Vietnamdefence.com

 

Hổ Tàu mang nanh vuốt Nga

VietnamDefence - Việc Trung Quốc sao chép công nghệ quân sự nước ngoài, trước hết là của Nga là hiện tượng có từ lâu và đã được nghiên cứu kỹ, tạo ra nhiều chuyện hoang đường liên quan đến quân đội, ngành công nghiệp và thậm chí tâm lý dân tộc Trung Quốc.

Bởi lẽ, nhiều mẫu vũ khí trang bị quân sự được biết đến nhiều nhất của Trung Quốc (TQ) cho thấy rõ ràng ảnh hưởng của Nga, thì nhiều chuyện hoang đường đụng chạm đến cả chính Liên bang Nga, nước được coi là đang bán rẻ như cho những công nghệ độc đáo và không đấu tranh chống gián điệp công nghiệp TQ. Thực tế thì phức tạp hơn nhiều.

Công nghiệp quốc phòng (CNQP) TQ

Những bước đi đầu tiên nhằm xây dựng nền CNQP hiện đại đã được TQ thực hiện trong khuôn khổ chính sách tự cường vào thế kỷ XIX, và sau này không hề ngừng lại. Ví dụ, trong điều kiện bất ổn kinh niên những năm 1930-1940, TQ đã có những nỗ lực kiên trì, nhưng vô vọng nhằm xây dựng công nghiệp hàng không quốc gia khi cố gắng tổ chức sản xuất các máy bay tiêm kích tương tự như I-15 và I-16 của Liên Xô. CNQP hiện đại của TQ ra đời trong những năm 1950 chính là nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 sao chép S-300 của Nga

Với sự tham gia của Liên Xô, một tổ hợp CNQP hiện đại theo chuẩn mực thời đó, có khả năng thực tế bảo đảm cho các LLVT TQ mọi thứ cần thiết. Các xí nghiệp được xây dựng hồi đó, ví dụ như các tổ hợp hàng không ở Thẩm Dương, Harbinh, Tây An và Thành Đô, nhà máy xe tăng ở Baotou (Nội Mông, còn gọi là nhà máy 617), cũng như tổ hợp xí nghiệp sản xuất súng/pháo ở Đông Bắc TQ đến nay vẫn là nền tảng của CNQP TQ.

Giai đoạn này thì khó nói về chuyện trộm cắp công nghệ Liên Xô vì Liên Xô tự giác chuyển giao cho TQ với tư cách một đồng minh chủ chốt các giấy phép sản xuất tất cả các loại vũ khí trang bị - từ máy bay và xe tăng đến xe tải, khí tài thông tin và kỹ thuật công binh. Thậm chí vũ khí chiến lược cũng không hoàn toàn bị loại trừ: trước khi đổ vỡ quan hệ Xô-TQ, TQ đã kịp nhận được một phần tài liệu kỹ thuật và thiết bị cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Liên Xô đã hỗ trợ cho cả việc phát triển ngành tên lửa TQ bằng cách cung cấp cho TQ các mẫu tên lửa R-1 và R-2 (trên cơ sở R-2, TQ đã chế tạo tên lửa đường đạn tầm trung đầu tiên DF-2 của mình).

Dưới đây là một số mẫu vũ khí trang bị TQ được biết đến nhiều nhất được sản xuất dựa trên công nghệ Liên Xô chuyển giao thời đó (tuy là có một số thay đổi):

Ký hiệu của TQ / Ký hiệu của Liên Xô

Súng ngắn: Type 54 / TT

Súng trường tiến công: Type 56 / AK

Súng carbine: Type 56 / SKS

Lựu pháo 122 mm: Type 54 / M-30

Pháo nòng dài 130 mm: Type 59-I / M-46

Hệ thống tên lửa phòng không: Hồng Kỳ-1, -2 / S-75

Pháo phòng không: Type 59 / S-60

Xe tăng:

Type 59 / T-54A

Type 63 / PT-76

Máy bay tiêm kích: 

J-5 / MiG-17

J-6 / MiG-19

J-7 / MiG-21

Máy bay ném bom: 

H-5 / Il-28

H-6 / Tu-16

Tàu ngầm: Đồ án 033 / Projekt 633

Tàu tên lửa: Huanfen / Osa

Tên lửa chống hạm: HY-2 / P-15

Trực thăng: Z-5 / Mi-4

Máy bay vận tải: Y-5 / An-2

Dĩ nhiên là không thể liệt kê tất cả những gì đã chuyển giao cho TQ vì đó là hàng trăm sản phẩm khác nhau. Nhưng chỉ từ bảng liệt kê nêu trên cũng thấy rõ rằng, hợp tác Xô-Trung đã bao trùm mọi lĩnh vực và cho phép đưa công nghiệp TQ lên trình độ mà thời đó đòi hỏi.

