Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Áo: "Người mẹ đàn ông của chiếc chiến hạm" (1)

VietnamDefence - Trước Thế chiến I, chưa có nước nào ngoài Pháp và Áo-Hung có cơ quan mã thám. Có thể kinh nghiệm của đế quốc Habsburg trong lĩnh vực mã thám vốn bắt khởi nguồn từ cuối thế kỷ XIX đã tạo điều kiện cho điều đó. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Áo-Hung từ năm 1908 đã bắt đầu chặn thu các bức điện vô tuyến quân sự của Italia.

Sự bình yên của nhiều người
sẽ bền vững hơn nếu được phép
thanh toán tất cả những điều khó chịu
bằng tiền nhà nước.


K. Prutkov. "Những trước tác"


Trước Thế chiến I, chưa có nước nào ngoài Pháp và Áo-Hung có cơ quan mã thám. Có thể kinh nghiệm của đế quốc Habsburg trong lĩnh vực mã thám vốn bắt khởi nguồn từ cuối thế kỷ XIX đã tạo điều kiện cho điều đó. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Áo-Hung từ năm 1908 đã bắt đầu chặn thu các bức điện vô tuyến quân sự của Italia.

Năm 1911, khi chúng tuôn ra ào ạt trong thời gian bùng nổ xung đột quân sự Italia-Thổ Nhĩ Kỳ thì đại tá Max Ronge, chỉ huy cơ quan tình báo Bộ Tổng tham mưu Áo-Hung đã thấy đây là một cơ hội thu thông tin có ích. Tháng 11 năm 1911, ông đã thành lập trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Áo-Hung một bộ phận mã thám do đại uý Andras Viegel đứng đầu.

Ngoài nhiệm vụ đọc điện tín mã hoá quân sự của Italia, các chuyên gia mã thám Áo còn mã thám các bức điện mật mã của Nga, nhưng trong thời bình các hệ mã của cả Nga lẫn của Italia đều rất khó giải phá. Để yểm trợ các thuộc cấp ở bộ phận mã thám về tinh thần và vật chất, Ronge đã thông qua môi giới mua được một số mật mã của Italia. Công việc diễn ra tốt đẹp hơn.

Năm 1912, một quý ông bí hiểm nào đó đã chào bán cho người Áo một bản mật mã ngoại giao của Serbia mà người cháu làm việc tại phòng cơ yếu sứ quán Serbia ở Viên của ông ta mạo hiểm mạng sống chép tay một cách thất thường. Ông ta nói rằng, để chứng minh sự chân thực, ông ta sẽ để lại mật mã cho người Áo sử dụng thử để giải mã các bức điện mật mã tiếp đó của Serbia. Hôm sau, họ đã lập tức chặn thu được liền bức điện mật mã. Chúng được giải mã thành công bằng mật mã lấy cắp được.

Các bức điện mật mã đề cập một vài vấn đề có liên quan đến thuế hải quan - những chuyện thường nhật chán ngấy của sứ quán Serbia. Quý ông nọ nhận được khoản tiền 10 ngàn cuaron. Người Áo rất hài lòng và đã khoan khoái nghĩ đến việc sắp tới đọc được điện tín mật mã ngoại giao của Serbia trong một thời gian dài.

Không lâu sau, họ đã chặn thu được các bức điện mật mã khác của Serbia. Người Áo lôi mật mã mua được khỏi két, trải lên bàn và bắt tay vào việc. Họ đã toát mồ hôi khá lâu, than thở, rồi cãi lộn mà vẫn không thu được lấy một câu, một chữ, một âm tiết, một dấu ngắt câu ra hồn nào.

Nhờ trí tưởng tượng phong phú, một chuyên gia mã thám thành công nhất đã xếp được các từ cho một câu sau đây: "Đã tạo ra người mẹ đàn ông của chiếc chiến hạm".

Thế là các nhân viên bộ phận mã thám Áo liền viết lấy một bức điện cho sứ quán Serbia và mã hoá nó bằng mật mã mà họ mua với giá 10 ngàn cuaron. Trong bức điện mật mã họ thêm cả dấu "Khẩn" và gửi kèm với hai bức điện về thuế hải quan đã giải mã được đến sứ quán Serbia ở Viên.

Không lâu sau, bí thư sứ quán Serbia lao như bay đến trạm điện báo trung tâm Viên. Ông ta cực kỳ tức giận và đòi phải phục hồi văn bản của ba bức điện bị biến dạng không thể cứu chữa. Đó chính là ba bức điện mà người Áo gửi đến dưới dạng các bức điện của Serbia.

Cuộc điều tra sau đó cho thấy mật mã mua được là hàng giả do quý ông bí hiểm nọ làm ra còn kẻ đồng loã thì gửi hai bức điện được mã hoá bằng mật mã này đến sứ quán Serbia. Người Serbia đã bỏ mặc chúng không giải mã cho đến khi bức điện có dấu "Khẩn" buộc họ phải làm việc.

Khi giải mã ba bức điện mật mã gửi đến bằng mật mã hiện dụng của sứ quán đã thu được một mớ từ ngữ khó hiểu. Người Serbia dĩ nhiên nghĩ là trạm điện báo Viên đã mắc sai sót khi nhận các bức điện mật mã này.

Print Print E-mail Print