Vietnamdefence.com

 

Bắc Kinh thách thức Washington trên đại dương thế giới

VietnamDefence - Cuộc duyệt binh hoành tráng của hải quân Trung Quốc không chỉ là một màn trình diễn mà còn là một sự thách thức trực tiếp đối với Hải quân Mỹ.

Các sự kiện như “vụ cha con Skripal”, biên phòng Ukraine bắt giữ tàu đánh cá Nord của Nga ở biển Azov và cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ, Pháp và Anh vào các cơ sở bị cho là sản xuất vũ khí hóa học ở Syria đã đẩy xuống hàng thứ yếu và thậm chí là thứ thứ yếu một sự kiện quan trọng diễn ra vào ngày 12/4/2018 ở Biển Đông. Ở đó, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn. Sự kiện này thu hút rất ít sự chú ý không chỉ của người Nga mà của cả truyền thông nước ngoài. Và ngay cả báo chí Trung Quốc cũng dường như không thật hào hứng và tưng bừng theo truyền thống quen thuộc với người phương Đông trong những trường hợp tương tự đưa tin về sự kiện hiếm hoi này.



Hiển nhiên là có những lý do để làm thế. Một là, cuộc duyệt binh đã được “ghép” vào cuộc tập trận hải quân mà hải quân Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông. Hai là, sự kiện quy mô này không phải ngẫu nhiên được tiến hành ở Biển Đông, nơi hàng năm trung chuyển lượng hàng hóa trị giá 3.000 tỷ USD và nơi mà Mỹ đang mưu toan thiết lập trật tự của mình dưới danh nghĩa tự do hàng hải. Bằng cách tổ chức cuộc duyệt binh hải quân, Bắc Kinh đã thể hiện vị thế chủ nhân với Mỹ.

Ba là, nó cũng mang tính chất “công việc” giống như cuộc duyệt binh của lục quân và không quân Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc vào ngày 30/7/2017. Hồi đó, cuộc duyệt binh được tổ chức ở thao trường Chu Nhật Hòa ở khu tự trị Nội Mông, miền bắc Trung Quốc, tức là ở trong sa mạc và đủ xa với các thành phố lớn. Và hầu như không có công chúng và các vị khách nước ngoài, ngoại trừ ban lãnh đạo chính trị-quân sự cao nhất Trung Quốc, tại cuộc duyệt binh với sự tham gia của 12.000 quân, 571 phương tiện kỹ thuật mặt đất, 129 máy bay và trực thăng chiến đấu. Hơn 40% phương tiện kỹ thuật mặt đất được phô diễn lần đầu tiên ở Chu Nhật Hòa. Cũng ra mắt lần đầu tiên trên bầu trời Chu Nhật Hòa còn có tiêm kích J-16, được chế tạo dựa trên Su-30MKK của Nga và có các tính năng tiệm cận tiêm kích đa năng cơ động cao Su-35 của Nga, cũng như tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20.
 
Tàu khu trục tên lửa Trường Sa lớp Type 052D là kỳ hạm của cuộc duyệt binh hải quân

Các cuộc duyệt binh “công việc” này rõ ràng là những thông điệp của Bắc Kinh đối với thiên hạ là Trung Quốc với tư cách một đại cường đang dựa vào sức mạnh đang gia tăng nhanh chóng của quân đội Trung Quốc. Hành động diễu võ giương oai ở Biển Đông hoàn toàn ăn nhập với khái niệm này. Nó không được thiết kế để thu hút sự chú ý của công luận rộng rãi, nhưng tính chất của nó thật rõ ràng đối với người mà thông điệp này hướng đến.

Phát biểu trước lực lượng tham gia duyệt binh với diễn văn ngắn được truyền qua loa phóng thanh tới tất cả các hạm tàu tham gia duyệt binh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói: “Nhiệm vụ xây dựng hải quân nhân dân hùng mạnh chưa bao giờ cấp thiết như bây giờ. Chúng ta sẽ không ngừng đẩy nhanh việc hiện đại hóa hải quân và nỗ lực biến hải quân trở thành lực lượng đẳng cấp thế giới”. Như vậy, nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc đã chính thức thách thức Mỹ khi tuyên bố ý định biến hạm đội Trung Quốc trở thành hải quân vô đối, lớn nhất thế giới. Đây là một ý định rất nghiêm túc.

Trong cuộc duyệt binh hải quân tổ chức tại vùng biển gần đảo Hải Nam, nơi đặt căn cứ hải quân lớn nhất Tam Á của hải quân Trung Quốc, có sự tham gia của 48 tàu chiến tối tân, tàu ngầm và tàu bảo đảm, 76 máy bay và trực thăng triển khai trên bờ và trên hạm, cũng như khoảng 10.000 binh sĩ. Các chuyên gia quân sự đã lưu ý đến việc trong hành động phô trương sức mạnh này đã huy động gần như 1/3 biên chế chiến đấu của hải quân Trung Quốc mà hiện có khoảng 150 tàu hiện nay đã tham gia vào cuộc duyệt binh.
 