Hãy so sánh S-300 của Nga và HQ-9 của TQ


Tất cả những vũ khí trang bị mà TQ triển khai sản xuất được với sự giúp đỡ của Liên Xô đều ở trình độ thế giới, nhiều loại thậm chí có thể coi là tốt nhất và vượt trội các mẫu tương tự của phương Tây. Chỉ có thể phỏng đoán là CNQP TQ lẽ ra có thể đạt đến những đỉnh cao như thế nào sau sự xuất phát như thế nếu như có các sự kiện tiếp đó: lạnh nhạt trong quan hệ với Liên Xô, triệu hồi các chuyên gia Liên Xô từ TQ năm 1960, sau đó là cách mạng văn hóa. Điều đó đã làm chậm trễ việc làm chủ sản xuất nhiều loại vũ khí trang bị vừa mới bắt đầu được chuyển giao cho các xí nghiệp TQ.

Chẳng hạn, vì thế mà phải đến tận những năm 1970, TQ mới có thể làm chủ hoàn toàn việc sản xuất loạt máy bay J-7 và H-6. Thời cách mạng văn hóa, đa số các chương trình quân sự không liên quan đến chế tạo vũ khí chiến lược đều bị ảnh hưởng bởi sự cắt giảm tài trợ của nhà nước, các chiến dịch chính trị (trong đó có phong trào gửi trí thức về nông thôn cải tạo), sự hỗn loạn rộng khắp của khoa học và hệ thống giáo dục TQ thời kỳ này. Sự cô lập quốc tế, trước hết là không còn quan hệ với Liên Xô vốn đã trở thành đối thủ quân sự chính của TQ, cũng có tác động không nhỏ

Tuy nhiên, việc sao chép vũ khí Liên Xô vẫn tiếp tục. Tại sao lại là vũ khí Liên Xô? Quân đội thì cần tái trang bị, trong khi TQ có nền tảng cơ sở sản xuất được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của Xô, nhiều kỹ sư TQ học tập ở Liên Xô và biết tiếng Nga, còn các nước phương Tây, kể cả sau khi bình thường hóa quan hệ Mỹ-TQ vào đầu thập niên 1970, trong một thời gian dài vẫn không muốn cung cấp công nghệ cho TQ.

Không có các giấy phép Liên Xô trong những năm 1970-1980, bằng cách mua các mẫu vũ khí Liên Xô ở các nước thứ ba và sao chép chúng, TQ đã chế tạo được mẫu lựu pháo 122 mm nổi tiếng của Liên Xô D-30 (Type 85), xe chiến đấu bộ binh BMP-1 (Type 86), hệ thống tên lửa chống tăng Malyutka (HJ-73), máy bay vận tải quân sự An-12 (Y-8), hệ thống tên lửa phòng không vác vai Strela-2 (HN-5) và một số hệ vũ khí khác. Họ cũng đã chế tạo được một số mẫu vũ khí trang bị độc đáo như xe bọc thép chở quân К-63. TQ cũng cải tiến sâu các mẫu của Liên Xô, ví dụ trên cơ sở MiG-19 đã chế tạo máy bay cường kích Q-5, sử dụng sơ đồ thiết kế MiG-21 - chế tạo máy bay tiêm kích J-8. Tuy nhiên, sự tụt hậu kỹ thuật quân sự (KTQS) của TQ so với các nước phát triển vẫn ngày càng tăng.

Không chỉ nước Nga

Từ đầu thập niên 1980, TQ ráo riết thúc đẩy hợp tác KTQS với các nước phương Tây. Đối tác chủ yếu là Pháp mà nhờ nước này, năm 1980, TQ đã triển khai sản xuất loại trực thăng Dauphin AS365N ở Harbin.

