Vietnamdefence.com

 

Quân đội Trung Quốc (4). Không quân

VietnamDefence - Xét về số lượng máy bay chiến đấu, không quân Trung Quốc đứng thứ hai thế giới sau Không quân Mỹ.

Tuy hiện vẫn bị lạc hậu về chất lượng kỹ thuật hàng không và trình độ huấn luyện chiến đấu của phi công so với Mỹ và nhiều nước khác, TQ đang nhanh chóng khắc phục những thiếu sót này.

Không quân Trung Quốc (TQ) gồm có 30 sư đoàn không quân (3 sư ném bom, 3 sư cường kích, 22 sư tiêm kích, 2 sư vận tải). Chúng được tập trung chủ yếu ở hướng Đông Bắc (đối phó với Nga) và Đông (đối phó với Đài Loan).

Hiện không rõ số lượng biên chế chính xác của không quân TQ, các đánh giá cũng rất khác nhau. Tổng số máy bay chiến đấu là từ 2000-4000. Có 400 sân bay có sức chứa 9000 máy bay, tức là khoảng gấp 3 lần số lượng máy bay của không quân, nên bảo đảm khả năng cơ động lực lượng trên tất cả các hướng chiến lược chính.


Lực lượng máy bay ném bom gồm 140 máy bay Н-6, vốn là mẫu sao chép của các máy bay cực kỳ lạc hậu và đã loại khỏi trang bị từ lâu là Tu-16. Chúng có tầm bay gần 2500 km và về hình thức được liệt vào lực lượng hạt nhân chiến lược. Các máy bay này không thể đột phá hệ thống phòng không hiện đại, nhưng xét đến sự sụp đổ hoàn toàn trên thực tế của hệ thống phòng không của Nga ở phía Đông nước này thì có thể Н-6 cũng có cơ hội nào đó.

Từ năm 2006, TQ sản xuất loạt máy bay ném bom Н-6М với tầm bay xa hơn. Nó có thể mang 1 tên lửa hành trình DH-10 chế tạo trên cơ sở tên lửa hành trình phóng từ máy bay Kh-55 của Liên Xô (TQ mua được 6 tên lửa này ở Ukraine), nhưng có sử dụng các công nghệ Mỹ mà TQ lấy cắp được. Trên cơ sở Н-6, đã chế tạo máy bay tiếp dầu НY-6 (Không quân có 8 chiếc).

Theo các nguồn khác nhau, thì TQ còn có 40-350 máy bay ném bom chiến thuật Н-5 sao chép loại máy bay cổ lỗ sĩ Il-28. Chúng sẽ được thay thế bằng các máy bay mới JH-7 mà về thiết kế giống với Su-24 của Nga và Jaguar của Anh-Pháp. Hiện thời không quân TQ có 15-20 máy bay ném bom JH-7. Số giờ bay trung bình của phi công máy bay ném bom là 80 giờ/năm.

Không quân cường kích có từ 300-550 máy bay cường kích Q-5 (chế tạo dựa trên MiG-19). Máy bay này khá thô sơ, nhưng trong điều kiện đối kháng phòng không yếu có thể chi viện khá hiệu quả cho bộ đội trên chiến trường. Số giờ bay trung bình của phi công máy bay cường kích là 150 giờ/năm.

Thành phần mạnh nhất của không quân TQ là không quân tiêm kích mà từ đầu thập niên 1990 được trang bị lại bằng các máy bay tối tân. Trước hết đó là các máy bay tiêm kích Su-27 (TQ đặt ký hiệu là J-11) và Su-30 (J-12). Hiện nay không quân TQ có tương ứng 176 và 73 chiếc. Trước đây, TQ dự kiến sẽ sản xuất 200 Su-27 tại TQ theo giấy phép của Nga (không được quyền bán sang các nước khác) bằng linh kiện do Nga cung cấp, nhưng sau khi sản xuất 105 chiếc, TQ phá bỏ hợp đồng, gây thiệt hại vật chất lớn cho các xí nghiệp Nga tham gia hợp đồng. Rõ ràng là bằng cách đó, Bắc Kinh muốn moi công nghệ máy bay tiêm kích thế hệ 5. Điều lạ là Moskva hiện vẫn đủ tính thực tiễn để không làm việc đó. Trong khi đó, TQ đã bắt đầu sản xuất máy bay tiêm kíchь J-11В, mà thực chất là biến thể đơn giản của J-11 và sẽ dùng để xuất khẩu. Như vậy, Bắc Kinh đã cho Moskva lãnh đủ, điều vốn là chuyện thường ngày đối với “đối tác chiến lược” TQ của Nga.

Một máy bay tiêm kích hiện đại khác là J-10, được chế tạo dựa trên thiết kế máy bay Lavi của Israel (do sức ép của Mỹ, máy bay này không được đưa vào trang bị của chính Israel), nhưng có sử dụng nhiều công nghệ Nga (radar Zhuk, động cơ AL-31F, vũ khí). Hiện TQ có tới 70 chiếc J-10, song dự kiến sẽ sản xuất đến 300 chiếc. Số giờ bay trung bình của phi công máy bay tiêm kích hiện đại là 200 giờ/năm, gần như tương đương với Mỹ, và nhiều gấp 4-5 lần so với Nga. Trong khi về số lượng, không quân TQ vượt trội không quân kể cả về các loại máy bay hiện đại. Nga có gần 200 Su-27, trong đó không dưới ½ đã hết dự trữ công tác, cũng như gần 300 MiG-29 (J-10 của TQ có thể coi là tương đương MiG-29), trong đó không quá 100 có thể bay.

