Vietnamdefence.com

 

Một kịch bản đánh chiếm Đài Loan

VietnamDefence - Đánh chiếm Đài Loan sẽ là nhiệm vụ bất khả thi đối với Trung Quốc một khi Mỹ can thiệp vào cuộc chiến

Mặc dù một chiến dịch quân sự của Trung Quốc nhằm đánh chiếm Đài Loan hiện tại tựa hồ là khó xảy ra (Đài Loan đầu hàng không kháng cự), song cũng cần phân tích tương quan lực lượng và các kịch bản chiến tranh để hiểu rõ hơn vấn đề này.

Trung Quốc có vũ khí hạt nhân, Đài Loan thì không. Tuy nhiên, mục đích của Trung Quốc là tái thống nhất đất nước, chứ không phải là biến tỉnh ly khai giàu có nhất thành một sa mạc phóng xạ. Bởi vậy, cần xem xét tương quan lực lượng vũ trang thông thường của hai bên.

Dân số Trung Quốc là 1,3 tỷ người, Đài Loan - 22,1 triệu. Tương ứng, quân số quân đội Trung Quốc - 2,3 triệu và 350000, dự bị động viên 200 triệu và 1,7 triệu. Trung Quốc có thể đè bẹp Đài Loan từ lâu bằng số động nếu như Đài Loan chẳng phải là hòn đảo.

Nhân đây, nhớ lại tháng 6.1940, khi mà sau Dunquerke, quân đội Anh ở chính quốc mất toàn bộ vũ khí trang bị nặng hơn súng trung liên, nhưng nước này vẫn đứng vững vì quân đội Đức đang toàn thắng phải vượt eo biển Măng-sơ, mà trong tình huống đó thì tất cả được quyết định trên biển và trên không. Ở hai lĩnh vực này, ưu thế của Trung Quốc đối với Đài Loan là chưa rõ ràng.

Ưu thế số lượng của không quân Trung Quốc so với không quân Đài Loan là rất lớn - 1800 máy bay chiến đấu so với 500. Tuy nhiên, ở đây, đóng vai trò lớn là các tham số chất lượng và trình độ huấn luyện chiến đấu. Hơn 80% không quân TQ là các máy bay lạc hậu và cực kỳ lạc hậu, còn những máy bay như thế của Đài Loan là rất ít. Thay vào đó, về máy bay hiện đại thì thực tế là ngang nhau: gần 60 máy bay tiêm kích-bom Mirage-2000 của Pháp, gần 150 F-16 của Mỹ và gần 130 Ching Go của Đài Loan tự sản xuất (lai ghép các loại F-16 và F-18) của Đài Loan đối phó với khoảng 180 Su-27, gần 120 Su-30МКК và gần 70 máy bay tiêm kích hạng nhẹ J-10 của Trung Quốc. Ngoài ra, Đài Loan có lực lượng phòng không mặt đất rất mạnh và dày đặc.

Nhìn chung, kết cục cuộc chiến trên không là không thể đoán trước. Mục đích của không quân Đài Loan sẽ là bảo vệ lục quân, hạm đội, công nghiệp, các công trình hạ tầng, các hệ thống chỉ huy-điều khiển, cũng như gây tổn thất tối đa cho kẻ địch, đặc biệt là về các loại máy bay mới.

Trung Quốc, rõ ràng là, sẽ cố gắng đè bẹp đối phương bằng số lượng lớn các máy bay cũ, trong khi sử dụng có lựa chọn các máy bay mới. Có nghĩa là hai bên sẽ cố làm sao để lực lượng đối phương tiêu hao nhanh hơn lực lượng của mình. Ngoài không quân, Trung Quốc sẽ sử dụng rộng rãi các tên lửa chiến thuật mà họ có vài ba ngàn.

Phương tiện duy nhất đối phó với các tên lửa này là hệ thống tên lửa phòng không Patriot, tuy nhiên dù cho sử dụng chúng thành công để chống tên lửa đường đạn cũng sẽ nhanh chóng làm tiêu hao hết đạn tên lửa và như thế tạo điều kiện dễ dàng cho hoạt động của không quân Trung Quốc trên không phận Đài Loan.
 
Giành ưu thế trên không là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để giành chiến thắng. Kết cục cuộc chiến sẽ được quyết định trên biển, bởi vì chỉ qua đường biển mới tung được từ đại lục sang đảo Đài Loan lực lượng quân đội đủ để đánh chiếm đảo.