Câu chuyện của loại trực thăng này cũng giống câu chuyện của máy bay tiêm kích Su-27 được sản xuất ở TQ theo giấy phép của Nga một thập niên sau đó. Trong mấy năm, TQ dần dần tăng tỷ trọng chi tiết nội địa, đến năm 1992 đã sản xuất được trực thăng Z-9B (biến thể hoàn toàn TQ) và từ chối hợp tác tiếp với Pháp. Z-9B và các biến thể của nó đến nay vẫn là các trực thăng phổ dụng nhất ở TQ.

Họ cũng ráo riết mua công nghệ ở châu Âu để triển khai sản xuất ở TQ các linh kiện, tổng thành chủ chốt cần để hiện đại hóa trang bị của TQ, chủ yếu là động cơ và thiết bị điện tử. Loại pháo L7 105 mm của Anh mà TQ sao chép thành công trong một thời gian dài đã là vũ khí chính của các xe tăng TQ.

Nhiều mẫu vũ khí phương Tây, rõ ràng là được sao chép không có giấy phép, hoàn toàn dựa trên việc nghiên cứu các mẫu đơn lẻ mua được ở nước ngoài. Trong số đó có thể kể đến hệ thống tên lửa phòng không Crotale của Pháp (TQ gọi là Hồng Kỳ-7), hệ thống tên lửa phòng không Alenia Aspide của Italia (Hồng Kỳ-64), pháo phòng không 35 mm Oerlikon GDF của Thụy Sĩ (Type 90), pháo tàu 100 mm Creusot-Loire của Pháp (Type 210) và trực thăng Super Frelon của Pháp (Z-9).

Năm 1989, sau sự kiện Thiên An Môn, Mỹ và EU đã áp đặt lệnh cấm hợp tác KTQS với TQ. Trong khi Mỹ tuân thủ lệnh cấm thì chế độ cấm vận của EU còn nhiều lỗ hổng. Vấn đề là ở chỗ theo quyết định cấm vận do Hội đồng EU phê chuẩn thì danh sách chính xác các sản phẩm và công nghệ cấm cung cấp cho TQ lại do các chính phủ thành viên quy định, mà họ thì muốn thu hẹp tối đa danh sách này.

Thông thường, danh sách sản phẩm quân dụng của các quốc gia châu Âu cấm cung cấp cho TQ bao gồm các hệ thống vũ khí hoàn chỉnh (ví dụ máy bay chiến đấu), cũng như bộ phận “sát thương” của chúng (ví dụ pháo, tên lửa), nhưng lại không hề nói gì đến động cơ và thiết bị điện tử. Hơn nữa, đây thường là những thành phần đắt tiền và phức tạp nhất trong mọi hệ thống vũ khí.

Lệnh cấm vận cung cấp vũ khí cho TQ suýt nữa thì bị EU hủy bỏ năm 2004-2005 với sự ủng hộ tích cực của Pháp. Chỉ nhờ hoạt động ngoại giao ráo tiết của Mỹ mới ngăn chặn không cho việc này xảy ra trước khi một thế hệ mới các chính trị gia thân Mỹ lên nắm quyền ở các nước châu Âu lớn. Angela Merkel, sau khi trở thành thủ tướng Đức cuối năm 2005, đã phong tỏa các nỗ lực nhằm gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu và việc trở lại vấn đề này trong tương lai gần là rất khó xảy ra.

Trong những năm 1980 - đầu những năm 2000, đối tác lớn của TQ trong lĩnh vực KTQS là Israel. Theo số liệu của Mỹ nước này đã chuyển giao cho TQ các công nghệ sản xuất đạn xuyên giáp dưới cỡ vời lõi bằng Uran nghèo và các giấy phép sản xuất tên lửa không-đối-không Python-3, tên lửa chống tăng hạng nặng MAPATS (HJ-9), hàng loạt các hệ thống liên lạc, trinh sát và tác chiến điện tử, cũng như tài liệu của loại máy bay tiêm kích Lavi không được sản xuất loạt của Israel. Chính các kết quả nghiên cứu của Israel trong chương trình Lavi đã được sử dụng để chế tạo máy bay tiêm kích J-10 của TQ.

