Các nhà quan sát quân sự đã đặc biệt chú ý tới việc sử dụng tăng-thiết giáp của Israel và kết quả các trận đánh giữa tăng chủ lực của Israel và vũ khí chống tăng của Hezbollah. Tổng cộng đã có 4 bộ chỉ huy sư đoàn và 17 lữ đoàn của lục quân Israel (6 lữ thiết giáp, 7 lữ bộ binh và 4 lữ không vận) tham chiến, mặc dù không phải tất cả đều được biên chế đủ quân.
Trên 30.000 lính Israel và tới 400 tăng chủ lực đã trực tiếp tham chiến trên đất Li-băng, còn xe tăng toàn bộ là các kiểu Merkava do Israel sản xuất.
Trong 6 lữ thiết giáp có 2 lữ (7 và 847) được trang bị Merkava Mk 2, 3 lữ (188, 434 và 673) trang bị Merkava Mk 3, và 1 lữ (401) trang bị tăng tiên tiến nhất Merkava Mk 4.
Trong 7 lữ bộ binh có 2 lữ (1 và 609) được trang bị xe bọc thép chở quân hạng nặng Achzarit được cải hoán từ xe tăng chủ lực T-55 do Liên Xô sản xuất do Israel thu được của quân đội các nước Arab trong các cuộc chiến tranh năm 1967 và 1973.
Từ năm 2000, Hezbollah đã biến dải đất giữa biên giới Israel và sông Litani thành một khu vực phòng thủ kiên cố, vững chắc, được biết đến với tên gọi Nasser. Trên thực tế, mỗi khu dân cư đều có các công sự tạm thời hoặc kiên cố (trong đó có các boongke bê tông, cửa sắt,…), một số lượng lớn đường hầm trong lòng đất và ngụy trang tốt.
Tuy các chiến binh Hezbollah có sử dụng các công sự, hầm hào, nhưng họ đã không sa vào chiến thuật trận địa chiến, mà thực hành phương thức vận động chiến. Các chiến binh được tổ chức thành các toán không quá 20 người (mà thường là chỉ có 5-6 người), thường dựa trên các tổ trang bị các hệ thống vũ khí chống tăng.
Đây có vẻ là chiến lược của họ để làm bộc lộ các đơn vị Israel đang tiến quân, đặc biệt là các đơn vị tăng trước các tên lửa chống tăng có điều khiển bắn từ cự ly khá xa, thường xuyên thay đổi vị trí bằng cách sử dụng các mạng lưới đường hầm và boongke.
|
RPG-7 (B-41) |
Hezbollah đã triển khai tới 2.500 chiến binh, trong đó có lực lượng nòng cốt gồm 1.000 lính chính quy được huấn luyện tốt và trang bị theo tiêu chuẩn cao nhất của phương Tây. Các chiến binh nhiệt huyết, nhà nghề này được cung cấp đầu đủ vũ khí và tuân thủ nghiêm các mênh lệnh. Không thể nói Israel đã tác chiến với các đơn vị ‘du kích’ ở nghĩa thông thường của từ này mà thực tế là với một quân đội chính quy được trang bị và tổ chức tốt, kể cả khi nó trình diễn một số phương thức tác chiến đặc biệt.
Hezbollah đã có sự chuẩn bị đặc biệt để đối đầu với xe tăng-thiết giáp Israel bằng một số lượng lớn vũ khí chống tăng, trong đó có hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Malyutka (NATO gọi là AT-3) của Liên Xô sử dụng các tên lửa có điều khiển series 9M14 (kể cả các biến thể do Nam Tư sản xuất theo giấy phép và các mẫu làm nhái Raad và Raad-2T mang đầu đạn tandem của Iran, Fagot (AT-5), Konkurs (AT-5, kể cả biến thể sản xuất theo giấy phép Towsan-1 của Iran), MILAN của Pháp, TOW của Mỹ (trong đó có các bản sao chép Toophan Toophan-2 mang đầu đạn tandem của Iran), pháo không giật và một số biến thể của súng rocket chống tăng xách tay RPG-7 của Liên Xô.
Iran và Syria là nguồn cung cấp chính các vũ khí này, còn một số hệ thống vũ khí phương Tây rõ ràng là lọt vào tay các chiến binh Shiite từ kho của quân đội Li-băng.