Trung Quốc chỉ có ưu thế áp đảo dưới mặt nước - 5 tàu ngầm nguyên tử trang bị ngư lôi và 56 diesel (trong đó có 12 tàu ngầm mới nhất lớp Projekt 877/636 của Nga) so với 2 tàu ngầm của Đài Loan.

Về tàu nổi cỡ lớn, cách biệt có nhỏ hơn - 27 tàu khu trục và 48 frigate của Trung Quốc, 4 và 22 của Đài Loan, hơn nữa các tàu của Đài Loan có tuổi trung bình mới hơn của Trung Quốc.

Về tàu tên lửa, tỷ lệ 78:50 nghiêng về phía Trung Quốc.
 
Lực lượng đột kích chủ yếu của hạm đội Trung Quốc là 4 tàu khu trục lớp Projekt 956 Sovremenny của Nga. Nhờ có 8 tên lửa hành trình chống hạm Moskit (tầm bắn 90 km, trọng lượng đầu đạn 300 kg, tốc độ bay gần 3000 km/h) và 2 ụ pháo 2 nòng АК-130 130 mm, các tàu này hiện nay là những chiến hạm mạnh nhất trong tác chiến tầm gần và tầm trung chống mọi lớp tàu nổi. Trong trận đánh thuần tuý "tàu đối tàu", 4 tàu Projekt 956 có thể đánh bại toàn bộ hạm đội Đài Loan.

Tuy vậy, những trận đánh thuần tuý ngày nay không có, mà khả năng phòng thủ (phòng không và chống ngầm) của Projekt 956 lại yếu hơn nhiều khả năng tấn công. Những yếu tố này gây khó khăn cho việc sử dụng chúng trong tác chiến. Tuy vậy, ở các chiến hạm khác của TQ, tình hình còn tồi tệ hơn.

Đối với đa số tàu chiến và tất cả các tàu nhỏ của Trung Quốc, phương tiện phòng không duy nhất là pháo 2 nòng 37 mm Туре-76 - sao chép pháo V-11 mẫu 1944 года của Liên Xô! Hệ thống phòng không thực sự mạnh (hệ thống Rif do Nga sản xuất) chỉ có ở 2 tàu khu trục Type 052С Lanzhou. Tóm lại, kết cục đối kháng trên biển lẫn trên không đều không rõ ràng, ưu thế của Trung Quốc là đáng kể, song không quyết định.
 
Có ý nghĩa nguyên tắc là khả năng đổ bộ của hải quân Trung Quốc (khả năng đổ bộ của không quân Trung Quốc chỉ có tính tượng trưng với đến 20 máy bay Il-76 và đến 80 An-12 và Y-12).

Trong hạm đội Trung Quốc có hơn 90 tàu đổ bộ và tàu vận tải, hơn 300 xuồng đổ bộ (phần lớn thuộc lực lượng dự bị). Chúng có thể đồng thời đổ bộ hơn 20000 quân và đến 300 xe tăng.

Dĩ nhiên, đó là hoàn toàn không đủ để đánh chiếm và giữ chắc đầu cầu. Nên nhớ các nước đồng minh sau khi vượt qua eo biển Măng-sơ ngày 6.6.1944, đã đổ bộ trong ngày đầu tiên 25000 quân bằng đường không và 200000 bằng đường biển. Trong khi đó, họ có ưu thế tuyệt đối trên biển và trên không, eo biển Măng-sơ chỉ rộng 32-250 km, trong khi eo biển Đài Loan rộng từ 140-380 km. Kinh nghiệm tiến hành các chiến dịch đổ bộ bất kể loại gì của Trung Quốc là con số 0.

Bởi lẽ đối với Trung Quốc, binh khí kỹ thuật có giá hơn con người nên họ có thể toan tính sử dụng chiến thuật "biển người" kể cả trong tình huống đó. Hoàn toàn có thể là làn sóng đổ bộ đầu tiên sẽ không phải là các tàu và máy bay đổ bộ chuyên dụng mà là các tàu ven biển bình thường và các máy bay cổ lỗ sĩ (Y-5, TQ sao chép An-2) với số lượng mấy ngàn chiếc (nếu như không phải là mấy chục ngàn chiếc) dưới sự bảo vệ của các tàu xuồng chiến đấu và máy bay tiêm kích.

