Vietnamdefence.com

 

Quân đội Trung Quốc (5). Hải quân

VietnamDefence - Hải quân Trung Quốc đang lặng lẽ, nhưng chắc chắn leo lên vị trí thứ hai thế giới về sức mạnh chiến đấu sau Hải quân Mỹ. Trong tương lai gần, họ sẽ có thể tiến hành các chiến dịch trên khắp đại dương thế giới.

Hải quân, vốn là một quân chủng phức tạp nhất về mặt kỹ thuật, trong một thời gian dài là lực lượng yếu nhất trong quân đội  Trung Quốc (TQ). Tuy vậy, trong 2 thập niên gần đây, quân chủng này đang phát triển với tốc độ tăng cường nhanh chóng. Ban lãnh đạo TQ đặt ra cho hải quân TQ những nhiệm vụ rất quan trọng.

  • Một là phải có khả năng bảo đảm đánh chiếm được Đài Loan.
  • Hai là bảo đảm việc cung cấp không gián đoạn nguyên liệu (trước hết là dầu mỏ) từ châu Phi và vịnh Persique, cũng như bảo đảm việc khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa các biển tiếp giáp TQ.
  • Ba là, bảo đảm bảo vệ bờ biển TQ.

Ảnh: Reuters

Điều dễ hiểu là kể cả Hải quân  Mỹ, chứ chưa nói đến các nước khác, cũng sẽ không đổ bộ lên bờ biển TQ, bởi vì lực lượng đổ bộ đó chắc chắn sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn trong các trận đánh với lực lượng lục quân TQ đông đến vô tận. Điều làm lãnh đạo TQ lo lắng hơn nhiều là khả năng của Hải quân  và Không quân Mỹ thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao vào các mục tiêu kinh tế mới của TQ được xây dựng trong những năm cải cách.

Hơn 80% xí nghiệp hiện đại tượng trưng cho sự thần kỳ kinh tế Trung Hoa hiện ở khu vực duyên hải, nghĩa là rất dễ bị tấn công từ hướng biển. Vì thế, Hải quân TQ cần phải đẩy tuyến phòng thủ ra đại dương càng xa càng tốt.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, theo ý đồ của ban lãnh đạo chính trị-quân sự TQ, hải quân TQ phải qua 3 giai đoạn phát triển

Ở giai đoạn 1, hạm đội TQ phải bảo đảm khả năng tác chiến thuận lợi trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất (từ quần đảo Ryukyu của Nhật Bản đến quần đảo Philippines), ở giai đoạn 2 - trong phạm vi chuỗi đảo thứ hai (từ quần đảo Kurils qua quần đảo Mariana đến New Guinea), ở giai đoạn 3 - tự do hành động ở mọi nơi trên đại dương thế giới.

Hải quân TQ được chia thành 3 hạm đội tác chiến: hạm đội Bắc Hải, hạm đội Đông Hải và hạm đội Nam Hải. Mỗi hạm đội gồm 2 hải đội tàu ngầm (riêng hạm đội Bắc Hải có 3 hải đội), 2 hải đội tàu khu trục và frigate (hạm đội Bắc Hải có 3 hải đội), 2 hải đội xuồng chiến đấu (hạm đội Bắc Hải có 1 hải đội), 1 hải đội tàu quét lôi, 1 hải đội tàu đổ bộ (hạm đội Nam Hải có 2 hải đội). Ngoài ra, hạm đội Bắc Hải còn được biên chế hải đội tàu ngầm nguyên tử duy nhất của hải quân TQ.

Trong biên chế của hải quân TQ hiện có: 1 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn (SSBN) lớp 092 và 1 SSBN lớp 094, 4 tàu ngầm nguyên tử (SSN) lớp 091, 2 SSN lớp 093, 57 tàu ngầm diesel (12 chiếc lớp Projekt 877 và 636, 17 chiếc lớp 039(А), 20 chiếc lớp 035, 8 chiếc lớp 033), 29 tàu khu trục (4 chiếc lớp Projekt 956 Sovremenny, 17 chiếc lớp 051, 2 chiếc lớp 052С, 2 chiếc lớp 052В, 2 chiếc lớp 052, 2 chiếc lớp 051С), 48 frigate (2 chiếc lớp 054, 2 chiếc lớp 054А, 44 chiếc lớp 053 các biến thể khác nhau), 78 xuồng tên lửa (7 chiếc lớp 037/2, 16 chiếc lớp 037/1, 40 chiếc lớp 022, 15 chiếc lớp 021), 170 xuồng cảnh giới, 22 tàu quét lôi, 72 tàu đổ bộ.

