Vietnamdefence.com

 

Sứ mệnh của Su-57 tại Syria

VietnamDefence - Nga đưa tiêm kích tối tân Su-57 sang chiến trường Syria thực hiện sứ mệnh gì ở Cận Đông>



Lực lượng không quân Nga ở Syria đã được bổ sung các tiêm kích tối tân nhất Su-57

Thông tin về việc Nga đưa 2 chiếc Su-57 sang Syria xuất hiện vào sáng sớm ngày 22/2/2018. Vài giờ sau, các bức ảnh chụp Su-57 hạ cánh tại một sân bay đã được đăng tải. Kênh Directorate 4 trên Telegram chuyên giám sát tình hình Cận Đông đưa tin rằng, ngoài Su-57, lực lượng không quân Nga ở Syria còn được tăng cường 4 tiêm kích Su-35S, 4 cường kích Su-25 và 1 máy báy chỉ huy/báo động sớm А-50.

Bộ Quốc phòng Nga không bình luận chính thức về sự xuất hiện của Su-57 tại Syria.

Theo các nguồn tin, Bộ Quốc phòng Nga sẽ có bình luận chính thức cho báo chí trong ngày 22/2/2018. Nhưng từ ngày 8/2/2018, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov đã thông báo quân đội Nga đã bắt đầu khai thác chiến đấu-thử nghiệm Su-57. “Việc thử nghiệm giai đoạn 1 đã hoàn tất”, ông Borisov nói. Khai thác chiến đấu-thử nghiệm có nghĩa là trên các tiêm kích mới sẽ nghiên cứu tập dượt chiến thuật tác chiến của chúng, tuy nhiên ở giai đoạn này, các máy bay phải được đưa đến Trung tâm huấn luyện không quân Lipetsk, nơi tiến hành việc huấn luyện chuyển loại phi công.. Tại Hmeimim đã phát hiện các nhà chứa đặc biệt mà về lý thuyết có thể bố trí đến 3 chiếc Su-57.
 

Hình ảnh các nhà chứa máy bay tại căn cứ Hmeimim (Image Sat International)

Sự xuất hiện của Su-57 trên vùng trời Syria đã được báo chí phương Tây thảo luận tưng bừng

“CẢNH BÁO quân sự của Nga: Những chiếc Su-57 của Putin đã được tháo xích”, một bài báo trên tờ The Express của Anh giật tít. 

Một số tờ báo cho rằng, việc điều Su-57 sang Syria đã diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Mỹ hành động thận trọng hơn. “Tôi một lần nữa kêu gọi các đồng nghiệp Mỹ không đùa với lửa và cân nhắc tất cả các hành động của mình, không xuất phát những nhu cầu tức thời của bối cảnh chính trị hôm nay, mà xuất phát từ những lợi ích lâu dài trước hết của nhân dân Syria và của nhân dân tất cả các nước khu vực này, tất nhiên là cả người Kurd, dù đó là Syria, Iraq hay các nước khác trong khu vực”, ông Lavrov nói.

Tờ The Drive có bài phân tích dài về sự kiện này. Tác giả nêu 2 lý do để Nga triển khai Su-57 ở Syria. Theo đó, ban lãnh đạo Nga thực hiện bước đi này là do sự cố mới đây tại khu vực mỏ dầu Conoco, khi quân chính phủ Syria với sự yểm trợ của công ty quân sự tư nhân Nga Vagner đã bị lực lượng người Kurd và Mỹ đánh bại hoặc là ý đồ phô trương sức mạnh của vũ khí Nga với các khách hàng tiềm năng. 

Điều này cũng có lý vì Nga đã sử dụng Syria như một trường thử để thử nghiệm các loại vũ khí vốn ban đầu không dùng để phá hủy các mục tiêu đơn giản của tổ chức khủng bố IS như tên lửa hành trình Kalibr mà các tàu chiến của Phân hạm đội Caspie đã phóng vào các mục tiêu khủng bố ở Syria. Ngoài ra, sự xuất hiện của 2 máy bay, dù là hiện đại nhất cũng sẽ chẳng gây ra những thay đổi căn bản về tình hình.

Trên trang mạng reddit cũng bắt đầu tích cực thảo luận vấn đề này: chủ đề Su-57 ở Syria đã thu hút hơn 100 bình luận trong vài giờ.
Máy bay Nga tại căn cứ Hmeimim, Syria

Nga và Mỹ sẽ có cơ hội nghiên cứu các máy bay chiến đấu hiện đại của nhau trong các điều kiện gần với chiến đấu thực tế

Đầu năm 2017, Mỹ đã đưa sang Syria các tiêm kích thế hệ 5 F-22 vốn cũng tàng hình trước radar như Su-57. Hồi đó, việc phái F-22 sang Syria cũng được coi là bước đi bất ngờ của chính quyền Mỹ. Lúc này thì trên bầu trời Syria sẽ có cả các máy bay tàng hình của Nga và chúng ra hy vọng là việc nghiên cứu dò xét khả năng chiến đấu của các máy bay hiện đại sẽ là thụ động và hòa bình. Tuy nhiên, Su-57 với biệt hiệu “sát thủ F-22” còn lâu mới được sản xuất loạt. Việc trang bị thực sự Su-57 cho Không quân-vũ trụ Nga sẽ bắt đầu vào năm 2018-2019, còn việc trang bị động cơ mới nhất cho tất cả các máy bay Su-57, điều sẽ cho phép coi Su-57 là tiêm kích thế hệ 5 thực sự như F-22 dự kiến được thực hiện vào năm 2023-2025.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Eric Pajon không coi các máy bay Su-57 là mối đe dọa đối với các chiến dịch quân sự của họ ở Syria. “Chúng tôi không nghĩ rằng, các tiêm kích này sẽ là mối đe dọa đối với các chiến dịch của chúng tôi ở Syria và sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch đó theo cách cần thiết”, ông Pajon nói và cho biết thêm rằng, việc triển khai các máy bay mới đi ngược lại các tuyên bố của Nga về việc cắt giảm lực lượng của mình ở Syria.

Nguồn: Lenta, 22, 23.2.2018.

Print Print E-mail Print