Đừng cắt tất cả nhưng cái mọc được.
K. Prutkov. “Những trước tác”
“Cấm vào trừ phi được Bộ Chỉ huy Tối cao cho phép”
|
George Blake giúp tình báo Liên Xô phá tan chiến dịch Gold
|
Ngày 27 tháng 9 năm 1947, Tổng thống Mỹ H. Truman đã ký Đạo luật An ninh Quốc gia, theo đó Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA đã được thành lập. Ngoài nhiệm vụ lãnh đạo CIA, Giám đốc CIA còn điều phối hoạt động của tất cả các cơ quan, đơn vị trong cộng đồng tình báo Mỹ, giữ vai trò cố vấn thứ nhất của tổng thống về các vấn đề tình báo và bảo đảm thông tin về nước ngoài cho lãnh đạo tối cao của Mỹ.
Trong thành phần của CIA có bốn cục (directorate). Cục lớn nhất là Cục Hoạt động phụ trách tiến hành các chiến dịch tình báo và các hoạt động lật đổ ngầm ở nước ngoài. Cục Phân tích thông tin đảm nhiệm phân tích, chuẩn bị và báo cáo các tin tức do tất cả các thành viên của cộng đồng tình báo Mỹ thu thập đưọc. Cục Khoa học kỹ thuật thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực tình báo bằng phương tiện kỹ thuật, duy trì quan hệ với các hãng công nghiệp quân sự thực hiện đơn đặt hàng chế tạo phương tiện kỹ thuật tình báo mới. Cuối cùng, Cục Hành chính, ngoài các chức năng chung, “hàng ngày” như hậu cần, tài chính, y tế, còn thâu tóm các chức năng an ninh, liên lạc và huấn luyện.
Dĩ nhiên, một cơ quan tình báo hùng mạnh như thế không thể bỏ qua tình báo vô tuyến điện tử.
Một trong những chiến dịch tình báo vô tuyến điện tử quy mô lớn đầu tiên của CIA bắt đầu vào năm 1953. Chính thời đó, đại bản doanh CIA ở Washington đã nhận được tin nói rằng, ở Berlin, trên lãnh thổ Cộng hoà Dân chủ Đức, có một trạm điện thoại lớn ngầm dưới đất hoạt động, thông qua đó có một bộ phận đáng kể lưu lượng liên lạc điện thoại của các cơ quan nhà nước của Cộng hoà Dân chủ Đức. Sự quan tâm của người Mỹ đối với Berlin không phải là tình cờ. Thủ đô Cộng hoà Dân chủ Đức là đầu mối thông tin liên lạc quan trọng thứ hai ở Đông Âu. Điều đó có nghĩa là chẳng hạn khi Tư lệnh Quân quản Liên Xô ở Bucarest hay Varsava liên lạc với Moskva thì cuộc gọi bắt buộc phải đi qua Berlin.
Cuối năm 1954, được sự đồng ý của xếp CIA A. Dulles, các nhân viên ở trung tâm CIA tại Berlin đã bắt tay vào một việc khác thường đối với họ là đào một đường ngầm dưới đất. Chưa ai từng làm việc tương tự, nhưng người Mỹ cho rằng, đào đường hầm là cách duy nhất để xâm nhập vào trạm điện thoại của Đông Berlin. Các cơ quan tình báo Anh có đôi chút kinh nghiệm đào đường ngầm thẳng đứng. Chính vì vậy, người Mỹ đã tin tưởng giao phó cho họ việc nghiên cứu biện pháp đào thẳng đứng mà không làm biến dạng bề mặt lớp đất trên cùng. Họ cũng phải viện đến sự giúp đỡ của người Anh khi lắp đặt máy móc nghe lén trong đường hầm.
