Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Dự án Jennifer

VietnamDefence - “Tháng 3 năm 1968, tại Thái Bình Dương đã có một tàu ngầm Liên Xô bị đắm. CIA đang sử dụng một tàu quét lôi rời Honolulu ngày 17 tháng 10 để tìm kiếm tàu ngầm này và đầu tháng 11, tàu này sẽ có mặt tại điểm: 40 độ Vĩ Bắc và 180 độ Kinh Đông - Người thiện chí”

Ngày 22 tháng 10 năm 1970, một lá thư nặc danh được gửi cho tuỳ viên hải quân Liên Xô ở Mỹ:

“Tháng 3 năm 1968, tại Thái Bình Dương đã có một tàu ngầm Liên Xô bị đắm. CIA đang sử dụng một tàu quét lôi rời Honolulu ngày 17 tháng 10 để tìm kiếm tàu ngầm này và đầu tháng 11, tàu này sẽ có mặt tại điểm: 40 độ Vĩ Bắc và 180 độ Kinh Đông.
Người thiện chí”

Theo chức trách, vị tuỳ viên hải quân Xô-viết đã biết về thảm kịch này. Nhưng ông cũng biết tin tức về vụ này được giữ bí mật. Không một tờ báo Liên Xô nào đưa tin về sự cố đặc biệt này cả vào năm 1968 hay sau đó. Thậm chí thân nhân các chiến sĩ tàu ngầm hy sinh cũng chỉ nhận được giấy báo tử trong đó nói: “Xác nhận đã chết”. Thế mà bí mật về vụ đắm tàu ngầm lại đột nhiên bị lôi ra ánh sáng và lôi nó lên từ đáy biển sâu không phải ai khác mà chính là CIA.

Cũng trong ngày đó, một bức điện khẩn của đại sứ Liên Xô ở Mỹ đã đến Moskva. Nó gây ra sự kinh hoàng ở thủ đô Liên Xô. Tư lệnh Hải quân Liên Xô đã dựng dậy cả bộ tham mưu của mình. Mấy chục người khẩn cấp chuẩn bị  hồ sơ bảng biểu cho các báo cáo của Tư lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và chính phủ.

Khi Tư lệnh Hải quân báo cáo xong, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô đã hạ lệnh lập tức kiểm tra các tin tức về hoạt động của CIA ở khu vực mà “người thiện chí” nêu ra. Cuộc kiểm tra cho thấy, quả thật từ ngày 12-18 tháng 11 ở vị trí có toạ độ nêu trong lá thư nặc danh một máy khoan tự hành của Mỹ đã tiến hành nối ghép và thả các đường ống xuống độ sâu 5 kilômet. Khác với các công việc khoan thông thường vốn luôn được báo trước, hoạt động của tàu được che giấu kỹ lưỡng. Những tin tức thu được cho phép đoán rằng, người Mỹ đang mưu đồ một vụ ồn ào nào đó xung quanh chiếc tàu ngầm Xô-viết bị đắm hơn 2 năm trước. Hơn nữa, người Mỹ cũng đã phát hiện ra cơ hội kiếm chác một quả lớn trước khi Liên Xô nhận thức được bản thân việc mất chiếc tàu ngầm. Điều đó đã xảy ra trong bối cảnh sau.

Ngày 12 tháng 3 năm 1968, chiếc tàu ngầm lớp K-129 có số hiệu 574 (PL-574) rời căn cứ ở Viễn Đông ngày 25 tháng 2 đã không đáp lại bức điện vô tuyến kiểm tra do Bộ tham mưu Hạm đội Thái Bình Dương gửi cho tàu để kiểm tra kênh liên lạc. Điều đó chưa phải là cơ sở để phỏng đoán kết cục bi thảm của chuyến ra khơi - liệu có nguyên nhân gì ngăn cản thuyền trưởng tàu PL-574 bắt liên lạc. Tuy vậy, khi mà 10 ngày sau vẫn chưa thấy tàu báo cáo về việc chiếm lĩnh khu vực tuần tra chiến đấu thì một lực lượng tìm cứu của hạm đội đã lên đường tới vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Ngay từ đầu, các hoạt động của lực lượng này đã bị Mỹ theo dõi sát sao. Và đây là nguyên nhân.

