Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Bí mật của chuyến bay KAL 007 (1)

VietnamDefence - Chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Hàn Quốc KAL thực hiện chuyến bay 007 từ New York đến Seoul bắt đầu chuyến bay ngày 1 tháng 9 năm 1983 vào lúc 4 giờ 05 phút - giờ Greenwich...


Chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Hàn Quốc KAL thực hiện chuyến bay 007 từ New York đến Seoul bắt đầu chuyến bay ngày 1 tháng 9 năm 1983 vào lúc 4 giờ 05 phút - giờ Greenwich. Lúc 11 giờ 30 phút, nó kết thúc chặng đầu của hành trình sau khi hạ cánh xuống đường băng ở Anchorage, Alaska. Nó sẽ phải cất cánh từ đây bay đi Seoul sau gần 1 giờ, bởi vậy các hành khách được đề nghị nghỉ trong nhà ga sân bay, nơi họ sẽ hoà lẫn với những người bay từ Los Angeles đi Seoul theo chuyến bay 015 của cùng hãng hàng không Hàn Quốc này.

Tại Anchorage, phi hành đoàn chuyến bay 007 đã bị thay thế toàn bộ. Các thợ cơ khí đã kiểm tra máy vô tuyến điện và hai chiếc la bàn trên chiếc Boeing. Họ phát hiện ra một la bàn bị trục trặc nhưng không sửa chữa nó mà để tới Seoul, vì chiếc thứ hai làm việc bình thường, hơn nữa ngoài các la bàn, trên máy bay còn có bốn hệ thống dẫn đường độc lập hoạt động tốt nữa. Chiếc máy bay còn hạn sử dụng dài và mới ba tuần trước nó đã được bảo dưỡng và kiểm tra kỹ thuật. Cơ trưởng là Choon Boon Soon, đại tá không quân dự bị, một trong những phi công giỏi nhất Hàn Quốc.

Choon Boon Soon cũng rất nổi bật với ngay cả các phi công của KAL. Với tư cách một phi công không quân, anh ta nổi tiếng là một người hung hăng, sẵn sàng mạo hiểm và không chấp nhận thoả hiệp. Anh ta được coi là át chủ bài và đã tham gia nhiều cuộc diễu binh. Đó không đơn thuần là kẻ bạt mạng mà anh ta còn từng bay hơn 10.000 giờ và giỏi điện tử đến mức có biệt danh “Người-máy tính”. Anh ta đã bay 5 năm trên tuyến bay Anchorage-Seoul. Phi công thứ hai là trung tá phi công dự bị không quân Son Don Win, cũng là một phi công có hạng.
Trên chuyến bay 007, hành khách khá ít. Thường thì số lượng hành khách lên tới 350, nhưng lần này chỉ có 240 người. Phi hành đoàn, trái lại, lại đông khác thường. Trong các chuyến bay khác, máy bay chỉ có đội ngũ phục vụ không quá 18 người, còn lần này là 29.
Nhưng điều đó có vẻ chả có mấy ý nghĩa so với điều diễn ra khi tiếp nhiên liệu cho máy bay. Các tài liệu lưu trữ cho thấy: máy bay được nạp nhiều hơn 5 tấn nhiên liệu so với tính toán của máy tính với tải trọng đó, tốc độ, gió, nhiệt độ và với lượng dự phòng khẩn cấp, điều này đã được máy in của máy bay in ra trong kế hoạch chuyến bay. Các phi công không bao giờ điều chỉnh các số liệu đó. Nhưng lần này, cơ trưởng Choon đã bỏ qua tính toán của máy tính. Tăng trọng lượng máy bay bằng nhiên liệu khi không cần thiết là một sai lầm nghiêm trọng và điều đó hoàn toàn trái với uy tín của Choon.

Choon phải đưa chiếc Boeing của mình lên trời vào lúc 12 giờ 20 và bay theo hành trình Romeo-20. Trên thực tế, máy bay đã cất cánh muộn 40 phút. Trước đó, tổ lái bận lập trình cho hệ thống dẫn đường quán tính.

