Vietnamdefence.com

 

Vũ khí chiến lược của người nghèo

VietnamDefence - Các tên lửa chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật đang trở nên ngày càng phổ biến trên thế giới.
Các tên lửa đường đạn chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật là các hệ thống vũ khí khá đơn giản và tương đối rẻ tiền. Đôi khi, chúng được xem xét như một thứ “vũ khí chiến lược của người nghèo”.


Hệ thống tên lửa Iskander của Nga được trang bị cả tên lửa đường đan và tên lửa hành trình 
Rẻ hơn máy bay, song khó bị tổn thương hơn

Khác với một máy bay chiến đấu, tên lửa chiến thuật và tên lửa chiến dịch-chiến thuật là những vũ khí sử dụng một lần. Nhưng một tên lửa này rẻ hơn nhiều lần một máy bay, song đồng thời lại khó bị tổn thương hơn nhiều trước các phương tiện phòng không. Vì thế, nó có nhiều cơ hội hơn đưa đầu đạn đến mục tiêu, sự tổn thất của tên lửa được định sẵn vào thời điểm phóng. Sự tổn thất của máy bay, hơn nữa là cùng với phi công là vấn đề rất đau đầu ngay cả đối với những quân đội hùng mạnh nhất. Ngoài ra, các tên lửa hoàn toàn không phụ thuộc vào thời tiết và không đòi hỏi phải có các sân bay. Nhược điểm lớn nhất của những tên lửa này là độ chính xác thấp. Ngoài ra, tầm bắn của chúng thường nhỏ hơn so với máy bay.

Thời chiến tranh lạnh, phổ biến nhất là tên lửa đường đạn chiến dịch R-17 của Nga, nổi tiếng hơn với cái tên do phương Tây đặt là Scud. Nó được xuất khẩu rộng rãi và được nước ngoài sao chép và sử dụng cũng rất rộng rãi trong các cuộc chiến tranh. Việc này được thực hiện tích cực nhất trong chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). Trong cả cuộc chiến, Iran đã phóng vào lãnh thổ Iraq 455 tên lửa đường đạn, Iraq đã đáp trả bằng 428 tên lửa. Do tên lửa có độ chính xác thấp, các cuộc tấn công tên lửa được thực hiện trước hết nhằm vào các thành phố lớn (vì khó bắn trượt một thành phố) nên những cuộc tấn công tên lửa lẫn nhau với đỉnh điểm là năm 1985 đã được gọi là “cuộc chiến tranh giữa các thành phố”. Trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1991), các cuộc tấn công bằng R-17 vào Saudi Arabia (46 quả tên lửa) và Israel (42 tên lửa) có thể coi là hành động tích cực gần như duy nhất của quân đội Iraq.

Các cuộc tấn công nhằm vào Israel được thực hiện với mục đích lôi kéo nước này vào cuộc chiến và bằng cách đó buộc các nước Arab phải thay đổi lập trường của mình, những quốc gia Arab này đều chống Iraq, ngoại trừ Jordanie và Yemen. Ở Israel, một người đã thiệt mạng, còn mấy người khác chết vì đau tim. Ở thành phố Dahran của Saudi Arabia, một quả R-17 đã bắn trùng vào một doanh trại, giết chết 28 lính Vệ binh quốc gia Mỹ. 

Cuộc săn lùng các bệ phóng tên lửa Scud cơ động của không quân Mỹ và đặc nhiệm Anh không có hiệu quả. Hành động đối phó của hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ chống các tên lửa R-17 được phóng đi cũng không hiệu quả. Mặc dù các quan chức Mỹ và Israel nói rằng, hệ thống Patriot có hiệu quả rất cao, bắn hạ gần như tất cả các tên lửa Scud, nhưng các nhà khoa học của Mỹ và Israel đã thừa nhận rằng, hiệu quả của Patriot là không quá 10%. Ngay cả khi đạn tên lửa phòng không Patriot nổ gần cũng không phá hủy được đạn R-17 mà chỉ làm nó lệch đường bay một chút, điều cũng chẳng có gì quan trọng bởi các tên lửa R-17 vốn cũng đã có độ chính xác thấp.

Đối với bản thân Liên Xô, R-17 từ lâu đã lạc hậu không thể cứu vãn, các tên lửa R-12 và R-14 mạnh hơn đã bị phá hủy theo Hiệp ước thủ tiêu tên lửa đường đạn tầm trung, tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật tối tân nhất R-23 Oka cũng chịu chung số phận, mặc dù tầm bắn của R-23 nhỏ hơn tầm bắn quy định bởi hiệp ước là 500 km (đích thân Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã đưa ra quyết định cực kỳ đáng kinh ngạc này). 

