Vietnamdefence.com

 

Hải quân Trung Quốc 'với tay' khắp thế giới

VietnamDefence - Theo giới quân sự và giới phân tích Mỹ, quân đội Trung Quốc đang tìm cách bành trướng sức mạnh hải quân ra khỏi giới hạn các vùng biển của mình, với tới các cảng dầu ở Trung Đông cho đến những tuyến hàng hải của Thái Bình Dương vốn là địa bàn "truyền thống" của Hải quân Mỹ.

Trung Quốc gọi chiến lược mới này là "phòng thủ biển xa". Tốc độ xây dựng sức mạnh hải quân với những khả năng tầm xa mà nước này đang theo đuổi khiến các quan chức quân sự nước ngoài kinh ngạc.

Quan chức Trung Quốc mời đại diện các nước tham quan tàu ngầm trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập hải quân (THX)

Chiến lược mới khác hẳn với kiểu truyền thống - vốn là học thuyết quy mô hẹp để bảo vệ vùng biển Trung Quốc. Giờ đây, các đô đốc Trung Quốc nói họ muốn tàu chiến luôn hộ tống các tàu thương mại là điều quyết định với kinh tế đất nước, từ nơi xa xôi như vịnh Ba Tư tới eo biển Malacca ở Đông Nam Á, nhằm đảm bảo lợi ích của Trung Quốc ở các vùng biển giàu tàu nguyên phía đông và phía nam.

Hồi cuối tháng 3, hai tàu chiến Trung Quốc đã tới Abu Dhabi. Đây là lần đầu tiên, hải quân Trung Quốc thời hiện đại viếng thăm một cảng ở Trung Đông.

Kế hoạch chung trong phát triển quân đội phản ánh sự tự tôn ngày một lớn của Trung Quốc, đồng thời cũng nhấn mạnh nước này sẵn sàng khẳng định lợi ích của mình ở nước ngoài.

Tham vọng hải quân mà Trung Quốc theo đuổi vì thế cũng không là ngoại lệ. Thậm chí trong tháng 3, một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ, các quan chức Trung Quốc đã nói với những người đồng cấp Mỹ rằng, Trung Quốc không chấp nhận sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề về lãnh thổ của họ ở Biển Đông.

Mở rộng sức mạnh hải quân sẽ không khiến Trung Quốc trở thành đối thủ lớn của hải quân Mỹ trong tương lai gần. Cũng có ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có ý ngắm tới Mỹ hay các quốc gia khác.

Tuy nhiên, Trung Quốc, giờ đây là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, người khổng lồ trong việc mua dầu khí và các nguồn tài nguyên tự nhiên khác, sẽ khó "bằng lòng" giao sứ mệnh an ninh các tuyến đường biển vào tay người Mỹ, và việc xác định những lợi ích chính của họ ở nước ngoài cũng được mở rộng theo tốc độ phát triển kinh tế.

Cuối tháng 3, đô đốc Robert F. Willard, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nói trong một buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ rằng, quân đội Trung Quốc gần đây phát triển rất nhanh chóng, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa có thể dùng để chống lại tàu sân bay. Sau nhiều năm phủ nhận, quan chức Trung Quốc đã xác nhận họ có ý định triển khai một đội tàu sân bay trong ít năm nữa.

Trung Quốc cũng đang phát triển một hạm đội tàu ngầm tiên tiến có thể ngăn chặn các tàu hải quân nước ngoài nếu tiến vào những vùng biển chiến lược của họ trong bối cảnh xung đột xảy ra trong khu vực, đô đốc Willard và các nhà phân tích quân sự nhấn mạnh.

“Đặc biệt quan ngại là những yếu tố hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc dường như có ý thách thức hành động tự do của chúng ta trong khu vực", vị đô đốc khẳng định.

Vịnh Yalong thuộc đảo Hải Nam, Trung Quốc là bãi biển nghỉ mát nổi tiếng lại cận kề ngay một căn cứ tàu ngầm mới. Căn cứ này cho phép các tàu ngầm triển khai ở vùng nước sâu trong vòng 20 phút và thẳng tiến ra Biển Đông - nơi có những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới cũng như những khu vực giàu dầu mỏ và khí tự nhiên vẫn luôn là khu vực tranh cãi chủ quyền giữa Trung Quốc vời các quốc gia châu Á khác.

Thực tế trên không chỉ khiến các sĩ quan chỉ huy Mỹ lo ngại, mà những quan chức nhiều nước Đông Nam Á cũng có suy nghĩ tương tự. Các quốc gia này đã hướng tới việc mua thêm tàu ngầm, tên lửa và những loại vũ khí khác.

“Quan chức khu vực bất ngờ", Huang Jing, một học giả về quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore nói. “Chúng ta ở trong tình thế mơ hồ. Ta nghĩ quân đội Trung Quốc đi sau chúng ta 20 năm và đột nhiên chúng ta hiểu rằng, họ đang bắt kịp".

Trung Quốc còn gia tăng áp lực với Mỹ về những khẳng định lợi ích của họ trong khu vực. Một quan chức Mỹ liên quan tới chính sách Trung Quốc tiết lộ, trong tháng 3, quan chức Trung Quốc nói với hai quan chức cấp cao của chính quyền Obama là Jeffrey A.Bader và James B.Steinberg rằng, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào ở Biển Đông - nay là một phần "lợi ích cốt lõi" của họ.