Đây chỉ là một số ví dụ của việc hợp tác TQ-Israel có quy mô hơn cả. Ở thời điểm nhất định, Mỹ đã cáo buộc Israel chuyển giao cho TQ tài liệu về hệ thống tên lửa phòng không Patriot mà Mỹ cung cấp cho Israel. Khoảng năm 2003, lo lắng trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của TQ, Mỹ đã gây áp lực chính trị mạnh mẽ với Israel để cấm Israel tiếp tục hợp tác KTQS với TQ. Israel thậm chỉ đã phải chấp nhận nhiều thiệt hại tài chính khi hủy hàng loạt hợp đồng đã ký (ví dụ hợp đồng cung cấp máy bay báo động sớm PHALCON và hiện đại hóa máy bay không người lái Harpy).

Sự trở lại của người Nga

Không lâu sau khi Liên Xô sụp đổ, vào năm 1992, TQ ký với Nga hợp đồng đầu tiên mua máy bay chiến đấu Su-27. Vào thời điểm đó, TQ chẳng thể thực hiện được ở đâu các hợp đồng lớn mua vũ khí hiện đại, còn tổ hợp CNQP của bản thân TQ lại không đủ sức không chỉ loại bỏ, mà thậm chí thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.

Điều quan trọng là cao trào sản xuất quốc phòng của TQ về mặt số lượng đã diễn ra vào nửa đầu những năm 1970, với chính sách cải cách năm 1978, khối lượng đơn đặt hàng quốc phòng của nhà nước giảm mạnh, ngay cả việc TQ bán ráo riết vũ khí cho cả 2 bên tham chiến trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988 cũng không thể bù đắp sự suy giảm này. CNQP TQ thời những năm 1980-1990 cũng bộc lộ nhiều vấn đề giống như CNQP Nga: thiếu tiền, lương thấp, đội ngũ cán bộ bị già hóa và chảy máu, nền tảng vật chất kỹ thuật lạc hậu.

Các xí nghiệp sống sót là nhờ các đơn đặt hàng dân sự, các công việc phục vụ quốc phòng bị kèo dài nhiều năm và nhiều thập kỳ, và không mang lại kết quả. Ví dụ, việc phát triển máy bay ném bom chiến thuật JH-7 bắt đầu ở Tây An từ cuối thập kỷ 1970, kéo dài hơn 20 năm. Mẫu JH-7A đáp ứng ít nhiều yêu cầu phải đến năm 2004 mới đưa được vào sản xuất loạt.

Nga cũng chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc củng cố quan hệ hợp tác với TQ. Quân đội Nga đã ngừng mua vũ khí với số lượng kha khá từ năm 1993, còn các khách hàng nước ngoài lớn có khả năng cứu sống CNQP Nga thì chỉ vẻn vẹn có 2 là Ấn Độ và TQ. Trong thời gian dài, 2 nước này đã chiếm tới 80% lượng vũ khí Nga xuất khẩu. Phải đến giữa thập kỷ đầu những năm 2000, các nhà xuất khẩu vũ khí Nga mới thoát khỏi sự lệ thuộc vào Ấn Độ và TQ, khi mà lượng vũ khí bán sang các nước Arập và Mỹ Latinh (chủ yếu là Venezuela) tăng lên.

Cho đến lúc đó, Ấn Độ và TQ hoàn toàn có thể đặt điều kiện cho Nga, và nếu như Ấn Độ đã không thể tận dụng được hết thời cơ thì TQ đã thu lợi được tối đa từ tình hình đó. TQ đã hết sức cố gắng để giảm tối đa việc mua vũ khí thành phẩm và tích cực mua giấy phép. Vụ TQ mua giấy phép sản xuất Su-27 vào năm 1996 là nổi tiếng nhất, song không phải là trường hợp duy nhất. TQ đã triển khai sản xuất khoang chiến đấu cải tiến của xe chiến đấu bộ binh BMP-3, đạn pháo có điều khiển Krasnopol, súng phun lửa xách tay của bộ binh Shmel, pháo 120 mm tương tự Nona-SVK của Nga, tên lửa có điều khiển phóng từ nòng pháo tăng 125 mm và nhiều hệ thống khác.

