Vietnamdefence.com

 

J-20 và đối sách của Ấn Độ

VietnamDefence - J-20 thua xa T-50, cựu thiếu tướng không quân Ấn Độ Kapil Kak.

J-20 (RAHUL DUTTA)

Việc thử nghiệm tiêm kích Trung Quốc J-20 làm thế giới bất ngờ. Ngày 11.1.2011, mấy giờ trước khi tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hội kiến chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, J-20 đã cất cánh từ sân bay thành phố Thành Đô, thực hiện chuyến bay đầu tiên dài khoảng 15 phút. Đó là tín hiệu cho thấy việc vượt qua sự thống trị công nghệ của Mỹ trên không không còn là việc của nhiều thập kỷ mà có thể bị phá vỡ trong vài năm.

Denis Roy, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Đông-Tây (East-West Center) ở Honolulu, nhận xét, “Việc tiết lộ tiêm kích mới của Trung Quốc mà báo chí Mỹ mô tả như một đối thủ của F-22 của Mỹ, làm gia tăng nhận thức chung của Mỹ về quân đội Trung Quốc. Một là ấn tượng rằng quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa nhanh hơn dự kiến và đang đuổi kịp khả năng của Mỹ. Hai là sự lo lắng về các ý định của Trung Quốc, và sự lo sợ rằng Bắc Kinh định thách thức vai trò quen thuộc của Mỹ và lợi ích của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Việc các bức ánh chụp máy bay được đưa lên mạng mấy tuần trước chuyến bay và không bị gỡ xuống cho thấy Trung Quốc muốn thế giới biết đến sự tồn tại của máy bay này. Các bức ảnh khá ấn tượng, cho thấy loại công nghệ mà thế giới nghĩ là Trung Quốc còn cả chục năm nữa mới phát triển được. Chính vì lý do đó mà có nhiều người hoài nghi, trong đó có cả Robert Gates.

Tháng 7.2009, phát biểu tại Chicago, ông Gates nói, ‘‘Giả định vào năm 2020, Mỹ dự kiến có gần 2.500 máy bay có người lái các loại. Trong số đó, gần 1.100 chiếc sẽ là các máy bay thế hệ 5 tiên tiến nhất F-35 và F-22. Trung Quốc trái lại dự kiến chưa có máy bay thế hệ 5 vào năm 2020. Và vào năm 2025, khoảng cách chỉ có rộng ra’’.

F-22 Raptor của Mỹ


Nay thì trên đường bay tới Trung Quốc, ông thừa nhận tình báo Mỹ đã đánh giá thấp Trung Quốc. Ông nói, “Tôi nghĩ cái mà chúng ta đã thấy có nghĩa là họ đã tiến xa trong việc phát triển máy bay đó sớm hơn là tình báo của chúng tôi dự báo”, nhưng ông vẫn chưa chắc máy bay này tàng hình đến mức độ nào.

Trưởng Phòng Trung Quốc, Cục Tình báo Bộ Ngoại giao Mỹ thời chính quyền Clinton, nay là chuyên viên Heritage Foundation, là John J Tkacik Jr đã tuyên bố rằng, “Rõ ràng là chúng ta không biết tính năng kỹ thuật của J-20, ngoài những gì chúng ta trông thấy trên video, nhưng qua các đoạn video dường như các loa phụt động cơ là của một loại động cơ do Trung Quốc chế tạo và chúng cho thấy có mức khí xả rất nhỏ, điều đó chỉ ra rằng, các động cơ là khá tiên tiến, không phải so với Mỹ, mà so với đa số các nước khác”. Theo chuyên gia này, Trung Quốc đã sao chép động cơ của Nga và máy bay mới có thể được nhận vào trang bị vào năm 2017.

“Các bức ảnh chụp phần dưới thân máy bay không cho thấy sự tồn tại của các khoang vũ khí bên trong, như vậy hoặc là máy bay không có các khoang này hoặc là được tích hợp rất khít vào thân máy bay, và điều đó cho thấy chúng tính năng tàng hình khá ổn. Tôi không thấy (hoạt động của cơ cấu) điều khiển vector lực kéo trong thời gian thực hiện chuyến bay thử, nhưng cơ cấu đó có lẽ là một phần của cấu tạo động cơ. Tôi cũng không thấy việc thử nghiệm máy bay ở tốc độ hành trình siêu âm”, ông Tkacik nói.