Tập Cận Bình đang theo dõi các chiến hạm di chuyển trong cuộc duyệt binh

Ở đây, cần nói thêm rằng, trong trường hợp này chỉ liên quan đến các tàu chiến và tàu hỗ trợ hoạt động viễn dương và vùng biển xa, cũng như các tàu bảo đảm cho việc triến khai chúng ở đó. Theo tin tức của tình báo Hải quân Mỹ, chỉ ba năm trước, biên chế chiến đấu của hải quân Trung Quốc có 281 tàu nối, 66 tàu ngầm và hơn 50 tàu hỗ trợ biển xa, tức là chỉ có khoảng 381 chiếc tàu các loại. Khi đó, Hải quân Mỹ đã có không dưới 300 tàu. Tuy nhiên, chiếm số đông trong hạm đội Mỹ là các tàu nổi hoạt động viễn dương, còn tất cả các tàu ngầm đều sử dụng động lực hạt nhân. Vì vậy, ngay cả lúc đó và hiện nay, hải quân Trung Quốc trong cuộc chạy đua vũ khí trên biển vẫn chỉ ở vai trò đuổi theo.

Tuy nhiên, Bắc Kinh từ lâu thực hiện một chiến lược rất căn cơ nhằm tăng cường sức mạnh hải quân. Sức mạnh này đang được xây dwngjj “từ bờ” giống như Đô đốc Hạm đội Liên Xô Sergei Gorshkov đã từng làm. Có nghĩa là, ban đầu các biện pháp nhằm ngăn chặn khả năng tấn công vào lãnh thổ đất nước từ hướng biển đã được áp dụng. Ngày nay, ở Trung Quốc, an ninh trong lĩnh vực này đang được bảo đảm bởi một số lượng đông đảo các xuồng tên lửa hai thân lớp Type 022 Houbei, các tàu ngầm điện-diesel, các hệ thống tên lửa bờ biển, trong đó có cả các hệ thống được trang bị tên lửa đường đạn DF-21D và DF-26 dùng để tiêu diệt tàu sân bay ở cự ly 1.500-4.000 km, máy bay tiêm kích và máy bay chống ngầm triển khai trên bờ, các tàu tác chiến chống thủy lôi. Hiện nay, kho vũ khí này đang được bổ sung các tàu hộ vệ (corvette) mà Trung Quốc gọi là frigate hạng nhẹ lớp Type 056/056А đang được đóng ồ ạt từ năm 2012. Hiện nay, trong biên chế của hải quân Trung Quốc có 40 chiếc tàu này. Chúng có lượng giãn nước đầy đủ 1.440 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/h. Vũ khí gồm 2 bệ phóng x 2 ống phóng tên lửa chống hạm siêu âm YJ-83 (C-803), 1 ụ pháo vạn năng 76 mm PJ26, 1 bệ phóng nhiều ống phóng tên lửa phòng không tầm gần HQ-10 lắp 8 tên lửa phòng không sẵn sàng bắn, 2 pháo tự động 30 mm điều khiển từ xa để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ trên biển và trên không, 2 cụm x 3 ống phóng lôi 324 mm để phóng ngư lôi chống ngầm. Ở đuôi tàu có một sân đậu trực thăng. Biến thể Type 056А có điểm khác biệt với mẫu cơ sở Type 056 ở chỗ có 1 trạm thủy âm kiểu thả/kéо nên tăng được khả năng phát hiện tàu ngầm. Đây là các chiến hạm rất hiệu quả. Nên việc chúng cũng tham gia cuộc đại duyệt binh ngày 12/4/2018 không phải là chuyện ngẫu nhiên.

 
Tàu hộ vệ lớp Type 056

Sau khi củng cố được các lực lượng ven bờ và khả năng phòng thủ trong vùng biển gần, Trung Quốc đang thực hiện “cú nhảy vọt” sang các vùng biển xa và viễn dương. Chính là các tàu dùng để hoạt động tại các vùng biển đó và được đưa vào biên chế chủ yếu trong 5 năm gần đây chiếm đại bộ phận tàu chiến tham gia duyệt binh.

