Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Khúc dạo đầu (4)

VietnamDefence - Mùa xuân của cái năm đáng nhớ ấy trong lịch sử tình báo vô tuyến điện tử, Đô đốc Yamamoto quyết định đi thanh tra các căn cứ hải quân Nhật ở bắc quần đảo Solomon. Đô đốc Yamamoto, 59 tuổi là một nhân vật kiệt xuất của Hải quân Nhật. Cái chết của ông sẽ làm mất tinh thần các binh sĩ dưới quyền...

“Vỏ thép” mật mã chống lại “axit” mã thám

Cần phải nói rằng, người Nhật nhiều khi đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia mã thám Mỹ vì thái độ cẩu thả đối với công tác an ninh thông tin liên lạc của họ. Ta hãy chỉ nhắc lại dù chỉ một câu chuyện về việc thay đổi mật mã vào mùa xuân năm 1942.

Nỗ lực của Hải quân Nhật chế tạo loại mực in có thể tan trong nước biển để khi quẳng chúng xuống nước hay khi tàu đắm thì nội dung in sẽ biến mất cũng không được thực hiện đến cùng. Khi phòng thí nghiệm khoa học kỹ thuật thông báo không thể chế tạo loại mực có thể tan toàn hoàn khi rơi vào nước biển nhưng lại bền vững với nước mưa, bụi nước và hơi nước biển thì họ đã phải từ bỏ ý định sáng suốt này. Điều đó cũng vô ích thôi.

Đêm 29 tháng 1 năm 1943, một chiếc tàu ngầm Nhật cùng hàng hoá đã không may khi nổi lên gần tàu chống ngầm Kiwi của New Zealand. Phát hiện thấy tàu ngầm Nhật, thuyền trưởng tàu Kiwi hạ lệnh “chạy hết tốc lực về phía trước” để tông vào tàu ngầm mặc dù chiếc tàu ngầm lớn gấp rưỡi tàu Kiwi và có hoả lực mạnh hơn nhiều. Sau bốn lần đâm, chiếc tàu ngầm Nhật phải bỏ chạy và mấy giờ sau đã mất lái nên mắc cạn ở mũi nhô phía Tây Bắc đảo Guadalcanal.

Chiếc tàu ngầm Nhật này có chở theo 200 quyển mã trong số các hàng hoá. Thuỷ thủ đoàn của tàu đã chôn giấu một phần số sách này trên bờ biển do đối phương chiếm giữ. Khi biết tin này, bộ tham mưu Nhật đã hạ lệnh cho không quân ném bom và tàu ngầm phóng ngư lôi để huỷ các tài liệu này. Nhưng người Mỹ đã nhanh tay chiếm được các quyển mã, trong số đó có cả những quyển đang được sử dụng và những quyển dự phòng. Mấy tháng sau, người Nhật đã trả giá cho thất bại này bằng mạng sống của vị tư lệnh của mình.

Mùa xuân của cái năm đáng nhớ ấy trong lịch sử tình báo vô tuyến điện tử, Đô đốc Yamamoto quyết định đi thanh tra các căn cứ hải quân Nhật ở bắc quần đảo Solomon. Đô đốc Yamamoto, 59 tuổi là một nhân vật kiệt xuất của Hải quân Nhật. Chính ông đã đưa ra ý tưởng tấn công Trân Châu Cảng và từng huênh hoang sẽ áp đặt điều kiện đình chiến cho người Mỹ trong Nhà Trắng. Các cơ quan tình báo Mỹ mô tả ông như một con người cực kỳ tài ba, kiên quyết và nhanh trí và cho rằng bất kỳ người kế tục nào của ông cũng thua kém Yamamoto cả về phẩm chất cá nhân và phẩm chất công việc. Cái chết của vị tư lệnh kiêm chiến lược gia lỗi lạc nhất của đối phương hiển nhiên sẽ làm mất tinh thần các binh sĩ dưới quyền, những người mà theo truyền thống Nhật Bản vốn tôn kính các vị chỉ huy của mình hơn người Mỹ.

Thông thường, các căn cứ Nhật đã được báo trước về chuyến thăm của vị tư lệnh để họ chuẩn bị cho việc thanh tra. Bởi vậy, ngày 13 tháng 4 năm 1943, hành trình chuyến đi của Yamamoto ấn định vào ngày 18 tháng 4 đã được gửi cho các đơn vị và binh đoàn mà ông dự định đến thăm. Do có quá nhiều địa chỉ và do cần phải bảo đảm an ninh cho vị Tổng tư lệnh Hải quân Nhật, nên báo vụ viên Nhật đã buộc phải chọn phiên bản mật mã JaW-25 hiện dụng phổ biến và vững chắc nhất để bảo mật thông tin này bằng “vỏ thép” của mật mã.

