Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc chuyển sang thế công

VietnamDefence - Trung Quốc tiếp tục chèn ép Nga và Ấn Độ khỏi các khu vực ảnh hưởng truyền thống.


Hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự của Trung Quốc với Pakistan có tính chất chiến lược (www.81.cn)
Miền Tây Trung Quốc đến nay vẫn là vùng ngoại vi kém phát triển của nước này, vừa khó tiếp cận về địa lý, lại là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số có tinh thần ly khai mạnh. Nhưng gần đây, vai trò địa-chiến lược của khu vực này đã tăng lên rất mạnh đối với Bắc Kinh.

Kẻ thù của kẻ thù là bạn

Sau khi thôn tính khu vực Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng trong thập niên 1950, Trung Quốc lâm vào trạng thái xung đột lãnh thổ và sắc tộc-tôn giáo với Ấn Độ, bùng phát thành cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi vào năm 1962, trong đó Trung Quốc đã giành thắng lợi. Sau đó, theo đúng nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, Islamabad đã trở thành đồng minh chiến lược chủ yếu của Bắc Kinh. Trung Quốc đã ngay lập tức cung cấp vũ khí cho Pakistan. Trong nửa cuối thập niên 1960 và năm 1970, Trung Quốc đã kịp chuyển giao cho Pakistan 750 xe tăng Туре 59 và 50 xe tăng hạng nhẹ Туре 63, hơn 400 khẩu pháo, 4 máy bay ném bom Н-5 (Trung Quốc sao chép Il-28 của Liên Xô) và 72 tiêm kích J-6 (MiG-19). Tuy nhiên, việc đó đã không giúp được Pakistan khi họ chịu thất bại nặng nề trong cuộc chiến với Ấn Độ vào tháng 12/1971, khiến Pakistan mất vùng lãnh thổ phía Đông, nay là nước Bangladesh độc lập.

Cuối thập niên 1960, biên giới phía Tây đã trở thành một “mặt trận” nữa đối kháng Liên Xô đối với Trung Quốc - đến mức xảy ra xung đột biên giới gần hồ Zhalanashkol, nhưng kém đẫm máu hơn cuộc xung đột trên đảo Damansky.

Rõ ràng là vì khu vực này là vùng ngoại vi không chỉ đối với Bắc Kinh, mà cả đối với Moskva.

Trong thập niên 1970, Trung Quốc đã tiếp tục phát triển tình hữu nghị với Pakistan, trong đó có lĩnh vực quân sự. Pakistan đã nhận được trong thời kỳ này hơn 100 xe tăng Туре 59, gần 400 khẩu pháo, đến 250 tiêm kích J-5 và J-6, 20 xuồng tuần tra và xuồng phóng lôi. Ngoài ra, mặc dù Bangladesh do Ấn Độ tạo nên, Trung Quốc đã gần như “chiếm lại” nước này khi bắt đầu lôi kéo Bangladesh vào vùng ảnh hưởng của mình và cũng bán vũ khí cho nước này: đến 50 tiêm kích J-6 và máy bay huấn luyện CJ-6. Như vậy, Bắc Kinh ngay từ hồi đó đã bắt đầu tiến hành chính sách bao vây chiến lược đối với Ấn Độ.

Trong thập niên 1980, Trung Quốc đã trở thành bên tham gia quan trọng nhất liên minh chống Liên Xô ở Afghanistan. Không dưới ½ số binh sĩ Liên Xô hy sinh ở Afghanistan chính là bị giết hại bằng vũ khí Trung Quốc. Dĩ nhiên là hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan đã được củng cố hơn nữa. Trong giai đoạn này, Islamabad đã nhận được từ Bắc Kinh đến 800 xe tăng Туре 59, 52 cường kích Q-5 và 100 tiêm kích J-7 (MiG-21), 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không HQ-2 (S-75), đến 100 hệ thống tên lửa phòng không mang vác HN-5А (“sao chép Strela-2), 8 xuồng tên lửa. Tại Pakistan đã tiến hành lắp ráp theo giấy phép của Trung Quốc 45 hệ thống pháo phản lực 122 mm Azar (Туре 83 của Trung Quốc).

