Vietnamdefence.com

 

Vũ khí diễu binh của Trung Quốc: Đồ nhái nhiều hơn đồ thật

VietnamDefence - Cuộc diễu binh hoành tráng trên quảng trường Thiên An Môn nhân kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc có lẽ là sự kiện quốc tế nổi bật nhất mùa thu này.

Trung Quốc (TQ) đã phô trương sức mạnh đang gia tăng của mình với quy mô đồ sộ đặc trưng và một lần nữa buộc người ta phải nghĩ xem sức mạnh đó sẽ được sử dụng như thế nào.

Trong cuộc diễu binh, như đã được chính thức thông báo, đã trình diễn 52 mẫu vũ khí trang bị mới. Hơn nữa, toàn bộ các chủng loại vũ khí đã được phô diễn: các tên lửa đường đạn (từ chiến thuật cho đến xuyên lục địa), tên lửa hành trình triển khai trên mặt đất, tên lửa chống hạm triển khai trên tàu và trên bờ, các hệ thống tên lửa phòng không (TLPK) tất cả các tầm bắn, các loại tăng-thiết giáp, kể cả xe chiến đấu đổ bộ đường không (trước đó, đây là sản phẩm độc quyền của Nga), pháo phản lực và pháo có nòng, một số loại máy bay không người lái, các máy bay chiến đấu và trực thăng.

Vũ khí diễu binh nhân 60 năm quốc khánh Trung Quốc:
Đồ nhái nhiều hơn đồ thật (Reuters)

Điều đáng lưu ý khi các khối lính các quân-binh chủng đi qua quảng trưởng là phần lớn binh lính được trang bị loại súng trường tự động mới chế tạo theo sơ đồ Bullpup (cái tẩu) dựa trên súng AK và các súng trường phương Tây (FA MAS, L85) chứ không phải súng AK do TQ chế tạo sao chép.

Ngoài xe chiến đấu đổ bộ đường không ZBD-03 mang đậm dấu ấn thân quen của xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD của Nga, song không phải là sao chép trực tiếp, không thể bỏ qua cả đống vũ khí “nhái” hệ thống TLPK S-300 và hệ thống rocket phóng loạt Smerch (Nga chưa từng bán Smerch cho TQ).

Quả thực, chúng ta phải tin rằng, trước mắt chúng ta không phải là bản sao của Smerch không hiểu sao lọt vào tay TQ mà là hệ thống rocket phóng loạt PHL-03 nguyên bản của TQ. Và cũng không phải là S-300 (mà Nga không bán giấy phép sản xuất cho TQ), mà là HQ-9 không kém phần nguyên bản TQ.

Bên cạnh đó, hệ thống TLPK tầm ngắn Crotale của Pháp cũng bị người TQ không ngần ngại làm nhái và gọi là HQ-7. Nó cũng tham gia diễu binh trên quảng trường.

Thu hút nhiều sự chú ý là tên lửa hành trình triển khai trên mặt đất DH-10 (mỗi bệ phóng cơ động lắp 3 tên lửa). Rõ ràng, cấu trúc của nó có rất nhiều nét lớn bắt chước (không loại trừ là sao chép hoàn toàn) tên lửa Kh-55 của Nga mà TQ mua được từ Ukraine vào đầu thập niên 1990. Bởi lẽ, theo hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung, Mỹ và Nga không được phép sở hữu tên lửa hành trình mặt đất, TQ trở thành nước độc quyền sở hữu chủng loại vũ khí này.

Trên các bệ phóng giống hệt với bệ phóng DH-10 và cũng lắp 3 tên lửa/bệ phóng là các tên lửa chống hạm YJ-62 vốn được coi là hoàn toàn tương tự tên lửa Tomahawk của Mỹ. Mặc dù, đây hoàn toàn có khả năng là một biến thể cải tiến từ Kh-55.

Dĩ nhiên là không thể không thấy những máy bay không người lái được chở trên những chiếc xe ô tô qua quảng trường Thiên An Môn. Đây tạm thời chỉ là những máy bay không người lái cỡ nhỏ, nhưng quan trọng là việc TQ có loại trang bị này.

Quân đội TQ cũng đã có cả hệ thống pháo-TLPK Туре 95 (PGZ-04) và như vậy sự độc quyền của Tunguska (Nga) đã không còn nữa. Туре 95 là một kết hợp các công nghệ. Phần pháo (4 nòng 25 mm), người TQ sao chép pháo phòng không tự hành SIDAM-25 của Italia. Còn phía trên pháo là 4 tên lửa phòng không mang vác QW-2 sao chép (dĩ nhiên là không có giấy phép) tên lửa phòng không mang vác Igla-1 của Nga.

Trong lĩnh vực chế tạo xe tăng, TQ rõ ràng lặp lại kinh nghiệm của Nga. Trước tiên, trong hàng thập kỷ, họ chế tạo vô số biến thể dựa trên Т-54 của Liên Xô. Sau đó, họ kiếm được tăng T-72 ở đâu đó (hoặc ở Rumani hoặc ở Cận Đông) và nay đang chế tạo mẫu xe cải tiến của nó. Quân đội Nga có vô số biến thể của cùng một loại tăng (Т-64, Т-72, Т-80, Т-90 va các biến thể của chúng), điều đó cũng đang diễn ra ở TQ. Tham gia diễu binh trên quảng trưởng là những loại xe hoàn thiện nhất của chúng là Туре 96 và Туре 99 (Туре 98G).

Bắt chước tháp xe chiến đấu bộ binh của BMP-3 (Nga), TQ đã làm ra xe chiến đấu bộ binh ZBD-05 (khung gầm của TQ), hơn nữa các xe này đã được trang bị không chỉ cho lục quân mà cả lính thủy đánh bộ.