Công việc được tiến hành bằng các phương tiện kỹ thuật xây dựng hiện đại nhất và kéo dài gần bốn tháng. Tại Tây Berlin, bên cạnh đường biên giới, Không quân Mỹ đã vội vã lắp đặt một đài radar mới. Để đánh lạc hướng chú ý, xung quanh đài đã xây dựng nhiều toà nhà khác bao quanh bằng hàng rào với các vọng gác. Đường hầm cũng được đào từ vị trí đó. Từ bên trong tầng hầm rộng lớn của đài radar, các máy khoan công suất lớn bắt đầu đào đường hầm ở độ sâu 7 m dưới mặt con đường nhựa nối Tây Berlin với thủ đô Cộng hoà Dân chủ Đức. Một số lượng lớn đất sét được moi ra từ đường hầm, ban đầu đổ tạm ra tầng hầm đài radar, sau đó được bí mật chở đi trong những contenơ lớn. Trên các contenơ có ghi các hàng chữ hoàn toàn vô hại để đánh lừa những kẻ tò mò nhất. Việc thi công được tiến hành thông tầm, suốt 24/24 giờ.
Họ đã xây dựng nên một công trình kiên cố đặc thù kiểu Mỹ. Đường hầm có đường kính gần hai mét và gồm những khẩu bêtông nối nhau, bên trong xếp bao cát. Không khí được điều hoà, các máy bơm được dùng để bơm nước ngầm phun lên. Các bảng công tắc được đấu với các máy tăng âm. Tổng cộng, họ đã triển khai 400 máy tăng tâm - mỗi kênh liên lạc lắp một máy - và từng đấy máy nghe lén và ghi âm. ở đầu kia đường hầm có lắp hai cánh cửa thép và các đường dây đi qua đó. Các đường dây được nối với những đường cáp điện thoại ở Đông Đức và được đấu sao cho không làm đứt đoạn lấy một giây liên lạc qua trạm điện thoại. Không lâu sau đã đến ngày ăn mừng khi 400 máy ghi âm đồng thời bước vào hoạt động.
Trong suốt gần một năm, chính quyền Mỹ đã sử dụng đường hầm này để nghe lén các cuộc điện đàm giữa Moskva và Berlin. Băng ghi âm các cuộc điện đàm được gửi đi London để một nhóm dân Nga lưu vong luôn sẵn sàng dịch ngay lập tức. Các nội dung chặn thu điện báo cần giải mã thì được gửi đến Nuremberg. Tại đó, có một nhóm đặc biệt nữa gồm năm chuyên gia mã thám. Tại Washington, một nhóm lớn nhân viên CIA trong nhiều tháng trời sẽ tiến hành phân tích và hệ thống hoá thông tin thu được trong đường hầm để chuyển cho các cơ quan chính phủ tương ứng. Tuy vậy, các văn bản đánh giá thông tin này rất khác nhau. Một số thì khẳng định đường hầm này đã cứu mạng không ít điệp viên Mỹ vì nhờ các tin tức thu được, các điệp viên này đã kịp thay đổi phương pháp và kế hoạch hoạt động. Các văn bản đánh giá khác thì nói đường hầm cung cấp được rất ít tài liệu loại một. Và quả thực, nói một cách nhẹ ra thì phần lớn tin tức thu được có giá trị đáng ngờ. Chẳng hạn, Mỹ đã chặn thu được thông tin nói phía Liên Xô có kế hoạch bắt giữ Tư lệnh Quân quản Tây Berlin của Mỹ, tướng Descher khi ông ta đi thăm hội chợ Leipzig. Người Mỹ không hề băn khoăn về tính không tưởng của tin này nên trong một thời gian dài, họ đã tìm đủ lý do để huỷ bỏ chuyến thăm hội chợ của Descher mà không để lộ nguồn tin. Vấn đề tự nó giải quyết khi mà Descher bất ngờ ốm vì viêm phổi.
