VietnamDefence -
Sự xuất hiện của máy bay mới của Trung Quốc sẽ không tác động đến tiến trình của bất kỳ chương trình máy bay nào của Mỹ.
|
Tờ The Wall Street Journal hôm 4.1.2011 đăng bài báo có tiêu đề “Thách thức tàng hình của Trung Quốc?” (A Chinese Stealth Challenge?), trong đó có nói rằng, sự xuất hiện của mẫu chế thử tiêm kích mới J-20 của Trung Quốc không còn là vấn đề câu hỏi nó có tồn tại hay không? Mẫu chế thử đó thực tế đang tồn tại.
Các bức ảnh máy bay mới đã được đăng tải trên một số website quân sự không chính thức của Trung Quốc và nước ngoài. Xuất xứ chính xác của các bức ảnh vẫn chưa rõ, có lẽ chúng do các người ham thích hàng không ở khu vực viện thiết kế ở Thành Đô, miền Tây Trung Quốc làm ra. Giới chức Trung Quốc, vốn vẫn thường kiểm duyệt internet, lần này không hề cố chặn những bức ảnh máy bay này.
Tờ báo có trích dẫn bình luận của các chuyên gia quân sự nổi tiếng về vấn đề này. “Trên các bức ảnh, máy bay này trông có vẻ là thật. Trên một trong các bức ảnh thấy rõ rằng, càng mũi máy bay hơi cất lên khỏi mặt đất, điều đó cho thấy đây là việc thử nghiệm mặt đất tốc độ cao. Những thử nghiệm đó cũng nói lên rằng, chuyến bay đầu tiên sắp diễn ra trong thời gian rất gần, có thể trong vài tuần tới”, Gareth Jennings, biên tập viên Ban hàng không của tạp chí Jane's Defence Weekly nhận xét.
Các chuyên gia nói họ tin các bức ảnh là thật, trong đó có Andrei Chang của tạp chí Kanwa Asian Defence có trụ sở ở Canada và Richard Fisher, chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Trung tâm Chiến lược quốc tế và đánh giá ở Washington.
Chính quyền Mỹ đang làm giảm ý nghĩa các thành tựu của Trung Quốc trong việc phát triển máy bay này và các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, máy bay tiêm kích này có lẽ sẽ được nhận vào trang bị vào khoảng năm 2018. Đại diện chính thức của Lầu Năm góc, đại tá David Lapan đã tuyên bố: “Chúng tôi biết rằng, gần đây Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm mặt đất đối với máy bay mới, đã có các bức ảnh của nó, chúng tôi biết rằng, họ đang phát triển tiêm kích thế hệ 5, nhưng tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực này, chúng tôi có cảm tưởng, là không đồng đều”.
Tiếp đó, viên đại tá nói rằng, Trung Quốc vẫn mua động cơ cho các tiêm kích thế hệ 4 của họ từ Nga, đó là bằng chứng cho thấy, “họ đang gặp những khó khăn” cả trong việc phát triển máy bay thế hệ 5 J-20.
Mẫu chế thử J-20 có thể có “tiềm năng trở thành một đối thủ của F-22 và chắc chắc là ưu việt hơn F-35," ông Fisher nói. J-20 có 2 động cơ như F-22 và có kích thước tương đương, trong khi F-35 nhỏ hơn và chỉ có 1 động cơ.
Một số chuyên gia cho rằng, J-20 của Trung Quốc có thân vỏ làm nhái một số nét của F-22 và các máy bay tàng hình khác của Mỹ, nhưng qua các bức ảnh không thể biết, J-20 ứng dụng vật liệu composite và các khía cạnh then chốt khác của công nghệ tàng hình đến mức độ nào, cũng như thiết bị điện tử hàng không của máy bay tiên tiến đến mức nào.
Theo họ, Trung Quốc có lẽ đi sau Nga một số năm, trong khi máy bay tàng hình đầu tiên của Nga T-50 đã bay thử lần đầu vào tháng 1.2010, nhưng Bắc Kinh đang đuổi kịp nhanh hơn dự kiến.
Tướng He Weirong, phó tư lệnh không quân Trung Quốc vào năm 2009 đã cho biết, máy bay tàng hình đầu tiên của Trung Quốc sắp bay thử và sẽ được triển khai trong “8-10 năm nữa”. Nhưng không có các chứng cớ vật chất rõ ràng về sự tồn tại của các máy bay này cho đến khi các bức ảnh xuất hiện.
Năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ không thể triển khai tiêm kích thế hệ 5 trước năm 2020. Vì thế, Mỹ đã cắt kinh phí sản xuất F-22 vào năm 2009 để chuyển sang F-35, loại tiêm kích tàng hình nhỏ và rẻ hơn đã cất cánh bay thử lần đầu vào năm 2006 và dự kiến triển khai đầy đủ vào khoảng năm 2014.
F-22 chủ yếu dùng trong các cuộc tập trận và hoạt động quanh không phận Mỹ, nhưng một số chiếc đã được triển khai tới Guam và Okinawa để giúp duy trì chiếc ô an ninh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Các quan chức Mỹ khẳng định, sự xuất hiện của máy bay mới của Trung Quốc sẽ không tác động đến tiến trình của bất kỳ chương trình máy bay nào của Mỹ.
Dù không có sự xác nhận chính thức của Trung Quốc, nhưng các bức ảnh này sẽ làm Mỹ thêm lo ngại về quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, trong đó có việc sắp triển khai tàu sân bay đầu tiên và các tên lửa đường đạn sát thủ tàu sân bay.
Những hệ thống vũ khí sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc ngăn cản Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột xung quanh vấn đề Đài Loan và thách thức quyền bá chủ của Hải quân Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chương trình tiêm kích tàng hình của Trung Quốc cũng có tác động đến Nhật Bản, nước đang xem xét mua F-35, và Ấn Độ, nước vừa mới ký với Nga vào tháng 12.2010 hợp đồng hợp tác phát triển và sản xuất tiêm kích tàng hình thế hệ 5.