Chạy qua quảng trường có cả các pháo tự hành Туре 88 (PLZ-05) giống đến đau đớn pháo tự hành Msta mà Nga cũng chưa hề bán cho TQ. Song cũng có những thiết kế khá độc đáo như pháo tự hành bánh lốp PLL-05 và PTL-02. Với PLL-05, có thể thấy sỷ liên quan với hệ Nona-SVK của Nga.

Tham gia diễu binh trên không có thể thấy máy bay báo động sớm KJ-2000, máy bay ném bom JH-7, máy bay tiêm kích J-11 (sao chép Su-27) và J-10 (kết hợp các công nghệ Nga và Israel), trực thăng chiến đấu WZ-9 sao chép trực thăng Dauphin của Pháp…

Lực lượng pháo binh 2 (tên lửa chiến lược) cũng được phô trương xứng đáng: khởi đầu từ các tên lửa chiến thuật DF-11 và DF-15, kết thúc với tên lửa xuyên lục địa DF-31. DF-31 có thể đã được trang bị phần chiến đấu mang nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV), nhưng không thể đoan chắc khi chỉ nhìn contenơ chứa tên lửa.

Nhìn chung, TQ đã tổ chức thành công buổi lễ, nhưng nhìn qua các cuộc diễu binh để xét đoán quân đội là không thể. Bởi vậy, thú vị hơn là phương diện không được khoe ra của quân đội TQ.

Cần lưu ý đến (nhất là sau cuộc diễu binh) đến một số khía cạnh chính sách kỹ thuật quân sự của TQ. Thông thường thì người ta không mua vũ khí trang bị của những nước mà trong tương lai không xa có thể trở thành đối phương tiềm tàng. Do đó, cuộc chiến giữa TQ và Nga, thoại nhìn là khó có khả năng xảy ra. Mặt khác, có thể lưu ý đến việc TQ chỉ mua của Nga những vũ khí dùng cho chiến tranh chống Đài Loan và Mỹ (Bắc Kinh hiện đang nghiêm túc vạch kế hoạch đánh chiếm hòn đảo này). Rõ ràng, chiến tranh trên biển giữa TQ và Nga hầu như là không thể vì không cần thiết đối với cả hai bên. Chiến tranh sẽ mang tính chất trên bộ.

Nhân đây, không thể không nhận thấy rằng, TQ đã không mua vũ khí trang bị gì của Nga cho lục quân của họ (mặc dù các mẫu tăng-thiết giáp và pháo binh của họ TQ có rất nhiều nét sao chép từ các mẫu của Nga), bởi vì, chính các loại vũ khí đó, một khi xảy ra chiến tranh, sẽ được dùng chống lại nước Nga.

Hơn nữa, kể cả trong lĩnh vực không quân (tất yếu sẽ được sử dụng ráo riết trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên bộ), TQ hầu như đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Họ đã mua một số lượng nhỏ máy bay tiêm kích Su-27 (chỉ có 76 chiếc, trong đó có 40 chiếc máy bay huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi). Tương quan máy bay chiến đấu và huấn luyện chiến đấu như thế hoàn toàn chưa từng có trong lịch sử buôn bán vũ khí hiện đại. Số lượng máy bay chiến đấu luôn nhiều hơn 3-5 lần số máy bay huấn luyện chiến đấu. Rõ ràng là TQ mua Su-27 của Nga trước hết để huấn luyện phi công, sau đó, TQ từ chối sản xuất theo giấy phép Su-27 bằng linh kiện Nga sau khi chế tạo được chỉ 105 chiếc trong số 200 chiếc dự kiến. Hơn nữa, TQ đã sao chép Su-27 và bắt đầu sản xuất trái phép máy bay này với tên gọi J-11В với động cơ, vũ khí và thiết bị avionics của TQ.

Như vậy, sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực này đã hoàn toàn bị loại bỏ. Nga rất tức giận với việc sao chép này bởi vì nay TQ sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của Nga trên thị trường thế giới.

Ban lãnh đạo Nga chắc đã quên rằng, vũ khí được sản xuất ra không chỉ để xuất khẩu mà còn để trang bị cho quân đội của mình. Và TQ hiện thời chưa nói gì đến kế hoạch xuất khẩu J-11В, dường như họ chế tạo máy bay này chỉ để cho mình. Còn xuất khẩu sẽ là loại đơn giản JF-17 hơn nhiều, vốn là “sản phẩm phái sinh thứ ba” từ MiG-21. Bởi vậy, Moskva lo lắng không hoàn toàn về điều đó…

Có thể thấy rằng, gần đây, hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung đang thu hẹp. Một phần là do ngành công nghiệp quốc phòng Nga không thể mời chào TQ những vũ khí trang bị mà họ cần. Hoặc là do Bắc Kinh đang xem xét khả năng khai chiến chống Liên bang Nga trong tương lai gần.

Cần lưu ý rằng, trong tương lai gần, TQ đang chuyển hướng sang sản xuất vũ khí tại các cơ sở của mình, cũng như hợp tác với phương Tây (trước hết là các nước EU) trong lĩnh vực này. Để minh họa có thể nêu thực tế là trực thăng tiến công chuyên dụng đầu tiên của TQ WZ-10 được phát triển chung với các hãng Еurocopter và Augusta-Westland của châu Âu. Khả năng mua trực thăng chiến đấu Nga thậm chí Bắc Kinh không xem xét, mặc dù các trực thăng tiến công Ка-50 và Ка-52 đang được sản xuất tại nhà máy ở Ussuryisk, tức là sát với biên giới Nga-TQ, mà chúng có tính năng cao hơn nhiều WZ-10.

Nguồn: Aleksandr Khramchikhin / Chaskor, 5.10.2009.

Print Print E-mail Print