Những đặc tính mà Tkacik chỉ ra là các dấu hiệu cho thấy những tiến bộ mà Trung Quốc đã đạt được. Tính năng tàng hình trước radar là tính năng nổi bật khác biệt của tiêm kích thế hệ 5 so với tất cả các loại tiêm kích hiện dụng khác. Khả năng bay siêu hành trình là kahr năng đạt tốc độ siêu âm mà không dùng đến chế độ tăng lực, dễ gây bộc lộ với radar.

Ông Tkacik nhận xét, ‘‘J-20 dường như dài hơn F-22 của Mỹ 2 m, và điều đó có thể có nghĩa là nó có thể mang được nhiều vũ khí hơn, và mỗi chiếc J-20 có thể tấn công nhiều mục tiêu hơn. Hoặc nó có thể có nghĩa là J-20 sẽ mang nhiều nhiên liệu hơn và vì thế có khả năng bay xa hơn hoặc bay tuần tra lâu hơn tại các khu vực mục tiêu. Một chiếc F-22 được cho là có khả năng bắn rơi tới 12 tiêm kích thế hệ 4 trước khi hết sạch tên lửa không-đối-không và chuyển sang dùng pháo trên máy bay. Mục đích dĩ nhiên là triển khai sự bảo vệ hiệu quả bằng máy bay tiêm kích với số máy bay ít nhất.  J-20 có thể vô hiệu hóa hoặc làm xói mòn ưu thế đó’’.

Khả năng Trung Quốc triển khai các máy bay này trong mấy năm tới không chỉ làm Mỹ lo lắng. Ông Tkacik cho rằng, Ấn Độ là nước chịu nhiều thiệt hại nhất với khả năng mới của Trung Quốc (J-20), nhất là khi J-20 có thể được triển khai ở Tây Tạng và Tân Cương, và từ đó chúng chi viện cho các chiến dịch trên bộ lớn của Trung Quốc dọc toàn tuyến biên giới ở Himalaya của Ấn Độ.

Đối sách của Ấn Độ

Các quan chức Ấn Độ đã ghi nhận tiềm năng của máy bay này trong việc thay đổi cán cân chiến lược ở khu vực Himalaya. Các tính năng tàng hình của máy bay và hệ thống radar tương đối mỏng của Ấn Độ tại khu vực này về tiềm năng có thể tạo cơ hội cho không quân Trung Quốc thực hiện các đòn tấn công phủ đầu, một quan chức hoạch định cao cấp giấu tên của Không quân Ấn Độ (IAF) nhận định. Đối pháp của Ấn Độ dựa trên việc hợp tác với Nga phát triển tiêm kích thế hệ 5.  ”Chúng tôi cùng với Nga đang phát triển máy bay này và nó sẽ được đưa vào trang bị vào cùng khoảng thời điểm như J-20”.

J-20 (trái) và niềm hy vọng T-50 của Ấn Độ

“Khi J-20 được đưa vào sử dụng thì đối pháp hợp tác Nga-Ấn cũng sẽ sẵn sàng và nó sẽ làm phức tạp thêm chiến trường Nam Á. Không được xem thường khả năng của Nga phát triển máy bay”, chuyên gia Harsh V Pant thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng (Centre for Defence Studies) thuộc King’s College, London.

Theo cựu nguyên soái không quân, nay là chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu sức mạnh không lực (Centre for Air Power Studies) Kapil Kak, “Người Trung Quốc đã chế tạo được mẫu chế thử, song người Ấn Độ cũng có sự đáp trả đích đáng. Chúng tôi không mua tiêm kích thế hệ 5 mà hợp tác phát triển nó. Nga đang giữ vị thế tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không, giống như Đức trong ngành công nghiệp ô tô. Т-50 sẽ vượt trội máy bay Trung Quốc vì một lý do đơn giản là đã đi trước mấy bước. Ấn Độ sẽ ở vị thế thuận lợi vào năm 2020 với hợp đồng mua 124 máy bay chiến đấu thế hệ 4 mới được tiến hành, cộng với các tiêm kích mới Tejas sẽ thay thế MiG-21”. 

Ông Tkachik cho rằng, ‘‘vụ bay thử này được thiết kế để có tính khiêu khích về khía cạnh nó sẽ thúc đẩy Mỹ đánh giá lại khả thăng thách thức sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách một cường quốc hơn hẳn ở châu Á. Tôi nghĩ rằng, giới quân sự Trung Quốc tin là một khi Mỹ thấy Trung Quốc hiện đại hóa nhanh như thế nào và nền kinh tế, công nghiệp và thiết chế tài chính của Mỹ đã rơi vào sự lộn xộn đến mức nào thì Mỹ sẽ im lặng lùi bước’’.
  • Nguồn: openthemagazine.com, 15.1.11; MP, 17.1.11.

Print Print E-mail Print