Sự ra đời của máy bay do thám U-2
Không lâu sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Tư lệnh Không quân Mỹ, tướng Arnold đã gửi cho bộ trưởng chiến tranh một loạt báo cáo tổng kết kinh nghiệm chiến đấu. Liên quan đến các vấn đề gián điệp, ông ta viết rằng, những quan điểm cũ về tình báo không còn phù hợp với yêu cầu của thời đại. Việc nắm bắt toàn diện, chi tiết và thường xuyên hoạt động dân sự và quân sự trên lãnh thổ kẻ địch thực tế hay tiềm tàng là cực kỳ cần thiết để hoạch định đúng đắn các biện pháp hành động, kể cả khi có chiến tranh lẫn trong thời bình. Bởi vậy, trong cơ cấu của Không quân Mỹ phải có một cơ quan tình báo không quân có thẩm quyền và tích cực, có thể phối hợp với cộng đồng tình báo quốc gia.
|
Máy bay trinh sát chiến lược U-2
|
Các báo cáo này đã phát huy hiệu quả. Máy bay của Không quân Mỹ bắt đầu bay do thám dọc biên giới Liên Xô và trong thập niên 1950 còn xâm nhập không phận Liên Xô. Mỹ đã sử dụng các máy bay B-36 và RB-47 cải tiến vào mục đích này. Chúng có thể mang theo trên khoang một lượng lớn thiết bị chụp ảnh và vô tuyến điện tử tối tân. Tuy vậy, các máy bay này có trần bay thấp nên dễ bị tên lửa và máy bay tiêm kích phòng không bắn hạ.
Họ cũng thử một phương tiện khác là khinh khí cầu mang theo phương tiện kỹ thuật do thám. Được thả từ các căn cứ không quân Mỹ ở Scandinavia, Tây Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, chúng bị các dòng không khí đưa đi và bay ngang lãnh thổ Liên Xô về hướng Nhật Bản. Tuy vậy, cả phương pháp do thám này cũng không đáp ứng sự trông đợi. Sau khi bắn hạ được một số khinh khí cầu, chính quyền Liên Xô đã kịch liệt phản đối gây tiếng vang xã hội rộng rãi.
Mỹ lại phải quay lại với máy bay. Nhưng công việc vẫn khó khăn bởi vấn đề quan trọng và nan giải là trần bay. Đích thân Giám đốc CIA Allen Dulles đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch xâm nhập không phận Liên Xô. “Chúng ta rất cần thông tin tình báo chính xác, - Tổng thống Mỹ Eisenhower đã viết trong cuốn sách “Gánh nặng của thế giới” của mình, - và trong tình trạng đó, theo Allen Dulles, cần phải chế tạo một máy bay siêu cao mới để do thám từ trên không. Tháng 11 năm 1954, Allen Dulles và các cố vấn khác đã đến gặp tôi để xin phép tiếp tục chương trình chế tạo 30 máy bay siêu cao tổng trị giá 35 triệu USD. Nhiều hạng mục thiết kế đã gần hoàn tất. Tôi đã phê chuẩn đề xuất này”.
Một phần lớn công việc thiết kế và phát triển máy bay mới được tiến hành tại căn cứ không quân Wright-Patterson ở bang Ohio. Chiếc máy bay một chỗ ngồi U-2 do hãng Lockheed của Mỹ phát triển là một loại máy bay mới về nguyên tắc. Các đặc điểm thiết kế của máy bay (đặc tính rẽ dòng tốt với chiều dài 15 mét và sải cánh gần 30 mét) cho phép nó bay cao hơn nhiều tầm với của tất cả các loại tên lửa và máy bay đánh chặn hiện có lúc đó và có tầm bay xa bởi ở độ cao này, mức tiêu thụ nhiên liệu giảm nhiều do lực cản không khí nhỏ. Ngoài ra, vỏ máy bay còn được phủ một lớp men đặc biệt làm giảm khả năng bị radar phát hiện.
U-2 được trang bị các thiết bị siêu nhạy để chụp ảnh bề mặt trái đất, cũng như để thu và ghi các loại tín hiệu vô tuyến điện. Nhưng để lên tới độ cao mà các máy bay khác không với tới cùng với một phi công và các thiết bị chụp ảnh và vô tuyến điện tử trên khoang, lại thêm nhiên liệu đủ cho 9 giờ bay liên tục, máy bay cần phải cực kỳ nhẹ. Cần phải hy sinh cái gì đó. Người Mỹ đã hy sinh sự vững chắc. Kết quả là máy bay trở nên quá mỏng mảnh nên đòi hỏi phi công phải có trình độ rất cao.
Tháng 8 năm 1955, U-2 thực hiện các chuyến bay thử đầu tiên và đã thoả mãn các yêu cầu cần thiết, thậm chí còn vượt quá một số yêu cầu. Trong giới tình báo chuyên nghiệp, Dulles không ngớt nhấn mạnh rằng, “máy bay này sẽ có thể thu thập thông tin nhanh hơn, chính xác hơn, tin cậy hơn bất kỳ điệp viên nào trên mặt đất”.
