VietnamDefence -
Là quân đội lớn nhất thế giới, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vẫn đang cố gắng trở thành quân đội tiên tiến nhất.
|
Reuters
|
Bằng cách bảo đảm cho mình khả năng tác chiến thắng lợi chống quân đội Mỹ, Quân giải phóng nhân dân (QGP) bảo đảm chắc chắn cho mình thắng lợi trong cuộc chiến với bất kỳ đối phương nào, điều đó sẽ cho phép Washington và Bắc Kinh chia sẻ thế giới.
Ban lãnh đạo Trung Quốc (TQ) thừa nhận rằng, hiện tại, QGP về cơ bản không đáp ứng các yêu cầu hiện đại, trước hết là trong lĩnh vực công nghệ cao (vũ khí chính xác cao, các hệ thống liên lạc và chỉ huy bộ đội, tác chiến điện tử, phương tiện vũ trụ, máy bay không người lái…), trong cấu trúc và khả năng cơ động của lực lượng vũ trang. Khả năng của QGP hành động ở xa đường biên giới TQ vẫn còn rất thấp.
Việc so sánh khả năng của quân đội TQ với khả năng của quân đội Mỹ và một số nước khác thể hiện trong những cuộc chiến tranh cục bộ gần đây cho thấy rõ điều đó.
Chiến lược phát triển và hiện đại hóa QGP và công nghiệp quốc phòng mà Giang Trạch Dân đưa ra năm 2001 xác định đến trước năm 2020, QGP phải trở thành quân đội mạnh nhất châu Á, còn vào năm 2050 tiến lên trình độ các quân đội mạnh nhất thế giới.
Những nỗ lực của ban lãnh đạo chính trị-quân sự TQ trong những năm tới sẽ nhằm vào việc làm sao để bên trong QGP sinh ra một đội quân tương đối nhỏ (theo chuẩn mực TQ) hiện đại, kỹ thuật cao, có khả năng đối kháng thắng lợi với lực lượng vũ trang Mỹ, Nga, Nhật và Ấn Độ, chứ chưa cần nói đến bất kỳ nước nào khác. Nó sẽ bằng khoảng 15% tổng quân số QGP (quân số thời bình, tức là trước khi động viên). TQ đã xây dựng cho nó khái niệm phản ứng nhanh mà phần nhiều là sao chép khái niệm tương tự của Mỹ.
Trong thành phần lục quân của đội quân này, loại hình binh đoàn chủ yếu thay cho sư đoàn sẽ là lữ đoàn, điều đó cho phép nâng cao khả năng cơ động. Đối với quân đội này, các khái niệm xây dựng quân đội mới nhất của Mỹ sẽ được tính đến, cụ thể là khái niệm chiến tranh lấy mạng làm trung tâm (network-centric warfare) mà nền tảng của nó là nguyên tắc bảo đảm thông tin cho bộ đội bằng các thông tin về tình hình tác chiến ở thời gian thực với việc sử dụng tức thời vũ khí nhằm vào các mục tiêu mới phát hiện được.
Đồng thời, tất cả các bộ phận cấu thành của quân đội cho đến từng xe chiến đấu đơn lẻ sẽ tạo thành một mạng thông tin thống nhất. Bởi lẽ, TQ trong tương lai gần sẽ khó thực hiện khái niệm này trong quân đội của họ, nên họ sẽ chú ý nhiều đến “chiến tranh phi đối xứng” (assymetric warfare”, tức là tác động vào các “đầu mối thần kinh” của quân đội địch, ám chỉ trước hết quân đội Mỹ (đồng thời, bộ chỉ huy QGP hiểu rằng, một khi có được khả năng tác chiến thắng lợi chống quân đội Mỹ, QGP sẽ chiến thắng bất kỳ quân đội nào khác).
Đây là nói về việc tiêu diệt bằng điện tử và hỏa lực các sở chỉ huy, vệ tinh, trung tâm liên lạc của đối phương, cũng như các biện pháp đánh lạc hướng và ngụy trang. Chẳng hạn, hiện nay TQ đang thành lập các đơn vị hacker dùng cho mục đích này.
Năm 2000, bộ đội mạng đã trở thành binh chủng độc lập trong quân đội TQ. Lực lượng này có khả năng đột nhập và phá hoại không chỉ các mạng điện tử quân sự mà cả dân sự của Mỹ.
Đầu năm 2007, TQ đã thử nghiệm thành công vũ khí chống vệ tinh.
Năm 1999, TQ đã xuất bản cuốn sách “Cuộc chiến tranh không hạn chế” (tác giả là 2 sĩ quan quân đội TQ) có nội dung xem xét chiến lược chiến tranh phi đối xứng. Thực chất của nó thể hiện ở câu: “Nguyên tắc chủ yếu của cuộc chiến tranh không hạn chế là không có các nguyên tắc, hoàn toàn tự do hành động”.
Ngoài ra, giống như Mỹ, TQ sẽ phát triển các lực lượng đặc nhiệm. Các đơn vị đặc nhiệm (“các đơn vị quả đấm”) sẽ giải quyết 4 loại nhiệm vụ.
Chúng có thể được sử dụng làm “lực lượng mở cửa”, bằng cách thực hiện các đòn tấn công vào các mục tiêu quan trọng và mở những đột phá khẩu qua các trận địa của đối phương.
Chúng có thể là “con dao mổ” để thực hiện đòn tấn công vào các mục tiêu làm tê liệt tiềm năng chiến đấu của đối phương.
Chúng có thể sử dụng như “chiếc búa thép” để đánh chiếm các trận địa quan trọng của kẻ địch.
