Vietnamdefence.com

 

Hệ thống tên lửa chống tăng siêu hiện đại Spike

VietnamDefence - Công nghiệp quốc phòng Israel đang sản xuất ra những loại vũ khí hiện đại và công nghệ cao nhất, điển hình nhất là hệ thống tên lửa chống tăng Spike (ATGM) xứng đáng được các chuyên gia quân sự coi là vũ khí chống tăng tốt nhất so với các vũ khí cùng loại.

ATGM Spike các loại khác nhau đang có trong trang bị hơn 10 nước như Chile, Colombia, Croatia, Ecuador, Phần Lan, Đức, Israel, Italia, Hà Lan, Peru, Ba Lan, Romania, Singapore, Slovenia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ...

Nhược điểm duy nhất của Spike là giá đắt: một phát bắn trung bình mất 250.000 USD, còn về các thông số còn lại thì nó hoàn toàn vượt trội tất cả các hệ thống tương tự.

Spike có khả năng xuyên phá mọi loại vỏ giáp hiện có, tức là chỉ bằng một phát bắn tiêu diệt bất kỳ xe tăng nào dù là loại hiện đại nhất. Kết hợp với độ chính xác tuyệt vời (95% tên lửa bắn trúng mục tiêu), điều đó khiến Spike trở thành sự đau đầu thực sự đối với các nhà thiết kế tăng-thiết giáp.

Spike có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cả ban ngày, lẫn ban đêm và hầu như trong mọi điều kiện thời tiết mà không sút giảm độ chính xác.

Bên cạnh đó, yếu tố con người ở hệ thống này đã được giảm đến mức thấp nhất. Xạ thủ chỉ cần chọn mục tiêu và bấm cò, còn tất cả những việc còn lại tên lửa thực hiện ở chế độ tự động. Tên lửa sẽ độc lập bám, kiểm soát mọi di chuyển của mục tiêu và chính điều đó bảo đảm độ chính xác cao đến thế cho Spike.

Một ưu điểm lớn của hệ thống vũ khí chống tăng này là Spike có tới 4 biến thể, điều mà hệ thống Javelin của Mỹ và Kornet của Nga không thể có được. Đó là:

  1. Spike-SR là hệ thống mang vác tầm ngắn, có tầm bắn 200-800 m, dùng để trang bị cho bộ binh.
  2. Spike-MR (được biết nhiều hơn với tên Gil), cũng là hệ thống mang vác, nhưng có tầm bắn xa hơn là 200-2.500 m, trang bị cho bộ binh, đặc nhiệm.
  3. Spike-LR là hệ thống vũ khí chống tăng tầm xa, dùng để lắp trên xe chiến đấu hạng nhẹ, trang bị cho bộ binh, có tầm bắn tối đa đến 4 km.
  4. Spike-ER là biến thể có tầm bắn xa nhất của Spike, lên tới 8 km, dùng để lắp cho xe chiến đấu hạng nhẹ, bộ binh, ngoài ra cũng có biến thể đặc biệt để trang bị cho trực thăng.

Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet của Nga thua kém Spike không chỉ ở chỗ không có nhiều biến thể mà còn thua kém ngay về các tính năng chiến đấu. Điều này đã thể hiện đặc biệt rõ trong thời gian giao tranh giữa Israel và phong trào Hezbollah năm 2006.

Tên lửa Kornet do Hezbollah đã thể hiện không được tốt lắm: trong số 46 xe tăng bị tên lửa này bắn trúng, chỉ có 24 xe tăng có vỏ giáp bị xuyên thủng và chỉ 3 trong số đó là bị tổn hại trầm trọng.

Tất cả điều đó khiến người ta nghĩ rằng, sắp tới quân đội Nga có thể chuyển sang mua cả các hệ thống tên lửa chống tăng của nước ngoài như đang diễn ra với máy bay trinh sát không người lái (cũng của Israel) và tàu sân bay trực thăng Mistral (của Pháp).

  • Nguồn: Dmitri Khavronichev // TW, 20.12.2010.

Print Print E-mail Print