Trung Quốc đã tiếp tục mở rộng hợp tác cả với các nước Nam Á khác. Trong thập niên 1980, Ấn Độ, quốc gia đã tạo nên Bangladesh đã biến mất khỏi danh sánh các quốc gia cung cấp vũ khí cho Bangladesh và sau đó không còn xuất hiện trong danh sách này; còn Trung Quốc lại trở thành nhà cung cấp vũ khí gần như độc quyền cho Bangladesh. Ngoài gần 100 chiếc J-6 và CJ-6, Trung Quốc còn cung cấp 16 cường kích Q-5 và 20 tiêm kích J-7. Bangladesh cũng nhận được từ Trung Quốc 1 frigate lớp Type 053, gần 30 xuồng tên lửa, phóng lôi và tuần tra, hơn 70 xe tăng, không dưới 50 xe bọc thép chở quân, 20 khẩu pháo Туре 54-1. Để bao vây Ấn Độ chặt chẽ hơn, Trung Quốc còn “tiến vào” Sri Lanka, khi đó đang diễn ra nội chiến. Sri Lanka đã nhận từ Trung Quốc 10 xe bọc thép chở quân Туре 63, 8 máy bay vận tải và 7 xuồng tuần tra lớp Type 062 Thượng Hải.

Tình hình đang thay đổi

Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, tình hình trong khu vực đã có thay đổi lớn. Ở Trung Quốc, công cuộc cải cách kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, cho phép Trung Quốc nhanh chóng bắt tay vào bành trướng kinh tế, cũng như bành trướng nhân khẩu học sang các nước Trung Á. Ngoài ra, theo đúng truyền thống quốc gia của mình, Bắc Kinh đã đưa ra yêu sách lãnh thổ với cả ba quốc gia mới có biên giới tiếp giáp với họ. Và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã được thành lập chính là để giải quyết các yêu sách này. Các vấn đề biên giới nhìn chung đã được giải quyết (dĩ nhiên là theo hướng có lợi cho Trung Quốc), sai đó SCO đã không bị giải thể và bị Bắc Kinh chuyển hóa thành công thành công cụ bành trướng kinh tế tiếp theo của mình vào khu vực Trung Á.

Trung Quốc đã tiếp tục củng cố hợp tác với các nước Nam Á. Pakistan đã bắt đầu sản xuất theo giấy phép của Trung Quốc hệ thống tên lửa phòng không mang vác Anza, sau đó là xe tăng Туре 85II. Trung Quốc đã cung cấp trực tiếp cho Pakistan 250 xe tăng Туре 69, gần 100 khẩu pháo, 40 tiêm kích J-7, 6 máy bay vận tải Y-12, các loại vũ khí trang bị hàng không và hạm tàu. Nhờ có các vũ khí cung cấp này, Pakistan đã bán lại cho Bangladesh 40 tiêm kích J-6 mà họ không còn cần nữa. Từ Trung Quốc, Bangladesh đã nhận được không dưới 50 xe tăng Туре 69, không dưới 60 khẩu pháo, đến 50 hệ thống tên lửa phòng không mang vác HN-5А, 4 учебно-боевых самолета JJ-7, 2 xuồng tên lửa và 1 xuồng tuần tra. Sri Lanka, nơi diễn ra nội chiến cực kỳ ác liệt, đã nhận được từ Trung Quốc 25 xe tăng Туре 59, 50 xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân, 36 khẩu pháo 152 Туре 66, 4 máy bay vận tải, 9 xuồng tuần tra và 1 tảu đổ bộ.

Tại Trung Quốc vào giữa thập niên 1990 đã xuất hiện Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan đấu tranh vì nền độc lập của khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ. Điều lạ lùng là về mặt chiến lược, điều đó chỉ có lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã hiểu ra rất nhanh là xu hướng thế giới khi đó rất thuận tiện để lợi dụng cớ chống khủng bố để trấn áp mọi hoạt động chống đối trong nước và tiến hành can thiệp chống các quốc gia và tổ chức thù địch ở ngoài nước.

Ngoài ra, Trung Quốc thường có quan hệ rất tốt đẹp với tất cả các nước là những nhà tổ chức và tài trợ thực sự cho chủ nghĩa Hồi giáo cấp tiến Sunni là Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Arab quân chủ, nhất là quốc gia chủ yếu trong số đó là Saudi Arabia. Vì thế, cho đến gần đây, Trung Quốc vẫn giữ quan điểm trung lập đối với cuộc nội chiến ở Syria. Quan hệ tốt với các quốc gia bị cho là tài trợ chủ nghĩa khủng bố bản thân nó đã giúp giảm rất nhiều nguy cơ khủng bố đối với Trung Quốc, biến “cuộc chiến chống khủng bố” trước hết trở thành khẩu hiệu chính trị của Trung Quốc, chứ không phải là việc làm thực tế hằng ngày.