Trong cuộc duyệt binh, các tàu hải quân Trung Quốc di chuyển thành 7 nhóm và thường là thành 2 hàng dọc. Thê đội 1 gồm 6 tàu ngầm nguyên tử chiến lược và đa nhiệm thuộc các lớp Type 094 và Type 093. Nhóm tàu thứ hai là 6 tàu ngầm thông thường lớp Type 039A/041. Nhóm thứ ba gồm 4 tàu khu trục tên lửa lớp Type 052D, 2 tàu khu trục tên lửa lớp Type 052С và 2 frigate lớp Type 054А. Có thành phần phong phú nhất là cụm thứ tư dẫn đầu là tàu sân bay Liêu Ninh. Tàu sân bay này được hộ tống bởi 1 tàu khu trục lớp Type 052D, 2 tàu khu trục lớp Type 052С và 1 tàu khu trục lớp Type 051С, cũng như 1 tàu bảo đảm chiến đấu cao tốc lớp Type 901. Đoàn tàu thứ 5 là các tàu đột kích đổ bộ gồm 2 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Type 071, 2 tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Type 072А và 1 tàu khu trục frigate lớp Type 052С và 1 tàu frigate lớp Type 054А đi hộ tống. Nhóm tàu thứ 6 có thành phần đơn nhất, gồm 8 tàu hộ vệ lớp Type 056. Đi sau cùng là biên đội gồm 8 tàu bảo đảm các lớp, các loại khác nhau, từ tàu trinh sát lớp Type 815G cho đến tàu kéo trên biển.

Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì cuộc duyệt binh trên tàu khu trục tên lửa tối tân Trường Sa lớp Type 052D. Các tàu này hiện đang được đóng hàng loạt ở Trung Quốc. Từ năm 2014, 6 tàu khu trục lớp này đã được đưa vào biên chế và 11 tàu khác đang được thử nghiệm, hạ thủy hoặc đang ở trên đà. Theo các nguồn tin nước ngoài, hải quân Trung Quốc có kế hoạch mua sắm 26 tàu khu trục lớp này. Năm 2017, tàu khu trục Hợp Phì lớp Type 052D đã tham gia cuộc duyệt binh hải quân lớn tổ chức ngày 30/7/2017 ở St. Petersburg, Nga.
 
Thủy binh Trung Quốc chào đón Tập Cận Bình

Tàu khu trục lớp Type 052D có lượng giãn nước đầy đủ 7.500 tấn, chiều dài 157 m, chiều rộng 17 m và mớn nước 6 m. Tàu được trang bị hệ thống động lực diesel-turbine khí (theo sơ đồ CODOG), cho phép đạt tốc độ hành trình tối đa 31 hải lý/h. Tàu được trang bị 1 radar đa năng H/LJG-346A với 4 anten phẳng mạng pha chủ động (NATO gọi là Dragon Eye), được tích hợp với hệ thống chỉ huy chiến đấu tự động. Hệ thống chỉ huy chiến đấu tự động này còn nhận thông tin từ trạm thủy âm bố trí dưới sống đáy của tàu, trạm thủy âm kiểu thả/kéo, và các thiết bị cảm biến khác, trong đó có radar Type 517 sóng mét dùng để phát hiện các mục tiêu, được chế tạo có ứng dụng công nghệ tàng hình. Có nghĩa là Trung Quốc đã áp dụng trang bị hệ thống chỉ huy chiến đấu tự động tương tự hệ thống Aegis của Mỹ cho các tàu này. 

Hệ thống “Aegis của Trung Quốc” được gọi là “Lá chắn thần Trung Hoa” Thần thuẫn - Zhonghua Shendun) tiến hành quan sát, cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu và điều khiển các hệ thống vũ khí khác nhau. Các vũ khí chủ yếu được bố trí trong 64 bệ phóng thẳng đứng vạn năng kiểu tổ ong, sắp xếp thành 8 cụm x 8 bệ phóng thẳng đứng vạn năng. 4 cụm ống phóng được bố trí ở phần mũi tàu, giữa phần thượng tầng và ụ pháo một nòng vạn năng 130 mm H/PJ-45A được phát triển trên cơ sở ụ pháo hai nòng AK-130 của Liên Xô vốn đang được trang bị cho 4 tàu khu trục lớp Projekt 956E/956EM mà hãng Severnaya Verf của Nga đã đóng cho hải quân Trung Quốc trong nhăng năm 1999-2006 (hiện nay, các tàu này đang được hiện đại hóa, thay thế vũ khí tên lửa và thiết bị điện tử của Nga bằng hàng Trung Quốc). 4 cụm bệ phóng còn lại lắp liên vào phần thượng tầng ở giữa đài anten của radar Type 517 và hăng-ga trực thăng.

