Vietnamdefence.com

 

Mâu và thuẫn: Tên lửa chống hạm Trung Quốc đọ sức tàu sân bay Mỹ

VietnamDefence - Cuối tháng 12.2010, các quan chức Hải quân Mỹ tiết lộ với báo chí Nhật rằng, Trung Quốc đang đến gần hơn việc triển khai các tên lửa tầm xa có khả năng tấn công các tàu sân bay Mỹ.

Nguyên lý hoạt động của tên lửa đường đạn chống hạm

Loại vũ khí đáng sợ nhất mà Trung Quốc đang phát triển để ngăn chặn Hải quân Mỹ tiếp cận biển Hoa Đông và Biển Đông là tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM) - loại tên lửa đường đạn đầu tiên có khả năng thay đổi đường bay để tấn công một tàu sân bay đang di chuyển.

Lắp trên một xe bệ phóng cơ động, một ASBM bay lên theo 2 giai đoạn, lên tới vũ trụ và sau đó dùng cánh đuôi để cơ động ở tốc độ siêu vượt âm trên đường bay lao xuống.

Phần chiến đấu của tên lửa sau đó bay theo phương ngang để radar khẩu độ tổng hợp xử lý các xung từ nhiều radar nhằm tạo ra hình ảnh duy nhất để nhắm bắn, tấn công tàu sân bay.

Cuối cùng, đầu tự dẫn hồng ngoại của phần chiến đấu định vị tín hiệu của tàu sân bay và tiếp cận tiêu diệt.

5 phương pháp phòng vệ siêu tàu sân bay Mỹ

Liệu kẻ thù của nước Mỹ có thể đánh đắm các tàu sân bay thế hệ mới của Hải quân Mỹ không? Câu trả lời vẫn còn gây tranh cãi, nhưng rõ ràng là các quốc gia thù địch tiềm tàng đang phát triển và xuất khẩu các vũ khí nhằm mục đích đó. Và chiến thuật cũng đang tiến triển: Các học giả nghiên cứu và các chuyên gia tình báo quân sự đang theo sát các tạp chí quân sự Trung Quốc để tìm hiểu những lý luận mới nhất nhằm ngăn chặn các tàu sân bay Mỹ. Hải quân Mỹ đang liên kết những phương tiện phòng thủ mới để đẩy lùi các mối đe dọa đang nổi lên này.

Kết cấu điển hình của một cụm tàu sân bay tiến công của Hải quân Mỹ

1. Né tránh mồi bẫy

Mồi bẫy: Bước đầu tiên trong quá trình tiêu diệt một tàu sân bay là đánh lừa lực lượng hộ tống bảo vệ tàu sân bay. Cách rẻ nhất để làm việc đó là các mồi bẫy. Các phân đội cải trang trên các tàu cá, chẳng hạn, có thể thả các phao được lập trình để phát xạ các tín hiệu vô tuyến được giữ chậm để đánh lạc hướng các tàu bảo vệ và máy bay của cụm tàu sân bay.

E-2C Hawkeye: Để khắc chế các mồi bẫy, các máy bay cảnh giới cất cánh từ tàu sân bay bằng radar công suất lớn có thể xác nhận sự hiện diện của các tàu và máy bay địch đang tiếp cận. Trong khi thu thập dữ liệu mới từ trên không, các máy bay Hawkeyes đồng thời cũng dẫn dắt các máy bay chiến đấu và tàu mặt nước.

2. Tiêu diệt các máy bay không người lái (UAV)

UAV chống radar: UAV có thể làm mù các tàu hộ tống tàu sân bay. Harpy, loại UAV mà Israel đã bán cho Trung Quốc năm 2004, bay quần trên một khu vực để sục sạo, phát hiện các tín hiệu radar, sau đó bổ nhào tấn công lao thẳng xuống mục tiêu để tiêu diệt. Không có radar, lực lượng hộ tống không thể phát hiện và bắn hạ các tên lửa chống hạm.

Tàu khu trục Arleigh Burke: Các kỹ sư đang nâng cấp các sensor của tàu khu trục để phát hiện nhiều loại nguy cơ, kể cả các mục tiêu nhỏ như các UAV. Một radar mạng pha có thể bám đồng thời 100 mục tiêu, làm việc ở băng tần S cho phép hoạt động tối ưu trong mọi điều kiện thời tiết. Mục đích là phát hiện và tiêu diệt các UAV trước khi chúng có thể phát động tấn công.

3. Phát hiện tàu ngầm 

Tàu ngầm diesel: Các vũ khí thầm lặng và chết người này có thể né tránh phát hiện, nhất là ở vùng nước nông và phóng các tên lửa Sizzler (tức tên lửa 3M-54 của hệ thống tên lửa chống hạm Club của Nga) bay bám mặt biển với tốc độ siêu âm. Iran đang sử dụng các tàu ngầm diesel của Nga; Pakistan đã mua các tàu ngầm Scorpene của Pháp. Trung Quốc là nước say mê tàu ngầm nhất: chỉ trong năm 2006, họ đã đóng 14 tàu ngầm diesel.

Trực thăng SH-60 Seahawk: Các trực thăng này thả các phao thủy âm để phát hiện các tín hiệu âm thanh, sonar, nhiệt hoặc từ trường của các tàu ngầm đang lặn. Thay vì thả sâu phao thủy âm xuống nước, các biến thể phao thủy âm sử dụng một lần được thả rơi từ trực thăng. Các xuồng điều khiển từ xa cũng được dùng để kéo các dàn thủy âm để sục sạo, phát hiện tàu ngầm của đối phương.


4. Tác chiến không-đối-không 

Su-30 Flanker: Các máy bay của Nga từ lâu đã được thiết kế để tấn công các cụm tàu sân bay. Su-30 có thể phóng cả loạt tên lửa để đè bẹp các phương tiện phòng thủ của tàu sân bay. Năm 2011, Nga dự định xuất khẩu một biến thể hiện đại hóa gọi là Super Flanker (Su-35).

F-35C Lightning II: Khi làm nhiệm vụ bảo vệ không phận xung quanh tàu sân bay, F-35C sẽ được trang bị vũ khí của Hải quân Mỹ. Máy bay tàng hình này được thiết kế để tiêu diệt kẻ thù trước khi nó bị phát hiện. Tuy nhiên, máy bay này không phải là loại tiêm kích cận chiến linh hoạt, được trang bị pháo giống như F-18A Super Hornet, mà nó sẽ thay thế vào năm 2015.


5. Đánh chặn tên lửa

Tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM): Vào năm 2015, các ASBM tầm trung của Trung Quốc có thể có khả năng tác chiến chống tàu sân bay. Radar ngoài đường chân trời có thể nhận dạng các con tàu nhờ các tín hiệu phản xạ từ tầng điện ly hoặc bằng cách phát các tín hiệu trên bề mặt đại dương. Tên lửa DF-21 được thiết kế để sử dụng radar trên bản thân tên lửa để truy tìm các tàu sân bay và tiếp cận tấn công ở tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh.

Tuần dương hạm Aegis: Các hệ thống hạm tàu phòng thủ tên lửa đường đạn đã có lịch sử lâu dài. Một số tàu tuần dương Aegis lớp Ticonderoga mang các tên lửa SM-2 có thể bắn rơi các phần chiến đấu tên lửa ở giai đoạn bay cuối. Các tên lửa SM-3 còn có khả năng đánh chặn mục tiêu sớm hơn, ở ngay giai đoạn bay giữa của chúng.

  • Nguồn: Noah Shachtman // PM, 1.10.2009; Erik Sofge // PM 29.12.2010.

Print Print E-mail Print