Hệ thống dẫn đường quán tính là một kỳ quan của kỹ thuật điện tử hiện đại. Nó gồm có ba máy tính và kể cả khi hai trong số đó bị hỏng thì hệ thống vẫn làm việc và dẫn máy bay với độ chính xác rất cao (sai số là không quá 1 dặm trên 5000 dặm hành trình). Để tránh sai sót của con người khi lập trình, chương trình nạp vào máy tính được ghi trong các băng cassette và được đóng gói cùng kế hoạch chuyến bay. Nhưng sau đó, nhất thiết phải có quy trình kiểm tra khi kỹ sư trên không cho “chạy” băng cassette trên máy tính của mình, còn các phi công thứ nhất và thứ hai cùng theo dõi sự phù hợp các số liệu với kế hoạch bay. Tất cả điều đó đã được thực hiện.

Các phi công cho rằng, hệ thống dẫn đường quán tính thực tế không hề sai sót. Nhưng ngoài hệ này, trên khoang chiếc Boeing còn có các phương tiện dẫn đường khác, như thiết bị vô tuyến để bám theo các mốc vô tuyến trên mặt đất. Hơn nữa, tổ lái có thể sử dụng mốc tại trạm Bethel ở phía Tây Nam Anchorage.

007 bắt đầu chệch khỏi đường bay ngay sau khi cất cánh. Đài điều hành không lưu của sân bay Anchorage đã nhận thấy trên nửa đường tới đích, chuyến bay 007 đã lệch đường bay 6 dặm về phía Bắc. Nhưng điều đó không hề làm tổ lái băn khoăn - thời gian để hiệu chỉnh còn khối. 50 phút sau khi cất cánh, 007 thông báo qua vô tuyến điện rằng máy bay đã bay qua Bethel. Nhưng theo các băng ghi của radar quân sự của Mỹ tại King-Salmon, máy bay trên thực tế đã bay chệch về phía Bắc hơn chục dặm.
Vấn đề này rất quan trọng về một số góc độ. Mặc dù, máy bay đã thay đổi hướng bay mấy lần, nhưng hướng bay mà nó chọn tại điểm Bethel đã đưa máy bay bay sâu vào lãnh thổ Liên Xô, vào vùng mà trên bản đò dẫn đường của Choon được khoanh bằng một đường xanh đậm với dòng chữ: “Chú ý! Máy bay đang tiếp cận khu vực có thể bị bắn mà không cần cảnh cáo”. Máy bay không thể ở điểm Bethel nếu như tổ lái lái máy bay theo hành trình Romeo-20. Hệ thống dẫn đường quán tính lẽ ra đã dẫn máy bay tới điểm kiểm tra. Máy lái tự động nhằm hướng mốc vô tuyến Bethel lẽ ra cũng làm điều tương tự. Nếu như cả hệ thống dẫn đường quán tính lẫn máy lái tự động đều không làm việc thì khi bay qua điểm này bắt buộc cơ trưởng phải kiểm tra các máy móc dẫn đường.

Hơn nữa, la bàn nam châm thông thường trong buồng lái (độc lập với các hệ thống còn lại) cho thấy sai lệch so với đường bay và khi chuyến bay tiếp tục đã cho thấy rõ hơn nhiều sai lệch đó. Dường như 007 đã bị lệch đường bay ở Bethel - có nghĩa là phải tin rằng, cơ trưởng và tổ lái có lỗi về sự cẩu thả và lơ đễnh siêu nhiên. Bởi vậy, những giải thích có thể cho điều xảy ra là rất hạn chế.

Hoặc là cả hệ thống dẫn đường quán tính, cả máy lái tự động đều bị hỏng, còn phi hành đoàn thì không trông thấy đèn vàng chớp nháy trên bảng đồng hồ báo hiệu điều đó. Thêm nữa, tổ lái chắc đã không chú ý quan sát la bàn và radar thể hiện một đường bờ biển hoàn toàn khác của Alaska so với đường bờ biển mà máy bay phải bay qua.

Hoặc là một chương trình bay giả đã được nạp vào hệ thống dẫn đường quán tính của máy bay Anchorage để máy bay bay vào lãnh thổ Liên Xô, điều không thể làm mà tổ lái không biết, nhất là khi tính đến yếu tố chính họ đã cung cấp thông tin giả về việc mình bay qua trên Bethel.