Về thực tế, đối với Trung Quốc, cái thường được hiểu là cuộc chiến chống khủng bố chính là chống lại Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan. Trong đối phó với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, Bắc Kinh kết hợp cả trấn áp vũ lực, hơn nữa là ở các hình thức dữ dội nhất, “Trung Quốc hóa” khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ, tức là di cư số lượng người Hán tối đa đến đây, và chi những khoản trợ cấp lớn cho khu vực này. Cực kỳ khó xác định, cuộc đấu tranh này thành công đến mức độ nào. Một mặt, quy mô khủng bố Duy Ngô Nhĩ không quá lớn, mặt khác, Bắc Kinh cũng không trấn áp được hoàn toàn đối tượng này.

Có những phỏng đoán có cơ sở rằng, Bắc Kinh cực kỳ lo ngại đối với các hoạt động của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan vì chiếm vị thế thống trị trong các hành động của tổ chức này không phải là chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo mà là chủ nghĩa ly khai sắc tộc. Yếu tố Hồi giáo của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan bị Bắc Kinh cố tình thổi phồng để hợp pháp hóa về mặt quốc tế việc trấn áp tổ chức này. Tuy nhiên, hiện nay khó xác định Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan mạnh và độc lập đến mức nào (số lượng phiến quân của tổ chức này rõ ràng là không đạt đến ngay chỉ 500 người), chỉ biết rõ là tổ chức này hoàn toàn không tạo ra mối đe dọa thực tế chia cắt khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ khỏi Trung Quốc (ít nhất là do dân số người Duy Ngô Nhĩ quá ít so với người Hán ở ngay tại khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ, chứ chưa nói đến Trung Quốc nói chung), song lại mang lại cho Bắc Kinh cái cớ tuyệt vời để đẩy mạnh hành động ở khu vực miền Tây của mình.

Vai trò gia tăng của Pakistan

Trong thế kỷ ХХI, tầm quan trọng của miền Tây Trung Quốc, cũng như các khu vực Trung Á và Nam Á lân cận đối với Bắc Kinh đã tăng mạnh. Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thô từ châu Phi, Cận Đông và từ chính Trung Á. Mặt khác, chính ở miền Tây Trung Quốc đang khởi động dự án địa-chính trị tối quan trọng, mà nay về bản chất là dự án ý thức hệ tư tưởng của Bắc Kinh là dự án “Con đường tơ lụa mới” sau đó được đối thành “Một vành đai, một con đường” (OBOR).

Đồng minh then chốt của Bắc Kinh trong khu vực dĩ nhiên vẫn là Islamabad. Sau năm 2000, Trung Quốc đã bán trực tiếp cho Pakistan gần 150 khẩu pháo kéo, 10 hệ thống tên lửa phòng không FM-90 và 3 hệ thống tên lửa phòng không LY-80, 50 hệ thống tên lửa phòng không mang vác FN-6, không dưới 20 khẩu pháo phòng không, 60 tiêm kích J-7, 4 máy bay chỉ huy-báo động sớm, 3 trực thăng chiến đấu WZ-10, 6 trực thăng đa nhiệm, các máy bay không người lái chiến đấu, các loại vũ khí hàng không và hạm tàu. Đồng thời, việc hợp tác sản xuất và sản xuất theo giấy phép cũng được đẩy mạnh. Các dự án chung chủ yếu là sản xuất tại Pakistan xe tăng Туре 90-2 (với tên gọi Al Khalid) và tiêm kích JF-17. Ngoài ra, ở Pakistan đang lắp ráp hoặc sản xuất toàn bộ hoặc một phần các loại vũ khí trang bị của Trung Quốc như máy bay huấn luyện K-8, pháo phản lực А-100, hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển HJ-8 (với tên Bakta Shikan), máy bay không người lái trinh sát-tiến công СН-3, một số lớp tàu frigate và corvette. Dự kiến, Pakistan sẽ mua 8 tàu ngầm tối tân trang bị động cơ không cần không khí (AIP) của Trung Quốc, 4 chiếc trong số đó sẽ đóng ở Pakistan. Quân đội Trung Quốc và Pakistan thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung quy mô lớn.

Ngoài ra, các hành lang vận tải tối quan trọng đối với Trung Quốc chính là đi qua Pakistan.

