Vietnamdefence.com

 

Các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động - vũ khí đánh trả hạt nhân chủ yếu của Trung Quốc

VietnamDefence - Lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt chú trọng duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và phát triển Lực lượng pháo binh 2 (tên lửa chiến lược).

Tên lửa hạt nhân được coi là phương tiện chính để kiềm chế chiến lược (hạt nhân) đối với các địch thủ tiềm tàng và bảo đảm an ninh quốc gia.

Sách trắng quốc phòng Trung Quốc (TQ) 2008 nêu rõ, “trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống TQ, bộ đội tên lửa chiến lược có khả năng giáng đòn đánh trả tên lửa hạt nhân vào đối phương một cách độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng khác của bộ ba vũ khí hạt nhân”. Lãnh đạo TQ không nói đến khả năng đánh đòn tên lửa hạt nhân phòng ngừa hoặc đối kháng bởi vì Bắc kinh không có hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa quy mô lớn, và lực lượng tên lửa chiến lược hiện nay không có đủ khả năng sẵn sàng kỹ thuật để phóng tên lửa tức thì.

DF-31A

Vì thế, lãnh đạo TQ thường tuyên bố tuân thủ nguyên tắc “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên” và hướng xây dựng Lực lượng Pháo binh 2 (LLPB2) ưu tiên là duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và phát triển các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động chủ yếu dùng để đánh trả bằng tên lửa hạt nhân vào các mục tiêu của đối phương tiềm tàng.

Hiện trạng và khả năng chiến đấu của các hệ thống tên lửa cơ động

Trong biên chế chiến đấu của LLPB2 TQ hiện có: 6 căn cứ tên lửa; 21 lữ đoàn tên lửa; gần 230 bệ phóng sẵn sàng chiến đấu, trong đó:

  • Các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động mặt đất với các tên lửa DF-31 (Dongfeng-31, hay Đông Phong 31) có 6 bệ phóng (3%) и DF-31A - 6 bệ phóng (3%);
  • Các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất với các tên lửa đường đạn tầm trung DF-21 - 36 bệ phóng  (15%), DF-21A - 35 bệ phóng (15%);
  • Các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất với các tên lửa chiến thuật-chiến dịch (phương Tây gọi là tên lửa đường đạn tầm ngắn) DF-15 - 14 bệ phóng (6%), DF-15A - 34 bệ phóng (15%) và DF-11A - 48 bệ phóng (20%).

Như vậy, gần ½ LLPB2 là các hệ thống tên lửa đường đạn cơ động. Bộ tư lệnh LLPB2 thường xuyên chú ý duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lữ đoàn tên lửa được trang bị các hệ thống tên lửa này, trước hết thông qua việc tiến hành các khoa mục huấn luyện.

Năm 2008, trong các cuộc diễn tập chiến thuật-chiến dịch với các hệ thống tên lửa đường đạn tầm trung cơ động DF-21 và tên lửa chiến thuật-chiến dịch DF-15/DF-11А, LLPB2 đã thao dượt các khoa mục báo động các đơn vị tên lửa theo tín hiệu báo động huấn luyện chiến đấu và triển khai tới các trận địa huấn luyện dã chiến, hành quân khi thay đổi trận địa, chuẩn bị và thực hành các cuộc tấn công tên lửa giả định theo cụm hay đơn lẻ, đối phó với vũ khí xác cao của đối phương, tổ chức hiệp đồng với các đơn vị lục, hải, không quân.

Các lữ tên lửa trang bị hệ thống tên lửa xuyên lục địa cơ động DF-31, DF-31А thì tập luyện các khoa mục nâng cấp sẵn sàng chiến đấu, phân tán và cơ động, bảo đảm khả năng sống còn và bảo mật hoạt động, khắc phục hậu quả sử dụng vũ khí hủy diệt lớn của đối phương, khôi phục sức chiến đấu, chuẩn bị và thực hành các đòn phản kích tên lửa hạt nhân giả định.