Trong các bệ phóng thẳng đứng vạn năng có thể bố trí đạn tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9, tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 và DK-10A, các tên lửa hành trình CJ-10 dùng để tấn công mục tiêu mặt đất, các tên lửa chống hạm YJ-18 và YJ-83, cũng như các tên lửa chống ngầm CY-5. Để phòng không tầm gần, tàu được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn HHQ-10 với bệ phóng quay 24 ống phóng lắp trên nóc hăng-ga trực thăng và 1 ụ pháo tự động 7 nòng, 30 mm H/PJ12 lắp ở phần phía trước của phần thượng tầng. Trên các tàu đóng sau này của lớp Type 052D, pháo H/PJ12 sẽ được thay thế bằng pháo 11 nòng H/PJ-11 có xạ tốc tăng lên từ 6.000 lên đến 10.000 phát/phút. Pháo tự động này có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với tốc độ 4M ở cự ly 4,8 km với xác suất tiêu diệt 96%. Để chống tàu ngầm, ngoài tên lửa chống ngầm CY-5, tàu còn được trang bị 2 cụm x 3 ống phóng lôi 324 mm để bắn ngư lôi Yu-7, 4 bệ phóng bom chống ngầm 18 nòng và 1 trực thăng Z-9C.
 
Tàu khu trục lớp Type 052С

Nhờ áp dụng rộng rãi các phương tiện tự động hóa mà các tàu khu trục này có thủy thủ đoàn tương đối nhỏ, chỉ gồm 280 người.

Cùng với các tàu khu trục lớp Type 052D, tham gia cuộc duyệt binh ở Biển Đông còn có các tàu khu trục lớp Type 052С với biến thể “Thần thuẫn” sớm hơn và radar Type 346 băng С với 4 anten mạng pha lồi, cố định kích thước 3,9х4,6 m, có khả năng phát hiện mục tiêu bay ở tầm đến 450 km. Các chấn tử của radar được làm mát bằng nước-không khí khác với radar Type 346А của các tàu khu trục lớp 052D chỉ làm mát bằng không khí.

Trong vòng 10 năm (2005-2015), hải quân Trung Quốc đã nhận bàn giao 6 tàu khu trục lớp Type 052С. So với Type 052D, các tàu lớp Type 052C nhỏ hơn cả về lượng giãn nước (7.000 tấn) và chiều dài (155,5 m), nhưng có tốc độ cao hơn 1 hải lý/h. Số lượng bệ phóng thẳng đứng vạn năng là 48 và chỉ dùng để bố trí các đạn tên lửa phòng không HHQ-9. Các tên lửa chống hạm YJ-85 hoặc YJ-62 với tầm bắn hơn 200 km được bố trí trong các bệ phóng nghiêng, mỗi bệ mang 4 tên lửa. Vũ khí phái binh cũng có uy lực yếu hơn là ụ pháo một nòng 100 mm Type 210, biến thể của ụ pháo Creusot-Loire T100C của Pháp do Trung Quốc sản xuất.
 
Máy bay ném bom H-6K mang tên lửa chống hạm

Cần lưu ý đến việc chiếc cuối cùng của lớp Type 052С là tàu khu trục Tây An đã được bàn giao cho hải quân Trung Quốc gần một năm sau chiếc đầu tiên của lớp Type 052D là tàu khu trục Côn Minh. Điều đó không chỉ cho thất tốc độ đóng tàu tăng nhanh của Trung Quốc mà cả về sự quan tâm của Trung Quốc đến tính kế thừa và liên tục của quá trình đóng tàu quân sự.

Và không phải ngẫu nhiên mà trong khi tiến hành đóng hàng loạt các tàu khu trục tên lửa lớp Type 052D, Trung Quốc đã bắt tay vào đóng hàng loạt các tàu khu trục còn mạnh hơn nữa là lớp Type 055. Tháng 7/2017, Trung Quốc đã hạ thủy chiếc đầu tiên của lớp Type 055. Còn 5 chiếc nữa đang ở các giai đoạn đóng khác nhau. Hải quân Trung Quốc dự định trang bị tổng cộng 16 tàu khu trục lớp Type 055. Type 055 sẽ có lượng giãn nước 13.000 tấn, chiều dài 180 m với 4 động cơ turbine khí QC280 cho phép tàu đạt tốc độ đến 35 hải lý/h. Thành phần vũ khí của tàu cũng sẽ có sự thay đổi. Số lượng bệ phóng thẳng đứng vạn năng sẽ lên tới 112. Trong các bệ phóng này sẽ bố trí các loại tên lửa hạm đối không, hạm đối đất, hạm đối hạm và hạm đối ngầm. Đáng lưu ý là số lượng bệ phóng thẳng đứng vạn năng trên các tàu khu trục lớp Type 055 sẽ nhiều hơn so với các tàu khu trục lớp Arleigh Burke Flights IIA (chỉ có 96 ngăn phóng) của Mỹ, mặc dù ít hơn 10 bệ phóng so với các tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ. Biến thể cải tiến của “Trung Hoa Thần thuẫn” sẽ cho phép tác chiến chống không chỉ máy bay, tên lửa chống hạm và trực thăng mà cả với tên lửa đường đạn. Bởi vậy, ngoài các đạn tên lửa phòng không truyền thống tầm xa HHQ-9A và tầm trung HQ-16 (HHQ-16), các tàu này sẽ được trang bị các tên lửa phòng không tiên tiến HQ-26 ((HHQ-26) tương đương với SM-3 của Mỹ. Phòng không tầm gần, Type 055 có các tên lửa phòng không lắp trong 2 bệ phóng nhiều ô phóng của hệ thống FL-3000N (mỗi bệ mang 24 tên lửa). Ngoài ra, trên tàu còn bố trí 2-4 hệ thống pháo phòng không 30 mm Type 1130 (H/PJ-110). Pháo chính của tàu là 1 khẩu pháo 130 mm tự động toàn phần. Tàu sẽ có thể mang theo 2 trực thăng chống ngầm cỡ lớn.
 
Tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Type 071 (cận cảnh, bên trái) được sự hộ tống của các tàu khu trục và frigate

Nhưng đó vẫn còn là tương lai. Còn ngày 12/4/2018, tham gia cuộc duyệt binh ở Biển Đông còn có các frigate lớp Type 054А như đã được trông đợi. Các tàu này được trang bị cho hải quân Trung Quốc từ năm 2005. Tính đến đầu tháng 4/2018, trong biên chế hải quân Trung Quốc có 26 tàu lớp này, còn 2 chiếc khác đã được hạ thủy và ít nhất  1 chiếc nữa đang được đóng hoàn thiện trên đà. Các frigate lớp Type 054А là các tàu chiến nòng cốt của hạm đội Trung Quốc. Các tàu này ta có thể gặp ở bờ biển Nam Mỹ, Australia, châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, Tây Âu và Nga. Chúng có lượng giãn nước đầy đủ 4.053 tấn, chiều dài thân 134 m, chiều rộng 16 m, tốc độ tối đa 29 hải lý/h, cự ly hành trình 3.800 hải lý. Thủy thủ đoàn gồm 190 người.

Mỗi tàu có 32 ngăn phóng thẳng đứng tên lửa phòng không HQ-16 và tên lửa chống ngầm Yu-8, 2 bệ phóng x 4 ống phóng để phóng tên lửa chống hạm YJ-83, 1 ụ pháo 76 mm, 4 pháo tự động 30 mm Type 730 vốn là biến thể của pháo АK-630 của Nga do Trung Quốc sản xuất, 2 cụm x 3 ống phóng lôi 324 mm, 1 trực thăng bố trí trong hăng-ga.

Được hộ tống trong đội hình duyệt binh là tàu sân bay đầu tiên và hiện thời là duy nhất Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc vốn được tân trang từ tàu sân bay Varyag của Liên Xô theo đề án Type 001. Trung Quốc đã mất 10 năm để làm việc này. Chính nhờ hiện đại hóa tàu sân bay này, Trung Quốc đã học được cách đóng các tàu sân bay cỡ lớn của mình.

Trong cuộc duyệt binh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã được giới thiệu cảnh cất cánh của các tiêm kích J-15 Flying Shark vốn được chế tạo trên cơ sở Su-30MKK và Su-33 của Nga. Ông Tập cực kỳ hài lòng với những gì trông thấy.

Trong khi đó, tàu sân bay Sơn Đông lớp Type 001А cũng đang chuẩn bị cho chạy thử nhà máy. Thật dễ dàng đoán ra đây là biến thể cải tiến của tàu Liêu Ninh. Tàu Sơn Đông có lượng giãn nước đầy đủ tăng lên đến 70.000 tấn, chiều dài 315 m, chiều rộng boong bay là 75 m. Trên tàu sẽ bố trí 32-36 tiêm kích J-15 (trên tàu Liêu Ninh chỉ có 24 chiếc J-15), cũng như các trực thăng (tổng cộng là đến 40 máy bay).
 
Tàu khu trục lớp Type 055 trước khi hạ thủy

Theo báo chí Trung Quốc, tại xưởng đóng tàu ở Thượng Hải đã diễn ra lễ khởi đóng tàu sân bay lớp mới có lượng giãn nước khoảng 80.000 tấn. Các máy bay sẽ cất cánh từ boong tàu này không phải nhờ cầu bật như ở tàu Liêu Ninh và Sơn Đông mà nhờ các máy phóng máy bay, có lẽ là các máy phóng điện từ. Nhiều khả năng tại xưởng đóng tàu của Công ty Công nghiệp đóng tàu Đại Liên (Dalian Shipbuilding Industry Company) đã bắt đầu công tác chuẩn bị đóng tàu sân bay nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, các tàu sân bay không chỉ là phương tiện phô trương sức mạnh và hình ảnh mà là thực sự cần thiết. Bởi lẽ, một lượng lớn giao dịch thương mại quốc tế, trong đó có nhập khẩu các nguồn năng lượng Trung Quốc đang thực hiện bằng đường biển. Việc bảo vệ các tuyến giao thông trên biển là nhiệm vụ có tầm quan trọng sống còn đối với Trung Quốc.

