Vietnamdefence.com

 

Đối thủ thứ ba

VietnamDefence - Đối với một nước trước đó không có nhiều công nghệ then chốt, việc bắt đầu thử nghiệm J-20 có thể xem là một bước tiến bộ lớn mặc dù đến khi đưa được J-20 vào trang bị cũng phải còn ít nhất một thập kỷ nữa.

J-20 (club.mil.news.sina.com.cn)

Trung Quốc đã trở thành nước thứ ba sau Mỹ và Nga đưa được mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 là J-20 lên không trung. Đối với một nước trước đó không có nhiều công nghệ then chốt, việc bắt đầu thử nghiệm J-20 có thể xem là một bước tiến bộ lớn mặc dù đến khi đưa được J-20 vào trang bị cũng phải còn ít nhất một thập kỷ nữa.

Nửa tin nửa ngờ

Những bức ảnh đầu tiên tiêm kích mới của Trung Quốc xuất hiện trên internet vào cuối tháng 12.2010. Trên đó có hình ảnh một máy bay đang chạy thử mặt đất (chạy trên đường băng).

Các bức ảnh ấy lúc đó đã gây nhiều tranh cãi về khả năng thật giả. Bill Sweetman, chuyên gia quân sự, biên tập viên tuần báo Aviation Week, nói rằng, các bức ảnh này nhiều khả năng là đồ giả vì sự lạc hậu công nghệ của Trung Quốc quá lớn để chế tạo được máy bay chiến đấu nội địa thế hệ mới.

Trái ngược với các chuyên gia mạng, tình báo Mỹ, sau khi nghiên cứu các bức ảnh đã kết luận chúng chắc chắn là thật.

Ngày 9.1.2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố rằng, tình báo Mỹ đã đánh giá thấp tốc độ và trình độ phát triển của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Theo ông Gates, đặc biệt đáng lo là việc Trung Quốc chế tạo tên lửa đường đạn chống hạm DF-21D và tiêm kích J-20.

J-20 đang bay (club.mil.news.sina.com.cn)

Hiện chưa biết đích xác tên gọi của tiêm kích Trung Quốc. Trên internet, nó có nhiều tên gọi như J-14, J-20, J-X, J-XX và XXJ. Ba tên gọi cuối là do các cơ quan tình báo phương Tây gán cho máy bay này.

Máy bay mới của Trung Quốc do tập đoàn chế tạo máy bay Thành Đô (CAC) và tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương (SAC) phát triển.

Trong khi người ta còn tranh cãi về sự thật giả của các bức ảnh thì ngày 11.1.2011, được biết chiếc tiêm kích đó đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên  tại sân bay Thành Đô, Tứ Xuyên.

Đoạn video quay chuyến bay đầu của J-20 cũng được đăng tải lên mạng và gây ra những tranh cãi mới về sự tồn tại thật sự của máy bay này. Điều thú vị là máy bay đã cất cánh vào ngày thứ hai chuyến thăm của ông Gates đến Trung Quốc. Một mặt, sự trùng hợp này được coi như sự đáp trả của Bắc Kinh đối với vô số kêu gọi của Washington và một số nước khác yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn về lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Mặt khác, không được quên rằng, Mỹ đang hợp tác với Đài Loan, điều bị Trung Quốc phản đối.

Dẫu sao chăng nữa thì sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Gates, số người ngờ vực về việc Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm máy bay thế hệ mới đã ít đi. Theo tờ The Guardian, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã xác nhận cả việc bắt đầu thử nghiệm J-20 và chuyến bay đầu tiên của nó.

Khía cạnh kỹ thuật

Hiện chưa rõ tính năng của tiêm kích Trung Quốc. Căn cứ thực tế trước đây Trung Quốc che giấu rất ghê các tin tức về các dự án kỹ thuật của họ nên ngay việc các giai đoạn thử nghiệm J-20 đều được đưa lên internet dưới dạng ảnh và đoạn video là điều gây ngạc nhiên, mặc dù Bắc Kinh phủ nhận sự liên quan đến những hình ảnh đó. Theo các bức ảnh chụp thì máy bay này có ứng dụng công nghệ tàng hình về hình học - hình dáng thuôn phẳng của thân máy bay, hình dáng các bộ hút khí, các cánh đứng đuôi nghiêng.

Qua các bức ảnh, cũng có thể kết luận rằng, Trung Quốc đã tiếp cận được công nghệ vòm kính buồng lái không khung như loại đang được dùng trên các tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ. Trong khi, Nga mới chỉ đang dự định lắp vòm kính buồng lái không khung cho các mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 Т-50 (PAK FA) của mình.

