Vietnamdefence.com

 

Quân đội Trung Quốc (2). Lực lượng hạt nhân chiến lược

VietnamDefence - Do lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc quy mô còn tương đối nhỏ và độ chính xác của tên lửa đường đạn còn kém nên Lực lượng pháo binh 2 hiện chưa có khả năng đánh đòn phủ đầu đối với các quốc gia sở hữu lực lượng hạt nhân chiến lược dù chỉ là tương đương với Trung Quốc chứ chưa nói đến các nước có lực lượng hạt nhân chiến lược vượt trội hơn.

Lực lượng hạt nhân chiến lược (LLPB2) được giới lãnh đạo chính trị-quân sự Trung Quốc (TQ) xem như lực lượng kiềm chế. Chúng được phát triển theo khái niệm “phản kích hạt nhân hạn chế nhằm mục đích tự vệ”.

Về chính thức, TQ tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên, nhưng theo một số thông tin, phương án đó được trù tính trong trường hợp lực lượng thông thường của quân đội TQ chịu thất bại nặng nề. Ngoài ra, do hạn chế về lực lượng, TQ cũng trù tính đòn tấn công sớm và nhanh để gây tổn thất tối đa cho đối phương.

TQ đang chế tạo các loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) bố trí trong  giếng phóng cũng như trên xe bệ phóng. Trong số các ICBM cơ động mặt đất có DF-31 mới được TQ triển khai sản xuất trong những năm gần đây. Trong tương lai gần, các ICBM của TQ có thể được trang bị các đầu đạn tách dẫn đường độc lập (MIRV) (hiện nay tất cả các ICBM đều mang đầu đạn đơn khối). ICBM DF-41 đang được phát triển và giống như DF-31, dự kiến sẽ mang 3 đầu đạn (các nguồn khác nói là 6 đầu đạn) đương lượng nổ 50-100 kT.

Người ta cho rằng, số lượng ICBM DF-5 (sao chép loại ICBM đầu tiên của Liên Xô R-7, với đến mọi vị trí trên lãnh thổ Mỹ, trừ miền nam Florida, mang đầu đạn 2-5 MT) của TQ không quá 50 quả (con số thường được nêu ra là 20), tuy nhiên độ chính xác của kho tên lửa hạt nhân TQ và vị trí triển khai được biết đến mơ hồ.

Một phần các tên lửa được triển khai trong các đường hầm và hang động, khiến cho chúng hầu như không thể bị tổn thương trước đòn đánh phủ đầu hay trả đũa kể cả bằng vũ khí hạt nhân hay vũ khí thông thường chính xác cao.

Cũng cần lưu ý rằng, do Nga và TQ có chung đường biên giới trên bộ nên phần lớn các tên lửa đường đạn của TQ trở thành tên lửa chiến lược đối với Nga. Ví dụ, thủ đô Moskva của Nga lọt vào tầm bắn của tên lửa tầm trung DF-4 (số lượng khoảng 20-30 quả, mỗi quả mang 1 đầu đạn 2-5 MT) kể cả khi tên lửa được phóng đi từ các khu vực miền đông TQ (theo các nguồn khác thì DF-4 không phải là tên lửa tầm trung mà là ICBM có tầm bắn như DF-5). Bởi vậy, DF-4 còn có biệt danh là “tên lửa Moskva”.

Tên lửa tầm trung DF-3 (số lượng khoảng 50-90 quả) phòng từ khu vực Urumqi với tới thành phố Nizhny Novgorod (tầm bắn gần 3000 km, công suất đầu đạn 700 kT - 3 MT). Cũng có khả năng như thế là tên lửa tối tân nhất DF-21 (không dưới 50 quả, công suất đầu đạn 200-300 kT).

Các vùng Primorie và Khabarovsk, Zabaikalie, Altai và Cộng hòa Altai nằm trong tầm bắn của các tên lửa chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật của quân đội TQ (DF-11, DF-15, М-7) mà số lượng có lẽ lên tới vài ngàn quả. Tuy nhiên, các tên lửa này hiện chưa được triển khai ở các khu vực phía tây TQ mà đa số (400-700 quả) đang nhằm vào Đài Loan.

Quân đội TQ có tổng cộng 6 tập đoàn quân tên lửa ( từ số 51 đến số 56), bao gồm 17 lữ đoàn tên lửa. Tập đoàn quân tên lửa 52, gồm 4 lữ, được triển khai ở tỉnh An Huy, đối diện Đài Loan, được trang bị chủ yếu là tên lửa chiến dich-chiến thuật và tên lửa tầm trung. 5 tập đoàn quân còn lại đóng ở các vùng khác nhau của TQ, được trang bị tên lửa đường đạn tầm trung và ICBM.

Biến thể phóng từ tàu ngầm của ICBM DF-31 là JL-2 sẽ được triển khai trên các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn lớp 094. Năm 2006, TQ đưa vào sử dụng tàu ngầm đầu tiên, tổng cộng dự kiến đóng 2-4 chiếc, mỗi tàu sẽ mang 16 tên lửa đường đạn JL-2. Tổng số ICBM triển khai trên mặt đất và trên tàu ngầm đến trước năm 2010, kể cả theo số liệu chính thức của TQ, cũng sẽ là không dưới 200 quả.

Tình báo TQ đã lấy được của Mỹ các bản vẽ của loại đầu đạn tối tân W-88 lắp trên tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm Trident-2, cũng như của bom neutron, điều đó cho phép TQ tiến xa trong việc phát triển các vũ khí tương tự của mình, rút ngắn được hơn 10 năm và tiết kiệm hàng trăm tỷ USD. Trong thập niên 1990, TQ đã sản xuất không dưới 140 đầu đạn hạt nhân/năm.

Hiện tại, do lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc (TQ) quy mô còn tương đối nhỏ và độ chính xác của tên lửa đường đạn của TQ còn kém nên Lực lượng pháo binh 2 (LLPB2) của quân đội TQ không có khả năng đánh đòn phủ đầu đối với các quốc gia sở hữu lực lượng hạt nhân chiến lược dù chỉ là tương đương với của TQ chứ chưa nói đến các nước có lực lượng hạt nhân chiến lược vượt trội hơn. Tuy vậy, khả năng chiến đấu của LLPB2 đang tăng nhanh. Nếu TQ sẽ rất khó đuổi kịp Mỹ thì với Nga trong điều kiện cắt giảm nhanh chóng lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này và do lệnh cấm sở hữu tên lửa đường đạn tầm trung thì TQ hoàn toàn có thể đuổi kịp trong tương lai khá gần.

Nguồn: Aleksandr Khramchikhin / Chaskor, 10.3.2009.

Print Print E-mail Print