Từ kết quả các cuộc diễn tập và kinh nghiệm đối đầu tên lửa hạt nhân Xô-Mỹ, lãnh đạo TQ cho rằng, các hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa cơ động DF-31, DF-31А khi triển khai ở các trận địa dã chiến có độ bí mật trong tác chiến, sức sống còn cao và sẽ có khả năng gây cho đối phương tiềm tàng tổn thất không thể chấp nhận trong các hành động trả đũa. 


 
 
 

Từ trên xuống dưới: DF-21B, DF-15B, DF-11A


Tính năng kỹ-chiến thuật của DF-31 / DF-31А

Tầm tối đa, km: 8000 / 12300

Kích thước tên lửa, chiều dài  x đường kính, m: 13,0 x 2,25 / 18,4 x 2,25

Trọng lượng phóng, tấn: 42,0 / 47,2

Kiểu phần chiến đấu x đương lượng nổ: Đơn khối x 1 MT

Tải trọng hữu ích, kg: 1050-1750

Sai lệch tối đa, m: 300-500

Hệ dẫn: Quán tính

Số tầng: 3 (động cơ tên lửa nhiên liệu rắn).

(Theo sách tra cứu Jane’s 2008)

DF-31A


Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa cơ động DF-31, DF-31А có thể tiêu diệt các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, Nga và các nước khác trong tầm với của tên lửa.

Kết quả phân tích các tư liệu cho thấy rằng, trong thời bình, các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất được bố trí trong các hang và đường hầm tại vị trí đóng quân thường xuyên.

Khi quân đội TQ chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất được triển khai đến các trận địa dã chiến được lựa chọn và chuẩn bị trước về mặt công trình và trắc địa mà số lượng hạn chế từ 4-6.

Tên lửa đặt trong thùng chứa được vận chuyển trên xe kéo và thực chất là contenơ kiêm bệ phóng. Tốc độ di chuyển tối đa là đến 60 km/h. Theo các chuyên gia, các contenơ kiêm bệ phóng không có các khí tài của hệ thống ngắm-đạo hàng và kiểm soát ổn định hướng. Việc ngắm bắn tên lửa được thực hiện sau khi tên lửa được dựng thẳng đứng, đây là yếu tố gây bộc lộ. Người ta phỏng đoán, tên lửa được phóng lên nhờ bộ tích khí áp, sau đó động cơ tên lửa tầng 1 khởi động ở độ cao gần 25 m.

Nhìn chung, hệ thống tên lửa đòi hỏi thời gian dài để chuẩn bị hành quân và đưa vào sẵn sàng chiến đấu tại trận địa dã chiến.

LLPB2 không có khả năng chuẩn bị và thực hành phóng tên lửa từ các tuyến đường và các trận địa dã chiến không chuẩn bị trước.

Hệ thống tên lửa cơ động mặt đất này cũng được trang bị các xe điều khiển, thông tin và bảo đảm và chúng cũng có khả năng gây bộc lộ đội hình hành quân và đội hình chiến đấu.

Hệ thống điều khiển chiến đấu tên lửa hạt nhân tự động hóa chưa được hoàn thiện nên không bảo đảm chắc chắn việc chuyển các mệnh lệnh (tín hiệu) phóng tên lửa trong điều kiện địa hình rừng núi.

Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, các phương tiện do thám vũ trụ của Nga và Mỹ phát hiện và nhận dạng được các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất kiểu này nên lãnh đạo TQ đặc biệt lo ngại.

Các hệ thống tên lửa cơ động tương lai

Theo các nguồn tin nước ngoài, tổ hợp công nghiệp quốc phòng TQ đang ráo riết hoàn thiện tính năng chiến-kỹ thuật của các tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31, DF-31А, cải tạo thích ứng các tên lửa này với các khung gầm xe nhiều trục và toa xe đường sắt.