Cảng nước sâu Gwadar ở cực Tây Nam Pakistan đã được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc và về hình thức, được đưa vào khai thác từ năm 2007. Tuy vậy, cảng đã không được khai thác thực sự do đến năm 2013 vẫn không có các tuyến đường bộ dẫn đến cảng. Tháng 2/2013, Gwadar đã được giao cho công ty điều hành Chinese Overseas Port Holdings Limited của Trung Quốc quản lý.

Việc khai thác thương mại thực tế cảng Gwadar chỉ bắt đầu vào ngày 13/11/2016. Ngoài ra, tỉnh Balochistan của Pakistan đã ký hợp đồng với Trung Quốc về việc giao 9,23 km2 đất để lập khu kinh tế tại khu vực cảng Gwadara. Trung Quốc sẽ xây dựng khu xuất khẩu và sân bay quốc tế, cũng như hệ thống giao thông rộng lớn kết nối các cơ sở chính của khu. Còn Pakistan có trách nhiệm thu hút 10.000-25.000 người để bảo đảm an ninh cho cảng và khu kinh tế. Việc xây dựng hành lang vận tải từ Gwadar đi qua hết Pakistan sang Đông Bắc đến biên giới Trung Quốc đang được tiến hành. Hành lang này sẽ trở thành thành tố quan trọng nhất của OBOR. Ngoài ra, hành lang đi qua Pakistan cho phép rút ngắn mấy lần thời gian chuyên chở các loại hàng hóa (trong đó có năng lượng) từ Cận Đông và Châu Phi về lãnh thổ Trung Quốc và ngược lại (hơn nữa là không chỉ bằng đường biển, mà cả bằng đường bộ). Trong trường hợp này, không chỉ có lợi ích kinh tế thuần túy, mà cả nâng cao sự vững chắc của các tuyến đường giao thông bên ngoài đi đến Trung Quốc trong trường hợp tình hình căng thẳng quốc tế và Hải quân Mỹ phong tỏa eo biển Malacca và Biển Đông. Ngoài ra, Gwadar đang trở thành căn cứ cực kỳ quan trọng của hải quân Trung Quốc. Nó cho phép neo đậu cùng lúc 4 tàu ngầm và 8 tàu nổi thuộc bất kỳ lớp nào. Cách Gwadar 120 km về phía Đông là căn cứ hải quân Pasni cho phép neo đậu các tàu chiến từ frigate trở xuống. Gwadar và Pasni được kết nối với nhau bằng tuyến đường ô tô cao tốc. Rõ ràng là trong thời gian sắp tới, Gwadar sẽ chính thức được tuyên bố là căn cứ hải ngoại thứ hai của quân đội Trung Quốc (căn cứ đầu tiên được thành lập ở Djibouti).

Thực tế, do việc xây dựng quân sự-dân sự này mà nợ nước ngoài của Pakistan đã tăng đến mức nước này mất khả năng trả nợ và cầu cứu sự hỗ trợ khẩn cấp của IMF. Phần lớn các khoản nợ là đối với Trung Quốc và tuy Pakistan là đồng minh chiến lược gần gũi nhất, quan trọng nhất thì Trung Quốc cũng không hề định xóa tý nợ nào cả, mà chỉ làm Pakistan lệ thuộc họ hơn nữa. Đó là phong cách hành xử của Bắc Kinh, không bao giờ có ngoại lệ cho bất kỳ ai.

Những món nợ bọc lụa

Quân đội Bangladesh gần đây đã nhận được từ Trung Quốc gần 300 xe tăng (trong đó có 44 chiếc Туре 90-2 vốn là biến thể xuất khẩu của xe tăng Trung Quốc Туре 96, cũng như các xe tăng cải tiến Туре 59 và Туре 69 của quân đội Bangladesh), gần khẩu 100 pháo và pháo phản lực, 2 hệ thống tên lửa phòng không FM-90, hơn 300 различных hệ thống tên lửa phòng không mang vác các loại, gần 20 tiêm kích J-7, 2 tàu ngầm lớp Type 035G, 8 frigate và corvette, một số lượng lớn vũ khí hàng không và hạm tàu. Ngoài ra, Dahka đã cung cấp hải cảng lớn nhất Chittagong cho tàu hải quân Trung Quốc neo đậu và bảo đảm hậu cần.

