Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Tổn thất đầu tiên

VietnamDefence - Đầu thập niên 1960, Mỹ đã không còn cơ hội sử dụng máy bay thực hiện các chuyến bay do thám trên lãnh thổ Liên Xô mà không bị trừng phạt nữa - chúng bắt đầu thường xuyên bị bắn hạ. Bởi vậy, Mỹ quyết định tiến hành do thám từ vũ trụ.

Nhiệm vụ của các vệ tinh tình báo vô tuyến điện tử đầu tiên vốn xuất hiện chỉ vài năm sau các vệ tinh chụp ảnh và được biết đến dưới cái tên Ferret là hoạt động ở độ cao 800 kilômet trên lãnh thổ nước khác để chặn thu và ghi lại tín hiệu của các phương tiện vô tuyến điện và các đài radar, sau đó chuyển chúng cho các trạm mặt đất của nước mình để phân tích. Các tin tức này đã đem lại hình ảnh chi tiết về khả năng của các hệ thống phòng không. Chu trình thu thập thông tin nhờ các vệ tinh tình báo vô tuyến điện tử là chủ ý kích hoạt các hệ thống phòng thủ của một nước nào đó và theo dõi chặt chẽ hoạt động sau đó của các hệ thống này. Nhằm mục đích đó, thủ đoạn hay gặp nhất là phái máy bay hay tốp máy bay vào khu vực bố trí đài radar.

Ngày 19 tháng 1 năm 1964, một vệ tinh đã được phóng lên từ căn cứ không quân Mỹ ở California. Người ta không nói gì về mục đích của vụ phóng. Tuy nhiên sau một thời gian, người ta biết rằng vệ tinh được đưa lên quỹ đạo tương tự các quỹ đạo của các vệ tinh Ferret. Ngày 28 tháng 1, tức là 9 ngày sau vụ phóng vệ tinh này, một máy bay phản lực T-39 của Không quân Mỹ đã xâm nhập vùng trời Cộng hoà Dân chủ Đức. Khi máy bay đã bay sâu vào không phận Cộng hoà Dân chủ Đức khoảng 100 kilômet, nó đã bị một máy bay tiêm kích Liên Xô bắn rơi. Cả ba thành viên tổ lái đều thiệt mạng và gây ra một cuộc đối đầu ngoại giao nghiêm trọng giữa Mỹ và Liên Xô. Mỹ gọi vụ này là “việc bắn hạ không suy nghĩ và không thể tha thứ một chiếc máy bay do nhầm lẫn đã bay qua ranh giới Cộng hoà Dân chủ Đức và Cộng hoà Liên bang Đức”. Sứ quán Liên Xô tại Washington, tuy nhiên, đã từ chối tiếp nhận công hàm phản đối này của Mỹ với tuyên bố sứ quán Liên Xô có đủ mọi căn cứ để nói chuyến bay đó không phải là sai lầm. Trên cơ sở thông tin do hai bên đăng tải, đã có thể hình dung khá chính xác đường bay của chiếc T-39 sau khi xâm nhập không phận Cộng hoà Dân chủ Đức và xác định được chuyến bay bắt đầu vào lúc 13 giờ 55 phút theo giờ Greenwich và chấm dứt với việc máy bay bị diệt 7 phút sau đó. Chiếc vệ tinh đáng ngờ kia ở đâu vào lúc đó?

Nó đang tiếp cận nhanh điểm cao ở phía tây nếu như nhìn từ vùng xâm nhập và bay về phía bắc. Khi đạt đến điểm này trên bầu trời, chiếc vệ tinh sẽ ở vị trí tối ưu để thu nhận các tín hiệu radar phát ra từ phía đông nhằm về hướng chiếc máy bay vi phạm. Nhưng điều đó đã không xảy ra bởi vì chiếc vệ tinh tới điểm tối ưu vào khoảng 14 giờ 05, còn chiếc T-39 đã bị bắn rơi khoảng 2,5 phút trước đó. Chuyến bay của vệ tinh nhanh đến nỗi vào lúc đó nó vẫn còn phải bay ngang qua dãy núi Pirene và nó mới chỉ vào vùng có thể chặn thu các tín hiệu radar cần thiết. Bởi vậy, có thể có cảm tưởng rằng, nếu như hai sự kiện này có liên quan với nhau thì chiếc máy bay cần phải bay vào vùng trời Cộng hoà Dân chủ Đức muộn hơn một chút và tất cả đã diễn ra do sự ngẫu nhiên thuần tuý.

Mỹ đoan chắc là Liên Xô không biết gì về vai trò của chiếc vệ tinh kia. Sau khi đi đến kết luận đó, Mỹ vẫn tính tới khả năng sử dụng lại nó. Và ngày 10 tháng 3, đã xuất hiện một tin chấn động về việc thêm một máy bay nữa của Không quân Mỹ, lần này là máy bay do thám hai động cơ RB-66 đã xâm nhập không phận Cộng hoà Dân chủ Đức chỉ cách địa điểm xâm nhập trước đó khoảng 100 dặm về phía bắc và cũng gần như đúng vào thời gian đó, chỉ có điều nó bị bắn rơi còn sớm hơn. 3 thành viên tổ lái đã nhảy dù xuống đất an toàn.

Năm tháng trôi qua và hai vụ việc diễn ra cách nhau không lâu này có thể có vẻ như ngẫu nhiên. Trước đó chưa từng có chuyện tương tự và nhiều năm sau cũng không xảy ra chuyện giống thế. Cái mốt sử dụng mấy chiêu bài “lỗi dẫn đường” và “hỏng thiết bị” đã qua rồi. Mọi chuyện vẫn như thế cho đến cái đêm định mệnh 31 tháng 8, rạng sáng 1 tháng 9 năm 1983, khi chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Hàn Quốc (KAL) đã bay lệch khá xa đường bay của mình và bị bắn rơi trên không phận Liên Xô ở khu vực tập trung nhiều lực lượng quân sự. Nhưng chúng tôi sẽ kể về nó sau này.

Print Print E-mail Print