Trong nhiều trường hợp, các kỹ sư Nga đã giúp TQ chế tạo các loại vũ khí mới. Chẳng hạn, kết quả của sự hợp tác đó là máy bay tiêm kích FC-1 rất giống 1 đề án máy bay không được thực hiện thập kỷ 1980 của Viện thiết kế OKB A.I. Mikoyan (Nga).

Cần phải hiểu rằng, trong điều kiện sự rối loạn hoàn toàn của nhà nước và hỗn loạn kinh tế Nga những năm 1990 thì không còn cách nào khác để cứu vãn các xí nghiệp CNQP Nga ngoại trừ hợp tác với TQ. Bởi vậy, quyết định của ban lãnh đạo Nga mở rộng hợp tác KTQS với TQ là duy nhất có thể.

Khi ký kết các thỏa thuận liên kết sản xuất với TQ, các đại diện Nga đã cố đưa vào đó các điều kiện nhằm duy trì sự phụ thuộc kỹ thuật của TQ với Liên bang Nga. Ví dụ, đối với nhiều mẫu vũ khí được sản xuất theo giấy phép tại TQ, những bộ phận phức tạp nhất và công nghệ cao đều được cung cấp từ Nga dưới dạng thành phẩm.

Hiển nhiên là các nỗ lực của TQ lúc này được tập trung vào việc sản xuất cho được các chi tiết then chốt này và xóa bỏ sự phụ thuộc vào Liên bang Nga. Ví dụ, trong Su-27 sản xuất theo giấy phép mà TQ đặt ký hiệu là J-11, TQ đã đưa được tỷ lệ nội địa hóa lên đến 70-75%, còn vào đầu những năm 2000, họ bắt đầu chương trình chế tạo máy bay J-11B “hoàn toàn của TQ”. Với các thành tựu đạt được, năm 2004, TQ đã từ chối gia hạn kế hoạch tiếp tục sản xuất theo giấy phép Su-27 ở TQ.

Bộ phận cuối cùng của máy bay mà TQ chưa hoàn toàn tự chủ được là động cơ AL-31F. Việc sao chép động cơ này còn quan trọng hơn đối với TQ bởi vì ngoài J-11, một biến thể động cơ này còn được sử dụng cho máy bay “hoàn toàn TQ” J-10. Tuy tập đoàn chế tạo máy bay AVIC I đã loan báo về sự sẵn sàng của động cơ WS-10A Thái Hằng - tương tự AL-31F, từ năm 2006, những tuyên bố sau đó của các đại diện công nghiệp hàng không TQ cho thấy, loại động cơ do TQ chế tạo có dự trữ làm việc thấp đến mức không thể chấp nhận và không thể so với loại động cơ tương tự của Nga về nhiều thông số.

Tháng 1.2009, một hợp đồng mới được ký kết để cung cấp hơn 100 động cơ AL-31FN (một biến thể của AL-31F) cho TQ, điều đó có nghĩa là hiện thời các nỗ lực của TQ còn chưa hoàn toàn thành công. Tuy nhiên, chắc chắn đây chỉ là vấn đề thời gian. TQ cũng có những cố gắng nhằm chế tạo một loại động cơ tương tự RD-93 (mua của Nga để lắp cho máy bay FC-1) và đã sản xuất được nhiều loại linh kiện công nghệ cao của máy bay chiến đấu Nga, chẳng hạn thiết bị định vị quang-điện tử.

Nhiều hệ thống vũ khí khác của TQ cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt của Nga, ví dụ như các tàu ngầm mới nhất lớp 039А/B (NATO đặt tên là lớp Nguyên [Yuan]), cũng như lựu pháo tự hành 155 mm PLZ05 (sử dụng khoang chiến đấu của pháo tự hành Msta-S của Nga).

Kết quả của nỗ lực phối hợp các công nghệ Nga và phương Tây là hệ thống TLPK HQ-9, loại sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của S-300 của Nga. Tuy nhiên, nó không thể là đối thủ vì thua kém các hệ tương tự của Nga nên năm 2007-2008, TQ đã buộc phải mua 8 tiểu đoàn S-300PMU2.