Tàu ngầm K-129 của Liên Xô
Một đêm vắng lặng cuối tháng 2 năm 1968, chiếc vệ tinh do thám của Mỹ đã ghi nhận được một quầng sáng chói trên mặt Thái Bình Dương cách đảo Guam vài trăm kilômet về phía Tây Bắc. Sau khi phân tích các dữ liệu về di chuyển của tàu bè trong vùng này, các nhà phân tích Hải quân Mỹ và CIA kết luận ở đó đã diễn ra một tai nạn - vụ nổ trên một tàu ngầm nước ngoài đang nổi. Mấy tuần sau, giả thiết này đã được khẳng định. Các tàu Liên Xô đã triển khai một chiến dịch tìm kiếm lớn trong khu vực ở gần vị trí xảy ra sự cố. Việc chặn thu liên lạc vô tuyến điện giữa các máy bay và tàu tìm kiếm đã làm lãnh đạo CIA tin chắc Mỹ đang nắm được một bí mật tầm cỡ chiến lược - đó là toạ độ chính xác nơi chiếc tàu ngầm Liên Xô gặp nạn. Theo số liệu của Mỹ, đây là một chiếc tàu ngầm điện-diesel được trang bị các ngư lôi và tên lửa đường đạn hạt nhân.

Sau khi các hoạt động tìm cứu của Hải quân Liên Xô được giảm bớt, sau đó là chấm dứt hoàn toàn, Hải quân Mỹ đã cử đến khu vực dự kiến tàu ngầm Liên Xô gặp nạn một tàu tìm kiếm siêu hiện đại và siêu mật. Tàu này vào cuối tháng tìm kiếm thứ hai đã phát hiện và chụp cẩn thận chiếc tàu ngầm Liên Xô bị đắm.

Vấn đề trục vớt lên mặt nước chiếc tàu ngầm Liên Xô đã được bàn bạc ở cấp cao nhất bộ chỉ huy Hải quân Mỹ. Vấn đề đó thật đáng bực cho người Mỹ lại không thuần tuý thuộc về phương diện kỹ thuật. Phía Liên Xô sẽ phản ứng thế nào với việc này? Nói gì thì nói thì hành động đó là hành động kẻ cướp: không được nước chủ con tàu cho phép, hơn nữa lại bí mật lấy tài sản của họ. Tuy vậy, ở Liên Xô, người ta lại im lặng về việc tàu ngầm đắm và cũng không áp dụng biện pháp nào để trục vớt nó.

Trước đó, trong bảng thành tích của CIA đã có không ít những chiến dịch thành công nên giám đốc CIA Richard Helms vững dạ hơn và buộc chính phủ Mỹ phải lắng nghe giọng nói của cơ quan tình báo này. Các quan chức cao cấp ở Mỹ vẫn cực kỳ thoả mãn với số lượng và chất lượng tin tức mà Penkovsky thu thập được. Hắn thực hiện các nhiệm vụ của CIA với sự tận tuỵ và chuyên cần đến nỗi tại một cuộc gặp bí mật, hắn thậm chí còn nhắc các sĩ quan tình báo chỉ đạo keo kiệt của CIA về việc phải trả công xứng đáng cho hoạt động gián điệp của hắn: “Tôi muốn có tiền cho việc tôi làm. Tôi không cần những của bố thí. Tôi đâu có nói với các ông - đây là một quả tên lửa, còn đây là quả khác, đây là một mật mã, còn đây là cái gì đó nữa. Tôi đã đưa cho các ông tất cả”. Sự thật về vụ bại lộ chiến dịch đường ngầm nghe lén của CIA ở Berlin dư luận Mỹ vẫn còn chưa biết đến. Hơn nữa, kể cả giám đốc của cơ quan tình báo hùng mạnh lúc đó đang ở đầu thời kỳ tột đỉnh về sức mạnh và ảnh hưởng của mình cũng thấy ý tưởng lấy trộm chiếc tàu ngầm Liên Xô là thô bạo. Một trong các vị phó của Helmes nhớ lại khi ông ta trình bày các đề xuất của mình về vấn đề này với Helms, ông này chút nữa ném ông ta ra ngoài cửa sổ, sau đó thì nói ông ta bị điên. Khi hơi dịu lại, Helms nói cần bàn bạc ý tưởng này trước hết là với tổng thống và chỉ khi được ông ấy đồng ý thì mới bắt tay vào thực hiện. Tổng thống Mỹ Nixon không đứng vững trước sự cám dỗ và sức lôi cuốn cá nhân của vị giám đốc CIA nên đã “tán thành” cho tiến hành chiến dịch.