Trong niên giám SIPRI in ở Nga năm 2006 (tr.655) có nêu: “TQ tiếp tục hoàn thiện tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31 triển khai trên đường sắt. Công việc này có thể dựa trên công nghệ của hệ thống tên lửa triển khai trên đường sắt BZhRK của Liên Xô. Nguồn cung cấp công nghệ được cho là Ucraina, nơi từng sản xuất tên lửa SS-24”.

Báo cáo của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS Report, tháng 8.2006) về các vấn đề xây dựng và phát triển lực lượng vũ khí tiến công chiến lược ở các quốc gia hạt nhân nhấn mạnh: “TQ đang phát triển một hệ thống tên lửa triển khai trên mặt đất hoặc đường sắt mới với các tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31 và DF-31A”.

Tạp chí có uy tín Jane’s (№48, 2008) đưa tin: “Lãnh đạo chính trị-quân sự TQ đang phát triển một hệ thống tên lửa cơ động mặt đất với  tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31, DF-31А, còn trong tương lai là với tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-41 có áp dụng các giải pháp thiết kế-công nghệ từng được sử dụng chế tạo các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và triển khai trên đường sắt của Nga”.

Các xu hướng hiện đại hóa chính các tên lửa là trang bị cho chúng loại phần chiến đấu mang nhiều (3-5) đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV) với đương lượng nổ 20, 90 và 150 kT. Để làm việc đó, TQ đang cải tiến tầng tách đầu đạn và hệ thống điều khiển tên lửa có chế độ hiệu chỉnh thiên văn.

Có tin nói rằng, từ năm 2001, TQ tiến hành thử nghiệm hệ thống tên lửa cơ động mặt đất sử dụng khung gầm 6 trục MAZ-547V có trọng tải gần 50 trấn, với động cơ diesel V58-7-MS công suất 533 kW, kích thước (16,5 х 3,0 х 3,1 m), tốc độ di chuyển 40-45 km/h. TQ đang dùng các khung gầm nhiều trục do Belarus cung cấp cho nhu cầu kinh tế quốc dân TQ làm mẫu cơ sở.

Từ năm 2006, TQ  đã thử nghiệm khung gầm 8 trục chở contenơ kéo dài mà dự đoán là chứa tên lửa DF-31A. Ngoài ra, TQ cũng dự định triển khai tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31, DF-31А trên toa xe đường sắt chế tạo theo các giải pháp thiết kế-công nghệ và diện mạo kỹ thuật của các hệ thống tên lửa triển khai trên đường sắt BZhRK của Nga đã bị thủ tiêu theo Hiệp ước START.

Người ta đã phát hiện thành phần thiết kế của hệ thống tên lửa triển khai trên đường sắt giai đoạn 1 của TQ gồm: các module phóng trên đường sắt, các toa xe điều khiển chiến đấu và bảo đảm. Thời gian chuẩn bị phóng tên lửa là 10-15 phút. Tuy vậy, các thông tin này cần có sự khẳng định (tham khao thêm bài báo của D. Richardson trên tạp chí Jane’s Defence, 6.2008).

Vào đầu thập niên 1990, TQ đã tiến hành nghiên cứu và đã tích lũy được vốn liếng KHKT nhất định về loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa mới DF-41. Theo các chuyên gia nước ngoài, tên lửa sẽ được trang bị hệ thống các phương tiện đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương tiềm tàng. Tên lửa này triển khai theo phương án cơ động mặt đất hoặc trên đường sắt.

Tính năng kỹ-chiến thuật của DF-41

Tầm tối đa, km: 12000-14000

Kích thước tên lửa, chiều dài  x đường kính, m: 21,0 x 2,25

Trọng lượng phóng, tấn: 80

Kiểu phần chiến đấu x đương lượng nổ: Đơn khối hoặc MIRV

Đương lượng nổ của đầu đạn: 1 MT (đơn khối) hoặc 20, 90, 150 kT

Tải trọng hữu ích, kg: 2500

Sai lệch tối đa, m: 100-500

Hệ dẫn: Quán tính có hiệu chỉnh thiên văn

Số tầng: 3 (động cơ tên lửa nhiên liệu rắn).
(Theo sách tra cứu Jane’s 2008)

Đồng thời, LLPB2 TQ cũng đang nghiên cứu, xây dựng các hình thức và phươngh pháp mới sử dụng chiến đấu các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động. Vấn đề chủ yếu là bảo đảm khả năng phân tán kịp thời trên một vùng lãnh thổ rộng lớn và tiến hành cơ động thay đổi trận địa dã chiến.