Sri Lanka trong những năm 2000 đã trải qua giai đoạn cao trào của cuộc nội chiến. Trong giai đoạn này, Sri Lanka đã nhận được từ Trung Quốc hơn 200 xe bọc thép chở quân, 4 tiêm kích J-7, hơn 20 máy bay vận tải và huấn luyện. Sau khi nội chiến kết thúc, Trung Quốc đã xây dựng ở nước này cảng Hambantota, nhưng do không thể thanh toán chi phí xây dựng cảng, nên Sri Lanka đã giao cảng này và 15.000 ha đất xung quanh cảng cho Trung Quốc thuê trong 99 năm (hiện nay, cảng này được Trung Quốc sử dụng cả vào mục đích thương mại và quân sự).

Trung Quốc ráo riết mua cả Maldives bằng cách xây dựng ở đó các công trình hạ tầng khác nhau và đẩy Ấn Độ khỏi quần đảo này.

Tình thế rất giống như thế đang diễn ra ở Trung Á – các nước khu vực này cũng mắc nợ đầm đìa Bắc Kinh và buộc phải chi trả bằng tài nguyên trong lòng đất, các xí nghiệp, và trong một số trường hợp thì bằng cả lãnh thổ.

Như vậy, Trung Quốc đã xây dựng bằng nguồn lực của mình và bằng tiền của mình tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Turkemnia về khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ. Còn Ashkhabad thanh toán bằng chính khí đốt chảy sang Trung Quốc qua đường ống này. Có nghĩa là về thực chất, Turkmenia đã chẳng nhận được gì. Một phần vì thế mà đất nước cực kỳ giàu có này đã lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng vốn đang tiếp tục sâu sắc thêm và đang nhanh chóng chuyển sang khủng hoảng xã hội. Liên minh với Bắc Kinh thay vì sự thịnh vượng được trông đợi đã dẫn đất nước này đến khánh kiệt. Tuy nhiên, Ashkhabad đã mua của Bắc Kinh ít nhất 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không HQ-9, 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không KS-1A và 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không FM-90, một số máy bay không người lái trinh sát-tiến công СН-3 và WJ-600 đi kèm các loại vũ khí dành cho chúng.

Ở Tadjikistan, một số công ty Trung Quốc thì thay vì tiền trả cho việc xây dựng nhà máy nhiệt điện và các tuyến đường ô tô đã nhận được quyền khai thác 6 mỏ vàng với điều kiện có lợi hơn nhiều cho Trung Quốc so với ký hợp đồng thương mại thông thường bình đẳng. Cần lưu ý rằng, các con đường mà Trung Quốc xây dựng ở Tadjikistan thì bản thân Trung Quốc cùng cần ít nhất là không kém Tadjikistan bởi lẽ chúng là một thành tổ của OBOR. Một công ty Hongkong sẽ bán nước lấy từ hồ Sarez của Tadjikistan ở Trung Quốc và các nước khác. Tổng nợ của Tadjikistan đối với Trung Quốc là gần 1,5 tỷ USD - một khoản tiền khổng lồ đối với nền kinh tế yếu ớt của Tadjikistan với GDP gần 28 tỷ USD). Có tin Tadjikistan đã thanh toán với Trung Quốc cả bằng lãnh thổ, hơn nữa là không dưới 1.000 km2. “Sự an ủi” từ Bắc Kinh mà Dushanbe nhận được là ít nhất 11 xe bọc thép chở quân (5 xe bánh xích YW-531H, 6 xe bánh lốp WZ-523) và 4 ô tô bọc thép ZFB-05 (dành cho bộ đội Bộ Nội vụ).
Kirgyzia cũng lệ thuộc kinh tế cực kỳ nặng nề, trong đó có nợ, vào Trung Quốc, sự lệ thuộc này đang trở thành một yếu tố đối nội mạnh mẽ.

Ở các nước mạnh hơn về kinh tế là Kazakhstan và Uzbekistan, tình hình không đến mức nguy kịch như thế, nhưng sự bành trường của Trung Quốc sang các nước này cũng đang diễn ra rất nhanh. Đáng chú ý là vũ khí Trung Quốc cũng đã bắt đầu được cung cấp cho các nước này. Uzbekistan đã mua 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không HQ-9, Kazakhstan đã mua 2 máy bay không người lái trinh sát-tiến công Wing Loong, dự kiến mua 3 máy bay vận tải Y-8F (một chiếc đã đến Kazakhstan).

Liên minh quân sự và chống khủng bố

Hoàn toàn tự nhiên là ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực đang biến thành ảnh hưởng chính trị-quân sự. Đầu tháng 8/2016, Trung Quốc, Tadjikistan, Pakistan và Afghanistan đã tuyên bố về việc thành lập liên minh để tăng cường chống khủng bố và củng cố ổn định trong khu vực. Quyết định này đã được thông qua sau hội nghị tổng tham mưu trưởng quân đội 4 nước tại thành phố Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ.