007 ngày càng chệch xa đường bay Romeo-20 và không chỉ có một máy bay này trên tuyến bay này. Vào hồi 13 giờ 14 phút, theo sau nó là chuyến bay 015 khởi hành từ Anchorage. ở đây cũng đã diễn ra những chuyện lạ thường. Nếu như 007 bay theo đường bay thì 015 đã đuổi kịp nó. 015 bay qua điểm kiểm soát tiếp theo sau Bethel trước thời gian đã định gần 9 phút. Viên phi công Mỹ lão luyện Robert Elladyes cho rằng, tốc độ của máy bay cao hơn nhiều so với tốc độ được phép. Mặt khác chuyến bay 007 lại bay chậm lại và bằng cách đó mà trên một phần đáng kể hành trình cả hai máy bay này đã bay gần nhau theo đường song song.

Đó là một yếu tố quan trọng, còn đây là nguyên nhân của nó. Trong khi 007 bay ngày càng lệch đường bay, nó cũng ra khỏi vùng hoạt động của đài vô tuyến điện của sân bay Anchorage, nhưng liên tục nằm trong tầm hoạt động của máy thu phát vô tuyến điện trên máy bay 015 và như vậy là có thể sử dụng 015 làm điểm liên lạc trung gian. Điều đó cũng dẫn đến một điều bất hợp lý nữa. Những thông số tốc độ gió mà 007 chuyển qua 015 về Anchorage rất khác với các thông số của bản thân máy bay 015. Mà theo các thông số được cung cấp về vị trí của 007 thì nó chỉ bay phía trước mấy phút.

007 phải đi qua điểm kiểm soát tiếp theo trên biển vào lúc 14 giờ 30 phút và thông báo điều này về Anchorage. Qua 4 phút sau thời điểm đã định mà điều này vẫn không được thực hiện và đây là cớ để người ta phát lệnh báo động. Anchorage cố tìm 007 qua các đài vô tuyến điện của quần đảo Aleutian, nhưng vào lúc đó 015 báo cáo 007 đã yên lành vượt qua điểm kiểm soát. Anchorage đã chuyển tin cho Choon là tại điểm kiểm soát tiếp theo giữa quần đảo Aleutian và quần đảo Commander, anh ta phải thông báo vị trí của mình. Điều đó đã không được thực hiện. Thay vào đó, thông báo một lần nữa lại được chuyển qua máy bay 015. Đó là chuyện lạ nhưng các điều phái viên không hề phát lệnh báo động. Đến lúc đó, 007 đã cách vị trí mà máy bay này xác nhận là vị trí hiện tại của mình với các điều phái viên qua máy bay 015 là 150 dặm về phía Bắc. Các radar của máy bay 007 (có hai  chiếc) lẽ ra phải cho các phi công thấy các đường nét của Kamchatka nằm cách đó vẻn vẹn 110 dặm. Đến lúc đó trên các màn hình radar cũng phải có bóng dáng của chiếc máy bay do thám Mỹ RC-135.

Sự xuất hiện của chiếc RC-135 lẽ ra đã làm tổ lái 007 thận trọng nếu như nguyên nhân máy bay của họ thay đổi đường bay là để tiết kiệm nhiên liệu như phỏng đoán. Trong trường hợp này, họ phải tránh ánh mắt của người ngoài. Sẽ là một chuyện khác nếu cuộc hẹn trên không của chiếc Boeing với chiếc máy bay do thám RC-135 kia đã được lên kế hoạch trước. Và các chuyên gia phòng không đang theo dõi chuyển động của các máy bay trên các màn hình radar của mình chỉ có thể giải thích cho mình như vậy. Cả hai chiếc máy bay tiến nhanh về bờ biển Kamchatka. Chiếc 007 và RC-135 gặp nhau ở phía Bắc quần đảo Comandor. Để điều đó diễn ra, máy bay 007 lại một lần nữa thay đổi đột biến đường bay và rõ ràng là phi công làm điều đó hoàn toàn có ý thức.