Để giữ thể diện, sau này người ta có thể nhắc đi nhắc lại bao nhiêu tuỳ thích về “chiến dịch tuyệt vời về sự táo bạo và sáng tạo” đã tạo cơ hội cho CIA trong cả năm trời “bắt được mạch của Liên Xô” để cảnh báo kịp thời cho chính phủ Mỹ về cuộc tấn công đang chuẩn bị của Liên Xô. Nhưng kể cả những kẻ biện giải bênh vực CIA cũng buộc phải thú nhận rằng, nói cho cùng chi phí của đường hầm gián điệp cao hơn nhiều giá trị thông tin thu được nhờ nó.
Một câu hỏi dĩ nhiên nảy sinh: nếu người Mỹ trong một năm đã nghe lén được một số lượng lớn các cuộc gọi điện thoại trên 400 kênh thì chả lẽ tất cả đều là nguồn tin hạng hai? Còn việc khám phá chiến dịch của CIA - có thực là nó đã xảy ra như người ta đã thông báo chính thức cho công luận thế giới? Giả thuyết của người Mỹ về điều đã xảy ra ngày 22 tháng 4 năm 1956 như sau.
Một đêm tháng 4, bốn quân nhân Mỹ đã được huấn luyện đặc biệt như mọi khi vẫn ngồi bên các máy mócđược đấu với các kênh điện thoại chính phủ và quân sự của Cộng hoà Dân chủ Đức. ở trong một boongke tiện nghi đối với họ là chuyện hoàn toàn bình thường. Họ thấy thoải mái như đang làm việc trong đơn vị mình. Nỗi lo sợ đeo đẳng họ trong những tuần trực đầu trong boongke đã qua đi từ lâu. Các trang bị kỹ thuật hoạt động rất tốt, các nhân viên vận hành có thể thư giãn, thậm chí cười đùa. Điểm mà họ khoái nói đến nhất là người Nga sẽ nói gì một khi biết các cuộc gọi điện thoại của mình bị nghe lén. Nhưng lần này, chuyện đùa đã tắc nghẹn trong họng những kẻ hóm hỉnh. Vấn đề là việc bộ đội thông tin Liên Xô tiến hành kiểm tra định kỳ trạm điện thoại. Một người lính đã đụng phải những đường dây không rõ công dụng, sau đó là một cánh cửa thép với dòng chữ tiếng Nga đầy hăm doạ “Cấm vào trừ phi được Bộ Chỉ huy Tối cao cho phép!” Sau một chút dao động, các chiến sĩ thông tin Liên Xô đi sâu vào đường hầm cách âm này. Tại đó, họ không thấy ai. Ngay lúc có ai đó chạm vào một dây dẫn nào đó thì một thiết bị tự động sẽ phát tín hiệu báo động cho nhân viên của đài radar Mỹ đang là bình phong của đường hầm gián điệp này. Nhưng trong đường hầm đèn vẫn sáng, máy điều hoà nhiệt độ vẫn làm việc, tất cả các máy móc vẫn bật, các máy bơm nước vẫn chạy vo vo như không hề có chuyện gì xảy ra, một trong các điện thoại dã chiến vẫn réo chuông không ngớt.
Liên Xô đã gửi công hàm kịch liệt phản đối Mỹ. Đường hầm với tư cách bằng chứng hoạt động gián điệp của Mỹ đã được hàng ngàn khách tham quan đến thăm. Và mặc dù Mỹ giữ im lặng tuyệt đối nhưng chẳng ai trên thế giới mảy may nghi ngờ về tác giả của việc này. Người ta thừa hiểu nếu khách tham quan đi xa hơn nữa theo đường hầm thì sẽ nhanh chóng có mặt trên lãnh thổ Tây Berlin, ngay trong toà nhà có thiết bị radar Mỹ trên nóc. Lời mời đến tham quan đường hầm đã được gửi cho Tư lệnh Quân quản Mỹ ở Tây Berlin Descher, đáp lại ông ta nói đây là lần đầu tiên được nghe thấy nói về về những chuyện này và nhất quyết từ chối đến thăm. Phải 14 năm sau khi phát hiện đường hầm thì câu chuyện chân thực về nó mới được biết đến đầy đủ nhờ con trai một người Do Thái Hà Lan giàu có từng cùng gia đình chạy nạn từ Hà Lan sang Anh khi Đức chiếm đóng Hà Lan. Tại Anh, gia đình này đã đổi từ họ Behar không may sang họ Blake quen thuộc hơn với cái tai của người Anh.