Không quân hải quân TQ cũng khá lớn, gồm các máy bay ném bom (30 chiếc Н-6, 100 Н-5), máy bay tiêm kích và cường kích (48 Su-30, 18 JH-7, 320 J-8, 26 J-7, 200 J-6, 30 Q-5), máy bay trinh sát (7 HZ-5, 4 SH-5, 4 Y-8X), máy bay tiếp dầu (3 HY-6), máy bay vận tải (2 Yak-42, 4 Y-8, 50 Y-5, 4 Y-7, 6 Y-7H), trực thăng chiến đấu (10 Ка-28 [6 chống ngầm, 4 tìm-cứu], 8 Mi-8, 25 Z-9C, 15 Z-8 [sao chép SA-321 của Pháp]). 

Mạnh nhất trong 3 hạm đội là hạm đội Đông Hải, dùng để tấn công Đài Loan. Hạm đội này được biên chế tất cả những tàu chiến hiện đại nhất mua của Nga (các tàu ngầm Projekt 877 và 636, các tàu khu trục Projekt 956), các tàu ngầm tối tân nhất của TQ lớp 039 (lớp Tống), sư đoàn không quân số 6 của hạm đội Đông Hải được trang bị tất cả các máy bay hiện đại nhất của hải quân: 48 Su-30, 18 JH-7. Hạm đội Nam Hải yếu hơn một chút, có nhiệm vụ chi viện hạm đội Đông Hải khi tấn công Đài Loan, cũng như bảo đảm việc chiếm giữ tài nguyên trên thềm lục địa các vùng biển phía nam TQ. Hạm đội Nam Hải được biên chế 1/2 tổng số tàu ngầm của TQ, cũng như tất cả các tàu khu trục lớp 052 (В và С).

Các tàu mới của hải quân TQ (tất cả các tàu chiến và tàu ngầm do Nga đóng, các tàu ngầm lớp 039 [thiết kế gần giống tàu ngầm lớp Agosta của Pháp], các tàu khu trục lớp 052 [В, С], các frigate lớp 054 [А]) đang được đóng thường là loạt nhỏ nhằm trước hết là kiểm nghiệm các công nghệ mới. Tuy nhiên, việc đóng các tàu này có thể triển khai ở quy mô lớn hơn nhiều. Nhưng ngay cả các tàu hiện có cũng đã là một sức mạnh chiến đấu rất đáng gờm.

Các tàu khu trục Projekt 956 dùng để tác chiến chống tàu nổi, các tàu lớp 052С do TQ tự đóng sẽ làm nhiệm vụ phòng không cho các binh đoàn tàu. Để làm việc đó, chúng được trang bị hệ thống tên lửa phòng không (TLPK) Rif của Nga (biến thể trang bị cho tàu chiến của S-300, gồm 6 bệ phóng x 8 TLPK mỗi bệ phóng) và hệ thống chiến đấu đa năng tương tự hệ thống Aegis của Mỹ.

Các tàu khu trục lớp 052С có thể được coi là ví dụ nổi bật nhất của cách làm kết hợp các công nghệ nước ngoài. Các tàu này được trang bị các động cơ turbine khí Zaria do Ukraine sản xuất, ngoài hệ thống TLPK Rif của Nga, chúng được trang bị tên lửa chống hạm С-803 của TQ (kết hợp công nghệ của tên lửa chống hạm Exocet của Pháp và Gabriel của Israel), pháo ụ 100 mm sao chép pháo М68 của hãng Creusot Loire, pháo phòng không tự động 7 nòng, 30 mm sao chép pháo Goalkeeper của Hà Lan, ngư lôi Yu-7 sao chép ngư lôi Мк46 của Mỹ, trực thăng Z-9 sao chép SA-365 của Pháp. Trừ trực thăng và hệ thống TLPK Rif, tất cả các loại vũ khí còn lại đều là sao chép của nước ngoài và sản xuất tại TQ không có giấy phép.