Vậy Hải quân Mỹ và CIA quan tâm đến điều gì ở chiếc tàu ngầm mới? Trước hết - đó là khoang cơ yếu của nó. Vào khoảng giao thời những năm 1960 và 1970, CIA đã đặt ra mục tiêu xâm nhập vào cơ quan cơ mật nhất của quân đội Liên Xô - cơ quan liên lạc cơ yếu. Nói bằng ngôn ngữ của ngành tình báo vô tuyến điện tử, người ta đã chuẩn bị “bẻ khoá” các mật mã liên lạc vô tuyến điện, cụ thể là của kênh liên lạc “bờ-tàu ngầm”. Lấy được chiếc tàu ngầm Liên Xô - có nghĩa là giải quyết nhanh hơn nhiệm vụ nan giải này. Thế là nảy sinh ý tưởng: trục vớt chiếc tàu ngầm từ đáy đại dương, lấy các hệ mật mã của nó và đọc toàn bộ các bức điện mật mã chặn thu được từ trước.

“Nhưng ăn nhằm gì chứ? - độc giả sẽ phản đối. - Chiếc tràu ngầm khi đó đã đắm. Cứ việc nhai lại những thông tin chặn thu đã lạc hậu, có gì ghê gớm lắm đâu. Bởi lẽ các mật mã chắc là được thay đổi hàng năm”.

Nhưng người Mỹ là thứ người thực dụng, không muốn tiêu tiền vô ích. Bản chất ý tưởng này là sau khi xác định được các nguyên tắc chính thiết kế các mật mã của cuối thập niên 1960 và đối chiếu chúng với những số liệu chặn thu của thập niên 1970, tiến hành dùng máy tính tìm kiếm xu hướng thiết kế mật mã mới. Đọc nội dung các bức điện mật mã chặn thu được theo kênh liên lạc “bờ-tàu ngầm” của thập niên 1960 không kém quan trọng, nhưng điều chủ yếu là cố giải mã các bức điện mật liên lạc hiện thời.

Để tạo vỏ bọc cho chiến dịch, CIA đã quyết định sử dụng một trong những tỷ phú Mỹ ngông cuồng Howard Hughes. Hughes là người quan tâm đến việc khai thác khoáng sản từ đáy đại dương. Vì thế mà việc ông ta cho đóng một con tàu đặc biệt để nghiên cứu dưới nước không khiến người khác để ý. Hughes nhiệt tình thực hiện dự án. Ông ta mát lòng mát dạ với đề nghị này nên thậm chí còn chấp nhận một khoản thù lao nhỏ cho công lao của mình.

Trong khi việc đóng và thử nghiệm con tàu cướp biển mới đang được tiến hành, CIA đã tích cực sử dụng vô số các kênh của mình để tung tin giả. Đáng lưu ý là chiến dịch tung tin giả quy mô lớn này đã là cú hích cho việc đẩy mạnh phát triển của một loạt các hướng nghiên cứu và kinh doanh liên quan đến việc khai thác khoáng sản từ đáy biển.

Năm 1972, chiếc tàu Glomar Explorer đã được hạ thuỷ và thực hiện chuyến đi biển đầu tiên. Để nguỵ trang chức năng thật của tàu và đánh lạc hướng chú ý của dư luận dễ gây ra ngờ vực với bất kỳ giả thiết chính thức nào thì thuỷ thủ đoàn của tàu đã thực sự làm việc tìm kiếm khoáng sản ngoài đại dương trong một thời gian.

Ngày 20 tháng 6 năm 1974, Glomar Explorer kéo theo một chiếc xà lan đã ra khơi để tiến hành chiến dịch trục vớt chiếc tàu ngầm Liên Xô PL-574 từ đáy biển. Chiếc dịch có mật danh là “Dự án Jennifer” (Project Jennifer). Thuỷ thủ đoàn chủ yếu là các cựu thuỷ binh đã quen thuộc với kết cấu tàu ngầm và biết giữ mồm, giữ miệng. Thật là ngạc nhiên với các thuỷ thủ là trước khi ra khơi khi họ đã phải học một loạt bài học về các phương pháp đo phóng xạ và cấu trúc tàu ngầm diesel. Họ còn thấy khó hiểu hơn khi bắt đầu được dạy kiến thức tiếng Nga cơ bản và dịch các dòng chữ tiếng Nga sang tiếng Anh kiểu như: “Buồng nhân viên cơ yếu”, “Cẩn thận, nguy hiểm phóng xạ!” Sự bối rối đã biến thành sợ hãi khi mà vào cuối khoá học, một chuyên gia luật giải thích cho thuỷ thủ đoàn nội dung Công ước Geneva về tù binh và những hành động đúng đắn về luật pháp mà thuỷ thủ đoàn phải làm khi bị một chiến hạm nước ngoài tấn công. Dù sao thì người ta cũng đã trấn an được các thuỷ thủ bằng cách nói cho họ biết họ có nhiệm vụ khử độc cho một tàu ngầm Liên Xô bị đắm chở trên boong các tên lửa hạt nhân nhằm vào bờ biển phía Tây nước Mỹ và bất cứ lúc nào cũng có thể quét sạch San Francisco và Los Angeles khỏi mặt đất. Thuỷ thủ đoàn của chiếc tàu ăn cướp này đã ký cam kết không tiết lộ bí mật và chuẩn bị ra khơi.

