Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Montevideo

VietnamDefence - Một trong những trách nhiệm chính của CIA kể từ khi NSA được thành lập là hỗ trợ cơ quan này khám phá các loại mật mã nước ngoài.

Với mục đích đó, các trung tâm CIA ở nước ngoài đã được bổ sung thêm các nhóm chuyên gia đặc biệt của NSA, những người với sự trợ giúp của các máy móc tối tân tiến hành dò tìm các tần số vô tuyến mà các sứ quán nước ngoài dùng để liên lạc với các thủ đô của mình. Những công điện hoả tốc mã hoá chặn thu được được ghi vào băng từ và chuyển về NSA để giải mã.

Tuy nhiên, sự giúp đỡ của CIA cho NSA không chỉ dừng ở việc cung cấp “bình phong” các trung tâm tình báo của mình ở nước ngoài cho việc triển khai các phương tiện chặn thu. Trong cơ cấu của Cục Hoạt động của CIA, vốn có nhiệm vụ bí mật thu thập tin tức tình báo trên toàn thế giới còn có Phòng “D”. Phòng này điều phối các hoạt động trong lĩnh vực tiến hành tình báo vô tuyến điện tử trong khuôn khổ CIA. Trong các nhiệm vụ của Phòng “D” có việc bảo đảm hỗ trợ hiệu quả cho việc vạch kế hoạch và tiến hành các chiến dịch nhằm tuyển mộ các nhân viên cơ yếu hoặc bí mật lắp đặt các thiết bị kỹ thuật cho phép giải mã các điện mật mã chặn thu được. Phòng “D” nằm trong số những phòng bí mật nhất của Cục Hoạt động của CIA.

Dưới đây là lời kể về một chiến dịch của Phòng “D” trong cuốn hồi ký của một người trực tiếp tham gia chiến dịch này, cựu nhân viên CIA Philip Burnett Franklin Agee:

“Ngày 25 tháng 2 năm 1966, Montevideo. Chiến dịch kỹ thuật nhỏ của tôi nhằm khám phá các mật mã của sứ quán Cộng hoà Arập Thống nhất bắt đầu chiếm đa phần thời gian làm việc của tôi. Hai chuyên gia kỹ thuật đến từ Phòng “D” là Donald Schroeder và Elvin Benefield đã ở đây hơn 1 tuần lễ để xây dựng các kế hoạch cho chiến dịch kỹ thuật, còn tôi thì phải chở họ đi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác để mua đủ loại keo dán đặc biệt, băng nguỵ trang và đủ thứ khó kiếm nữa. Cuối năm ngoái, một người trong số họ đã đến đây một thời gian ngắn và theo yêu cầu của anh ta, tôi đã phái một thanh tra công ty điện lực là điệp viên của chúng tôi đến sứ quán Ai Cập để tiến hành nghiên cứu các căn phòng và phòng làm việc ở đó. Kết quả của chuyến thăm này là bây giờ chúng tôi không hề còn thắc mắc gì về vị trí của phòng cơ yếu - nó nằm ngay trên văn phòng của Frank Stuart, giám đốc chi nhánh Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tại Uruguay.

Một thời gian trước, Stuart đã được lãnh đạo của mình ở Washington chỉ thị phải hết sức hỗ trợ các nhân viên của trung tâm tình báo Mỹ ở Montevideo, mặc dù rõ ràng ông ta không biết người ta làm gì trong vụ này. Ông ta đơn giản chỉ lo để một thiết bị nặng nề nào đó khỏi đổ sập từ trần nhà xuống bàn mình qua lớp cách âm của văn phòng của ông ta. Tôi yêu cầu ông ta đưa các chìa khoá các phòng làm việc và thoả thuận để ông ta phái người bảo vệ đi đâu đó vào chiều tối hôm đó khi mấy ngày nữa chúng tôi sẽ đến đó để lắp đặt các máy móc của mình.

Thiết bị gồm có hai micro tiếp xúc đặc biệt (thu những rung động trực tiếp chứ không phải những rung động không khí như các micro thường), được nối với các máy phát vô tuyến điện mini chạy bằng acquy. Các chuyên gia kỹ thuật gắn thiết bị vào trần nhà cho thật gần vị trí chiếc bàn của nhân viên cơ yếu sứ quán Ai Cập. Từ văn phòng của tôi trong sứ quán và văn phòng của chi nhánh Cơ quan Phát triển Quốc tế, chúng tôi sẽ ghi các tín hiệu dao động mà các micro tiếp xúc ghi được và được các máy phát truyền đi.

Sứ quán Cộng hoà Arập Thống nhất sử dụng máy mã xách tay chế tạo tại Thuỵ Sĩ, giống như sự kết hợp giữa máy chữ và máy đếm. Trong máy có rất nhiều những chiếc đĩa được đặt đặc biệt 2-3 tháng một lần. Để mã hoá một báo cáo mật, nhân viên cơ yếu đánh máy bản rõ của báo cáo trên máy này thành các nhóm 5 chữ cái. Mỗi khi đánh xong một nhóm 5 chữ cái, anh ta lại bấm tay gạt làm chuyển động các đĩa. Khi các đĩa dừng lại, những chữ cái bị đảo lộn xuất hiện và trở thành một nhóm mã hoá gồm 5 chữ cái. Khi toàn bộ điện văn được đánh hết bằng cách đó, tập hợp các nhóm chữ cái thu được sẽ là báo cáo mã hoá và được truyền về Cairô bằng điện báo thương mại.