Thật không may cho người Nhật là “lớp vỏ thép” của các kênh liên lạc của họ đã bị “hoà tan” bởi “axit” ăn mòn của mã thám Mỹ. Các chuyên gia mã thám quân sự Mỹ sử dụng các tài liệu lấy được từ chiếc tàu ngầm Nhật đã đọc được bức điện mã có chứa dữ liệu về hành trình chuyến đi của Yamamoto.

Bản án tử hình của Yamamoto mà Nimitz tuyên án vào ngày 17 tháng 4 đã  được in và gửi đến các phi công tiêm kích của Không quân Mỹ - các đao phủ tương lai của vị Tổng tư lệnh Nhật. Lợi ích thu được từ chiến dịch diệt trừ thành công Yamamoto còn lớn hơn những lo ngại về khả năng làm cho người Nhật nghi ngờ mật mã của họ đã bị giải phá và mất đi khả năng thu tin tình báo từ các kênh liên lạc của Nhật trong tương lai. Ngày 18 tháng 4, bản án đã được thi hành. Trên không phận đảo Bougainville ở Thái Bình Dương, máy bay chở Yamamoto đã bị người Mỹ bắn rơi.

Đúng như tiên đoán của Nimitz, cái chết của Yamamoto đã làm rung chuyển cả nước Nhật. Trong khung cảnh cực kỳ long trọng, thi thể bị cháy thành than của Yamamoto đã được chôn cất tại một công viên ở Tokyo. Cái chết của vị anh hùng với uy tín to lớn đã làm binh lính, thuỷ binh và người dân Nhật buồn rầu.

Các đại diện quân đội Mỹ, nghe theo lời khuyên của Nimitz, đã kiên quyết bác bỏ dư luận nói rằng, họ đã biết chi tiết nào đó về điều đã xảy ra. Có tin đồn là đã xảy ra một tai nạn máy bay vô vị nào đó hay là Yamamoto trong cơn tuyệt vọng đã thực hiện harakiri (nghi lễ tự sát bằng mổ bụng của người Nhật). Tuy vậy, sự thật về điều đã xảy ra đã ngày càng lan rộng trong các tầng lớp công chúng Mỹ.

Nguy cơ từ bên trong

Đoạn thứ ba trong bốn đoạn in trên tất cả các bìa các hồ sơ mật Magic nhất thiết phải có nội dung: “Không được thực hiện hành động nào dựa trên các thông tin thông báo ở đây dù điều đó có thể mang lại lợi ích tạm thời nếu các hành động đó có thể làm cho đối phương biết được sự tồn tại của nguồn tin”.

Ngày 7 tháng 6 năm 1942, khi trận đánh ở đảo san hô Midway đang hồi ác liệt, tờ báo Mỹ Chicago Tribune đã đăng một bài báo, trong đó nói trắng ra là Bộ Hải quân Mỹ đang nắm trong tay thông tin về các kế hoạch tác chiến của bộ chỉ huy Nhật. Hơn nữa, bài báo còn mô tả chi tiết cơ cấu biên chế và đặc điểm các binh đoàn hải quân Nhật đã tham gia vào trận đánh này. Trong quá trình điều tra sau đó, Hải quân Mỹ đã từ chối đưa ra lời buộc tội tờ báo về việc tiết lộ bí mật nhà nước chỉ vì không muốn thu hút sự chú ý của Nhật. Hy vọng đã được thoả mãn vì người Nhật vẫn không chịu thừa nhận là các bức điện mã của họ bị đối phương giải được.

Người Nhật cũng không phát hiện ra bài phát biểu của hạ nghị sĩ Holland, bang Pensylvania. Ông này mở đầu bằng việc phê bình tờ Chicago Tribune về việc lạm dụng quyền tự do báo chí. “Các thanh niên Mỹ sẽ tiếp tục chết bởi sự giúp đỡ mà tờ báo này giành cho quân thù”, - Holland nói. Sau đó, ông ta giải thích cho những người không hiểu về bản chất sự giúp đỡ ấy là gì: “Chicago Tribune đã ba hoa về việc “bằng cách nào đó, Hải quân Mỹ đã lấy được mật mã bí mật của Hải quân Nhật”.