Quân Trung Quốc sẽ đổ bộ lên nhiều khu vực bờ biển nhằm cố giữ lấy được 1-2 khu vực. Vũ khí uy lực nhất của lực lượng đổ bộ sẽ là rocket chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, cối hạng nhẹ, tuy nhiên lực lượng này vẫn có cơ hội thành công bởi vì một cuộc tiến công đồng thời trên nhiều hướng sẽ làm phân tán lực lượng phòng ngự, hơn nữa quân Đài Loan sẽ nằm dưới hoả lực của các đòn tấn công đường không và tên lửa ồ ạt.

Nếu quân Trung Quốc đứng vững dù chỉ ở một đầu cầu thì họ sẽ có thể bắt đầu đưa đến đó các đội quân lớn với trang bị nặng. Đài Loan, như vệ, sẽ hết đời. Nghĩa là kết cục cuộc chiến sẽ được quyết định trong vài ngày đầu tiên. Nếu như Đài Loan không tiêu diệt hết ngay toàn bộ lực lượng đổ bộ thì Trung Quốc sẽ chiến thắng.

Tình thế sẽ thay đổi hẳn nếu như Mỹ tham chiến bên phía Đài Loan. Dĩ nhiên, Mỹ sẽ không điều lực lượng mặt đất đến đảo Đài Loan, điều đó thì trước đây cũng được cho là cực kỳ ít khả năng xảy ra, còn hiện nay, Mỹ còn vướng Iraq và Afghanistan. Thật khó để Mỹ mạo hiểm thực hiện dù là các cuộc tiến công bằng không quân-tên lửa vào lãnh thổ TQ đại lục, bởi vì điều đó có nguy cơ làm cuộc xung đột leo thang không thể kiểm soát giữa 2 cường quốc hạt nhân.

Mỹ cũng sẽ không điều các binh đoàn tàu sân bay đến eo biển Đài Loan làm "lá chắn sống" bởi vì chúng sẽ bị các đòn tấn công ồ ạt bằng không quân, lực lượng nhẹ của hải quân, tên lửa bờ biển chống hạm và tàu ngầm Trung Quốc.

Điều đó sẽ dẫn đến tiêu hao nhanh dự trữ đạn dược và cần thiết phải rút lui chỉ vài ngày sau khi chiến tranh bùng nổ. Mỹ có một phương án đơn giản hơn nhiều. Họ chỉ cần đưa tới Đài Loan vài đại đội tên lửa phòng không Patriot và vài phi đoàn không quân chiến thuật (tiêm kích và cường kích), 3-4 binh đoàn tàu sân bay sẽ được triển khai ở các vùng biển ở phía Đông Đài Loan, còn các tàu ngầm sẽ hoạt động ở vùng ven bờ cả ở trong eo biển Đài Loan lẫn ở khu vực các căn cứ hải quân chính của Trung Quốc.

Điều đó sẽ cho phép liên quân Mỹ-Đài Loan giành được ưu thế quyết định trên không (nhờ ưu thế gấp nhiều lần về máy bay và phòng không mặt đất hiện đại của Mỹ-Đài Loan, Trung Quốcsẽ bị tiêu hao hết rất nhanh các máy bay Su, còn tất cả các máy bay Trung Quốc còn lại sau đó sẽ bị Mỹ bắn rụng như trên bãi tập), còn hải quân Trung Quốc không chắc đã dám mạo hiểm ra khơi bởi vì điểm yếu về phòng không và còn yếu hơn về phòng thủ chống ngầm.

Chỉ có các tàu ngầm Projekt 877/636 và máy bay Su-30 do Nga chế tạo là mối đe doạ đối với hạm đội Mỹ, nhưng cả 2 loại này Trung Quốc đều không có đủ để gây ảnh hưởng lớn đến tình thế, hơn nữa người ta cũng rất nghi ngờ trình độ huấn luyện chiến đấu của phi công và lính tàu ngầm Trung Quốc.
 
Tuy vậy, đánh nhau với Trung Quốc đối với Mỹ (cũng như với bất kỳ nước nào khác) là không thể đơn giản là về tâm lý. Quá đáng sợ. Cũng vì lý do đó mà Đài Loan sẽ bó giáo quy hàng không kháng cự dù cho họ có thể không thất trận.

Nguồn: Chiến dịch đổ bộ Overlord của TQ / Aleksandr Khramchikhin // Chaskor, 15.12.2008.

Print Print E-mail Print