Vietnamdefence.com

 

So sánh các máy bay huấn luyện Yak-130, T-50, L-159 và FTC-2000

VietnamDefence - Một bản phân tích do các chuyên gia Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga) tiến hành cho thấy, máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 của Nga có mọi cơ hội giành thắng lợi tại cuộc thầu của Indonesia cung cấp máy bay huấn luyện cho không quân nước này.

Đối thủ của Yak-130 là Т-50 (Hàn Quốc), L-159 (Czech) và FTC-2000 (Trung Quốc).

Máy bay huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi Yak-130 dùng để đào tạo và huấn luyện chiến đấu cho phi công, cũng như để tác chiến chống mục tiêu mặt đất và trên không trong điều kiện thời tiết tốt và phức tạp.

Những ưu điểm chính của Yak-130:

- An toàn. Yak-130 bảo đảm mức độ an toàn cao cho các chuyến bay huấn luyện, nhờ có hệ thống điều khiển điện tứ trùng, có hạn chế các trị số giới hạn góc tấn và quá tải, hệ thống động lực 2 động cơ, các cửa tự động đóng khi lăn trên mặt đất, khi cất và hạ cánh, các kênh vào của các thiết bị hút khí để tránh vật lạ rơi vào động cơ, các ghế phóng cấp 0-0 và tính năng bay tốt.

- Thiết bị trên khoang. Yak-130 được trang bị các thiết bị lái-đạo hàng và liên lạc vô tuyến hiện đại, buồng lái với các màn hiển thị màu đa năng phù hợp với khái niệm Glass cockpit áp dụng cho buồng lái các tiêm kích thế hệ 4+ và 5.

- Tính tự hoạt. Yak-130 được lắp thiết bị thu oxy, hệ thống động lực phụ trợ, càng được gia cường, có các tấm chắn bụi bẩn và cầu thang cho tổ lái, cho phép sử dụng máy bay ở các sân bay dã chiến, trang bị kém.

- Vũ khí. Yak-130 có khả năng sử dụng tất cả các loại vũ khí hàng không – tên lửa không-đối-không, bom cỡ 50-500 kg (kể cả bom có điều khiển), rocket cỡ 80-266 mm. Ngoài ra, còn có 1 khẩu pháo hàng không 23 mm. Tải trọng chiến đấu tối đa là 3.000 kg. Số lượng điểm treo vũ khí là 9.

Yak-130 có hiệu quả kinh tế cao. Thiết kế hiện đại của máy bay, khái niệm sử dụng theo tình trạng, dữ trữ làm việc danh định 10.000 giờ (tuổi thọ phục vụ 30 năm),  sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, dễ kiểm tra và sửa chữa bảo đảm hiệu quả kinh tế cao của Yak-130 trong quá trình khai thác.

Yak-130 được phát triển theo đơn đặt hàng của Không quân Nga, đã vượt qua thành công các quy trình thử nghiệm nhà nước vào năm 2009. Máy bay này đã bắt đầu được sản xuất loạt và cung cấp cho Không quân Nga. Một số hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết.

Các đối thủ chính của Yak-130 trên thị trường thế giới:

1. L-159В của công ty Aero Vodochody (Czech), được chế tạo dựa trên cơ sở máy bay 1 chỗ ngồi L-159A thiết kế vào đầu thập kỷ 1990, hiện đã lạc hậu và thua kém Yak-130 về các thông số sau:

- An toàn. L-159В chỉ có 1 động cơ và các bộ hút khí không có cửa nên không bảo đảm độ an toàn cần thiết cho các chuyến bay, kể cả trong các phi vụ chiến đấu.

- Khả năng cơ động. L-159В không cho phép tiến hành huấn luyện đầy đủ cho phi công lái máy bay chiến đấu thế hệ 4++ và 5.

- Tốc độ lên cao và mức trang bị sức kéo. Cả 2 thông số này của L-159В chỉ chưa bằng 50% so với Yak-130.

- Thiết bị buồng lái. Trường thông tin-điều khiển (sự hiện diện của các thiết bị điện-cơ) không phù hợp với các máy bay hiện đại thế hệ 4+ và 5.

Do không có đơn đặt hàng mua L-159B, chương trình này đang ở tình trạng mấp mé đóng cửa. Hãng chế tạo chuyển hướng sang sản xuất máy bay cỡ nhỏ.

Như vậy, việc so sánh Yak-130 với L-159B về các thông số có ý nghĩa quan trọng khi sử dụng các máy bay làm nhiệm vụ huấn luyện và huấn luyện-chiến đấu, máy bay Yak-130 có ưu thế không thể tranh cãi.