Chính vì thế mà có lẽ cả các tàu đổ bộ vạn năng lớp Type 075 cũng có khả năng tiến công, chống ngầm và phòng không. Tàu đầu tiên của lớp Type 075 với boong bay lớn đã được khởi đóng ở xưởng đóng tàu Hỗ Đông-Trung Hoa (Hudong-Zhonghua Shipbuilding) ở Thượng Hải. Tàu sẽ có lượng giãn nước gần 40.000 tấn, chiều dài 250 m, chiều rộng 30 m, mớn nước 8 m. Để đưa lính thủy đánh bộ lên bờ, bảo đảm chống ngầm và phát hiện bằng radar tầm xa, tàu đổ bộ sẽ chở theo đến 30 trực thăng Z-8, Z-9, Z-18, Ka-28 và Ka-31. Để đưa phương tiện kỹ thuật hạng nặng lên bờ, tàu sẽ sử dụng các xuồng đổ bộ mà khi hành quân được bố trí trong khoang đốc đổ bộ. Để tự vệ, tàu sẽ có thể sử dụng 2 pháo 30 mm 11 nòng H/PJ-11 và 2 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn HHQ-10. Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đang phát triển máy bay phản lực cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng dành cho tàu đổ bộ này để sử dụng làm máy bay cường kích và bảo đảm phòng không.
 
Frigate lớp Type 054А

Nhưng hiện thời tàu đầu tiên của lớp Type 075 đang được đóng, nên đại diện cho lực lượng đổ bộ của hải quân Trung Quốc trong cuộc duyệt binh ở Biển Đông là các tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Type 071. Với lượng giãn nước đầy đủ 25.000 tấn, chiều dài 210 m và chiều rộng 28 m, các tàu này có tốc độ rất tốt là 25 hải lý/h. Cự ly hành trình cũng rất ấn tượng là 10.000 hải lý. Tàu có thể chở đến địa điểm đổ bộ 500-800 lính thủy đánh bộ (số lượng lính đổ bộ tùy thuộc vào cự ly hành trình và số lượng phương tiện kỹ thuật quân sự chở theo), cũng như 15-20 xe thiết giáp. Việc đổ quân lên bờ biển không có chuẩn bị được thực hiện bằng 4 trực thăng hạng nặng Z-8 vốn là biến thể do Trung Quốc chế tạo của trực thăng Pháp SA 321 Super Frelon, và 4 xuồng đệm khí lớp Type 726 tương tự các xuồng đệm khí LCAC của Mỹ, 2 xuồng đổ bộ thường và các xe bọc thép chở quân lội nước. Các phương tiện đổ quân được bố trí trong khoang đốc đổ bộ ở đuôi tàu. Khi đến giờ G, phần đuôi tàu được dìm xuống nước và các phương tiện bơi/lội nước chạy ra khỏi tàu. Để tự vệ, trên tàu có lắp 1 ụ pháo tự động mm, 4 pháo tự động 6 nòng cỡ 30 mm, các phương tiện gây nhiễu.

Hiện nay, trong biên chế hải quân Trung Quốc có 4 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Type 071. Còn hai tàu nữa đã được hạ thủy và đang được đóng hoàn thiện trên mặt nước. Ngoài các tàu đốc đổ bộ chở trực thăng, hạm đội Trung Quốc còn sở hữu 32 tàu đổ bộ cỡ lớn và chừng đó tàu đổ bộ cỡ vừa, cũng như sàn đổ bộ mà từ đó các xe xích và bánh lốp có thể tự chạy từ các tàu vận tải lên các phương tiện đổ bộ.
 
Tàu sân bay Liêu Ninh với tiêm kích J-15 đang cất cánh

Hành quân viễn dương đòi hỏi một số lượng lớn tàu hỗ trợ: các tàu tiếp dầu và tàu hậu cần tổng hợp có khả năng đi biển xa. Hải quân Trung Quốc hiện có gần 20 tàu công nghệ cao này. Trong số đó có tàu bảo đảm chiến đấu cao tốc Hô Luân Hồ lớp Type 901 có tham gia cuộc duyệt binh. Đây là tàu lớn nhất trong các tàu loại này trên thế giới. Tàu có lượng giãn nước đầy đủ 55.000 tấn, chiều dài 240 m, chiều rộng 41 m và mớn nước 10,8 m. Các động cơ turbine khí QC280 có tổng công suất 28 MW cho phép con tàu khổng lồ này chạy với tốc độ đến 25 hải lý/h. Tàu có khả năng bảo đảm tất cả các loại nhiên liệu cho tàu và máy bay, vũ khí và các vật tư khác cho các binh đoàn tàu sân ở bất kỳ khu vực xa xôi nào trên đại dương thế giới.