Trong khuôn khổ liên minh, dự tính thành lập cơ chế 4 bên để trao đổi thông tin tình báo và cùng đào tạo cán bộ nhằm mục đích chống khủng bố. Các thành viên của nhóm 4 bên dự kiến tiến hành trao đổi thông tin, mở rộng tiềm lực chống khủng bố, tiến hành các cuộc tập trận chung chống khủng bố và các hội thảo giáo dục, thông qua các quyết định tập thể về các vấn đề chiến lược và thực tiễn chống khủng bố với khả năng tham vấn với mỗi bên trong 4 bên. Như vậy, Trung Quốc đạt được sự điều phối các nỗ lực cao hơn với các nước láng giềng để đấu tranh với “ba thế lực tà ác” là cách Trung Quốc gọi chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai, trước hết là với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan. Chính Trung Quốc là nước đưa ra sáng kiến thành lập liên minh.

Từ đó, hằng năm, ít nhất một hội nghị tổng tham mưu trưởng 4 nước được tổ chức. Các cuộc tập trận chung của quân đội và bộ đội biên phòng các nước này cũng thường xuyên được tiến hành, trong đó có các cuộc tập trận song phương Trung Quốc-Tadjikistan.

Thỏa thuận hoàn toàn có thể chỉ là bước đầu tiên tiến tới thành lập một khối quân sự thực thụ. Hơn nữa, điều quá rõ ràng là với tiềm lực kinh tế, nhân khẩu và quân sự vượt trội hơn mấy chục lần so với tất cả các thành viên còn lại của khối cộng lại thì lãnh đạo khối sẽ là Trung Quốc.

Việc Pakistan đứng trong một liên minh với Trung Quốc là điều hoàn toàn tự nhiên như đã nói ở trên. Sự tham gia liên minh của Afghanistan, một quốc gia từ năm 2001 được coi là chắc chắn thân Mỹ và chính thức nằm trong số các đồng minh chính ngoài NATO của Mỹ, và của Tadjikistan, nước được coi là chắc chắn thân Nga, nằm trong khối Hiệp ước An ninh tập thể (OKDB, gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan) và là ứng cử viên tiềm năng tham gia Liên minh Âu-Á là đáng chú ý hơn nhiều. Cần lưu ý rằng, các thành viên OKDB không được tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào khác. Kabul và Islamabad đến nay vẫn có quan hệ rất xấu, thậm  chí có lúc công khai thù địch với nhau, Washington cuối cùng cũng bó tay không giảng hòa được họ. Rõ ràng là Bắc Kinh làm được việc này tốt hơn nhiều, chính họ đã quy tụ được Afghanistan và Pakistan trong khuôn khổ một liên minh. Trong trường hợp này, rõ ràng viện trợ kinh tế cho Afghanistan từ phía Trung Quốc đã đóng vai trò rất lớn, tức là Bắc Kinh hoàn toàn theo đúng truyền thống của mình đơn giản đang “mua” Kabul để họ hành động phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Điều thú vị là lúc đó Mỹ đã tán thành việc thành lập liên minh 4 nước, điều này đã được Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó Mark Toner thông báo. “Chúng tôi coi điều này là tích cực”, Mark Toner trả lời và nói thêm rằng, “trước họ đặt ra nhiều nhiệm vụ, sẽ có điều nhiều điều phải làm”.

Khác với Mỹ, Nga không hề phản ứng chính thức đối với việc thành lập liên minh ở Urumqi, còn ở cấp độ không chính thức, người ta chắc chắn nói rằng, Nga đang mất ảnh hưởng ở Trung Á. Bắc Kinh một lần nữa lợi dụng những khó khăn của Moskva để làm suy yếu vị thế của Nga ở các khu vực khác nhau trên thế thới và củng cố vị thế của mình hy sinh vị thế của Nga.

Ngoài ra, chính tuyến đường đi của OBOR qua Trung Á và Nam Á đặc biệt nhấn mạnh tính chất chống Nga của nó bởi lẽ nó đi vòng qua nước Nga và trở thành đối thủ cạnh tranh với các tuyến đường xuyên lục địa đi qua lãnh thổ Nga.