Mùa thu năm 1944, trong cái nồi hơi của nền chính trị Mỹ đã nảy sinh một tình huống nguy hiểm chết người. Đảng Cộng hoà chuẩn bị đưa ứng cử viên Thomas Edmund Dewey ra tranh cử tổng thống. Một trong những lập luận chính của phe Cộng hoà trong chiến dịch tranh cử là cáo buộc chính phủ Mỹ về sự chây ỳ không thể tha thứ đã khiến cho người Nhật tấn công thắng lợi vào Trân Châu Cảng. Họ còn bóng gió rằng, Tổng thống Roosevelt, xét đến thái độ mạnh mẽ của xã hội Mỹ ủng hộ chủ nghĩa biệt lập, đã cố tình tạo điều kiện cho cuộc tấn công để lôi cuốn nước Mỹ vào cuộc chiến. Để khẳng định những lời buộc tội, người ta đã loan truyền những tin tức nói rằng, Mỹ đã giải phá được các mật mã của Nhật từ trước trận Trân Châu Cảng. Từ đó, phe Cộng hoà đã kết luận rằng, các bức điện mã giải được của Nhật đã cảnh báo Roosevelt về cuộc tấn công sắp tới, nhưng ông này với sự tắc trách đầy tội ác đã không làm gì để giáng trả đích đáng người Nhật. Cùng với cuộc tranh cử quyết liệt lên, trong các bài diễn văn của các chính trị gia Mỹ các cấp bắt đầu xuất hiện những lời ám chỉ lộ liễu về Magic.

Lo lắng trước diễn biến tình hình, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Marshall đã viết cho Dewey lá thư, trong đó chỉ ra mối nguy hiểm trầm trọng của việc tiết lộ thông tin về Magic. Trong khổ thứ hai của lá thư này, có viết: “Điều mà tôi phải thông báo cho ngài dưới đây là một điều bí mật lớn lao mà tôi cho là mình phải yêu cầu ngài hoặc là tiếp nhận lá thư với điều kiện ngài sẽ không tiết lộ cho ai nội dung của nó và gửi lại nó, hoặc là ngài đừng đọc tiếp”.

Khi đọc đoạn 3, trước mắt Dewey xuất hiện từ “mật mã”. Ông ta lập tức dừng đọc, trả lại lá thư cho viên sĩ quan Clark của Cục Mã thám Lục quân đã mang thư tới và nói rằng, ông ta “không thể đưa ra những cam kết bộp chộp”.

Khi bàn bạc về lời từ chối của Dewey, Marshall và Clark đã quyết định thử vận may một lần nữa. Họ viết lại một phần lá thư và gọi điện cho vị ứng cử viên tổng thống. Ông kia đồng ý đọc lá thư với điều kiện cố vấn của mình phải có mặt. Dewey muốn có sự xác nhận cho việc đọc thư phòng khi có điều gì đó xảy ra với Marshall. Cũng vì lý do đó, ông ta yêu cầu để lại lá thư cho ông ta cất giữ.

Lá thư thứ hai có sức thuyết phục hơn. Trong đó, Marshall trình bày rõ những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra nếu từ những cuộc đấu khẩu chính trị mà kẻ thù đoán ra các nguồn thông tin tối quan trọng của người Mỹ. Dewey cân nhắc kỹ lưỡng các lập luận của Marshall, người mà bản thân ông ta coi là một con người chân chính và đáng kính. Một mặt, cả đường công danh, quyền lãnh đạo một đất nước hùng mạnh bị đặt cược, mặt khác là hàng trăm người Mỹ có thể sẽ chết. Sau hai ngày suy nghĩ, vị ứng cử viên tổng thống quyết định không nhắc đến việc phá giải mật mã của Nhật trong các bài phát biểu công khai của mình.

Dewey đã thất cử. Sau này, ông và Marshall đã hết lời tâng bốc nhau. Marshall đã gửi cho Dewey một danh mục bản sao các bức điện Magic để ông ta có thể tận mắt chứng kiến những thông tin trong đó đã hỗ trợ cho việc tiến hành các chiến dịch ở Thái Bình Dương. Dewey về phần mình lại thông báo cho Marshall rằng, hình như tại quốc hội sẽ có các cuộc tranh luận về Trân Châu Cảng và tự đề nghị được tham gia hỗ trợ ngăn cản các cuộc tranh luận này. Marshall trả lời là ông đã một lần đặt Dewey vào tình thế khó khăn bằng những yêu cầu của mình và chúng đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của Deway. Dewey đáp lại với tuyên bố ông làm thế vì thắng lợi của cuộc chiến. Thế là mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với sự an toàn của Magic đã không còn nữa, điều trớ trêu thay lại xuất phát từ nội bộ, từ những chính trị gia của Mỹ chứ không phải từ người Nhật.