Năm 2017, tàu đầu tiên Hô Luân Hồ đã được đưa vào biên chế. Hồi đó, Trung Quốc cũng đã hạ thủy tàu thứ hai của lớp Type 901 và dự kiến đưa tàu này vào biên chế hải quân Trung Quốc trong năm nay.
 
Tàu huấn luyện Thích Kế Quang lớp Type 0891А

Trong số các tàu hỗ trợ khác đã tham gia cuộc duyệt binh, không thể không nhắc đến tàu huấn luyện tối tân dài 163 m Thích Kế Quang lớp Type 0891A có lượng giãn nước 9.000 tấn và tốc độ 22-hải lý/h, cũng đã được đưa vào biên chế vào năm 2017. Tàu này không chỉ dùng để thực tập đi biển cho học viên các trường hải quân, mà còn để họ nghiên cứu sâu kỹ thuật hải quân hiện đại. Để huấn luyện các sĩ quan tương lai, trên tàu có mấy phòng học với các phương tiện học tập tương tác, cũng như vô số thiết bị huấn luyện cho tất cả các loại chuyên ngành tàu biển. Tức là sau chuyến đi biển trên tàu này, các học viên trẻ không chỉ có được hình dung về nghề đi biển, mà còn có được những kỹ năng cụ thể làm chủ các hệ thống vũ khí và trang thiết bị điện tử, dẫn đường, điều khiển các hệ thống động cơ...

Các tàu ngầm Trung Quốc tham gia duyệt binh được cố ý nói đến sau cùng, mặc dù chúng đã dẫn đầu các đoàn tàu hải quân Trung Quốc trong cuộc duyệt binh. Đó là vì các tàu ngầm nguyên tử hiện là khâu yếu của hải quân Trung Quốc, ít ra là so với Hải quân Mỹ.
 
Tàu bảo đảm chiến đấu cao tốc Hô Luân Hồ lớp Type 901 - tàu lớn nhất trong các tàu loại này trên thế giới

Hiện nay, hải quân Trung Quốc có 73 tàu ngầm (Hải quân Mỹ có 71 tàu ngầm, nhưng toàn bộ là tàu ngầm nguyên tử). Trong biên chế hải quân Trung Quốc có 10 tàu ngầm nguyên tử, không tính mấy tàu lạc hậu dùng làm tàu ngầm huấn luyện. Ngoài ra, các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc thua kém các tàu ngầm hiện đại của Mỹ và Nga về độ ồn.

Nhưng không phải tất cả đều yếu kém như thoạt nhìn. Bốn tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Type 094 (Lớp Tấn) có lượng giãn nước 11.000 tấn, mỗi tàu mang 12 tên lửa đường đạn JL-2 (Cự Lãng 2) có khả năng tấn công ở tầm xa đến 8.000 km. Tức là chúng có thể tấn công đối phương mà không phải rời khỏi khu vực bảo vệ của các tàu chiến hải quân Trung Quốc. Hai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Type 094А, một trong số đó đã mở màn cuộc duyệt binh trên Biển Đông, đã được hiện đại hóa đáng kể. Tháp tàu và phần nóc các giếng phóng chứa tên lửa đường đạn đã trở nên “mượt mà” hơn, giúp làm giảm độ ồn. Rõ ràng là các biện pháp làm giảm độ bộc lộ âm thành đó đã được áp dụng cả cho các cơ cấu của tàu ngầm.

Có tin, tên lửa đường đạn trên tàu Type 094А cũng được thay đổi. Nay các tàu này mang các tên lửa đường đạn JL-2С lắp các phần chiến đấu cơ động khiến các phương tiện phòng thủ tên lửa khó lòng đánh chặn.
 
Tàu ngầm thông thường lớp Type 039A/041 (Lớp Nguyên) nằm trong số những tàu ngầm tốt nhất trong phân lớp của mình

Chạy song song, hơi lùi về phía sau và bên phải tàu ngầm lớp Type 094А là một tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm lớp Type 093G (Lớp Thương) với trang bị vũ khí tên lửa tăng cường. Ngoài tên lửa chống hạm YJ-18, các tàu ngầm này còn mang các tên lửa hành trình tầm xa hải quân hóa DF-10 dùng để tấn công mục tiêu bờ và được bố trí trong khoang bệ phóng, nằm phía sau tháp tàu.
 
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Type 094А (cận cảnh) và tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm lớp Type 093G mở màn cuộc duyệt binh

Tàu ngầm hạt nhân lớp Type 093 (Lớp Thương) đã được đưa vào biên chế đồng thời với tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Type 094. Hiện nay, trong biên chế hải quân Trung Quốc có 6 tàu ngầm lớp này, 2 chiếc cuối cùng trong số đó thuộc phân lớp Type 093G.

