Vietnamdefence.com

 

Có bao nhiêu nội gián trong tình báo Nga?

VietnamDefence - Trong một cuộc gặp gỡ báo chí, Giám đốc Cục Tình báo đối ngoại Nga khi đó Vyacheslav Trubnikov nói một câu gần như châm ngôn: “Những thắng lợi của tình báo thì chẳng ai hay, còn thất bại thì cả thiên hạ đều biết”.

Nay thì vụ bê bối gián điệp với các tình báo viên Nga ở Mỹ không rời màn hình TV và trang nhất các báo.

Biểu trưng 3 cơ quan đặc vụ chủ yếu của Nga (từ trái sang phải):
Cục Tình báo đối ngoại SVR, Cơ quan An ninh Liên bang FSB và
Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu GRU

Trong phúc có họa, trong họa có phúc. Đông đảo công chúng chỉ biết đến lưới tình báo bất hợp pháp của Nga tại Mỹ sau khi xảy ra vụ phản bội. Điều này đã được Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói đến từ mùa hè và mấy ngày trước TT Nga Dmitri Medvedev đã xác nhận có sự phản bội trong SVR. Như vậy, nguyên do không phải là sự vụng về của các điệp viên bị trục xuất khỏi Mỹ. Sự đổ vỡ xảy ra không phải lỗi của họ.

Phản bội luôn là cú đòn chí mạng. Trong ngành tình báo Nga, Cục S, nơi đã nằm vùng “con chuột chũi” (kẻ phản bội), được coi là đơn vị bí mật nhất và danh giá nhất. Nói ngắn gọn, đó là trái tim của tình báo. Điều dễ thấy là các cựu chủ tịch lừng danh của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô KGB là Yuri Andropov (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô) từng là đảng viên thuộc phòng tình báo mà tên phản bội đã làm việc. Ấy thế mà lại xảy ra vụ bê bối mất mặt nhường ấy!

Chiến công và sự phản bội

Nhưng đổ vỡ cũng là dịp hiếm có để kể đôi chút về những nhà tình báo anh hùng. Ví dụ, người ta đã viết nhiều chuyện hoang đường, bịa đặt về Juan Lazaro - Anh hùng Liên Xô Mikhail Vasenkov. Họ viết, ông nắm được lịch trình các chuyến thăm của các tổng thống Mỹ trước mấy năm. Để làm gì cơ chứ? Bởi ông đâu phải làm việc cho Bin Laden, mà cho nước Nga. Nhưng vì sao đó mà không ai chịu nghĩ là sau 40 năm ông hoạt động ở Mỹ Latinh, sau đó ở Mỹ, tình hình chính trị khu vực này đã thay đổi như thế nào. Người Nam Mỹ không muốn là con rối ngoan ngoãn của Washington nữa. Gần đây, họ ngày càng muốn kết bạn với nước Nga. Toàn lực giúp đỡ họ trong việc này là người bạn, người quen biết lâu nay của nhiều chính trị gia thế lực Juan Lazaro.

Và không chỉ có ông. Chẳng hạn như một tình báo viên bất hợp pháp khác của Nga là Andrei Bezrukov ở Mỹ ông được biết đến với cái tên Donald Heathfield, với những quan hệ ở giới chính trị thượng lưu các nước Mỹ Latinh mà không một nhà ngoại giao Nga nào dám mơ đến. Ông từng học tại Đại học Harvard trứ danh cùng khóa với Tổng thống tương lai của Mexico là Felipe Carderón, từ thời trẻ đã kết bạn với nhiều doanh nhân và chính trị gia tiếng tăm.

Nhà báo của tờ báo Đức Der Spiegel đã cố gắng miêu tả nữ điệp viên Nga Anna Chapman “cô bé khờ khạo” và “kém cỏi”. Trong khi đó, chỉ số thông minh IQ của cô cao gần gấp đôi cựu Tổng thống Mỹ George Bush. Có nghĩa là người ta bắt giữ ở Mỹ con gái của một người chỉ là đại tá tình báo Nga không phải chỉ vì vẻ ngoài.