Các hành khách trên khoang không hề mảy may nghĩ về hiểm hoạ mà họ đang phải chịu. Một số người đang xem phim video trên máy bay, số còn lại đang ngủ.

Tín hiệu của máy bay 007 xuất hiện trên các radar của bộ đội phòng không Liên Xô vào lúc 15 giờ 51 phút và trùng với tín hiệu của máy bay Mỹ RC-135 vào lúc 16 giờ 01 phút. Chúng bay gần nhau cho đến 16 giờ 11 phút, sau đó một chiếc rẽ về hướng Alaska, chiếc kia bay tiếp về hướng Kamchatka. Những người theo dõi chuyến bay trên màn hình radar lúc đó không thể khẳng định chiếc máy bay nào tiếp tục bay về hướng biên giới Liên Xô. Vào lúc 16 giờ 30, máy bay 007 vượt bờ biển Kamchatka.

Liên Xô hạ lệnh cho các máy bay đánh chặn của mình cất cánh lúc 16 giờ 32 phút - 2 phút sau khi máy bay 007 xâm nhập không phận Kamchatka - và ngừng chuyến bay đánh chặn vào lúc 17 giờ 08 phút khi không phận Kamchatka đã sạch bóng kẻ vi phạm.

Có những cách giải thích khác nhau về việc không thể đánh chặn được chiếc Boeing trên Kamchatka: người thì nghĩ là bộ đội phòng không Liên Xô không ở trạng thái sẵn sàng; người khác thì cho rằng, rõ ràng nhiễu điện tử mà Mỹ gây ra đối với các radar và phương tiện liên lạc của Liên Xô đã cản trở việc này.

Dù sao chăng nữa thì sau khi ở trong không phận Kamchatka của Liên Xô gần 38 phút, chiếc Boeing bay về phía biển Okhot, về hướng Sakhalin. Rõ ràng phòng không Liên Xô lúc này đã cảnh giác. Quả thực khi chiếc máy bay tiếp cận Sakhalin, các máy bay đánh chặn đã cất cánh và chiếc máy bay khách phải bay cùng với một đội hộ tống hùng hậu. Đồng thời, các máy bay bay kèm đã nhiều lần tìm cách liên lạc với chiếc Boeing trên tần số khẩn cấp quốc tế. Các máy bay tiêm kích Liên Xô bay bám đuôi chiếc Boeing biết rằng, chúng chỉ còn 10 phút để buộc chiếc Boeing hạ cánh hoặc bắn hạ nếu không làm được điều đó. Và nếu phải áp dụng biện pháp đau buồn này thì điều đó chỉ được thực hiện vào giây phút cuối cùng để không cho kẻ vi phạm chạy thoát. Đó là những phút giây cực kỳ căng thẳng.

Viên phi công Liên Xô sau này đã kể lại về những khoảnh khắc này trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Thực tế, máy bay bay ngay trên căn cứ của chúng tôi. Tôi bay gần chiếc máy bay và chỉ cho nó các đèn bên sườn của máy bay mình. Hiển nhiên là họ phải thấy chúng. Sau đó tôi bắn bốn loạt đạn vạch đường trước mũi chiếc Boeing. ở xa nhiều kilômet cũng thấy rõ chúng và tất nhiên là họ cũng phải nhìn thấy chúng. Tôi cũng đã chao cánh. Họ phải nhìn thấy các đèn hiệu và cánh máy bay được chiếu sáng “.

Lúc đó, Choon thực hiện một động tác cơ động làm cho phía Liên Xô càng thêm nghi ngờ. Bỏ lại chiếc máy bay bên dưới, đồng thời tăng tốc, anh ta sau đó bắt đầu lấy độ cao đột ngột. Chiếc máy bay đánh chặn Liên Xô lập tức phản ứng. Vào lúc 18 giờ 26 phút 20 giây, phi công lái máy bay này báo cáo: “Các tên lửa đã phóng”, và 2 giây sau: “Mục tiêu đã bị diệt”. Tất cả đã kết thúc. Chiếc máy bay Boeing rơi xuống biển ở vùng đảo Monneron.

Print Print E-mail Print