và gà con. Cơ quan an ninh của NSA không coi những thí nghiệm này vào thời thanh thiếu niên  là cơ sở đủ để từ chối quyền tiếp cận tin mật của anh ta. Và năm 1958, cách nhau 6 tháng, Martin và Martin đổi giấy phép tạm thời thành giấy phép dài hạn.

Giống như tất cả những người vào làm việc tại NSA, Martin và Mitchell được cử đến Trường Cơ yếu Quốc gia để học một số khoá về mật mã, mã thám và các môn liên quan. Mùa thu năm 1957, họ cũng tham dự khoá học do Đại học Tổng hợp Washington tổ chức.

Vào tháng 1 năm 1958, sau khi học xong, Martin và Mitchell đã bắt tay vào làm việc. Họ sống bên nhau ở thành phố Laurel, bang Maryland, không xa Fort Meade. Khi rỗi rãi, cả hai đến câu lạc bộ chơi cờ Washington mà bí thư thứ nhất sứ quán Liên Xô Ivanov cũng là thành viên. Ivanov đã bị trục xuất khỏi Mỹ ngày 13 tháng 8 năm 1960. Và mặc dù chính phủ Mỹ chính thức đưa ra lý do biện minh cho hành động này không liên quan đến cuộc chạy trốn của Martin và Mitchell, nhưng một số người cho rằng, việc tuyên bố Ivanov là người không được hoan nghênh trên lãnh thổ Mỹ được đưa ra rõ ràng là sự trả thù cho vụ chạy trốn.

Năm 1958, Martin trở thành khách quen của các quán bar và nhà hàng cốc-tai ở thủ đô và ngoại ô. Anh ta thường khoe khoang với bạn bè về khả năng làm quen với những ông bự và tranh thủ được lòng khoan ái của họ. Tháng 9 cùng năm đó, Martin nhận được học bổng của NSA để hoàn thiện kiến thức toán học ở Đại học Tổng hợp Illinois tại thành phố Urban, ở đó anh ta cũng tiếp tục học tiếng Nga. Sau này, anh ta tự hào thú nhận với một người bạn là theo yêu cầu của giáo viên hướng dẫn, anh ta có thể dịch một bài báo toán học về vấn đề logic hoặc đại số từ tạp chí Liên Xô. Cũng trong năm 1958, đã xảy ra một sự kiện quan trọng trong đời Mitchell: anh ta phải lòng một quý bà trẻ đã có chồng, lúc đó đang sống ly thân.

Đến cuối năm 1958, những người xung quanh bắt đầu nhận thấy những thay đổi cơ bản trong quan điểm của Martin và Mitchell. Cả hai công khai bày tỏ thái độ chống Mỹ. Tại trường đại học, người ta thấy Martin ở trong nhóm người có quan điểm thân cộng. Đến năm 1959, Martin và Mitchell còn táo tợn hơn trong những chỉ trích của mình. Họ bị kích động nhất bởi sự kiện các máy bay Mỹ thực hiện các chuyến bay do thám trên lãnh thổ Liên Xô.

Tháng 2 năm 1959, Martin đi từ Urban đến Washington để cùng với Mitchell đến gặp Wayne Hayes, nghị sĩ Đảng Dân chủ của bang Ohio và kể về các chuyến bay của các máy bay do thám. Vài năm sau, Hayes đã nhớ lại chuyến viếng thăm này. Quả thực, vì lý do nào đó, ông ta đã coi họ là nhân viên CIA và quên biến tên của họ. Vị nghị sĩ đã gửi thư chất vấn về các máy bay do thám đến uỷ ban quân lực Hạ viện Mỹ và do bận những công việc cấp bách hơn nên đã quên bẵng việc này. Sau này, tại một tối liên hoan, khi những người tham dự dám cho phép mình cười cợt vụ máy bay U-2 mới xảy ra trước đó, Martin đã bị xúc động mạnh và nói: “Tại sao các vị lại có thể ngây thơ đến thế khi Eisenhower vẫn còn nắm quyền?!”

Print Print E-mail Print