Hiện, Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm lớp Type 095 (Lớp Tùy), sản phẩm mới nhất của công nghiệp đóng tàu Trung Quốc và là sự phát triển tiếp theo của tàu ngầm hạt nhân lớp Type 093. Tàu có lượng giãn nước 7.900 tấn, chiều dài 115 m, lặn sâu tối đa 500 m, tốc độ hành trình tối đa 32 hải lý/h. Tàu Type 095 dùng để tác chiến chống tàu ngầm đối phương, tấn công tàu mặt nước bằng tên lửa và ngư lôi, cũng như tấn công mục tiêu bờ bằng tên lửa hành trình.

Nhận thức được sự tụt hậu của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu ngầm hạt nhân, giới lãnh đạo Trung Quốc đang có những nỗ lực cải thiện tình hình. Việc tái cấu trúc mới hoàn thành đối với Công ty Công nghiệp nặng Bột Hải (Bohai Heavy Industry Company) mà theo báo chí thì nay sẽ có thể đóng đồng thời 4 tàu ngầm hạt nhân thuộc các lớp khác nhau. Nhưng vấn đề không phải ở số lượng tàu ngầm hạt nhân đóng đồng thời (Tại hãng Sevmash của Nga chẳng hạn hiện đang đóng 13 tàu ngầm hạt nhân thuộc 4 lớp), mà ở tốc độ bàn giao chúng cho khách hàng. Các chuyên gia đóng tàu Bột Hải cam kết rút ngắn thời gian đóng tàu ngầm hạt nhân, đồng thời nâng cao chất lượng công việc trên các tàu này.
 
Tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm lớp Type 093

Tại Công ty Công nghiệp nặng Bột Hải sẽ tiến hành đóng các tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm lớp Type 095 và các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn tương lai lớp Type 096 (Lớp Đường). Với lượng giãn nước khi lặn gần 20.000 tấn và chiều dài 164 m, các tàu này sẽ mang 24 tên lửa đường đạn JL-3 với tầm bắn 12.000 km, tức là tàu ngầm hạt nhân này sẽ có thể tấn công mà không cần rời khỏi căn cứ.
 
Liên quan đến tàu ngầm thông thường thì ở đây,Trung Quốc đang là nước dẫn đầu thế giới. Chẳng hạn, các tàu ngầm thông thường tham gia duyệt binh là lớp Type 039A/041 (Lớp Nguyên) nằm trong số các tàu ngầm tốt nhất trong phân lớp của mình. Trong biên chế hải quân Trung Quốc hiện có 18 tàu ngầm lớp này và còn mấy chiếc đang được đóng. Với lượng giãn nước khi lặn 3.600 tấn, tàu có tốc độ tối đa 20-hải lý/h. Tàu được trang bị động cơ phụ không cần không khí kiểu Stirling, cho phép tàu lặn không phải nổi lên mặt nước trong hai tuần. Vũ khí gồm các ngư lôi và tên lửa chống hạm.

Biến thể xuất khẩu của các tàu ngầm này là S20 đang ráo riết chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tám tàu ngầm thông thường S20 sẽ được đóng cho Hải quân Pakistan và 3 chiếc đóng cho Hải quân Thái Lan.

Tốc độ đóng tàu của Trung Quốc thật đáng kinh ngạc. Trong 4 năm qua, hải quân Trung Quốc đã bổ sung số lượng tàu bằng số tàu của cả Hải quân Pháp. Chỉ trong năm 2017, hạm đội Trung Quốc đã nhận được 12 tàu chiến mặt nước cỡ lớn (3 tàu khu trục lớp Type 052D, 2 frigate lớp 054А và 7 tàu hộ vệ lớp Type 056/056А). Đó là chưa kể các tàu ngầm, tàu chống thủy lôi và tàu đổ bộ, tàu hỗ trợ các loại.

Theo tính toán của các chuyên gia hải quân Mỹ James Fanell và Scott Cheney-Peters, đến năm 2030, khi Hải quân Mỹ đạt được số lượng tàu mong muốn là 355 chiếc, hải quân Trung Quốc sẽ có 432 tàu chiến mặt nước và tàu hỗ trợ tuyến 1, cũng như 99 tàu ngầm. Nói cách khác, các nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng hạm đội “số 1 thế giới” sẽ là vô ích. Và như cuộc duyệt binh hải quân ở Biển Đông đã cho thấy, Bắc Kinh không có ý định nhường nhịn Washington.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh lưu niệm với thủy thủ đoàn tàu khu trục Trường Sa

Nguồn: Trung Quốc chống lại Mỹ trên đại dương thế giới / Aleksandr Mozgovoi // Oborona, N.4, tháng 4.2018.

Print Print E-mail Print