Vụ làm ăn bí mật

Trong chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ phải bảo vệ các bí mật của mình không chỉ với kẻ thù, mà cả với Liên Xô. Như sau này đã rõ, họ đã có các lý do nặng ký để làm thế.

Tháng 11 năm 1944, Donovan, Cục trưởng Cục Hoạt vụ Chiến lược OSS của Mỹ, cơ quan tình báo chủ yếu của Mỹ thời chiến tranh thế giới thứ II, đã mua của Phần Lan 1,5 ngàn trang sách mã cháy dở của NKGB. Phần Lan chiếm được số tài liệu này trên chiến trường trong cuộc chiến Liên Xô-Phần Lan năm 1939-1940. Để không phá vỡ chiến dịch dự kiến nhằm phát hiện các điệp viên Liên Xô ở Mỹ, chiến dịch một phần lớn dựa vào việc sử dụng các quyển mã mua được, Donovan không muốn mạo hiểm nên đã giấu kín vụ mua bán này với ban lãnh đạo Mỹ, kể cả ngoại trưởng Edward Reilly Jr. Stettinius (1900-1949). Các quan chức OSS khác cũng hành động thận trọng như vậy ở khúc quanh sự kiện này. Tức giận về việc Mỹ bí mật mua bán tài sản của một nước mà chính phủ Roosevel đang rất trông mong sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống Nhật, Stetinius đã thuyết phục tổng thống Mỹ không nên vì chút lợi nhất thời mà gây tổn hại cho quan hệ với các đồng minh.

Donovan đã được lệnh trả lại các quyển mã cho chủ nhân hợp pháp của chúng, điều ông ta phải làm mà lòng thì đầy tiếc rẻ. Donovan tất nhiên đã che giấu động cơ thực mà ông ta theo đuổi khi làm ăn với Phần Lan. Thay vào đó, ông ta nói vì là một đồng minh trung thực nên ông ta đơn thuần phải trả khoản tiền mà Phần Lan đòi khi biết họ bán mật mã của Liên Xô. Donovan còn đạo đức giả nói thêm rằng, các nhân viên của ông ta không nghiên cứu các tài liệu lọt vào tay họ nên không biết giá trị của chúng, nhưng họ làm thế là vì phỏng đoán rằng, Liên Xô rất quan tâm tới các tài liệu đó. Các quyển mã cháy dở này đã được trao trả tận tay đại sứ Liên Xô ở Mỹ A.A. Gromyko.

Tháng 5 năm 1945, NKGB đã thay đổi mật mã. Nhưng bản sao các quyển mã mà Donovan cho chụp lại “làm kỷ niệm” đã được các chuyên gia mã thám Mỹ, Anh sử dụng trong gần 2 thập kỷ nữa để giải các bức điện mã của các điệp viên NKGB mà họ chặn thu được trước tháng 5 năm 1945. Giá như giấu kín được vụ mua các quyển mã của Phần Lan năm 1944 thì giá trị của chúng đối với tình báo vô tuyến điện tử Mỹ, Anh còn lớn hơn nhiều.

Người ta biết rằng, tình báo Liên Xô đã biết người Mỹ đã đọc được điện tín liên lạc quân sự và ngoại giao của Nhật vào tháng 2 năm 1945 khi cuối cùng tình báo Liên Xô cũng nối lại được liên lạc với điệp viên lâu năm của mình là Rupert, một binh sĩ Mỹ mà NKVD tuyển mộ từ năm 1939. Điệp viên này trong một thời gian dài không thể bắt được liên lạc vì anh ta giỏi các thứ tiếng phương Đông nên đã bị thuyên chuyển sang Cục Mã thám Lục quân và bị phái đi công tác mấy tháng tại các quần đảo trên Thái Bình Dương.