Các tàu xuồng cũ của hải quân  TQ được trang bị các tên lửa chống hạm dòng Hải Ưng (HY) được phát triển dựa trên tên lửa P-15 của Liên Xô. Hiện đại nhất là các tên lửa chống hạm họ Ưng Kích (YJ) được chế tạo bằng cách kết hợp tên lửa Exocet của Pháp và Gabriel của Israel. Đặc biệt nổi bật là tên lửa chống hạm siêu âm YJ-83 (С-803).

Hiện tại, hải quân TQ vẫn gặp những khó khăn lớn với các hệ thống phòng không. Ngoài các tàu khu trục lớp 052С trang bị hệ thống TLPK Rif, thì chỉ còn các tàu lớp Projekt 956 và Type 052В được trang bị hệ thống TLPK Shtil (cũng do Nga chế tạo). Một phần các tàu khu trục và frigate khác có lắp hệ thống TLPK tầm ngắn HQ-7 sao chép hệ Crotale của Pháp, các tàu còn lại và tất cả các xuồng chỉ được trang bị pháo phòng không đã lạc hậu.

Các tàu chiến TQ có khả năng chống hạm rất yếu, ngoại trừ các tàu khu trục lớp Type 52. Tháng 1.2010, 2 tàu loại này được phái đi chống cướp biển Somalia đã không chỉ phát hiện mà còn buộc 1 tàu ngầm Ấn Độ (lớp Projekt 877) do Nga chế tạo vốn có độ ồn rất thấp phải nổi lên mặt nước.

TQ cũng đang ráo riết thiết kế các tàu sân bay (sử dụng công nghệ của tàu sân bay Varyag đóng dở cho Hải quân Liên Xô, mua của Ukraine, của các tàu sân bay Kiev, Minsk bị loại khỏi trang bị của Hải quân Nga và tàu sân bay Melburn bị loại khỏi trang bị của Hải quân Australia đều mua với giá sắt vụn). Tàu đốc đổ bộ chở trực thăng đầu tiên lớp 071 mới được đưa vào trang bị của Hải quân TQ. Tàu này hiện là tàu lớn nhất của hạm đội TQ với lượng giãn nước 20000 tấn. Tàu chở được đến 800 lính thuỷ đánh bộ và 50 xe thiết giáp, lực lượng này có thể được chuyển từ tàu lên bờ bằng 4 xuồng đổ bộ đệm khí và 4 trực thăng trên tàu.

Thuỷ quân lục chiến hải quân TQ có quân số khoảng 10000 quân, gồm 2 lữ đoàn đều thuộc biên chế hạm đội Nam Hải. Lính thuỷ đánh bộ làm nhiệm vụ đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa mà TQ chiếm đóng của Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Ngoài ra, lục quân TQ cũng có lực lượng lính thuỷ đánh bộ của mình mạnh hơn nhiều của hải quân TQ.

Các tàu sân bay và các tàu đổ bộ cỡ lớn sẽ tạo cho hải quân TQ những khả năng hoàn toàn mới trước hết là để đánh chiếm Đài Loan, sau đó là cho các chiến dịch trên đại dương thế giới. Hơn nữa, việc thôn tính Đài Loan có thể sẽ tạo ra sự nhảy vọt về sức mạnh của TQ và quyền kiểm soát của họ đói với các tuyến đường biển ở phía Tây Thái Bình Dương và đối với Đông Nam Á.

Trong trường hợp đó, TQ sẽ đột phá được quá "hàng rào đảo" chạy dọc bờ biển của họ và hải quân TQ lập tức tiến ra được đại dương rộng lớn. TQ đang chuẩn bị cho sự đột phá này bởi vì trong cơ cấu trang bị của hải quân TQ, tỷ lệ các tàu đại dương đang tăng nhanh, còn số lượng các tàu xuồng dùng để tác chiến gần bờ thì giảm đi. Việc có dù chỉ 1 tàu sân bay sẽ cho phép hải quân  TQ tạo được khả năng tác chiến thuận lợi trong phạm vi chuỗi đảo thứ hai, gồm cả Sakhalin, quần đảo Kurils và Kamchatka.

Nguồn: Aleksandr Khramchikhin // Chaskor, 17.3.2009.

Print Print E-mail Print