Xét tới đặc điểm cụ thể của TQ, họ áp dụng sáng tạo các nguyên tắc bảo đảm sự sống còn, bí mật và độc lập tác chiến đã được áp dụng ở Liên Xô (Liên bang Nga) khi chế tạo các hệ thống tên lửa cơ động Pioner, Pioner-UTTKh, Topol, Topol-М và BZhRK.

Khi xây dựng (điều chỉnh) các yêu cầu chiến-kỹ thuật và đánh giá thời gian phân tán các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất tương lai trang bị tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31, DF-31А, DF-41, trước hết người ta tính đến khả năng Hải quân Mỹ thực hiện các đòn tấn công chính xác cao bằng tên lửa đường đạn Trident-2 phóng từ các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio và tên lửa hành trình Tomahawk Block IV phóng từ các tàu ngầm hạt nhân.

Kết quả mô hình hóa cho thấy, khi các tàu ngầm tuần tra chiến đấu cách các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất 2500-4000 km thì thời gian bay đến mục tiêu của các tên lửa này là đến 16 phút, tức là cho phép tiêu diệt các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất của TQ khi chúng vẫn còn tại vị trí đóng quân thường xuyên và các trận địa dã chiến phát hiện được.

Trong khi đó các chuyên gia TQ cho rằng, điều kiện chính để bảo đảm khả năng sống còn và bí mật cho các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất là triển khai và ngụy trang chúng tại các trận địa dã chiến, còn việc cơ động thay đổi trận địa dã chiến được coi là một trong số các yếu tố gây bộc lộ cơ bản.

Các giải pháp thiết kế-công nghệ được nghiên cứu, xây dựng có tính đến sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện do thám vũ trụ của Mỹ và Liên bang Nga dùng để phát hiện, nhận dạng và bám các hệ thống tên lửa cơ động. Trên cơ sở mô hình hóa các trò chơi dạng “hệ thống tên lửa cơ động - radar vũ trụ của Mỹ”, người ta đánh giá hiệu quả của các phương tiện do thám vũ trụ của đối phương tiềm tàng và các biện pháp đối phó.

TQ cũng đang xây dựng một tổ hợp các biện pháp chiến dịch và tổ chức-kỹ thuật ngụy trang nhằm bảo đảm việc bí mật phân tán và tạo yếu tố không rõ ràng trong việc bố trí các đội hình chiến đấu. Trong số đó có các biện pháp: triển khai các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trong các đường hầm và hang động; xây dựng các mục tiêu tỉa, các bộ tạo giả tổ hợp ở dải sóng quang học, hồng ngoại, radar và vô tuyến điện; sử dụng các lưới ngụy trang đa phổ; lựa chọn các tuyến đường phân tán và cơ động giữa các ngọn đồi, ở địa hình rừng núi và nơi thưa dân cư; lựa chọn mạng lưới đường được che phủ hoàn toàn bởi tán cây và có tính đén góc khóa quan sát của các khí tài vũ trụ của đối phương tiềm tàng; trồng cây một phần trên các tuyến đường di chuyển; tiến hành cơ động lúc trời tối và tầm nhìn kém; chỉ huy ở chế độ im lặng vô tuyến hoàn toàn. (Tham khải thêm tài liệu “Li Bin. Theo dõi các tên lửa chiến lược cơ động của TQ” đăng trên tạp chí Science and Global Security, Volume 15, pp.1-30).