Ngoài ra, Hezbollah đã sử dụng một số lượng nhỏ các hệ thống tên lửa chống tăng mang vác hiện đại 9K115-2 Metis-M (AT-13) và 9K129 Kornet-E (AT-14), và súng rocket chống tăng RPG-29 Vampir do Nga cung cấp cho Syria năm 1998-1999.
3 hệ thống vũ khí mới này đã xuyên phá vỏ giáp cực tốt nhờ đầu đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT) của chúng.
Hệ thống tầm gần Metis-M có tầm bắn đến 1.500 m và được trang bị tên lửa có điều khiển 9M131 nặng 13,8 kg dẫn bằng dây.
|
Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Metis-M |
Kornet-E hạng nặng hơn bắn tên lửa dẫn bằng laser 9M133 nặng 29 kg với tầm bắn đến 5.500.
Cả 2 hệ thống này đều do Viện thiết kế KPB Tula phát triển và được trang bị kính ngắm ảnh nhiệt 1PN86V1 Mulat.
Súng rocket chống tăng xách tay RPG-29 là một trong những sản phẩm mới nhất của hãng Bazalt lừng danh ở Moskva. Nặng 11,5 kg, RPG-29 bằn đạn chống tăng gắn động cơ rocket nặng 6,2 kg với tầm bắn 500 m từ một ống phóng kiểu ống lồng.
Các đội hình phòng ngự của Hezbollah được tổ chức xung quanh các vũ khí chống tăng vốn được sử dụng số lượng lớn này.
Theo ước tính của Israel, các chiến binh Hezbollah đã phóng hơn 500 quả tên lửa chống tăng có điều khiển chỉ riêng trong tháng 7 và khoảng 1.000 quả trong suốt cuộc xung đột. Hơn nữa, các tên lửa chống tăng có điều khiển đã được sử dụng để chống không chỉ các mục tiêu thiết giáp mà cả chống bộ binh Israel. Các chiến binh thường sử dụng vũ khí ở tầm xa nhất có thể.
|
Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Konkurs |
Xét tổng thể thì cả quy mô sử dụng các hệ thống vũ khí chống tăng của Hezbollah lẫn việc họ có các hệ thống hiện đại với khả năng xuyên giáp vượt trội đã là sự bất ngờ đối với bộ chỉ huy Israel.
Tuy vậy, các biện pháp giảm tổn thất của xe tăng-thiết giáp đã được áp dụng ngay từ đầu. Có dấu hiệu cho thấy, trên lãnh thổ Li-băng, quân Israel chỉ sử dụng các xe bọc thép chở quân có vỏ giáp mạnh sử dụng khung gầm tăng chủ lực là Achazarit (dùng khung gầm tăng T-55), Nagmahon, một số mẫu chế thử của xe Nemerah (dùng khung gầm tăng Merkava), xe chiến đấu công binh Puma và Nakpadon, tất cả đều dùng khung gầm xe tăng Centurion cũ của Anh, trong khi các xe bọc thép chở quân tiêu chuẩn M113, thậm chí các xe đã hiện đại hóa với vỏ giáp được tăng cường rất nhiều hiếm khi được sử dụng và do đó chỉ là xe kỹ thuật, bảo đảm và hộ tống.
Theo các nguồn tin Israel và phương Tây, trong chiến dịch ở Li-băng, có 46-50 xe tăng chủ lực Merkava (trong số 400 chiếc được triển khai) và 14 xe bọc thép chở quân đã bị vũ khí chống tăng bắn trúng, trong đó có 22 vụ vỏ giáp xe tăng và 5 vụ vỏ giáp xe bọc thép chở quân bị xuyên thủng.
6 xe tăng khác và ít nhất 1 xe bọc thép chở quân đã bị nổ tung do mìn và thiết bị nổ tự tạo. Trong số những chiếc tăng bị chống đạn chống tăng này có 18 chiếc là tăng tối tân nhất Merkava Mk 4 (thuộc lữ thiết giáp 401), và 6 xe trong số này có vỏ giáp bị xuyên thủng.
23 thành viên các kíp xe tăng và 5 thành viên các kíp xe bọc thép chở quân đã bị chết. Một số lượng lớn tên lửa chống tăng và đạn rocket chống tăng RPG đã bắn trúng xe tăng, song trong đa số trường hợp chỉ gây hư hại nhẹ.
Có tin 1 xe tăng Merkava Mk 4 đã sống sót khi bị trúng 23 quả tên lửa chống tăng trước khi bị vô hiệu hóa hoàn toàn và vỏ giáp của nó bị xuyên thủng.