2. Т-50 (Hàn Quốc), được phát triển để huấn luyện phi công F-16. Các cơ cấu điều khiển có mức độ chuẩn hóa cao với máy bay F-16. Tỷ lệ linh kiện do Mỹ sản xuất chiếm hơn 50%. Máy bay có 2 biến thể: máy bay huấn luyện Т-50 và máy bay chiến đấu hạng nhẹ АТ-50. Biến thể huấn luyện không có vũ khí.
T-50 thua kém Yak-130 về các thông số sau đây:

- An toàn. T-50 chỉ có 1 động cơ và các bộ hút khí không có cửa nên không bảo đảm độ an toàn cần thiết cho các chuyến bay, kể cả trong các phi vụ chiến đấu. Càng của Т-50 không thích hợp để thực hiện các thao tác hạ cánh gằn trong quá trình huấn luyện phi công. Máy bay có góc tấn cho phép nhỏ hơn nhiều.

- Tiêu thụ nhiên liệu. Một động cơ của Т-50 tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn 15-20% so với 2 động cơ của Yak-130. Vì thế, tầm bay và thời gian bay của Т-50 nhỏ hơn Yak-130, điều đó làm giảm hiệu quả huấn luyện của máy bay Т-50, bởi vì đòi hỏi phải thực hiện thêm những lần hạ cánh để nạp nhiên liệu trong một ca bay (ngày).

- Thiết bị buồng lái. Kích thước của màn hiển thị đa năng trong buồng lái của Т-50 nhỏ hơn của Yak-130. Hình thức hiển thị thông tin hỗn hợp không phù hợp với các yêu cầu của khái niệm Glass cockpit, gây khó khăn cho việc tiếp tục huấn luyện làm chủ máy bay thế hệ 4+ và 5 với nguyên tắc xây dựng trường thông tin-điều khiển buồng lái hiện đại.

- Tính đa năng. Để huấn luyện sử dụng chiến đấu, lại phải mua thêm biến thể АТ-50. Những quy trình, thủ tục bảo dưỡng các hệ thống trên khoang không tiêu chuẩn hóa gây khó khăn và làm chậm trễ việc bảo dưỡng máy bay, làm tăng số nhân viên mặt đất tham gia bảo dưỡng.

-  Tính chắc chắn trong cung cấp hàng. Do có tỷ lệ lớn linh kiện Mỹ trong thành phần máy bay (hơn 50%), không loại trừ khả năng Mỹ áp đặt hạn chế bán máy bay. Trong khi đó, toàn bộ các thiết bị và linh kiện của Yak-130 là do Nga sản xuất. 

Như vậy, việc so sánh Yak-130 với Т-50 về những thông số quan trọng nhất cho thấy rằng, mặc dù có chút ưu thế về tốc độ tối đa và mức trang bị sức kéo, thiết kế và thiết bị avionics hiện đại, Т-50 có nhiều hạn chế lớn về sử dụng với tư cách một máy bay huấn luyện, vì thế nhìn chung là thua kém Yak-130. 

3. FTC-2000 (Trung Quốc), được phát triển dựa trên cơ sở máy bay huấn luyện J-7 (MiG-21U, phát triển trong thập niên 1950). Các tính năng kỹ thuật-bay và sử dụng của máy bay và động cơ máy bay không phù hợp với máy bay hiện đại thế hệ 4. Hiện nay, máy bay đã lạc hậu nhiều và thua kém Yak-130 về các thông số sau:

- An toàn. FTC-2000 chỉ có 1 động cơ và các bộ hút khí không có cửa, cũng như không có hệ thống an toàn bay chủ động và hạn chế các trị số góc tấn và quá tải giới hạn không bảo đảm độ an toàn bay cần thiết. Ngoài ra, trong quá trình thử nghiệm đã phát hiện vấn đề với các hệ thống phóng ghế lái và bung vòm kính buồng lái.

- Khả năng cơ động. Góc tấn tối đa chỉ có 16 độ, tức là nhỏ hơn 2 lần so với Yak-130. Không cho phép huấn luyện đầy đủ phi công máy bay chiến đấu thế hệ 4++ và 5.

- Thiết bị buồng lái. Trường thông tin-điều khiển (có các thiết bị điện-cơ) không phù hợp với máy bay hiện đại thế hệ 4+ và 5.

- Tình trạng của chương trình. FTC-2000 vẫn còn phải trải qua cuộc thi với máy bay huấn luyện chiến đấu L-15 của Không quân Trung Quốc.

- Chi phí khai thác. Mức tiêu thụ nhiên liệu cao và các thông số dữ trữ làm việc thấp của máy bay và động cơ khiến chi phí khai thác cao hơn 2,5 lần so với chi phí khai thác Yak-130.

So sánh Yak-130 với FTC-2000 theo các thông số có ý nghĩa quan trọng khi khai thác máy bay làm máy bay huấn luyện và máy bay huấn luyện-chiến đấu cho thấy, Yak-130 có ưu thế không thể tranh cãi.

  • Nguồn: Armstrade, 29.10.2010.

Print Print E-mail Print