Điệp viên Penkovsky
|
Điệp viên ba mang Oleg Penkovsky
|
Ngày 3 tháng 5 năm 1963, tại Moskva, đã khai mạc phiên toà xử đại tá GRU (Tổng cục Tình báo - Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô) Oleg Vladimirovich Penkovsky. Một tuần sau, toà đã tuyên án hắn: Penkovsky đã thú nhận phạm tội phản bội tổ quốc và bị tuyên án tử hình bằng xử bắn, hắn bị tước quân hàm, tất cả các huân huy chương, tài sản riêng bị tịch thu. Các tờ báo Pravda (Sự thật) và Izvestya (Tin tức) đã đưa tin một tên nghiện rượu, tha hoá về đạo đức, một sĩ quan đã phản bội tổ quốc mình, làm gián điệp cho CIA.
Những người bảo trợ Penkovsky ở CIA, trái lại, đã bày tỏ sự tri ân đối với tên tay sai của họ sau khi chết. Theo họ, Penkovsky, trong những năm tháng rực rỡ nhất của đời mình, đã góp một phần quan trọng vào việc giải toả các cuộc khủng hoảng quốc tế liên quan đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bất kể việc Mỹ ca ngợi vai trò bảo vệ hoà bình đặc biệt của Penkovsky thì kể cả trong thời cải tổ ở Liên Xô, cũng không có ai vội vàng công khai cảm ơn hắn về việc đã cứu vãn thế giới khỏi hiểm hoạ chiến tranh hạt nhân. Thậm chí trái lại. Năm 1990, KGB đã công bố danh sách các tài liệu quan trọng nhất mà Penkovsky đã chuyển cho CIA. Từ danh sách này, có thể thấy Penkovsky đã đóng vai trò không đáng kể trong việc giảm bớt căng thẳng đối đầu giữa hai siêu cường vào đầu thập niên 1960.
Đáp lại yêu cầu của CIA thu thập và ghi nhận mọi thông tin về các kênh thông tin liên lạc của Liên Xô, về hoạt động mã thám, cơ yếu và các phương pháp của công tác nhân sự trong lĩnh vực này, Penkovsky đã mô tả đặc điểm của các hệ thống thông tin liên lạc chính phủ của Liên Xô vào đầu thập niên 1960. Thời đó có hai hệ thống như vậy. Một hệ được gọi là VCh và nối bằng cáp ngầm các phòng làm việc của các cán bộ đảng cao cấp trong Điện Kremlin với tất cả các thành phố của Liên Xô. Hệ thống kia được gọi là “Kremlievka”. Đây hoàn toàn là hệ thống điện thoại nội hạt Moskva nối với tất cả các công sở chính phủ ở thủ đô. Một phiên bản của “Kremlievka” là “Vertushka” nối trực tiếp các quan chức nhà nước cao cấp nhất với Điện Kremlin. Trên mạng “Vertushka”, điện thoại sẽ được kết nối lập tức nếu một người dùng nào đó nhấc ống nghe trên một đầu dây của nó. Không thể kết nối với hệ “Kremlievka” từ mạng điện thoại thành phố. Việc phân phối điện thoại được phép đấu với các hệ thống thông tin liên lạc chính phủ do Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, cơ quan lãnh đạo của chính đảng duy nhất ở Liên Xô, phụ trách. Ngoài ra, Penkovsky còn chuyển cho Mỹ các quy tắc tổ chức liên lạc và mật mã của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1955-1956.
Liên Xô và Mỹ bất đồng không chỉ trong đánh giá tầm quan trọng của thông tin mà Penkovsky đã cung cấp cho phương Tây. Người ta cũng không thể có được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi KGB đã khám phá Penkovsky như thế nào. Đó là vì trong cũng như ngay sau chiến tranh lạnh, các cuộc tranh cãi về những sự kiện và động cơ được che giấu trong hoạt động của các cơ quan tình báo và điệp viên của họ là bản chất của cuộc chiến bí mật không ngơi nghỉ giữa KGB và các đối thủ phương Tây của nó. Cả hai phía thường thích cắt nghĩa các sự kiện lịch sử theo cách dễ chịu cho mình.
Năm 1990, đại diện chính thức của KGB đã ra tuyên bố, trong đó có nói rằng, người đã chỉ ra dấu vết của tên phản bội là Charles Chisholm, người đã đến Moskva vào tháng 6 năm 1960 với cương vị bí thư thứ hai sứ quán Anh. Trước đó, KGB đã biết ông ta và vợ là các gián điệp cáo già. Hoạt động theo dõi ngoài đối với bà Chislholm đã dẫn đến Penkovsky.
Theo một giả thiết khác, tình báo Liên Xô đã chặn thu và giải mã được một bức điện gửi đến sứ quán Mỹ ở Moskva, trong đó họ tên của Penkovsky đã được đặc biệt nhấn mạnh về việc cần cấp ngay cho hắn visa để đến hội chợ ở Seattle mùa xuân năm 1962.
Cũng có thể Penkovsky đã bị điệp viên của Liên Xô trong NSA là Jack Edward Dunlap tố giác. Vấn đề là ở chỗ, chỉ có rất ít người ở ngoài CIA được tiếp cận các báo cáo của Penkovsky. Ngoài giám đốc NSA, chỉ còn có khoảng 20 người nữa của cơ quan này được tiếp xúc với chúng. Sau khi lục soát tại nhà Dunlap đã tìm thấy một số tài liệu không phải là bí mật nhất được cho là của “nguồn tin Xô-viết tin cậy”. Tác giả của chúng là Penkovsky. Và mặc dù các tài liệu này khó lòng giúp xác định được nhân thân của hắn, nhưng có lẽ chúng đã là tín hiệu cho KGB thấy đã có một tên phản bội trong giới quân sự Liên Xô.
Còn một giả thiết nữa dựa trên phỏng đoán Penkovsky bị một điệp viên khác của Liên Xô tố giác - đó là trung tá William Henry Whelan, trưởng phòng cơ yếu tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông ta cũng được tiếp cận các tài liệu thu được từ Penkovsky và có thể giúp KGB giảm đáng kể thời gian cần để lần ra Penkovsky với tư cách nghi can chính.
Cuối cùng, nguồn tin có thể đã tố giác Penkovsky còn có thể là một điệp viên khác của KGB - Robert Lee Johnson, trung sĩ Mỹ phục vụ tại trạm quân bưu (Armed Forces Courier Station) ở sân bay Orly, cách không xa Paris. Do thông tin của Penkovsky cũng được chuyển cho giới chỉ huy quân sự cao cấp Mỹ ở Tây Âu nên chúng hoàn toàn có thể đã lọt vào tay Johnson. Cả trong trường hợp này thì tên họ Penkovsky cũng không bị nêu rõ ra mà chỉ được đề cập là một sĩ quan cao cấp Liên Xô, điều đó đã khiến KGB tung hết lực lượng ra để truy tìm. Việc xâm nhập của Johnson vào kho bưu phẩm bí mật của trạm quân bưu trùng với thời gian theo dõi bà Chisholm ở Moskva.