Tất cả các xe Merkava có vỏ giáp bị xuyên thủng, theo Israel, đều là do bị bắn bằng các tên lửa chống tăng có điều khiển Konkurs, Metis-M và Kornet-E, cả rocket chống tăng RPG-29.
Nếu tính rằng, 22/50 xe tăng có vỏ giáp bị xuyên thủng, tức là tỷ lệ xuyên vỏ giáp là 44% (chỉ 33% đối với Merkava Mk 4).
Theo thống kê của quân đội Israel, tỷ lệ xuyên thủng vỏ giáp xe tăng trong cuộc chiến tranh Li-băng 1982 là 47% và 60% trong cuộc chiến tranh năm 1973. Tỷ lệ thương vong của kíp xe cũng cao hơn nhiều so với năm 2006 ở mức 0,5 thành viên kíp xe trên mỗi xe tăng bị hỏng, trong khi tỷ lệ này trên 1 xe tăng bị hỏng trong chiến tranh năm 1973 là 1,0 thành viên kíp xe.
|
Súng rocket chống tăng RPG-29 Vampir |
Số lượng xe tăng tổn thất không thể khôi phục trong số xe tăng bị hỏng, theo các tài liệu Israel đăng tải gần đây là 5 chiếc cả thảy, trong đó có 2 xe tăng (1 Merkava Mk 2 và 1 Mk 4) bị mìn tự tạo phá hủy và 3 xe tăng bị cháy hoàn toàn sau khi bị tên lửa chống tăng có điều khiển bắn trúng. Đó là nhờ khả năng bảo vệ mạnh của các xe tăng hiện đại nhất Merkava Mk 4, vốn chỉ có thể bị bắn hỏng bằng các vũ khí chống tăng hiện đại nhất với đầu đạn tandem HEAT mạnh bắn vào các khu vực vỏ giáp yếu.
Tỷ lệ bắn trúng cực thấp của tên lửa và tỷ lệ thấp xuyên thủng vỏ giáp cho thấy rõ ràng là đại đa số các tên lửa chống tăng có điều khiển là các kiểu cũ, chắc là loại hoàn toàn lạc hậu Malyutka (và nhiều loại sao chép của nó), với các hệ dẫn thô sơ (bằng tay, ở các mẫu cũ nhất), không có kính ngắm hiện đại và với đầu đạn tương đối nhỏ so với tiêu chuẩn hiện nay.
Dường như các tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ 2 chưa được hiện đại hóa sản xuất trong thập niên 1970 (Fagot, Konkurs, MILAN, TOW) đã được sử dụng trong các trận đánh.
|
Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-E |
|
Các hệ thống Kornet-E và Metis-M với hiệu quả chiến đấu cao hơn nhiều rõ ràng chỉ có rất ít, song lại gây ra phần lớn các tổn thất cho Israel.
Điều đó cho phép kết luận rằng, Israel làm ầm ĩ việc Hezbollah sở hữu các hệ thống mới này đa phần là bởi lý do chính trị hơn là lý do quân sự giản đơn.
Mặt khác, nếu Hezbollah mà có số lượng lớn các hệ thống Kornet-E và Metis-M thì cuộc tấn công bằng xe tăng của Israel đã có thể bị đẩy lùi hoàn toàn. Các vũ khí hiện đại của Nga chứng tỏ có hiệu quả cao chống lại trang bị tối tân nhất của phương Tây.
|
Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-E |
Các hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển kiểu cũ tự thể hiện là cực kỳ không hiệu quả. Và do đa số các lực lượng chống tăng trên thế giới đang được trang bị chính các hệ thống tên lửa thế hệ cũ này, kết quả cuộc chiến Li-băng mới đây này sẽ rung lên hồi chuông báo động và thúc đẩy việc mua sắm các hệ thống vũ khí chống tăng hiện đại như Kornet-E.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của mình ở Li-băng, Israel đã tự kết luận rằng, bản thân vỏ giáp về nguyên tắc không thể bảo vệ hoàn toàn chống các hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển và rằng, tất cả các xe tăng của họ sẽ phải được trang bị các hệ thống phòng vệ tích cực như Trophy của hãng Rafael và Iron Fist của hãng IMI.