Sau khi hoàn tất chế tạo máy bay U-2, CIA bắt tay vào tuyển mộ phi công để thực hiện các chuyến bay do thám. Trong số các ứng cử viên có cả thượng uý Không quân Mỹ Garry Francis Powers.
Nhóm mà Powers được biên chế vào gồm các phi công siêu đẳng, có nhiều giờ bay trên các máy bay một động cơ, một chỗ ngồi, chính thức có tên là phi đội 2 của cơ quan khí tượng, tên không chính thức là đơn vị 10-10. Nhóm này được triển khai tại căn cứ Mỹ-Thổ Incirlik, gần thành phố Adana. Theo các chuyên viên CIA, căn cứ này có nhiều ưu thế. Thứ nhất, về địa lý, căn cứ này là điểm xuất phát tuyệt vời cho các chuyến bay xa. Thứ hai, nằm ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần Địa Trung Hải, căn cứ này ở khá xa Liên Xô để các đài radar Liên Xô không thể với tới, đồng thời cũng đủ gần để không quá tốn nhiên liệu cho chuyến bay. Thứ ba là tại căn cứ này đã có sẵn một đơn vị nhỏ của Không quân Mỹ.
Đơn vị 10-10 được thành lập như một phi đội thông thường. Đứng đầu là phi đội trưởng (một quân nhân thuộc Không quân Mỹ) và tham mưu trưởng (một đại diện của CIA). Tất cả thành viên, từ chỉ huy đội mặt đất cho đến kỹ thuật viên đều được lựa chọn đặc biệt và là những chuyên gia tay nghề cao.
Tháng 9 năm 1956, các phi công của nhóm bắt tay vào thực hiện những chuyến bay do thám đầu tiên. Bởi lẽ U-2 là máy bay dễ nhận ra nên NASA đã công bố một thông báo chính thức về việc sử dụng loại máy bay mới U-2 của hãng Lockheed để nghiên cứu các dòng chảy không khí và khí tượng. Không lâu sau, trên báo chí Mỹ, người ta còn có thể đọc được một tin giả khác: “Máy bay U-2 sẽ được sử dụng để đo độ nhiễm xạ ở các tầng cao của khí quyển, cũng như để quan sát khí tượng và nghiên cứu bức xạ hồng ngoại... Các phi công và đội ngũ phục vụ mặt đất đều là nhân viên các công ty dân sự Mỹ”.
Năm 1957 đã mang lại những thay đổi cơ bản bất ngờ đối với Mỹ. Ngày 27 tháng 8 năm 1957, Liên Xô tuyên bố đã phóng thành công tên lửa đường đạn xuyên lục địa đầu tiên. Còn ngày 4 tháng 10, vệ tinh nhân tạo đầu tiên được Liên Xô phóng lên quỹ đạo gần trái đất. Điều đó đã làm rung chuyển cả thế giới và làm giới cầm quyền Mỹ rất lo ngại. Các chuyến bay U-2 có vai trò còn quan trọng hơn trong các kế hoạch của Washington và đồng thời cũng trở nên ngày càng mạo hiểm hơn. CIA đã áp dụng các biện pháp để mở rộng mạng lưới căn cứ cho máy bay U-2 và đẩy mạnh hoạt động của chúng. Trước đó, ngoài căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã xuất hiện thêm các căn cứ ở Wiesbaden (Tây Đức) và gần Yokohama (Nhật Bản). Cùng với các chuyến bay nhộn nhịp hơn thì cũng có ngày càng nhiều tin tức lọt lên báo chí khiến các phi công và bộ chỉ huy Mỹ thật sự lo lắng.
Ngày 14 tháng 7 năm 1957, một tạp chí Đức đã đưa tin một chiếc U-2 đã bị các máy bay tiêm kích Trung Quốc chặn bắt trên lãnh thổ Trung Quốc, còn một tạp chí Canada thì đưa tin phi công lái chiếc máy bay này là một người Hoa, nhân viên của Không quân Mỹ, đã cho nổ tung máy bay của mình trên không. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối vì vụ việc này, nhưng Mỹ đã không để ý lắm đến việc đó. Để đánh lạc hướng chú ý, Không quân Mỹ đã thông báo một máy bay ném bom Mỹ do quân đội Đài Loan sử dụng đã gặp nạn.
Ngày 24 tháng 9 năm 1959, tại sân bay tàu lượn cách không xa Tokyo, vào thời điểm cao trào của ngày làm việc, lại có thêm một máy bay U-2 phải hạ cánh bắt buộc. Các vận động viên tàu lượn khi chạy đến gần máy bay đã trông thấy một phi công được vũ trang bằng súng ngắn và từ chối mở nắp cabin. Máy bay này quay về từ chuyến bay do thám vùng Siberia. 15 phút sau, một trực thăng và một xe ôtô rú còi chở các nhân vật dân sự tới nơi. Họ huơ vũ khí đe doạ để xua đuổi những người Nhật ra xa khỏi chiếc máy bay.