Ở Mỹ, người ta không muốn nói đến một nữ tình báo viên Nga có bề ngoài kém rực rỡ hơn là Cynthya Murphy. Họ thật của cô là Gurieva. Thông qua nhà tư bản tài chính quen biết Alan Patricof, người tài trợ chiến dịch bầu cử của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cô đã có được bằng chứng tài chính có sức nặng làm xấu mặt giới tinh hoa chính trị Mỹ hiện nay.

10 điệp viên Nga bị bắt giữ tháng 6.2010 tại Mỹ và bị trục xuất về Nga. Các điệp viên nổi bật: Hàng trên, thứ ba, từ bên trái - Thiếu tướng, Anh hùng Liên Xô Mikhail Vasenkov (Juan Lazaro); Hàng dưới, thứ hai, thứ ba và thứ 4, từ bên trái: Anna Chapman, Andrei Bezrukov (Donald Howard Heathfield), Lidiya Guryeva (Cynthya Murphy)

Kẻ nào đã bán đứng các tình báo viên Nga? Kẻ phản bội đã khiến các tình báo viên bất hợp pháp Nga bị bắt ở Mỹ là đại tá Aleksandr Nikolayevich Poteyev. Hắn là Phó Trưởng Phòng Mỹ, Cục S (tình báo bất hợp pháp) của SVR. Hắn từng hoạt động ở Mỹ (New York) hồi đầu thập niên 1990. Hơn nữa lại trong một thời gian dài: 5 hay 6 năm gì đó. Ấy thế mà lúc đầu, báo chí Nga lại kết tội đại tá Shcherbakov là thủ phạm của vụ đổ vỡ này.

Những bí ẩn của một tên họ

Ông Oleg Kalugin, nguyên thiếu tướng KGB, bị Nga truy tố vắng mặt vì tội làm gián điệp cho Mỹ, hiện đang sống ở Mỹ, khi trả lời phỏng vấn tờ Washington Post, đã nói: “Tôi vẫn nhớ một chàng trai trẻ có cái họ Shcherbakov. Anh ta từng làm việc cho tôi ở Phòng phản gián, còn sau này thì làm việc với các tình báo viên bất hợp pháp của chúng tôi. Tôi còn nhớ tên anh ta là Aleksandr Vasilevich, tuy nhiên tôi sẽ khó nhận ra anh ta trên phố.

Poteyev ư? Với tôi, cái họ này hoàn toàn xa lạ. Tôi chưa bao giờ nghe thấy nó và chưng từng gặp người nào có cái họ như vậy. Nếu Shcherbakov thì tôi biết, còn Poteyev thì không. Đó hoàn toàn là bí ẩn đối với tôi. Shcherbakov lâu rồi từng là một trong các cán bộ của tôi, sau đó chuyển sang cục đặc biệt đó (Cục S chuyên về tình báo bất hợp pháp), rồi leo lên đến chức trưởng phòng ở đó. Nhưng giờ thì lại có những thông tin nào đó trái ngược rằng, anh ta đã chuồn từ lâu và đây nói đến người hoàn toàn không phải là anh ta. Tất cả chuyện này thật quái lạ”.

Dường như trí nhớ đang đánh lừa viên tướng cũ của KGB Liên Xô. Hay là Kalugin lại giấu giếm theo thói quen để giúp những ông chủ cũ của mình đánh lạc hướng.

Một tờ báo mạng đưa ra một giả thiết khác: “Đại tá SVR Shcherbakov, kẻ đã bán các tình báo viên Nga ở Mỹ, từ 7 năm trước đã bị bại lộ ở Estonia”. Tờ báo cho rằng, “nhân vật” của vụ phát giác gián điệp có thể là Nikolai Shcherbakov, từng là nhà ngoại giao Nga ở Estonia và năm 2003 đã dính vào vụ bê bối khi gây ra tai nạn giao thông ở Tallin. Tờ báo khẳng định rằng, cảnh sát Estonia ngay hồi đó đã nghi ngờ Shcherbakov trên thực tế là gián điệp. Từ Estonia, ông ta chuyển sang Helsinki. Không loại trừ khả năng, sau thời gian công tác ở Phần Lan, Shcherbakov đã nhận được lời mời về làm ở Yasenevo, đại bản doanh của SVR.