J-20 (china-defense.blogspot.com) 

Nhìn chung, phần mũi của J-20 bề ngoài giống F-22. Liên quan đến phần đuôi thì các chuyên gia vẫn bất đồng ý kiến. Một số khẳng định nó giống phần đuôi Т-50.

Số khác, như Phó Tổng giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Konstantin Makienko thì cho rằng, phần đuôi J-20 giống MiG 1.44 (dự án máy bay tàng hình của Nga bị hủy bỏ đầu những năm 2000 không lâu sau chuyến bay đầu tiên).

Khung thân J-20 có sơ đồ khí động kiểu “vịt” với cánh hình tam giác đặt cao liên kết với thân. Các cánh đuôi quay toàn phần có góc nghiêng lớn so với trục dọc. Các buồng động cơ lắp 2 bên thân, dưới cánh. Phỏng đoán J-20 có chiều dài 23 m, sỉ cánh 14 m, trọng lượng cất cánh 34-36 tấn.

Chủng loại động cơ đang sử dụng cho J-20 chưa được tiết lộ. Trước đó, hãng Jane’s cho hay, theo một số tin tức chưa được khẳng định, J-20 được lắp động cơ AL-41F1S (Izdelie 117S) của Nga, loại động cơ này đang trang bị cho Su-35S. Theo các nguồn tin khác, Trung Quốc có thể đã lắp cho J-20 động cơ nội địa WS-15. Nhưng chuyên gia Sweetman cho rằng, các động cơ này vẫn còn kém tin cậy để dụng trên mẫu chế thử tiêm kích Trung Quốc.

Đa số các chuyên gia thống nhất cho rằng, nhiều khả năng nhất là mẫu chế thử J-20 lắp động cơ cải tiến của Trung Quốc WS-10G có lực đẩy 155 kN mỗi động cơ. Chúng hoàn toàn thích hợp cho thử nghiệm, nhưng rõ ràng là sẽ không đủ để sử dụng trên một máy bay chiến đấu thật sự vì có dự trữ làm việc thấp, công suất nhỏ và độ tin cậy kém.

Theo tổng biên tập tạp chí Kanwa Asian Defense hoạt động ở Hongkong là Andrei Chang, các nhà chế tạo máy bay Trung Quốc trong thời gian ngắn đã có tiến bộ lớn, tuy nhiên máy bay tiêm kích của họ trong mấy năm tới chưa thể sánh với F-22 của Mỹ và T-50 của Nga về tính năng. Nhiều khả năng nhất đây sẽ  là máy bay thế hệ 4+ và khi công nghệ phát triển có thể hiện đại hóa và trở thành tiêm kích thế hệ 5 vào lúc nào đó.

Cần lưu ý rằng, Trung Quốc áp dụng cách phân loại máy bay chiến đấu tiêng, theo đó F-22, F-35 và PAK FA thuộc loại máy bay chiến đấu thế hệ 4. Hiện chưa rõ Trung Quốc liệt J-20 vào thế hệ nào theo cách phân loại của họ. Trước đó có tin, máy bay Trung Quốc sẽ có thể sánh với Raptor và PAK FA về tính năng.

Cuối tháng 5.2010, đại diện Trung tâm Tình báo đường không  và vũ trụ quốc gia NASIC (National Air and Space Intelligence Center, thuộc Cục Tình báo, giám sát và trinh sát Không quân Mỹ) Wayne A. Ulman, khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ, đã tuyên bố rằng, Trung Quốc đang phát triển một tiêm kích nội địa có thể cạnh tranh với F-22 và máy bay Trung Quốc có thể đưa vào trang bị vào năm 2018.

Bộ Quốc phòng Mỹ thì cho rằng, Trung Quốc sẽ không thể có tiêm kích thế hệ 5 nội địa ít nhất cho đến năm 2020, và vào năm 2025, Trung Quốc mới có thể nhận “chỉ vài chiếc” máy bay đó vào trang bị.

Dù sao thì việc Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm J-20 có thể tạo cú hích cho cuộc chạy đua vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông Gates đã không ngần ngại nói rằng, các công nghệ quân sự Trung Quốc đang khiến ông lo ngại. Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định giải băng một phần các chương trình quân sự bị đình chỉ năm 2009. Cụ thể, Mỹ sẽ nối lại dự án máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới, thúc đẩy nhanh các dự án phát triển F-35 và các hệ thống chế áp các phương tiện dẫn đường cho tên lửa chống hạm.

  • Nguồn: PM (Theo: Vasily Sychev // Lenta, 12.1.2011).

Print Print E-mail Print