Không quân TQ còn sở hữu một số lượng lớn các máy bay tiêm kích lạc hậu. Loại máy bay có số lượng đông nhất một thời gian dài là J-6, sao chép MiG-19 (Trong Không quân Liên Xô, MiG-19 là loại quá lạc hậu và bị loại khỏi trang bị từ những năm 1970, trong không quân mới đây còn có đến 3000 J-6, hiện nay còn 300-800 chiếc. Họ có không dưới 700 J-7 (sao chép MiG-21) với một số biến thể. Cuối cùng, trong trang bị của không quân TQ hiện có 180-250 chiếc J-8 (có một số biến thể). J-8 không có loại máy bay Liên Xô tương đương, mặc dù được chế tạo dưới ảnh hưởng của công nghệ Liên Xô.

Tất cả các máy bay kể trên đều không đáp ứng yêu cầu hiện đại, tuy nhiên có khả năng tạo ra hiệu ứng số đông để bảo đảm cho các máy bay hiện đại hoạt động hiệu quả.

Điều thú vị là trong không quân TQ (giống như không quân Mỹ) cũng có 1 phi đội “Quân xâm lược” được biên chế các phi công dày dạn nhất trên các máy bay tiêm kích Su-27. Chúng mô phỏng các hoạt động của không quân Nga và Đài Loan, tức là các kẻ thù tiềm tàng chủ yếu của TQ. Phi công các đơn vị khác của không quân TQ tham gia vào các trận không chiến huấn luyện với “quân xâm lược” để nâng cao trình độ và nghiên cứu chiến thuật của các kẻ thù tương lai.

Các máy bay tiêm kích TQ được trang bị một số lượng lớn tên lửa không-đối-không hiện đại. Nga đã cung cấp cho TQ đến 3000 tên lửa R-27, hơn 3200 R-73. TQ cũng đã chế tạo tên lửa PL-9 dựa trên Python-3 của Israel (còn được sử dụng làm tên lửa phòng không trong phòng không lục quân), PL-11 trên cơ sở Aspide-1A của Italia.

Không quân trinh sát gồm 100 JZ-6, 40 НZ-5 (chế tạo dựa trên J-6 và Н-5), 15 YZ-7 và YZ-8 (chế tạo dựa trên các máy bay vận tải Y-7 và Y-8), 5 Learjet-35, 8 An-30, 3 Tu-154R. Mới đây, họ đã đưa vào trang bị 6 hoặc 7 máy bay chỉ huy/báo động sớm КJ-200 (dựa trên Y-8) và KJ-2000 (dựa trên Il-76).

Không quân vận tải gồm 300 Y-5 (sao chép An-2), 100 Y-7 (An-24), đến 70 Y-8 (An-12), 15 Y-11 và 8 Y-12 (là các máy bay vận tải hạng nhẹ do TQ chế tạo), 19 Tu-154, 20 Il-76, 6 Boeing 737. Hiện tại, khả năng đổ bộ và không vận binh lính còn khá hạn chế.

Phần lớn trực thăng được biên chế vào không quân lục quân, trong không quân chỉ còn lại 100 Z-5 (sao chép Mi-4), 100 Z-9 (sao chép АS-365 của Pháp), 40 Mi-8, 6 АS-332 của Pháp.

Nhờ vũ khí trang bị do Nga cung cấp, trong những năm gần đây, khả năng của phòng không mặt đất của TQ tăng rất mạnh. Đó là nhờ các hệ thống tên lửa S-300. Hiện nay, TQ có 1 trung đoàn (2 tiểu đoàn) S-300PMU, 2 trung đoàn (mỗi trung đoàn có 4 tiểu đoàn) S-300PMU-1, cũng như 16 tiểu đoàn S-300PMU-2. Giống như với Su-27, TQ đã sao chép S-300 và bắt đầu sản xuất không giấy phép hệ thống tên lửa này với tên gọi НQ-9 và mời chào xuất khẩu.

Ngoài ra, phòng không TQ còn được trang bị tới 600 bệ phóng hệ thống tên lửa phòng không HQ-2 (sao chép hệ thống tên lửa phòng không cũ S-75 của Liên Xô), đến 16000 pháo phòng không.

Bộ đội đổ bộ đường không TQ được biên chế vào không quân. Hiện tại, lực lượng này chỉ có 1 quân đoàn đổ bộ đường không duy nhất số 15. Quân đoàn này đóng trên địa bàn đại quân khu Bắc Kinh và bao gồm 3 sư đoàn đổ bộ đường không (số 43, 44, 45). Một sư đoàn gồm 4 trung đoàn (3 trung đoàn dù và 1 trung đoàn pháo). Tổng quân số bộ đội đổ bộ đường không TQ là 24000-30000 quân. Mỗi lính đổ bộ đường không, từ tư lệnh quân đoàn cho đến binh sĩ các đơn vị bảo đảm và hậu cần, đều phải nhảy dù từ một số loại máy bay xuống các địa hình khác nhau. Điểm yếu của bộ đội đổ bộ đường không TQ là máy bay vận tải đổ bộ và trực thăng có số lượng ít nên hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của bộ đội.

  • Nguồn: Aleksandr Khramchikhin / Chaskor, 17.3.2009.

Print Print E-mail Print