Vietnamdefence.com

 

Tiết lộ vụ tình báo Trung Quốc chôm công nghệ máy bay tàng hình F-117A

VietnamDefence - Đại tá tình báo GRU của Nga Sergei I. tiết lộ một số thông tin về việc tình báo Trung Quốc thu thập bí mật của máy bay tàng hình F-117A Nighthawk ở Nam Tư năm 1999.

F-117A Nighthawk - máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại đầu tiên trên thế giới

Đại tá Sergei I. khi còn công tác ở Tổng cục Tình báo (GRU) Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga chuyên làm về Trung Quốc. Ông từng trải qua 7 cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang ở những địa điểm rất khác nhau trên thế giới, cũng như ở Chechnya.

Săn đuổi Chim đêm F-117A
 
Nhớ lại mùa xuân năm 1999, ở Belgrade thời chiến tranh, ông Sergei với tư cách chuyên gia về tiếng Hán, đang làm việc sát sạt với các đồng nghiệp Trung Quốc. Thời Tổng thống Slobodan Milosevic, lãnh đạo Nam Tư thường xuyên chia sẻ với các đồng minh Trung Quốc và Nga các vũ khí trang bị chiến lợi phẩm của các nước phương Tây. Nhiều khi việc chia chác chiến lợi phẩm dẫn đến các vụ scandal.

Đáng nhớ nhất là chuyện xảy ra vào cuối tháng 3. Lúc đó, khi Sergei vừa lên xe để tới hiện trường máy bay tiêm kích tàng hình Mỹ bị rơi thì tay tổ trưởng tình báo Trung Quốc cũng hộc tốc đuổi theo.

Ngày 27.3.1999, F-117A Nighthawk với số hiệu 82-806 đã bị một hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora bắn rơi. Đây là thành công hiếm có của người Serbia. Quả tên lửa đã không bắn trúng trực tiếp vào máy bay. Bởi vậy, phi công bị bắn rơi đã kịp nhảy dù và sống sót. Các mảnh xác máy bay khá to. Một số mảnh đã phải đưa lên máy kéo bằng cần cẩu mượn tạm của công nhân xây dựng địa phương chỉ bằng 2 chai Vodka Nga.

F-117A lần đầu tiên và duy nhất bị bắn hạ ngày 27.3.1999 tại Serbia

Chiếc F-117 bị bắn hạ là miếng mồi cực kỳ hấp dẫn đối với cả Nga và Trung Quốc. Tùy viên quân sự Trung Quốc cùng các trợ lý đã lùng sục toàn bộ khu vực máy bay rơi và mua lại các mảnh vỡ từ các nông dân sống xung quanh.

Và họ quan tâm nhất đến các chi tiết của động cơ, đặc biệt là “những cái cánh loa phụt” gì đó. Nhưng họ cuối cùng cũng không tìm thấy chúng.
 
Tình báo Trung Quốc hoạt động điên cuồng. Họ không tiếc tiền để mua lại các “vật lưu niệm” của Mỹ đó. Trong nháy mắt, khoang chứa hàng trên chiếc xe địa hình của tùy viên quân sự Trung Quốc đã chất đầy các mảnh vỡ của chiếc máy bay tàng hình xấu số.
Mỹ tấn công đại sứ quán để trả đũa

Niềm tự hào một thời nay đã bị loại khỏi trang bị và cất vào kho (air-and-space.com)

Người Mỹ phát khùng vì mất chiếc máy bay tàng hình siêu mật. Được các điệp viên Croatia ở Serbia báo rằng, tình báo Trung Quốc đã chiếm hữu được món chiến lợi phẩm quý giá, Washington liền làm một việc chưa từng có để trả đũa. Họ đã cho máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 tấn công đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, nơi được cho là chứa các mảnh vỡ, chi tiết của chiếc máy bay tàng hình bị bắn rơi. Sau đó, Mỹ thanh minh hành động kẻ cướp đó là do sai lầm về bản đồ.

Mảnh xác F-117A tại viện bảo tàng ở Serbia

Khi phóng viên chợt vô ý buột ra câu hỏi: “Nhưng trong lúc đó, tại đại sứ quán Nga ở Belgrade, đang chuẩn bị gửi đi những thùng hàng nào đó. Đúng không?”, ông Sergei cười mát đáp: “Lịch sử im lặng về vấn đề đó”.
 
Đã hơn 10 năm trôi qua. Máy bay tàng hình T-50 của Nga đã cất cánh, một năm sau đó đến lượt J-20 Hắc Long của Trung Quốc. Cả hai đều muốn được gọi là máy bay thế hệ 5. Trong các máy bay đó có cái gì từ máy bay tàng hình của Mỹ không? Nếu như thực sự là có thì ai lại đi thừa nhận điều đó… Người Nga im lặng, còn người Trung Quốc theo tập quán phương Đông thì chối bay chối biến.