Kết cục của chiến dịch Gold
Ngày 22 tháng 10 năm 1966, trước một bệnh viện của London có một cảnh rất nhộn nhịp. Giờ thăm bệnh nhân đã bắt đầu. Trên bãi đậu xe của bệnh viện không còn đủ chỗ. Lúc đó, các đường phố cũng đang tắc nghẽn nên không ai để ý đến một chiếc ôtô đang đỗ bên cạnh bức tường gạch đỏ trước toà nhà gần bệnh viện, đối diện nhà tù. Từ chiếc xe bước xuống một người đàn ông tay cầm bó hoa cúc. Người ta vẫn thường mang hoa đến bệnh viện nên chả ai chú ý đến anh ta. Thêm vào đó, trời lại mưa lâm thâm. Hai giờ sau, tất cả đã thay đổi. Còi báo động rú inh ỏi, xe ôtô cảnh sát rầm rập lao đến. Trong sân nhà tù đang tiến hành lục soát vì tù nhân George Blake, cựu sĩ quan tình báo Anh bị án tù dài nhất trong lịch sử tư pháp Anh vào năm 1961 vì hoạt động tình báo cho Liên Xô, đã biến khỏi buồng giam.
Năm 1952, nhận thấy đường lối chính nghĩa và cơ cấu nhà nước nhân đạo của Liên Xô nên sĩ quan tình báo Anh lỗi lạc này đã tự nguyện đề nghị cộng tác với tình báo Liên Xô. Trong nhiều năm dài, ông đã làm việc không vụ lợi cho Liên Xô hoàn toàn vì động cơ lý tưởng. Tuy vậy, các tài liệu mà nhân viên tình báo Ba Lan Mikhail Goleniewski phản bội chạy sang phương Tây đem theo đã giúp người Anh lần ra Blake.
Theo bản án, Blake phải ngồi tù không dưới 2/3 thời hạn tù mà toà đã tuyên, có nghĩa là may ra ông chỉ có thể được tự do vào tuổi 66. Ngồi tù được bốn năm và hết hy vọng được Bộ An ninh Quốc gia Liên Xô (MGB) hỗ trợ cứu ra khỏi tù, Blake quyết định tự sắp xếp cuộc chạy trốn. Ông đã tìm được một người tiếp tay trong số tù nhân - một người Ireland có tên Sean Bourke đang sẵn sàng làm mọi việc chỉ để gây phiền toái cho chính quyền Anh. Bourke sắp được thả. Blake đã kịp thống nhất đại thể với ông ta về kế hoạch chạy trốn sắp tới của mình. Sau khi Bourke ra tù, họ đã bàn bạc chi tiết với nhau bằng cách liên hệ trực tiếp qua các máy vô tuyến điện xách tay. Chỉ máy định vị cơ động bố trí riêng trong khu vực nhà tù mới có thể chặn thu được các cuộc đàm thoại của họ. Tuy vậy, tình báo vô tuyến điện tử Anh hoàn toàn tập trung cho việc chặn thu các điện tín liên lạc gửi ra nước ngoài, chứ họ chẳng quan tâm đến các máy phát công suất nhỏ có bán kính hoạt động 10 m.