Kết quả là Liên Xô, sau đó là Nga chỉ còn trong tay các tên lửa chiến thuật Tochka với tầm bắn 15-70 km (Biến thể Tochka-U có tầm bắn đến 120 km). Tên lửa này cũng đã được xuất khẩu. Trong cuộc nội chiến hiện nay ở Yemen, các tên lửa Tochka của quân đội Yemen đã lọt vào tay quân nổi dậy Houthi. Chúng đã trở thành vũ khí cực kỳ hiệu quả chống lại quân Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đến nỗi quân nổi dậy Houthi đã sáng tác một bài hát hùng tráng về các tên lửa này mà ta có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet.

Thay thế cho Tochka

Tuy vậy, ngay cả tên lửa đưa vào trang bị năm 1989 là Tochka-U cũng đã lạc hậu đối với Nga. Hiện giờ, quân đội Nga chỉ còn trong biên chế 1 lữ đoàn tên lửa Tochka-U của Lục quân Nga là Lữ đoàn 448 của Quân khu miền Tây (địa điểm đóng quân là thành phố Kursk). Lữ đoàn này có 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn biên chế 2 đại đội, mỗi đại đội có 2 xe bệ phóng và các xe tải tiếp đạn. Tức là lữ đoàn 448 có 
tổng cộng 12 xe bệ phóng và 12 xe tải tiếp đạn.

Từ năm 2010, hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander đã bắt đầu được trang bị cho các lữ đoàn tên lửa của Lục quân Nga để thay thế cho Tochka-U. Nếu như Tochka chỉ có thể sử dụng tên lửa đường đạn thì Iskander có thể phóng cả tên lửa hành trình. Tầm bắn của cả hai loại tên lửa này được công bố là 480 km (tức là không vượt quá quy định của Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung) mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng, ít nhất là đối với tên lửa hành trình trang bị cho Iskander, tầm bắn có thể đạt 2.000 km. Độ chính xác của cả loại tên lửa của Iskander đạt vài mét. Nhờ có tốc độ cao (hơn 2 km/s đối với tên lửa đường đạn) và khả năng cơ động cao, các tên lửa của hệ thống Iskander gần như không thể bị tổn thương trước vũ khí phòng thủ tên lửa của đối phương. 

Iskander không nhằm đến mục tiêu thay thế không quân, nó chỉ dùng để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hành động của không quân vì các mục tiêu chính của Iskander sẽ là các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của đối phương. Các mục tiêu cực kỳ quan trọng khác sẽ là các sở chỉ huy và đầu mối thông tin, các trận địa pháo và kho đạn dược của kẻ thù.

Xe bệ phóng và xe tải tiếp đạn của Iskander chở mỗi xe 2 tên lửa (của Tochka chỉ chở 1 tên lửa), tổ chức biên chế của một lữ đoàn Iskander giống như lữ đoàn Tochka.

Trong quân đội Nga, được trang bị lại đầu tiên bằng Iskander là Lữ đoàn tên lửa 26 của Quân khu miền Tây (đóng ở thành phố Luga, tỉnh Leningrad). Ngoài ra, Lữ đoàn tên lửa 112 (đóng ở thị trấn Shuya, tỉnh Ivanovo) và Lữ đoàn tên lửa 152 (đóng ở thành phố Chernyakhovsk, tỉnh Kaliningrad) của Quân khu miền Tây cũng đã được trang bị Iskander. Ở các quân khu còn lại, tất cả các lữ đoàn tên lửa đã được trang bị lại bằng Iskander. 

Tại Quân khu miền Nam, đó là Lữ đoàn tên lửa 1 (làng Molkino, Krasnodarsky krai) và Lữ đoàn tên lửa 12-я (Mozdok, Bắc Osetya). Căn cứ quân sự 102 của Nga ở Armenia và Căn cứ quân sự số 4 ở Nam Osetya mỗi căn cứ được biên chế 1 đại đội (tức là 2 xe bệ phóng và 2 xe tải tiếp đạn) của các lữ đoàn này. Ngoài ra, Armenia là nước ngoài đầu tiên đã nhận Iskander vào trang bị (nước thứ hai và hiện thời là cuối cùng là Algeria). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cái gọi là các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật của Armenia thực ra chính là các hệ thống Iskander của Nga từ Căn cứ quân sự 102 được cho Armenia thuê lại.