J-20 trong chuyến bay thử đầu tiên

Còn viên phi công thử nghiệm Trung Quốc Xu Yongling sau chuyến bay thì nói như đinh đóng cột: “J-20 là kiệt tác công nghệ mới của Trung Quốc” và cho biết, lợi ích từ các mảnh vỡ máy bay tàng hình Mỹ cũng chẳng có gì nhiều. Bởi F-117 đã lạc hậu ngay từ những năm 1990, còn công nghệ lớp phủ che giấu máy bay trước radar thì khó tái tạo từ các mảnh vỡ do “tính phức tạp của các hợp kim”.

Vị đại tá GRU nhún vai: “Khó, nhưng có thể. Các tình báo viên Nga cũng từng thu thập từng mẩu một các bí mật của bom nguyên tử Mỹ. Và nhà bác học vĩ đại Kurchatov đã rất biết ơn họ vì điều đó”.

Người Trung Quốc nói gì
 
Sau khi báo chí phương Tây ồn ào quy kết Trung Quốc sao chép công nghệ tàng hình của máy bay tiêm kích-bom tàng hình F-117A Nighthawk để chế tạo máy bay J-20 của họ, ngày 25.1.2011, các đại diện Bộ quốc phòng và các nhà phân tích quân sự Trung Quốc đã bác bỏ giả thiết này.

Một đại diện giấu tên của Bộ quốc phòng Trung Quốc nói rằng, “báo chí nước ngoài không phải lần đầu tiên vu nói oan cho các công nghệ của Trung Quốc, chẳng việc gì phải trả lời những dư luận như thế”.
Còn theo phi công thử nghiệm Trung Quốc Xu Yongling, J-20 có những tính năng kỹ thuật như khả năng bay hành trình siêu âm và khả năng cơ động cao là nhờ một loạt những đột phá công nghệ. “Khác với các tiêm kích trước đó như J-7 (sao chép MiG-21F-13) và J-8 (chế tạo dựa trên Su-15) quả thực là chế tạo dựa trên các máy bay nước ngoài, J-20 là kiệt tác công nghệ mới của Trung Quốc”, - Xu Yongling nói.

Viên phi công cũng nói rằng, sẽ là vô nghĩa đối với Trung Quốc nếu sử dụng các công nghệ của F-117 vốn đã lạc hậu ngay cả đối với các tiêm kích thế hệ 4 và đã lỗi thời ngay khi máy bay này bị bắn rơi ở Nam Tư trong chiến dịch của NATO năm 1999. Ngoài ra, Trung Quốc cũng rất khó tái tạo công nghệ sản xuất vật liệu sử dụng cho F-117 từ các mảnh vỡ của máy bay.

Tổng biên tập tạp chí Trung Quốc Aerospace Knowledge Wang Yanan thì khẳng định, F-117 khó có thể là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế J-20 do những khác biệt lớn về kết cấu của các máy bay thuộc 2 thế hệ khác nhau. “Mặc dù F-117 có danh xưng là máy bay tiêm kích, nó được sử dụng như một máy bay ném bom do có tốc độ bay thấp và khả năng tác chiến hạn chế. J-20 thì giống F-22 hơn, được chế tạo để không chiến ở tốc độ bay cao”, - Wang Yanan giải thích.

Nhưng ông Wang thừa nhận, với tư cách nước đi đầu về các dự án phát triển công nghệ, Mỹ là quốc gia định hướng cho việc phát triển máy bay mới của các nước khác, nhưng không bao giờ cung cấp chi tiết gì về các công nghệ của mình, khiến các nước khác phải tự phát triển các máy bay đó hoặc mua ở các nước khác.

Còn nhà phân tích quân sự Trung Quốc Li Daguang thì nói rằng, những cáo buộc đó là vô căn cứ và xuất phát từ sự ganh ghét và đề phòng với những thành tựu công nghệ nhanh chóng của Trung Quốc. Trung Quốc có khả năng tự lực phát triển các công nghệ cao.

Giữa tháng 1.2011, đô đốc Croatia Domazet-Lošo, người từng tham gia chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Nam Tư trước đây, nguyên chỉ huy tình báo quân sự và phó tổng tham mưu trưởng quân đội Croatia đã phỏng đoán rằng, Trung Quốc có thể đã sử dụng công nghệ của F-117A để chế tạo J-20. Chiếc F-117A bị bắn rơi ở Nam Tư ngày 27.3.1999. Theo đô đốc Domazet-Lošo, các điệp viên Trung Quốc đã ráo riết mua lại từ các nông dân Serbia những mảnh xác F-117, sau đó đã có thể tái tạo từ đó các công nghệ sử dụng ở máy bay này.
 
Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm tiêm kích thế hệ 5 J-20 vào cuối tháng 12.2010 và cho bay thử lần đầu ngày 11.1.2011. Hiện chưa rõ tính năng kỹ thuật của J-20.

Print Print E-mail Print