Với sự trợ giúp của Nga, CNQP TQ đã nâng cao đáng kể trình độ công nghệ của mình, giảm rất nhiều sự tụt hậu với các nước phát triển và điều đó đã dẫn tới việc TQ giảm mạnh sự quan tâm đến việc mua tiếp vũ khí của Nga. Nga không thể cản trở TQ tiếp tục lợi dụng công nghệ có được từ Nga phục vụ lợi ích của họ, kể cả để cạnh tranh với Nga trên thị trường vũ khí thế giới. KTQS không phải lĩnh vực thuận lợi nhất cho việc kiện tụng về quyền sở hữu trí tuệ tại các tòa án quốc tế.

Nga chỉ có thể duy trì chỗ đứng của mình trên thị trường vũ khí thế giới và trở lại TQ bằng cách đầu tư tích cực hơn vào các dự án phát triển vũ khí của mình. Ví dụ, việc triển khai sản xuất loạt máy bay tiêm kích Su-35 đang được thử nghiệm ở Nga sẽ cho phép khắc phục một phần khoảng cách so với TQ, khi mà họ đến nay vẫn tiếp tục loay hoay với biến thể Su-27 “nội địa hóa”.

TQ không phải là duy nhất

TQ bằng cách sao chép hàng loạt các mẫu vũ khí nước ngoài đang lặp lại kinh nghiệm của các nước khác để tìm cách khắc phục sự tụt hậu công nghệ so với thế giới thứ nhất. và như lịch sử cho thấy, đây là con đường đúng đắn duy nhất tạo ra những cơ hội lớn cho thành công.

Có thể dẫn ra ví dụ Liên Xô thời những năm 1920 và giữa những năm 1930 vốn được trang bị phần lớn là các loại vũ khí trang bị sao chép của phương Tây. Chẳng hạn, những mẫu xe tăng-thiết giáp có số lượng đông đảo nhất như tăng Т-26 và BT, xe tăng con Т-27 đều là sao chép các mẫu xe của Anh và Mỹ với sự cải tiến một vài bộ phận tùy thuộc yêu cầu của Hồng Quân. Với sự hỗ trợ của Đức, Liên Xô đã triển khai sản xuất pháo phòng không 76 mm mẫu năm 1931 và pháo chống tăng 37 mm mẫu năm 1930, dựa trên các loại pháo này đã phát triển loại pháo 45 mm nổi tiếng.

Các loại pháo cao xạ chủ yếu của Liên Xô thời Thế chiến II như pháo cao xạ 37 mm và pháo cao xạ 85 mm mẫu năm 1939 cũng có nguồn gốc nước ngoài. Công nghiệp hàng không phần nhiều phụ thuộc vào việc sao chép động cơ máy bay, thiết bị của phương Tây. Dĩ nhiên, máy bay vận tải chủ yếu của Liên Xô thời chiến Li-2 là biến thể sản xuất theo giấy phép của DC-3 của Mỹ, còn khi cuộc chạy đua vũ trang sau chiến tranh bắt đầu, Liên Xô đã sao chép máy bay ném bom chiến lược B-29 (Тu-4) của Mỹ và động cơ phản lực Nene 1 của Anh. Để tiếp cận công nghệ phương Tây, Liên Xô, giống nư TQ hiện nay, đã sử dụng kết hợp nhiều cách thức: công khai mua giấy phép, mua và sao chép các mẫu đơn lẻ, gián điệp công nghiệp.

Bằng cách sao chép kỹ thuật nước ngoài, Liên Xô cuối cùng đã xây dựng được CNQP tầm cỡ thế giới và các trường phái thiết kế độc lập. TQ chắc chắn cũng sẽ tiến đến điều đó. Nhưng xét đến thời gian dài hơn cho việc phát triển KTQS hiện đại so với kỹ thuật thời thập niên 1920-1930, thời kỳ sao chép hàng loạt các mẫu vũ khí nước ngoài đối với TQ xét tổng thể sẽ dài hơn so với đối với Liên Xô 70 năm trước. Ngăn chặn quá trình phát triển tiềm lực KTQS của TQ là không thể, có nghĩa là cần phải giành lấy lợi ích tối đa từ quá trình đó.

Nguồn: Советский след китайского тигра / Василий Кашин // ChinaPRO.ru.-28.12.2009.  Theo Вестник Китая.

Print Print E-mail Print