NSA không thể “bẻ khoá” hệ mã này về mặt toán học, tuy nhiên có một cách giải mã hiệu quả: nhờ các thiết bị nhạy cảm có thể ghi nhận những dao động của máy mã vào lúc các đĩa tự quay kêu khi dừng. Băng ghi dao động được xử lý trên các máy điện tử để cho thấy vị trí của các đĩa khi tiến hành mã hoá điện văn. Vị trí tìm ra của các đĩa được nạp vào một máy tương tự, sau đó người ta nạp vào nó điện văn chặn thu được trên máy điện báo và máy sẽ cho văn bản giải mã của báo cáo đã mã hoá. Mặc dù, hãng Thuỵ Sĩ khi bán các máy mã đó đã nhấn mạnh chỉ được sử dụng máy trong các buồng cách âm trang bị đặc biệt có các bàn bọc cao su xốp, chúng tôi hy vọng trong trường hợp cụ thể này, nhân viên cơ yếu sẽ không thận trọng và không chấp hành các chỉ dẫn đó. Nếu như chúng tôi tìm ra được vị trí các đĩa trong khi đánh máy báo cáo trên máy mã này ở đây, ở Montevideo này thì NSA sẽ có khả năng đọc nội dung điện tín liên lạc không chỉ của Cộng hoà Arập Thống nhất ở Montevideo mà cả nhiều sứ quán Ai Cập khác, kể cả ở Moskva và London do đó đại bản doanh đã đẩy nhanh chiến dịch này. Nếu thủ đoạn này thành công. chúng tôi sẽ ghi được rung động của máy mã mỗi lần khi các đĩa bị thay đổi vị trí. Khi biết nội dung điện tín liên lạc mật của Cộng hoà Arập Thống nhất thì các chính trị gia ở Washington sẽ có thể tiên đoán những bước ngoại giao, quân sự có thể của Cộng hoà Arập Thống nhất, cũng như biết chính xác phản ứng của nuowcs này đối với các sáng kiến của Mỹ.

Một vài ngày sau, toàn bộ trang bị kỹ thuật của các chuyên gia chúng tôi sẽ sẵn sàng. Chúng tôi sẽ hành động theo kế hoạch sau: gần 9 giờ tối, chúng tôi sẽ đi trên một xe ôtô theo phố Paraguay và đi vào căn phòng của chi nhánh Cơ quan Phát triển Quốc tế tại Uruguay qua cửa chính mở bằng chìa khoá do Stuart đưa cho chúng tôi.  Sau khi kiểm tra, tôi sẽ để xe ở gần để phòng khi phải khẩn cấp rút nhanh khỏi toà nhà và khu vực này. Trong khi các kỹ thuật viên lắp đặt thiết bị, tôi sẽ quay về văn phòng mình ở sứ quán của chúng tôi và sẽ quan sát từ cửa sổ các cửa ra vào sứ quán Ai Cập và khu nhà chi nhánh Cơ quan Phát triển Quốc tế. Liên lạc giữa chúng tôi duy trì bằng máy bộ đàm cầm tay. Độ mạo hiểm của chiến dịch này không lớn, mà kết quả thì lại lớn.

Ngày 1 tháng 3 năm 1966, Montevideo. Việc lắp đặt các phương tiện kỹ thuật bên dưới sàn của phòng cơ yếu sứ quán Ai Cập từ phía trần phòng ở dưới mất gần như cả đêm. Không được để thiết bị rơi xuống bàn của Stuart. Bởi vậy, các kỹ thuật viên không tiếc thời gian và đã làm tất cả rất chắc chắn. Chúng tôi đã tiến hành ghi rung động của máy mã, còn sau khi kiểm tra chúng tại trung tâm thông tin liên lạc của chúng tôi, các kỹ thuật viên tin rằng, máy sẽ hoạt động bình thường. Chúng tôi đã gửi các băng ghi theo đường bưu điện ngoại giao về đại bản doanh để chuyển cho NSA và nhanh chóng biết được kết quả. Các micro có độ nhạy tuyệt vời và ghi nhận được mọi rung động trong toà nhà 12 tầng này: tiếng cọt kẹt của các cấu kiện toà nhà, tiếng ồn của nước chảy trong toalet, chuyển động của thang máy.

Ngày 12 tháng 3 năm 1966, Montevideo. Bản doanh thông báo rằng, nhờ các băng ghi của chúng tôi, NSA đã xác định được vị trí các đĩa trên máy mã của sứ quán Ai Cập. Chúng tôi sẽ để tất cả các thiết bị tại chỗ, còn khi người Ai Cập thay đổi vị trí các đĩa, tôi sẽ ghi tại văn phòng của mình mấy băng ghi rung động khi nhân viên cơ yếu Ai Cập làm việc và gửi chúng theo đường bưu điện ngoại giao về bản doanh.

Cuối cùng tôi đã thoát khỏi hai người bạn của Phòng “D”. Một người đi châu Phi để tiến hành một chiến dịch tương tự đối với phái bộ ngoại giao mới mở của nước Trung Hoa cộng sản, còn người kia đến Mêhicô để chuẩn bị trong một thời gian chiến dịch nhằm khám phá hệ thống mật mã mà người Pháp sử dụng...”

Print Print E-mail Print