Đến giữa tháng 7, Glomar Explorer đã ở vị trí chiếc tàu ngầm bị đắm. Việc trục vớt bắt đầu. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện chiến dịch đã xảy ra điều ngoài dự kiến: thân tàu ngầm bị gãy theo đường nứt ở phần sau của khoang trung tâm. Nghĩ rằng đã đạt được mục tiêu chính - thu lấy khoang chỉ huy thứ hai trong đó có buồng vô tuyến điện và buồng cơ yếu, - nên tàu Glomar Explorer đã mang theo chiến lợi phẩm lên đường về Honolulu.

Glomar Explorer

Khi nghiên cứu phần tàu PL-574 trục vớt được từ đáy biển, người Mỹ té ngửa ra khi không thấy các quyển mã trong đó. Nguyên nhân hoàn toàn bất ngờ. Vấn đề là thuyền trưởng tàu PL-574, đại tá hải quân Vladimir Ivanovich Kobzar là một người cao lớn, trong khi các buồng trên các tàu ngầm lại được thiết kế cho người tầm thước, nên Kobzar buộc phải ngủ trên một chiếc đi-văng bằng cách co người và chân lại. Cuối cùng, ông không chịu nổi nên khi tiến hành đại tu tàu, ông đã thoả thuận với các kỹ sư và bồi dưỡng một ít cho các thợ vỏ tàu để di chuyển buồng cơ yếu vào khoang tên lửa ở đuôi tàu và như vậy đã làm cho buồng ngủ của thuyền trưởng rộng ra.

Hành động tự tiện của các thợ sửa chữa tàu Liên Xô đã buộc CIA phải trục vớt cả phần đuôi của tàu ngầm PL-574. Giám đốc mới của CIA William Colby đã đề nghị Tổng thống Mỹ cho phép tiếp tục công việc của “Dự án Jennifer”. Động cơ của việc này vẫn như cũ. Colby cho rằng, Liên Xô vì muốn giảm căng thẳng quốc tế sẽ không biến vụ tàu ngầm thành một vấn đề bất đồng. Nhưng ở đây một lần nữa, sự ngẫu nhiên vĩ đại lại can thiệp vào.

Nhóm gangster Los Angeles đã nhận được thông tin chỉ điểm: trong két sắt trong văn phòng của tỷ phú Howard Hughes có các tài liệu mà có được chúng sẽ kiếm được khối tiền. Một đêm tối trời tháng 7 năm 1975, bọn cướp bắt đầu chiến dịch đột nhập vào văn phòng. Nhưng kẻ chỉ điểm vụ lợi đã cung cấp thông tin này cho cả một băng nhóm đối địch. Thế là bên cạnh chiếc két mở toang đã nổ ra một cuộc ác chiến cho đến khi nó bị cảnh sát ập đến cắt ngang. Đi cùng đến hiện trường cùng cảnh sát còn có các phóng viên. Lợi dụng ưu thế đông người, họ đã đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã gạt băng tất cả - cả người bảo vệ lẫn tài liệu. Điều bí mật với mọi chi tiết thầm kín đã bị lộ toẹt.

Khi vụ xì-căng-đan bùng lên, tất cả những kẻ cổ vũ cho “Dự án Jennifer” đều rút vội khỏi sân khấu. Tổng thống Nixon thất cử do vụ Watergate đã buộc phải về vườn, giám đốc CIA Colby bị miễn nhiệm, còn nhà tỷ phú Howard Hughes bất ngờ chết vì bệnh cúm vớ vẩn. Riêng con tàu Glomar Explorer lại một lần nữa làm người ta biết đến khi lại cướp bóc đối với một hãng Mỹ nào đó đã mua của chính quyền bang California quyền trục vớt từ đáy biển một con tàu Tây Ban Nha chở vàng thỏi. Trong khi hãng này còn chậm rãi tiến hành công việc chuẩn bị thì tàu Glomar Explorer đã sử dụng gầu ngoạm khổng lồ của mình để moi sạch vào ban đêm chiếc tàu Tây Ban Nha cùng mọi thứ nó chở và biến mất. CIA đã phải doạ dẫm hãng bị hại để hãng này không tính chuyện kiện ra toà.

Print Print E-mail Print