Mối đe dọa chính đối với hoạt động của OBOR ở khu vực này là các nhóm Hồi giáo không thể kiểm soát. Chính trong bối cảnh đó, liên minh 4 bên dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh sẽ đấu tranh chống khủng bố. Đồng thời, cần phải hiểu rằng, phong trào Taliban ở mức độ đáng kể đang bị Islamabad kiểm soát. Bắc Kinh cần tăng cường sự kiểm soát này và sử dụng Taliban để chiến đấu chống phe ủng hộ “vương quốc Hồi giáo” (phe Khaliphat). Gần đây, Bắc Kinh đã thiết lập quan hệ riêng với Taliban thông qua Qatar và Saudi Arabia.

Cần lưu ý rằng, nhờ các mối liên hệ kể trên với các quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố Sunni, Trung Quốc cho đến gần đây đã tránh được các mối đe dọa thực tế từ phía lực lượng này. Tuy nhiên, các hành động của Nga ở Syria đã dẫn đến sự sụp đổ của liên minh chống Assad và phá vỡ nền tảng tài trợ bên ngoài. Điều đó rõ ràng đã dẫn đến làm mất mọi sự kiểm soát bên ngoài đối với lực lượng khủng bố và việc chúng chuyển sang các hành động hoàn toàn độc lập theo đúng các mục tiêu và lý tưởng tuyên bố của chúng.

Chắc chính chính vì thế mà vào tháng 3/2017, đã lần đầu tiên vang lên những lời đe dọa đối với Bắc Kinh từ phía “phe Khaliphat”. Trong video clip đăng trên Internet đã quay cảnh những người Duy Ngô Nhĩ đang huấn luyện trong một trại phiến quân ở Iraq và đe dọa gây ra “những dòng sông máu” đối với Trung Quốc. Hiện tại, những đe dọa này chưa biến thành những hành động thực tế nào, nhưng hiển nhiên là không thể không làm cho chính quyền Trung Quốc lo ngại. Ngay sau đó, trong kỳ họp Hội nghị đại biểu nhân dân khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ đã thông qua “Danh sách các biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan” ở khu vực này. Trong danh sách có nêu “15 biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan” bị cấm trên lãnh thổ khu tự trị. Trong số đó có cấm phụ nữ mang tấm che mặt và đàn ông để râu “lớn bất thường”, công khai từ chối xem truyền hình nhà nước. Ngoài ra, từ nay, việc tổ chức lễ cưới và lễ tang theo phong tục tôn giáo (mà không theo quy định thế tục), chống đối chính sách nhà nước về kiểm soát sinh đẻ, ngăn càn trẻ em đi học trường công, cố tình làm hư hỏng hộ chiếu, giấy tờ đăng ký hay đồng tiền Nhân dân tệ cũng bị cấm. Tất cả những lệnh cấm này được ban bố là vì “các thế lực tôn giáo không được can thiệp vào đời sống thế tục của dân chúng”.

Trên thực tế, việc đấu tranh chống các phong tục Hồi giáo trong người Duy Ngô Nhĩ đã bắt đầu từ trước khi thông qua danh sách này. Chẳng hạn, mùa hè năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã cấm học sinh phổ thông và sinh viên, công chức sống ở khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ thực hành tháng lễ Ramadan. Từ năm 2015, người Duy Ngô Nhĩ bị cấm đặt cho trẻ em những cái tên như Islam, Korran, Mecca, Jihad, Imam, Saddam, Hadj và Medina. Nếu vi phạm, trẻ em sẽ không được tiếp cận hệ thống y tế và giáo dục nhà nước. Từ năm 2016, ở khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ, những người theo Hồi giáo bị tịch thu kinh Koran, các kinh sách tôn giáo khác, thảm cầu nguyện và các vật dụng được cho là công cụ khủng bố như vật dễ phát cháy và dao. Ngay cả những tài liệu tôn giáo trước đây được nhà nước cho phép cũng bị tịch thu. Ngoài người Duy Ngô Nhĩ, các lệnh cấm cũng áp dụng với ngườ Kazakh và Kirgyz sống khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ. Trong khi đó, tất cả những biện pháp nêu trên không được áp dụng với người Dungan cũng theo Hồi giáo, nhưng gần với người Hán về mặt chủng tộc. Bắc Kinh gần đây đã chính thức thừa nhận sự tồn tại của các trại tập trung dành cho người Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ với tên gọi “các trung tâm học tập-giáo dục đặc biệt”, nơi “tiến hành công tác giáo dục tư tưởng, giúp đỡ chấn chỉnh suy nghĩ, sửa đổi hành vi, học quốc ngữ”.