Về giả thiết này, những người bạn của tờ báo chúng tôi (AN) trong SVR đã nói ngắn gọn: “Chuyện nhảm nhí đểu giả…”

Tên của một Shcherbakov nữa được nhắc đến trong cuốn sách “Tình báo sinh học. Các chiến dịch đặc biệt của tình báo đối ngoại Liên Xô và Nga ở phương Tây” của một cựu sĩ quan tình báo đối ngoại Liên Xô, cán bộ Cục S Aleksandr Kuzminov, xuất bản mùa thu năm nay ở Anh. Trong cuốn sách này, ông ta nói nhiều về tính chuyên nghiệp và trình độ trí tuệ của các nhân viên Cục S và đặc biệt khâm phục thời kỳ “...mà người chỉ huy của chúng tôi là đại tá Yuri Shcherbakov. Ông đã biết làm việc và biết cách tập hợp mọi người để hoàn thành nhiệm vụ...”

Nhà bình luận của AN đã tìm hiểu ra rằng, đúng ở Cục S từng có một cán bộ có họ như vậy đã chỉ đạo hoạt động các tình báo viên bất hợp pháp ở Mỹ. Nhưng ông ấy làm việc thời tình báo Liên Xô cơ và đã về hưu từ lâu chứ chẳng bỏ chạy đi đâu cả. Nay ông ấy đã 80 tuổi. Và ông đang định kiện ra tòa một số tờ báo vì tội vu khống. Họ bôi nhọ một tình báo viên kỳ cựu nhiều công lao làm gì chứ?

Quả thực là các báo không có nêu tên ông ấy. Đâu cũng chỉ viết có họ là Shcherbakov. Và nay thì người ta nói rằng, đại tác Shcherbakov được nhắc đến trên báo quả thực là một tên phản bội, nhưng hắn đã chuồn từ 2 năm trước và chắc chắn không có liên hệ trực tiếp với vụ bắt giữ các tình báo viên Nga ở Mỹ tháng 6 vừa qua. Hơn nữa, hắn không phải làm việc ở Cục S mà là Cục phó Cục K chuyên về phản gián cho tình báo nói chung. Vì thế, Shcherbakov chẳng có dính líu gì đến vụ bại lộ các tình báo viên bất hợp pháp Nga.

Cái họ Nga Shcherbakov đối với người nước ngoài cũng huyền bí giống như tâm hồn Nga.

Các điệp viên đặc biệt quan trọng

“Những con chuột chũi” - nhà văn John le Carré đã gọi những kẻ ăn ở 2 lòng trong các cơ quan tình báo như vậy không chỉ ẩn mình trong những cái hang ở trong “rừng” (biệt danh của đại bản doanh SVR ở Yasenevo). Tình báo Liên Xô/Nga cũng thả những động vật xù lông vào chính hang ổ của đối phương. Một trong những điệp viên nổi tiếng nhất là Aldrich Ames. Ông ta làm việc cho CIA từ năm 1961, giữ những chức vụ quan trọng trong Phòng Liên Xô/Đông Âu và Trung tâm phản gián. Bị tình báo Liê Xô tuyển mộ năm 1985. Đã báo cáo về Moskva không dưới 25 điệp viên của CIA, làm các cơ quan tình báo Mỹ mất trắng nhiều nguồn tin giá trị ở Liên Xô, và đã nhận được khoản tiền thù lao 4,6 triệu USD.