Chúng có thể là “động cơ xuất phát” để tăng tốc chiến dịch và mở ra những khu vực tác chiến mới.
Bộ phận cấu thành trong việc thực hiện kế hoạch này là việc TQ tiến hành chiến tranh thông tin mà ban lãnh đạo quân đội TQ hiện rất chú trọng. Họ định nghĩa cuộc chiến tranh này như “bước quá độ từ chiến tranh cơ giới hóa của xã hội công nghiệp sang chiến tranh của các quyết định và phong cách chỉ huy, chiến tranh của tri thức và chiến tranh của trí tuệ”.
Cần lưu ý rằng, ở TQ người ta nhận thức được tầm quan trọng của chiến tranh tâm lý sớm hơn nhiều ở châu Âu. Các binh thư Trung Hoa cổ đại cho thấy rằng, trong bộ chỉ huy quân đội TQ vào đầu Công nguyên có 25% quân số phụ trách tiến hành chiến tranh tâm lý. Hiện nay, ban lãnh đạo TQ cho rằng, nguyên tắc hoàn thiện công nghệ thông tin và vũ khí thông tin phải là nền tảng của quá trình hiện đại hóa toàn bộ tổ chức quân sự của nhà nước.
Từ năm 1985, TQ đã xuất bản cuốn sách “Chiến tranh thông tin” (ở phương Tây khi đó chưa dùng thuật ngữ này).
Chiến lược hiệu quả nhất của cuộc chiến tranh này là ở chỗ làm cho kẻ địch mất khả năng đưa ra các quyết định chỉ huy. Trong khi đó, chỗ dựa đặc biệt là tiến hành chiến tranh tâm lý vào thời bình. Ngay trong quân đội TQ, công tác giáo dục chính trị đối với binh sĩ được xây dựng trên cơ sở hỗn hợp chủ nghĩa sôvanh đại Hán và chủ nghĩa Mao có nói đến những yêu sách tham lam về lãnh thổ đối với tất cả các nước láng giềng. Các hành động xâm lược mà TQ thực hiện chống các nước láng giềng được tuyên bố là “tự vệ” nhằm sửa chữa “những sai lầm lịch sử” (ví dụ, cuộc tấn công xâm lược Việt Nam năm 1979, TQ gọi là “phản kích tự vệ”).
Bộ chỉ huy quân đội TQ cực kỳ quan ngại đối với các khái niệm tiến hành chiến tranh thuần túy bằng không quân của phương Tây bởi lẽ TQ luôn tính đến cuộc chiến tranh mặt đất. Cả hai chiến dịch xâm lược Iraq của Mỹ đều thu hút sự chú ý lớn của giới lãnh đạo chính trị-quân sự TQ. Năm 2003, Hồ Cẩm Đào đã đứng đầu nhóm phản ứng với cuộc chiến giữa Mỹ và Iraq trong Quân ủy trung ương, quân đội TQ được nâng cấp sẵn sàng chiến đấu.
Công tác huấn luyện chiến đấu được bổ sung khái niệm “3 đấu tranh và 3 bảo vệ” (đấu tranh với tên lửa hành trình, máy bay tàng hình, trực thăng chiến đấu; bảo vệ chống vũ khí chính xác cao, gây nhiễu điện tử, phương tiện trinh sát kỹ thuật).
Tháng 8.1999, Quân ủy trung ương TQ đã có bản phân tích tình hình xung quanh Đài Loan cho giới lãnh đạo chính trị-quân sự. Bản phân tích dựa trên việc Mỹ sẽ không bảo vệ Đài Loan bởi lẽ việc can thiệp vào cuộc chiến sẽ đe dọa gây ra những tổn thất lớn cho quân đội Mỹ (điều sẽ gây ra sự phản đối ở ngay chính nước Mỹ), ngoài ra, có khả năng TQ tấn công hạt nhân vào các căn cứ Mỹ ở châu Á, thậm chí lãnh thổ chính nước Mỹ, điều sẽ làm cho hơn 20 triệu người Mỹ thiệt mạng.
Ngày 14.7.2005, trong cuộc họp báo ởi Hong Kong, viên tướng Chu Thành Hổ tuyên bố: “Nếu Mỹ tấn công TQ bằng tên lửa hay vũ khí có điều khiển, chúng ta có thể đáp trả bằng cuộc tiến công bằng vũ khí hạt nhân. TQ đã chuẩn bị cho việc đa số các thành phố ở phía đông Tây An sẽ bị hủy diệt, tuy vậy, Mỹ cũng cần phải chuẩn bị cho việc hơn 200 thành phố ở bờ Tây của họ cũng có thể bị TQ hủy diệt”.
Vấn đề Đài Loan hiện nay, về thực chất, là nguyên nhân duy nhất có thể gây ra đối đầu giữa Mỹ và TQ. Những lo ngại của Bắc Kinh về việc Hải quân Mỹ sẽ cắt đứt các tuyến đường biển vận chuyển nguyên liệu về TQ và thực hiện các đòn tấn công từ biển vào các mục tiêu kinh tế mới chỉ là nguyên nhân phái sinh của vấn đề này. Hoàn toàn rõ ràng là Mỹ không có khả năng mở cuộc xâm lược chống TQ (và ngược lại cũng vậy), đồng thời sự phụ thuộc lẫn nhau của 2 nước về mặt kinh tế là rất lớn. Bởi vậy cả ở Washington và ở Bắc Kinh đang có ngày càng nhiều người ủng hộ khái niệm “Hai nước lớn”.
Nguồn: Aleksandr Khramchikhin / Chaskor, 20.3.2009.