VietnamDefence -
Nếu những hạn chế đối với sự phát triển quân đội bị gỡ bỏ thì Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (QGP) sẽ hoàn toàn có khả năng thực hiện một cuộc đại nhảy vọt, nghĩa là sẽ tiến lên một trình độ phát triển hoàn toàn mới.
Đồng thời, cũng có thể xảy ra tình huống, khi mà bản thân quân đội TQ sẽ trở thành một yếu tố phát triển kinh tế bảo đảm cho thành công của chiến lược bành trướng ra bên ngoài. Quân đội TQ sẽ sinh lợi bằng cách mở rộng các đường biên giới chiến lược của không gian sống còn ra xa ranh giới đường biên hiện nay của TQ.
|
Reuters
|
Các loại hình xung đột chủ yếu mà quân đội TQ chắc chắn sẽ phải tham gia được nêu ra vào cuối thập niên 1980 là:
- Chiến tranh quy mô nhỏ bị hạn chế bởi các khu vực lãnh thổ biên giới tranh chấp; xung đột vì tranh chấp biển-đảo;
- Cuộc tấn công đường không bất ngờ vào các mục tiêu chiến lược ở TQ;
- Bảo vệ trước cuộc tấn công hạn chế có chủ định vào lãnh thổ TQ;
- “Các cuộc phản kích trừng phạt” của TQ vào lãnh thổ kẻ địch để “chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền hoặc duy trì công bằng và loại bỏ mối đe dọa”.
Đồng thời, việc chú trọng chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh cục bộ không phủ định việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn, kể cả chiến tranh hạt nhân.
Xuất phát từ thực tế xác suất xảy ra chiến tranh thế giới giảm mạnh, TQ đã xây dựng khái niệm chiến tranh cục bộ, trong đó TQ không loại trừ việc họ chủ động làm phát sinh các cuộc xung đột quân sự cục bộ. Lực lượng quân đội tham gia một cuộc chiến tranh cục bộ là ít hơn nên cho phép tạo sự bất ngờ đối với đối phương.
Đồng thời, khái niệm chiến tranh nhân dân do Mao Trạch Đông xây dựng cũng không bị bỏ đi. Khái niệm này xác định mỗi người TQ được xem như một người lính, cả đất nước là một trại lính thống nhất. Vào thời Mao, cốt lõi của khái niệm này là lừa kẻ địch mạnh hơn về kỹ thuật, công nghệ vào sâu lãnh thổ TQ, nơi mà một cuộc chiến tranh du kích quy mô lớn dựa vào nguồn nhân lực khổng lồ sẽ được triển khai chống lại kẻ địch đó.
Kể từ thập niên 1980, khái niệm này đã được hiện đại hóa, nay trù tính đến việc tiêu hao kẻ địch trong các trận chiến ven biên và chuyển nhanh sang tiến công chiến lược hoặc là thậm chí một cuộc xâm lược hạn chế cũng được định nghĩa là “cuộc tấn công phòng vệ nhằm mục đích tự vệ”. Như vậy, khái niệm này cơ bản tương giao với khái niệm phòng ngự tích cực vốn trù định phòng ngự chiến lược tích cực trên những tuyến đã chuẩn bị sẵn nhằm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho mình và sau đó chuyển sang phản công.
Hai khái niệm này, cũng như các khái niệm an ninh quốc gia, đòn phản kích hạt nhân hạn chế nhằm mục đích tự vệ, phản ứng nhanh, hệ thống lực lượng vũ trang nhất thể 3 thành phần, chiến tranh cục bộ, các đường biên giới chiến lược và không gian sống còn tổ hợp lại tạo nên học thuyết quân sự của TQ.
Các khái niệm chiến thuật mới trong khuôn khổ học thuyết phòng ngự tích cực (thực chất có tính tiến công):
-
Chiến thắng bằng lực lượng tinh nhuệ;
-
Giành thế chủ động bằng cách tiến công trước;
-
Chiến thắng kẻ địch yếu nhờ có ưu thế;
- Các đòn tiến công sâu (tác chiến hoàn toàn trong tung thâm, kể cả các đòn tiến công bằng tên lửa-pháo binh và đổ bộ);
- Đánh nhanh thắng nhanh.
Thuật ngữ “phòng thủ tích cực” có thể diễn giải là sự sẵn sàng tiến hành các hành động tiến công, bởi vì bản thân TQ xác định quốc gia nào là thù địch với họ và sự thù địch đó là gì.