Kẻ nào đã tố giác Aldrich Ames? Bản thân người Mỹ thì khẳng định, ông ta lọt vào vòng nghi ngờ vì ông ta thích ăn tiêu hoang phí, mà các khoản chi thì rõ ràng vượt quá khoản thu nhập: Ames đã mua 1 một du thuyền mới cáu, một xe sang Jaguar đời mới nhất, một biệt thự hoa lệ... Nhưng ta biết rằng, FBI ra tay bắt Ames khi chẳng có chứng cứ nghiêm trọng nào chống lại ông ta. Rõ ràng, bán đứng ông ta là “một chuột chũi” - một tên phản bội ẩn náu trong “rừng”.

Robert Hansen. Làm việc cho FBI từ năm 1972, làm công tác phản gián chống tình báo nước ngoài hoạt động ở Mỹ. Ông ta tự đề nghị cộng tác với tình báo Liên Xô vào năm 1985. Ông ta đã cáo giác nhiều điệp viên và chuyển vô số tin mật (kể cả đường hầm do FBI đào dưới sứ quán Liên Xô để thu trộm thông tin) để nhận được 1,4 triệu USD. Bị bắt tháng 2.2001. Vì cung cấp những chứng cứ chống lại Hansen, “con chuột chũi” ở Yasenevo đã nhận được của người Mỹ gần 7 triệu USD. Và bản án tử hình vắng mặt của Nga.

Thanh gươm SMERSH không quên báo thù

Tờ báo Mỹ Christian Science Monitor trong số báo ngày 12.11.2010 với bài báo “Cái chết dành cho bọn gián điệp!” (SMERSH là tên gọi cơ quan phản gián Liên Xô thời Thế chiến II) nói rằng, “các nhân viên Cheka Nga, ngoài Litvinenko, đã giết ít nhất 5 kẻ đào tẩu. Đó là:

- Sergei Tretyakov, cựu tình báo viên SVR (“tình cờ” bị chết nghẹn bởi miếng thịt vào tháng 6.2010);

- Evgeny Toropov, cựu sĩ quan Cục Phản gián đối ngoại của SVR. Tháng 4.2010, trong khi tắm, hắn không hiểu sao lại túm vào một thiết bị điện đang bật và bị điện giật chết;

- Arkady Shevchenko, cựu phó Tổng thư ký thứ nhất Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị (“đột ngột” qua đời);

- Yuri Nosenko, cựu phó trưởng Phòng 7, Tổng cục 2, KGB (cái chết có tính cưỡng bức năm 2008 trong “hoàn cảnh bí ẩn”);

- Vasily Mitrokhin, nhân viên lưu trữ KGB (bị ám sát, “chết vì viêm phổi”).

Theo tờ báo này, người Nga còn có kế hoạch giết Gordievski và Kalugin.

Nhưng một số kẻ đào ngũ đang ẩn náu ở phương Tây vẫn thoát khỏi số phận mà người ta dành cho sự phản bội: nhân vật nổi tiếng nhất dĩ nhiên là Vladimir Rezun, hắn chính là Viktor Suvorov. Ngoài ra, còn có những điệp viên hai mang khác như nhân viên tổ tình báo GRU Stanislav Lunev, đại tá thuộc tổ tình báo SVR Viktor Oshchenko, đại tá GRU Fizret Dzhabezov, đại tá GRU Sergei Bokhan, cán bộ tổ tình báo KHKT của SVR Sergei Illarionov.

Vậy có bao nhiêu “chuột chũi ở trong rừng”? Trong SVR đã có hơn 20 tên đào ngũ kế tục kẻ phản bội Kalugin. Cao trào các tình báo viên Nga chạy trốn sang phương Tây xảy ra vào đầu thập niên 1990. Năm 1991, có một lúc 6 cán bộ tình báo (con số kỷ lục) không trở về nước. Năm 1992 thêm 5 người nữa. Sau đó bắt đầu thời kỳ tương đối lắng dịu.

Nhưng gần đây, các vụ đổ vỡ liên tiếp xảy ra. Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc đó? Dấu chấm hết cho câu chuyện tù mù này còn chưa được chấm.

  • Nguồn: Có bao nhiêu "chuột chũi ở trong rừng"? / Aleksandr Kondrashov // AN, 17.11.2010.

Print Print E-mail Print