Trong thành phần Quân khu miền Trung có Lữ đoàn tên lửa 92 (làng Totskoie, tỉnh Orenburg) và Lữ đoàn tên lửa 119 (làng Yelansky, tỉnh Sverdlovsk). Trong Quân khu miền Đông là Lữ đoàn tên lửa 3 (làng Gorny, Zabaikalsky krai), Lữ đoàn tên lửa 20 (thành phố Spassk-Dalnyi, Primorsky krai), Lữ đoàn tên lửa 103-я (thành phố Ulan-Ude, Cộng hòa Buryatiya) và Lữ đoàn tên lửa 107 (làng Semistochnyi, gần thành phố Birobidzhan, Khu tự trị Do Thái). Như vậy, trong biên chế của Lục quân Nga hiện có tổng cộng 11 lữ đoàn tên lửa trang bị Iskander, trong đó Lữ đoàn tên lửa 12 của Quân khu miền Nam được thành lập vào năm 2015, còn Lữ đoàn tên lửa 3 của Quân khu miền Đông được thành lập vào năm 2016. Rõ ràng là Lữ đoàn tên lửa 448 sắp tới cũng sẽ nhận được Iskander. Hiện chưa rõ Nga có thành lập các lữ đoàn tên lửa Iskander mới, chẳng hạn như ở tỉnh Rostov, bán đảo Crimea, bán đảo Kola hay không.

Kho tên lửa đường đạn chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật của Mỹ và Trung Quốc

Kho tên lửa đường đạn chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật lớn nhất thế giới hiện nay dĩ nhiên là thuộc về Trung Quốc với không không dưới 2.000 tên lửa chiến dịch-chiến thuật DF-11 (Đông Phong 11, tầm bắn đến 800 km), DF-15 (tầm bắn đến 600 km), DF-16 (tầm bắn đến 1.000 km) trong biên chế Lực lượng tên lửa và Lục quân Trung Quốc. 

Trong biên chế Lục quân Mỹ có tên lửa ATACMS với tầm bắn đến 300 km sử dụng bệ phóng là hệ thống rocket phóng loạt MLRS và HIMARS (tức là mỗi hệ thống MLRS và HIMARS cũng chính là bệ phóng ATACMS). Các tên lửa này còn có trong trang bị của quân đội Bahrain, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và có thể cả Hy Lạp. Quân đội Hàn Quốc, ngoài ra, còn được trang bị các tên lửa nội địa Hyunmoo, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn được trang bị các tên lửa В-611 của Trung Quốc. 

Tên lửa chiến thuật Tochka đến nay vẫn còn trong trang bị quân đội Ukraine, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Azerbaijan, Bulgaria. Các tên lửa Tochka của Ukraine đã được sử dụng trong cuộc nội chiến hiện nay với kết quả cực thấp (tương đối hiệu quả chỉ là lần phóng Tochka vào các trận địa pháo của dân quân miền Đông). 

Trên cơ sở tên lửa R-17 của Liên Xô và các tên lửa Đông Phong của Trung Quốc, đã chế tạo nhiều loại tên lửa chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật hiện có trong trang bị  của quân đội CHDCND Triều Tiên, Pakistan, Iran, Ai Cập, Syria (Bắc Triều Tiên và Syria còn có cả tên lửa Tochka). Trong quân đội Israel và Ấn Độ có các loại tên lửa nội địa. Gần như không thể xác định chính xác số lượng tên lửa.

Đa số các nước này có số lượng tên lửa nhiều hơn Nga, nhưng chất lượng tên lửa thì còn thua xa Iskander. Ngoài ra, do tầm bắn tương đối gần và do các yếu tố chính trị, là mối đe dọa đối với Nga chỉ có các tên lửa của Trung Quốc và ở mức độ thấp hơn là các tên lửa của Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề chủ yếu là như đã nói ở trên, Iskander có “không gian” riêng của mình, trong đó chúng là vũ khí lý tưởng.

Ngoài ra, không loại trừ, mối quan tâm lớn đối với lớp vũ khí này sẽ hồi sinh ở Mỹ (người Mỹ đang bán tán rất sôi nổi về vấn đề này). Cho đến nay, người Mỹ không quá cần các loại tên lửa này vì họ định hướng vào các cuộc chiến tranh với các địch thủ yếu hơn nhiều về kỹ thuật. Để tiến hành các cuộc chiến tranh đó thì các tên lửa hành trình Tomahawk và máy bay thông thường đã là quá đủ. 

Nay thì Lầu Năm góc đột nhiên nhận thức được rằng, hoàn toàn không thể loại trừ khả năng chiến tranh với địch thủ có sức mạnh ngang bằng, đồng thời sẽ có hệ thống phòng không mạnh. Trong tình huống đó, các tên lửa Tomahawk và máy bay thông thường sẽ không quá hiệu quả. Còn các tên lửa chiến dịch và chiến dịch-chiến thuật có thể sẽ rất thích hợp để chế áp phòng không mặt đất. Do đó, trong tương lai rất gần, Iskander có thể xuất hiện đối thủ ở Mỹ. Còn Trung Quốc thì ngay hiện nay đã có sẵn.

Nguồn: Vũ khí chiến lược của người nghèo / Aleksandr Anatolievich Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự // NVO, 16.8.2018.

Print Print E-mail Print