Khi gặp gỡ, Rupert báo cáo với liên lạc viên rằng, trong một thời gian các chuyên gia mã thám Mỹ đã đặc biệt chú ý đến các bức điện mã của đại sứ Nhật ở Liên Xô, người đã thường xuyên gặp Molotov và lôi kéo được Moskva ký kết hiệp ước không tấn công lẫn nhau Xô-Nhật. Bằng cách đọc điện tín liên lạc của ông ta, Mỹ muốn tin chắc là Liên Xô hành xử trung thực đối với các đồng minh và không định làm bất kỳ động tác “đi đêm” hậu trường nào sau lưng họ.

Ngoài ra, Rupert đã báo cho tình báo Liên Xô biết Cục Mã thám Lục quân Mỹ đã bỏ nhiều công sức ra để đọc điện tín liên lạc giữa các cơ quan Liên Xô ở Mỹ với Moskva trong những năm 1941-1942. Các chuyên gia mã thám Mỹ đã giải mã được khoảng 70% một bức điện do Amtorg gửi về Moskva. Kết quả là họ có hy vọng dần dần đọc được phần lớn điện tín ngoại giao giữa Moskva với Washington và New York. Rupert đã nhớ lại ngày tháng của bức điện mã của Amtorg mà người Mỹ đã đọc được, rồi báo cáo theo trí nhớ nội dung đại ý của bản rõ. Sau này, nhờ thông tin do Rupert cung cấp, các chuyên gia cơ yếu Liên Xô đã biết được rằng, bức điện này đã bị giải mã chỉ vì những sai sót cực kỳ thô thiển của khâu mã hoá.

Tình báo vô tuyến điện tử đứng trên luật pháp

Trong những năm đầu sau chiến tranh, trong quân đội Mỹ, tình báo vô tuyến điện tử do các cục thông tin liên lạc của cả ba quân chủng tiến hành. Để khắc phục tình trạng đó và bảo đảm cho tình báo vô tuyến điện tử Mỹ có được ưu thế của lãnh đạo tập trung, vào năm 1949, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập Cục An ninh Quân đội AFSA (Armed Forces Security Agency). Nó đảm nhiệm các chức năng tình báo vô tuyến điện tử chiến lược và phụ trách điều phối hoạt động của các cục cơ yếu thuộc ba quân chủng. AFSA vẫn để lại cho các cục này các chức năng được thực hiện hiệu quả nhất ở gần khu vực chiến sự (nghĩa là tiến hành tình báo vô tuyến điện tử chiến thuật), cũng như trách nhiệm bảo đảm an ninh thông tin liên lạc ở cấp thấp.

Cơ sở pháp lý cho hoạt động của AFSA đã được hình thành trước khi cơ quan này được thành lập một năm. Năm 1948, theo sắc lệnh đặc biệt của hội đồng thống nhất gồm các đại diện của Bộ Ngoại giao, quân đội và các cơ quan tình báo Mỹ, hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ liên quan đến thu thập thông tin từ các kênh liên lạc nước ngoài được giải phóng khỏi sự kiểm soát của mọi đạo luật và quy định của chính quyền hành pháp nếu như trong đó không nêu rõ các đơn vị thực hiện loại hoạt động đó.

Việc lựa chọn các kênh liên lạc nước ngoài để chặn thu diễn ra như thế nào? Một nhóm đại diện các cơ quan tình báo, Bộ Ngoại giao và các đơn vị tình báo Hải, Lục, Không quân Mỹ đã được tập hợp. Mỗi tháng một lần, nhóm này nhận được một tấm bản đồ thế giới có đánh dấu các mục tiêu có thể để tiến hành chặn thu. Các bộ ngành hữu quan Mỹ phải đánh giá tầm quan trọng của các mục tiêu bằng các con số từ 1 đến 5. Tuy vậy, với hệ thống này, các nhiệm vụ chặn thu được nêu ra quá rộng. Họ cũng chưa có cơ cấu nhằm xác định các kênh liên lạc cụ thể để đạt được các mục đích đặt ra.

Các nhược điểm đã bộc lộ rõ vào đầu thập niên 1950 trong cuộc chiến Triều Tiên khi Mỹ không xác định rõ các kênh liên lạc của Triều Tiên cần chặn thu nên đã bỏ qua những thông tin quý báu. Vì thế Mỹ đã tiến hành một loạt cải cách các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử, trong quá trình đó đã thành lập NSA. Tuy vậy, trong thập kỷ đầu tiên tồn tại của NSA, vị trí trung tâm trong cộng đồng tình báo Mỹ vẫn do CIA nắm giữ.

(Tiếp theo)

Print Print E-mail Print