Giới lãnh đạo quân sự TQ cho rằng, tính bất định trong bố trí các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trên địa hình đòi hỏi phải lập kế hoạch tiêu diệt chúng như một mục tiêu diện và dùng số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều hơn. Yếu tố đó được coi là có lợi cho TQ, bởi lẽ biên chế chiến đấu của lực lượng tiến công hạt nhân chiến lược của Liên bang Nga và Mỹ đang có xu hướng cắt giảm theo các cam kết về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược. Trong khi đó, TQ không định tham gia vào Hiệp ước INF thủ tiêu tên lửa đường đạn tầm trung hiện hành.

Các chuyên gia quân sự TQ còn tính đến các mặt sơ hở của các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất: có nhiều dấu hiệu gây bộc lộ; các bộ phận chiến đấu dễ bị tổn thương trước các đòn tấn công đường không và trên bộ của đối phương; thời gian phân tán và cơ động phụ thuộc vào điều kiện thời tiết theo mùa và khả năng đi lại của địa hình; cần phải tính đến các tiêu chuẩn đường sá của TQ và việc chuẩn bị trước các trận địa dã chiến; phải gia cường các công trình đường sá, cầu cống; phức tạp trong thực hiện các yêu cầu ngụy trang vô tuyến điện.

Kết luận

Giới lãnh đạo chính trị-quân sự TQ khẳng định rằng, các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động là phương tiện kiềm chế hạt nhân chính đối với các đối phương tiềm tàng và gây cho đối phương tổn thất không thể chấp nhận.

Khi chế tạo các hệ thống này, TQ học tập các giải pháp thiết kế-công nghệ độc đáo được áp dụng cho các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động của Nga.

TQ đang tăng cường hợp tác với Belarus trong lĩnh vực liên quan đến việc cung cấp và sửa chữa các khung gầm nhiều trục. TQ đã thành lập một liên doanh với Nhà máy Xe kéo bánh lốp Minsk (MZKT) chuyên sản xuất bộ phận quan trọng và phức tạp nhất của khung gầm là bộ truyền động thủy khí.

TQ đang tiến hành tổ hợp các biện pháp ngụy trang chiến lược và chiến dịch thông qua việc phổ biến các tư liệu và ảnh đánh lạc hướng về hình dáng bên ngoài diện mạo kỹ thuật của các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và triển khai trên đường sắt của TQ, thời gian nhận chúng vào trang bị, việc tăng cường số lượng, chủng loại trang bị chiến đấu, đặc tính chiến-kỹ thuật, kết quả các cuộc thử nghiệm ở trường thử, các lần bắn huấn luyện và bắn thử nghiệm tên lửa, biên chế và kết cấu khu vực trận địa, các yêu cầu đối với các tuyến đường di chuyển và các trận địa dã chiến...

Cần đánh giá cao giới lãnh đạo chính trị-quân sự TQ vì họ đặc biệt chú trọng tới các vấn đề bảo vệ bí mật quốc gia trong lĩnh vực đường lối hạt nhân của nhà nước, sử dụng chiến đấu và xây dựng LLPB2. Chỉ có một số lượng hạn chế các tư liệu được đăng tải, tính hình tượng và khác thường trong thể hiện các quan điểm chính thức, tính nhỏ giọt và đặc thù trong việc cung cấp thông tin. Các nhà phân tích Nga và Mỹ cũng thừa nhận sự phức tạp trong việc dịch và hiểu tương ứng chữ viết tiếng Trung.

Giới lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ cho rằng, việc phát triển và triển khai các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và triển khai trên đường sắt ở TQ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ và có tính đến loại vũ khí tiến công chiến lược này trong các văn kiện khái niệm của mình. Ví dụ, trong chiến lược hạt nhân của Mỹ có nêu: “Bộ Quốc phòng (Mỹ) đang thực hiện cách tiếp cận có tính hệ thống bảo đảm tiêu diệt các mục tiêu cố định và cơ động quan trọng nhất bằng các phương tiện có tầm bắn khác nhau, trong mọi điều kiện thời tiết và ở mọi khu vực địa lý, kể cả những vùng quân Mỹ không thể tiếp cận.

