VietnamDefence -
Ngày 3.1.2011, chuyên gia nổi tiếng Richard Aboulafia của Trung tâm Teal Group đưa ra ý kiến đánh giá mức độ đe dọa của tiêm kích mới của Trung Quốc J-20 đối với F-35 Joint Strike Fighter của Mỹ trong tác chiến giành ưu thế trên không, cũng như với tư cách đối thủ cạnh tranh trên thị trường tiêm kích thế giới.
|
Có dư luận cho rằng, J-20 dùng để giành ưu thế trước loại tiêm kích không chiến chuyên dụng F-22. Nhưng hiện nay, F-22 không còn được sản xuất loạt và cũng bị cấm xuất khẩu vì thế loại tiêm kích thể hệ 5 chủ lực của Mỹ và nhiều nước đồng minh của Mỹ là F-35.
Ông Richard Aboulafia xác định khả năng của các máy bay chiến đấu này theo các tiêu chí sau.
1. Máy bay tiêm kích phải có khả năng phối hợp với các hệ thống phát hiện trên vũ trụ, trên không và mặt đất, cụ thể là các máy bay chỉ huy/báo động sớm với các tổ lái được huấn luyện thành thục và có các kệnh truyền dữ liệu tin cậy.
2. Kết hợp hiệu quả các sensor để sử dụng tất cả những thông tin này, cũng như các hệ thống phát hiện trên khoang.
3. Hệ thống tác chiến điện tử tổ hợp.
4. Radar anten mạng pha chủ động trên khoang có độ tin cậy cao.
5. Công tác huấn luyện và học thuyết cần thiết để sử dụng hiệu quả những thông tin và trang thiết bị này. Phi công phải có giờ bay cao.
6. Cần có các động cơ mạnh, lý tưởng là có thể đạt tốc độ bay hành trình siêu âm, dự trữ công tác giữa các lần sửa chữa cao.
7. Khung thân máy bay có các tham số gây bộc lộ thấp.
8. Hệ thống tiếp dầu trên không tin cậy (trang thiết bị, mức độ sẵn sàng, trình độ huấn luyện).
9. Vũ khí chính xác cao tối tân và tin cậy.
10. Có lộ trình tin cậy nâng cấp phần mềm và phần cứng để duy trì hiệu quả trong 5, 10 và 30 năm nữa.
11. Công tác bảo dưỡng tại chỗ để duy trì hoạt động với tần suất xuất kích cao. Trang thiết bị dễ tiếp cận để bảo dưỡng và dễ tiếp cận đói với các phương tiện chẩn đoán điện tử, và lý tưởng là có hệ thống giám sát tình trạng máy bay (HUMS) tiên tiến.
|
Ông Richard Aboulafia cảnh báo rằng, ông có thể chưa nêu những yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của một máy bay hiện đại.
Theo ông, máy bay tiêm kích mới của trung Quốc chỉ có tiêu chí thứ 7 (độ bộc lộ thấp) và ông không chắc không quân Trung Quốc có các tiêu chí khác được liệt kê ở trên, nhưng Trung Quốc dường như có những thành tựu nhất định ở tiêu chí thứ 9 (chế tạo vũ khí chính xác cao hiệu quả).
Chuyên gia này viết rằng, thật buồn cười khi cả thế giới chỉ chăm chăm vào tiêu chí thứ 7 và thừa nhận rằng, ông rất thích thú với màn biểu diễn “Rắn hổ mang Pugachev” (một thao tác bay cao cấp của Su-27 do phi công thử nghiệm Pugachev thực hiện đầu tiên) được trình diễn ở nhiều triển lãm hàng không dù cho đối với một trận không chiến hiện đại thì các thao tác đó có hiệu quả bằng 0.
Liên quan đến F-35, chuyên gia này cho rằng, máy bay này có những vấn đề của nó, nhất là giá đắt. Nhưng đa số các nước muốn mua F-35 đều có khả năng bỏ tiền ra trả cho sự hiện diện của tất cả 11 tiêu chí trên, thậm chí còn nhiều hơn.
Sự hiện diện của tiêu chí tàng hình ở máy bay Trung Quốc không xóa bỏ được tầm quan trọng của tất cả các tiêu chí còn lại, nên chẳng khiến các nước muốn mua F-35 phải lăn tăn suy nghĩ.