Họ đã quyết định vào đầu năm 2007 trang bị cho toàn bộ lực lượng tăng Merkava và xe bọc thép chở quân Nemerah sẽ được chế tạo hệ thống phòng vệ tích cực Trophy vào cuối năm 2008. Các biện pháp đối phó điện tử thụ động nay cũng được chú trọng. Rõ ràng là không chiếc nào trong số 4 xe tăng được trang bị hệ thống đối phó điện tử thử nghiệm bị bắn trúng dù là 1 quả tên lửa chống tăng có điều khiển.
Tuy vậy, tầm quan trọng của vỏ giáp “thông thường” hạng nặng (trong đó có các bộ giáp phản ứng nổ) cũng đã được chứng minh trên chiến trường và Israel đã quyết định tiếp tục sản xuất tăng chủ lực Merkava Mk 4 và bắt đầu sản xuất loạt xe bọc thép chở quân hạng nặng Nemerah dùng khung gầm xe tăng này. 200 xe này đã được đặt hàng.
Như vậy, cuộc chiến ở Li-băng đã chứng tỏ rằng, cách tiếp cận của Liên Xô/Nga đối với việc phát triển khả năng bảo vệ cho tăng chủ lực xác lập vào thập niên 1970 là rất đúng đắn. Trong thập niên 1980, Liên Xô đã chế tạo hệ thống phòng vệ hoàn toàn thụ động (Shtora) và tích cực (Drozd, Arena) đầu tiên và chúng vẫn đang được phát triển. Israel và phương Tây chỉ đang đuổi theo Nga.
Trong khi đó, chúng ta có thể thấy rằng, các xe tăng tối tân nhất của phương Tây (kể cả loại nổi tiếng có vỏ giáp vững chắc là Merkava) cũng bị nổ tung khi bị vũ khí chống tăng hiện đại bắn trúng giống hệt các xe tăng lạc hậu T-72 của Liên Xô ở Chechnya và Iraq.
Nga không đi theo cách của phương Tây khi loại bỏ vỏ giáp hạng nặng và giáp phản ứng nổ như là “không cần thiết” và tiếp tục phát triển một kết cấu vỏ giáp cân bằng, bao gồm giáp tháo lắp và giáp lắp liền, và điều đó đã được chứng minh là đúng đắn.
Cuộc xung đột ở Li-băng năm 2006 và cuộc chiến tranh ở Iraq một lần nữa chứng tỏ những luận điệu cho rằng, tăng chủ lực đã lỗi thời là vô lý. Tăng chủ lực hiện đại với vỏ giáp nặng vững chắc và trọng lượng chiến đấu lớn sẽ tiếp tục là nòng cốt của lực lượng mặt đất trong một thời gian nữa.
Còn về mặt sử dụng chiến thuật bộ đội tăng-giáp, rõ ràng là quân Israel sử dụng xe tăng của mình thành các nhóm nhỏ hầu như hoàn toàn để chi viện trực tiếp cho bộ binh. Chính lực lượng bộ binh được trang bị và huấn luyện tốt đã đóng vai trò quyết định trong trận chiến. Những nỗ lực sử dụng bộ đội tăng-giáp để đột phá mà không có sự chi viện, yểm trợ của bộ binh và trinh sát tất yếu dẫn đến những tổn thất vô nghĩa như lực lượng của lữ thiết giáp 401 của Israel phải hứng chịu tại Vadi Saluki ngày 9.8.2006.
Tiểu đoàn tăng của lữ đoàn này khi tiến quân mà không có bộ binh đi cùng đã lọt vào bẫy của các hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển (đa số là Kornet-E, theo các nguồn tin Israel), và bị bắn hỏng 11 chiếc tăng Mk 4 Merkava, 8 thành viên tổ lái bị chết, trong đó có tiểu đoàn trưởng. Bộ đội tăng-giáp Israel rõ ràng là đã không chuẩn bị tốt để đối phó với các vũ khí chống tăng hiện đại.
Về phía Israel, cũng rõ ràng là các đơn vị thiết giáp dự bị đã không chuẩn bị đầy đủ, đặc biệt là về mặt sử dụng các biện pháp đối phó (màn khói, bắn trước để cản trở việc ngắm bắn, chạy lùi khi rút lui,…). Như vậy, chất lượng huấn luyện bộ đội tăng-giáp và khả năng của các cấp chỉ huy kết hợp hiệu quả lực lượng xe tăng và các lực lượng khác vẫn là những yếu tổ then chốt cho việc sử dụng thành công tăng chủ lực trên chiến trường.