Đặc biệt đáng chú ý là khái niệm các đường biên giới chiến lược và không gian sống còn mà rõ ràng là trong các khái niệm xây dựng quân sự của các nước khác không có các khái niệm tương tự. Không có ai nói công khai hơn TQ về quyền mở cuộc xâm lược vì thiếu tài nguyên và lãnh thổ.
Trên tờ báo Quân giải phóng của Tổng cục chính trị quân đội TQ ngày 13.4.1987 có viết về đường biên giới không gian sống còn rằng, nó “xác định không gian sống còn của nhà nước và quốc gia, và liên quan đến sự tăng, giảm của sức mạnh tổng hợp của quốc gia”, “phản ánh sức mạnh của quốc gia nói chung và phục vụ lợi ích tồn tại, kinh tế, an ninh và hoạt động khoa học của nó”.
Người TQ cho rằng, các đường biên giới không gian sống còn của các cường quốc mạnh vượt xa khỏi ranh giới đường biên giới của họ, còn khu vực ảnh hưởng của những nước yếu thì nhỏ hơn lãnh thổ quốc gia của họ.
Khái niệm “sức mạnh tổng hợp của quốc gia” ở TQ được hiểu là sự tổng hợp của kinh tế, khoa học và kỹ thuật, sự ổn định chính trị trong nước, sức mạnh quân sự. Sự tăng cường sức mạnh tổng hợp được xem như một phương tiện bảo đảm an ninh quốc gia (tức là loại trừ các mối đe dọa bên ngoài và bên trong) và đạt được các mục tiêu quốc gia trên cấp độ toàn cầu và khu vực. Đây chính là cốt lõi của khái niệm an ninh quốc gia.
Chương trình dài hạn xây dựng lực lượng vũ trang TQ gồm 3 giai đoạn.
-
Khi kết thúc giai đoạn 1 (năm 2000), quân đội đã có khả năng bảo vệ các lợi ích sống còn của TQ, kể cả bằng cách tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh cục bộ cường độ thấp và trung bình trên toàn ngoại vi biên giới, cũng như “kiềm chế hiệu quả làm khiếp sợ các kẻ địch tiềm tàng”.
-
Ở giai đoạn 2 (năm 2010), quân đội TQ sẽ trở thành lực lượng “bảo đảm cho việc mở rộng các đường biên giới chiến lược và không gian sống còn”.
-
Ở giai đoạn 3 (năm 2050) phải xây dựng được quân đội có khả năng “giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh ở bất kỳ quy mô, độ dài nào có sử dụng tất cả các phương tiện và phương pháp tiến hành đấu tranh vũ trang”.
Tóm lại, có thể thấy rằng, quân đội TQ đang rất nhanh chóng trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của nền chính trị thế giới. Điều khá nổi bật là ngân sách quân sự gia tăng 4 lần trong 8 năm và sự tăng trưởng mạnh sức mạnh chiến đấu của quân đội TQ về mặt vật chất (tức là mua sắm vũ khí và trang bị) đang diễn ra trong điều kiện có sự tự hạn chế một cách nhân tạo mà ban lãnh đạo TQ áp đặt đối với sự phát triển quân đội TQ.
Ở Bắc Kinh, người ta đã rút ra những bài học từ kinh nghiệm buồn của Liên Xô tự hủy hoại mình bằng chạy đua vũ trang và đã đi đến kết luận rằng, trước tiên cần phải đạt đến trình độ kinh tế phát triển cao và trên cơ sở đó xây dựng lực lượng vũ trang. Rõ ràng là cách tiếp cận này phải thừa nhận là rất hiệu quả.
Nếu những hạn chế đối với sự phát triển quân đội bị gỡ bỏ thì quân đội TQ sẽ hoàn toàn có khả năng thực hiện một cuộc đại nhảy vọt, nghĩa là sẽ tiến lên một trình độ phát triển hoàn toàn mới. Đồng thời, cũng có thể xảy ra tình huống, khi mà bản thân quân đội TQ sẽ trở thành một yếu tố phát triển kinh tế bảo đảm cho thành công của chiến lược bành trướng ra bên ngoài. Lúc đó sẽ chẳng có gì để nói đến chuyện tự hạn chế nữa. Quân đội TQ sẽ sinh lợi bằng cách mở rộng các đường biên giới chiến lược của không gian sống còn ra xa ranh giới đường biên hiện nay của TQ.
Nguồn: Aleksandr Khramchikhin / Chaskor, 20.3.2009.