Dĩ nhiên là Liên Xô đã biết về các chuyến bay U-2. Và không chỉ qua báo chí nước ngoài. Các phi công U-2, khi trở về sân bay, theo quy định phải báo cáo về chuyến bay vừa thực hiện. Họ cũng phải báo cáo việc họ bị phát hiện từ mặt đất, điều này được ghi nhận bởi các thiết bị do thám trên khoang máy bay của họ. Một lần, một phi công kể rằng, anh ta cảm thấy có tiếng nổ tên lửa đâu đó quãng ba kilômet dưới máy bay của mình. Mạng lưới radar Liên Xô đã ghi nhận được đa số các hoạt động không thám có sử dụng U-2 của Mỹ. Theo lời khai của Powers, các đại diện CIA đã thực sự lo lắng về việc tờ báo “Không quân Xô-viết” (Sovietskaya Aviatsya), cơ quan ngôn luận chính thức của Không quân Liên Xô, đã đăng một loạt bài báo về “công cụ do thám xấu xa” U-2. Trong các bài báo này, người ta khẳng định các phi vụ của U-2 được thực hiện từ Wiesbaden.
“Chúng tôi hiểu rõ rằng, bất kỳ mưu toan xâm nhập nào cũng sẽ không thể tránh khỏi trừng phạt, - Powers nhớ lại trong cuốn sách của mình “Chiến dịch “Chuyến bay xa”“. - ở độ cao đó, chúng tôi không quá sợ các máy bay MiG bắn hạ chúng tôi, nhưng lại lo các tên lửa đất-đối-không, mặc dù người ta cố trấn an tôi là do tên lửa có tốc độ cao và khí quyển cực kỳ loãng nên không thể điều khiển chính xác đường bay cho tên lửa”.
Để bảo vệ trước tên lửa không-đối-không phóng từ máy bay tiêm kích đánh chặn, U-2 đã được lắp thiết bị đối phó vô tuyến để gây nhiễu radar trên máy bay đối phương. Tính đến khả năng máy bay có thể bị tiêu diệt nên ghế lái đã được chuyển thành loại ghế phóng. Người ta cũng dự tính cả các trang bị cứu nạn như phao cao su thổi, quần áo, lượng dự trữ nhỏ nước và thực phẩm, la bàn, pháo hiệu, diêm, hoá chất để nhóm lửa từ củi ẩm, cũng như gói sơ cứu y tế cá nhân. Quần áo gồm bộ đồ săn mùa đông dày mà kiểu dáng của nó được Powers cho rằng mặc nó thì phi công chẳng có mấy hy vọng trà trộn được vào đám đông mà không gây nghi ngờ. Trong bộ dụng cụ còn có một chiếc tấm vải lụa có ghi những lời cầu khẩn bằng 14 thứ tiếng: “Tôi là người Mỹ, tôi không nói được thứ tiếng của các vị. Tôi cần thức ăn, nhà ở và sự giúp đỡ. Tôi sẽ không gây hại cho quý vị. Tôi không có ý đồ tội ác với nhân dân các vị. Các vị sẽ được hậu thưởng về sự giúp đỡ”. Ngoài ra, phi công còn được cấp hơn 7 ngàn rúp Liên Xô, tiền, nhẫn và đồng hồ đeo tay bằng vàng. Như vậy là người Mỹ đã tính đến cả nước dù không biết tiếng Nga, phi công Mỹ vẫn có thể thoả thuận bằng thứ ngôn ngữ của vàng mà mọi dân tộc trên thế giới đều hiểu.
Trước mỗi phi vụ, người ta lắp và tháo ngay khi máy bay trở về một khối thuốc nổ kích nổ 70 giây sau khi bấm nút. Người ta trù tính là trong thời gian đó, phi công sẽ kịp bấm ghế phóng hay rời khỏi máy bay bằng cách nào khác. Tuy vậy, các phi công U-2 lo rằng chắc gì CIA không thiết kế khối nổ để khi bấm nút nó sẽ nổ tức thì để sát hại luôn phi công.
Thêm một chi tiết mới nữa xuất hiện trong trang bị của phi công U-2 - đồng đôla bằng bạc có lỗ. Có thể đeo nó như một đồ trang sức trên cổ hay trên chùm chìa khoá. Bên trong đồng đôla này là một kim găm hoàn toàn không bình thường đựng một mũi kim mảnh có một rãnh nhỏ chứa một chất màu nâu. Người ta giải thích cho phi công rằng đó là thuốc độc loại kurare (loại chất độc mà thổ dân Nam Mỹ sử dụng để tẩm vào các mũi tên). Khi chích kim, cái chết sẽ đến tức thì.