Các biện pháp như vậy được xem là sự phân biệt đối xử với công dân đồng thời cả theo dấu hiệu dân tộc và tôn giáo, có nghĩa là, về bản chất đây là sự trấn áp bất đồng chính kiến. Có thể so sánh điều này với thực tiễn chống khủng bố ở Nga, nơi đang đấu  tranh với xu hướng Salafi (Wahhabi) trong Hồi giáo Sunni, nhưng không hề chống Hồi giáo nói chung và hơn nữa là không chống các đại diện của một dân tộc nào đó. Tuy nhiên, dòng chiến binh lớn khó đổ về khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ ít ra là vì các lý do mang tính địa lý. Ngoài ra, khi cần, ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp vũ lực cứng rắn chống các phần tử Hồi giáo cấp tiến, bất chấp phản ứng bên ngoài (dù là phản ứng tiêu cực rộng lớn) đối với các hành động của mình.

Vũ khí chiến lược

Quá trình thành lập một liên minh mới dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc giáng cú đòn cực mạnh vào vị thế của Ấn Độ, nước vốn đã nằm quá lâu trong vòng vây chiến lược: tất cả các nước giáp giới với Ấn Độ đều hoặc là bản thân Trung Quốc, hoặc là đồng minh của Trung Quốc. Delhi đặt nhiều hy vọng vào liên minh với Kabul, điều lẽ ra sẽ giúp Ấn Độ “đột phá” vòng vây này và về phần mình, lại tạo thế bao vây chiến lược đối với Pakistan, địch thủ chính trực tiếp của Ấn Độ. Ngoài ra, Delhi từ lâu đã mưu toan thiết lập quan hệ mật thiết tối đa với Dushanbe, thậm chí còn nói đến chuyện thành lập căn cứ của Không quân Ấn Độ ở Tadjikistan. Liên minh được lập ra ở Urumqi phá hủy hoàn toàn các kế hoạch này và làm cho vòng vây Ấn Độ từ hướng Tây trở nên hoàn toàn kín mít. Ngoài ra, việc trao đổi thông tin tình báo trong khuôn khổ liên minh (ít ra là giữa Trung Quốc và Pakistan) định sẵn sẽ nhằm vào không chỉ chống các phần tử Hồi giáo mà cả chống Ấn Độ.

Nếu liên minh được thành lập ở Urumqi phát triển thành một khối quân sự thực thụ thì đây sẽ là bước đi hoàn toàn mới trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh bởi lẽ đến nay, Trung Quốc về cơ bản không tham gia vào khối quân sự nào (SCO không phải là khối quân sự, hơn nữa chính là nhờ những nỗ lực của Trung Quốc). Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn logic nếu Trung Quốc sẽ trở thành thành viên của một khối quân sự được thành lập theo sáng kiến của Trung Quốc và dưới sự lãnh đạo của họ, các phương án khác là không thể chấp nhận đối với Bắc Kinh. Việc thành lập một khối như vậy sẽ giáng đòn cực mạnh vào vị thế của Nga và Ấn Độ ở khu vực này, nhưng thực tế sẽ không đụng chạm gì đến lợi ích của Mỹ.

Tuy vậy, có thể phỏng đoán rằng, việc biến liên minh thành một khối quân sự sẽ là quá trình khá kéo dài, Bắc Kinh sẽ hành động theo cách đặc trưng cho họ là “ném đá dò đường”, tức là không thực hiện những bước đi đột ngột và thiếu suy tính. Trước hết, điều đó sẽ liên quan chính là đến thành tố quân sự của liên minh, trong thời gian dài, thành tố quân sự sẽ vẫn ở trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung, đào tạo cán bộ và trao đổi thông tin tình báo.

Việc triển khai các lực lượng quân đội Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ nước này không phải dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc sẽ là một bước đi cơ bản. Rõ ràng là bước đi đó sẽ được thực hiện chính là trong khuôn khổ liên minh 4 bên nói trên (chắc chắn là với cớ “chống chủ nghĩa khủng bố”, trong thực tế là đẻ bảo vệ OBOR) và sẽ có nghĩa là Trung Quốc chuyển hẳn thành một cường quốc toàn cầu với các tham vọng địa-chính trị toàn cầu. Còn khu vực Trung Á và Nam Á sẽ cũng nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Trung Quốc như Đông Nam Á.

Nguồn: Aleksandr Anatolievich Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự // NVO, 16.11.2018. 

Print Print E-mail Print