Kế hoạch chạy trốn được suy tính từng ly từng tý. Thậm chí, số điện thoại mà Blake cần gọi sau khi thoát được khỏi nhà tù, được ghi trên mẩu giấy và đặt tại chỗ quy định cũng được người tiếp tay mã hoá. Còn khoá mã thì Blake chỉ biết được khi đã ở trong chiếc ôtô đợi đón ông ở gần nhà tù vào giờ chạy trốn đã định.
Bốn năm sau, trong một căn hộ ấm cúng ở Moskva, các cán bộ của toà báo Izvestya (Tin tức) đã trò chuyện với Blake. Vì công lao đối với Liên Xô, ông đã được tặng thưởng hai huân chương cao quý nhất. Khi trò chuyện, Blake đã hồi tưởng cả những sự kiện đã diễn ra hơn 15 năm trước - đó là chiến dịch Gold. Tháng 12 năm 1953, các quan chức cao cấp CIA đã đến London bàn bạc với các đồng nghiệp Anh kế hoạch phối hợp tiến hành một hành động đặc biệt. Đó là về đường hầm gián điệp trên lãnh thổ Cộng hoà Dân chủ Đức. Trong các cuộc trao đổi, về phía Anh có cả Blake tham gia vì anh là phó trưởng phòng phụ trách và bảo đảm các điệp vụ kỹ thuật.
Họ đã lập biên bản ghi nhận kết quả đàm phán của hai cơ quan tình báo và lúc rỗi rãi Blake cũng đã nó cẩn thận. Sau đó, vì tầm quan trọng và tính khẩn cấp của vấn đề, ông đã xin gặp khẩn cấp liên lạc viên của tình báo Liên Xô. Đưa ra quyết định đó không phải là dễ dàng vì tất cả các cuộc gặp với liên lạc viên đều mạo hiểm, kể cả khi có thời gian chuẩn bị. Dù sao thì cuộc gặp của Blake với liên lạc viên cũng đã diễn ra xuôn xẻ.
Như vậy, trong khi người Mỹ còn đang cặm cụi thực hiện dự án đài radar và rất lâu trước khi họ chở chiếc contenơ đựng đất đầu tiên ra khỏi tầng hầm đài radar thì ở Moskva người ta đã biết tỏng tất cả. Còn lúc này, vào năm 1970, Blake tươi cười kể cho các nhà báo Liên Xô những thông tin “cực kỳ giá trị” nào mà người Mỹ đã nhận được cho đến khi phản gián Liên Xô ấn định ngày 22 tháng 4 năm 1956 để “khám phá” hành động tình báo vô tuyến điện tử này của CIA. Chiến dịch Gold mà lúc mới đầu đã làm những người tổ chức nó tràn trề hy vọng và bị định đoạt trở thành một trong những thất bại lớn nhất của CIA trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử đã chấm dứt như vậy đấy. Việc khám phá ra nó đã được thực hiện rất tinh tế nên các uỷ ban đặc biệt của CIA được thành lập để điều tra vụ này đều đã nhất trí kết luận rằng, Liên Xô đã “tình cờ” phát hiện ra đường ngầm gián điệp này. Hơn nữa, phần lớn các cuộc đàm thoại bị người Mỹ nghe lén trong quá trình chiến dịch Gold quả thực là có các thông tin tin cậy.
Tin cậy nhưng giá trị thấp bởi vì phía Liên Xô đã được Blake cảnh báo kịp thời nên đã chuyển tất cả những cuộc đàm thoại quan trọng nhất sang các kênh liên lạc khác được triển khai để đi vòng qua tổng đài điện thoại Berlin. Còn thông tin vẫn đi qua tổng đài này bị hy sinh để kéo sự nghi ngờ khỏi điệp viên quý giá là Blake.
Mãi sau này, người Mỹ mới biết uỷ ban đặc biệt của CIA đã nhầm, còn CIA thì vẫn say sưa với những thành công ảo tưởng lại tiếp tục xếp đặt nền móng cho một thất bại đau đớn tai tiếng không kém nữa.
(Tiếp theo)