Một trong những khó khăn lớn là định vị chính xác các mục tiêu cơ động ở thời gian thực”. Theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, để tổ chức tác chiến chống các hệ thống tên lửa cơ động của LLPB2 TQ cần phải có những chi phí lớn để tăng cường các phương tiện vũ trụ và xây dựng (hiện đại hóa) các công trình hạ tầng mật đất. Ngoài ra, cần phải hoàn thiện các thuật toán phát hiện, nhận dạng, tính toán thông tin chỉ thị mục tiêu, truyền và nạp vào những thông tin đó vào các hệ thống điều khiển các phương tiện tiến công.

Để tiêu diệt các hệ thống tên lửa cơ động của TQ, Mỹ dự định sử dụng tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm Trident-2 và tên lửa hành trình phóng từ biển Tomahawk Block IV được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa hành trình (mỗi tàu mang được đến 154 tên lửa).

Các nỗ lực tình báo của Mỹ nhằm vào LLPB2 TQ chủ yếu là nhằm đánh giá tình trạng công tác thiết kế-thử nghiệm nhằm chế tạo các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất tương lai, thời gian và vị trí có thể triển khai chúng, khả năng sẵn sàng thực hiện các cuộc tiến công bằng tên lửa hạt nhân vào các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ trong các tình huống khác nhau.

Xét đến triển vọng phát triển tiềm năng tên lửa hạt nhân của TQ, Mỹ đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu Mỹ và hợp tác với Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường. Họ cũng dự tính tăng cường lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn và tàu ngầm hạt nhân đa năng tại Thái Bình Dương.

Liên bang Nga chưa đánh giá đúng mức mối đe dọa của tên lửa hạt nhân TQ. Đa số các mục tiêu thuộc tiềm lực kinh tế-quân sự và các lực lượng quân đội ở khu vực phía Đông nước Nga nằm trong tầm bắn của các tên lửa đường đạn xuyên lục địa, tên lửa đường đạn tầm trung và tên lửa chiến thuật-chiến dịch của TQ. Hệ thống kiềm chế hạt nhân khu vực đòi hỏi sự hoàn thiện bởi lẽ các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trang bị tên lửa tầm trung Pioner và Pioner-UTTKh đã bị thủ tiêu theo Hiệp ước INF.

Tương quan lực lượng và vũ khí thông thường không có lợi cho các lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Việc nhiều nhà lãnh đạo các cơ quan chỉ huy lực lượng hạt nhân của quân đội Liên bang Nga, khác với các đồng nghiệp TQ, trong các loại họp báo, thông tin, giới thiệu và phát biểu trên báo chí thường kể lể cho khắp thế giới về tính năng kỹ-chiến thuật và khả năng chiến đấu của các loại vũ khí tiến công chiến lược hiện có và tương lai của Nga vốn là thông tin mật cũng đáng quan ngại.

Theo đánh giá của các chuyên gia Nga và nước ngoài về lĩnh vực lực lượng hạt nhân chiến lược, tổ hợp công nghiệp quốc phòng TQ, nhờ có tốc độ phát triển cao của nền kinh tế, của ngành chế tạo ô tô hạng nặng và chế tạo máy đường sắt, của hạ tầng đường sắt và nguồn đầu tư lớn vào các lĩnh vực công nghiệp then chốt, có khả năng chế tạo các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và triển khai trên đường sắt hiện đại trong tương lai gần.

Nguồn: Dựa vào đòn đánh trả. Các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động của Trung Quốc / Midykhat Petrovich Vildanov, Thiếu tướng, GS Học viện KHQS, PTS KHQS, Chuyên gia quân sự công huân Liên bang Nga; Aleksandr Ivanovich Anufriev, Đại tá, cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Khoa học Bộ Quốc phòng Liên bang Nga // OBORONA.-12.2009.

Print Print E-mail Print