Một nhân tố khác trong chiến lược mới của Hải quân Trung Quốc là mở rộng hoạt động ra ngoài Biển Đông đúng như những gì họ gọi là "chuỗi đảo thứ hai" ở Thái Bình Dương. Khu vực này trước nay do Hải quân Mỹ chiếm ưu thế.

Nhật Bản cũng lo lắng. Vào giữa tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa cho biết, họ đã phát hiện ra 2 tàu ngầm và 8 tàu khu trục Trung Quốc ở khu vực giữa hai đảo của Nhật nối ra Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên, một đội tàu lớn của Trung Quốc bị phát hiện ở gần Nhật Bản đến vậy. Khi hai tàu khu trục Nhật bắt đầu đi theo các tàu Trung Quốc, lập tức có một trực thăng Trung Quốc bay trên tàu khu trục - Bộ Quốc phòng Nhật nhấn mạnh.

Kể từ tháng 12/2008, Trung Quốc đã duy trì ba tàu ở vịnh Aden để góp phần vào sứ mệnh tuần tra quốc tế chống cướp biển. Đây là việc triển khai hải quân lần đầu tiên ngoài Thái Bình Dương của nước này. Theo giới phân tích, sứ mệnh ấy cho phép Trung Quốc cải thiện khả năng hoạt động tầm xa của hải quân.

Một báo cáo năm 2009 của Lầu Năm Góc ước tính, lực lượng hải quân Trung Quốc hiện có 260 tàu, bao gồm 75 tàu “tham chiến chính" - các tàu chiến lớn - và hơn 60 tàu ngầm. Báo cáo nhấn mạnh việc theo đuổi kế hoạch xây dựng tàu sân bay và đánh giá Trung Quốc "tiếp tục thể hiện hứng thú" khi mua máy bay chiến đấu từ Nga được chở trên tàu sân bay. Hải quân Mỹ có 286 tàu chiến và 3.700 máy bay hải quân.

Lầu Năm Góc không "phân loại" Trung Quốc như một lực lượng đối trọng. Nhưng để thực hiện một phần trong phản ứng chung với sự gia tăng sức mạnh hải quân của Trung Quốc, Mỹ gần đây đã chuyển nhiều tàu ngầm từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương. Và hầu hết tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ giờ đây có mặt ở Thái Bình Dương, Bernard D.Cole - cựu quan chức hải quân Mỹ, giáo sư trường Chiến tranh Quốc gia tại Washington nói.

Mỹ cũng bắt đầu triển khai luân phiên 3 - 4 tàu ngầm ở Guam - khôi phục thực tế từng chấm dứt cùng thời Chiến tranh Lạnh, ông Cole cho biết.

Các tàu Mỹ giờ đây thường xuyên quan sát kỹ căn cứ tàu ngầm Trung Quốc ở đảo Hải Nam và đôi khi hoạt động này đã dẫn tới những đụng độ với tàu Trung Quốc. Ví dụ như vụ tàu hải quân Mỹ Impeccable bị "quấy nhiễu" - ngôn từ của quan chức Lầu Năm Góc - bởi các tàu đánh cá Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, họ có quyền ngăn chặn hoạt động giám sát ở vùng biển này vì đó là "khu đặc quyền kinh tế" của Trung Quốc.

Lãnh đạo quân sự Trung Quốc vẫn khẳng định, hải quân nước này là lực lượng phòng vệ. Tuy nhiên, khái niệm phòng vệ giờ đây đã được mở rộng bao gồm cả các hoạt động hàng hải và lợi ích kinh tế.

“Với chiến lược hải quân đang thay đổi hiện tại, chúng tôi đi từ phòng thủ bờ biển tới phòng thủ biển xa", Trương Hoa Trần, Thiếu tướng Hải quân trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Tân hoa xã.

“Do những lợi ích kinh tế của đất nước mở rộng, hải quân muốn bảo vệ tốt hơn các tuyến đường vận chuyển của đất nước cũng như đảm bảo an toàn cho những tuyến hàng hải chính", ông nhấn mạnh. "Để đạt được mục tiêu này, Hải quân Trung Quốc cần phát triển những đội tàu lớn hơn, khả năng toàn diện hơn".

Hải quân chiếm hơn 1/3 tổng ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Điều này "phản ánh ưu tiên của Bắc Kinh với hải quân khi coi đó là lực lượng bảo vệ quốc gia", ông Cole cho biết.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc công bố chính thức cho năm 2010 là 78 tỉ USD. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc khẳng định Bắc Kinh chi nhiều hơn thế. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính, quân đội Trung Quốc chi tiêu từ 105-150 tỉ USD.

Sự phát triển của hải quân Trung Quốc đặc biệt ấn tượng với đội tàu ngầm, học giả Huang của Singapore đánh giá. Gần đây, họ đã xây dựng ít nhất hai tàu ngầm lớp Kim, trang bị tên lửa đạn đạo. Hai tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Thương gần đây đã đi vào hoạt động.

Mùa thu năm trước, trong bài phát biểu tại Washington, Lý Quang Diệu - cựu lãnh đạo Singapore đã phản ánh mối quan ngại của mình khi nhấn mạnh về sự gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Ông thúc giục Mỹ duy trì sự hiện diện trong khu vực. “Lợi ích chính của Mỹ đòi hỏi sự duy trì vị trí siêu cường của họ ở Thái Bình Dương", ông nói. “Nếu vị trí này bị từ bỏ, vai trò của Mỹ sẽ giảm trên khắp toàn cầu". 

Nguồn: Thái An (Theo NYT) // VNN, 27.4.2010.

Print Print E-mail Print