Vietnamdefence.com

 

Chiến thuật mới sử dụng kết hợp F-15 và F-22 của Không quân Mỹ

VietnamDefence - Không quân Mỹ đã đưa ra chiến lược mới nhằm giành ưu thế trên không dựa trên các mặt mạnh của các máy bay tiêm kích cải tiến F-15C Golden Eagle và tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor. Trong chiến lược mới, 2 loại tiêm kích F-15 và F-22 sẽ thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ngang bằng nhau nhằm giành ưu thế trên không.

F-15 và F-22 trong một đội hình(airpower.callihan.cc)

Mỹ đang chấm dứt sản xuất tiêm kích tàng hình nên cần hiện đại hoá các tiêm kích F-15 bằng radar anten mạng pha chủ động mạnh có khả năng phát hiện đối phương ở cự ly xa. Do kích thước lớn và công suất của radar, và thời gian bay đủ dài, các tiêm kích F-15 sẽ được sử dụng với tư cách các "số hai" để làm nhiệm vụ tác chiến điện tử, bảo đảm ưu thế trên không kết hợp với máy bay tàng hình F-22 đóng tại căn cứ không quân Langley ở Virginia.

Để giành ưu thế trên không, các tiêm kích F-15C trang bị radar mạng pha chủ động công suất mạnh APG-63(V)3 để bắt các mục tiêu ở cự ly xa và cung cấp thông tin mục tiêu cho các máy bay F-22. Trong khi đó, các máy bay tàng hình F-22 hoạt động ở chế độ im lặng vô tuyến thực hiện các cuộc tấn công bí mật vào máy bay địch sau khi nhận được thông tin chỉ thị mục tiêu từ các tiêm kích F-15.

Các máy bay F-15 bay trong cùng đội hình với F-22 còn có thể làm nhiệm vụ gây nhiễu điện tử và tấn công, tự vệ chống tên lửa và máy bay địch, tiêu diệt đối phương bằng tên lửa diệt mục tiêu bên ngoài tầm nhìn để hỗ trợ cho số tên lửa hạn chế trên các máy bay F-22 và sử dụng radar để cung cấp thông tin tình hình trên không cho các máy bay khác.

Khả năng giám sát điện tử của F-15C còn có thể nhận dạng và định vị chính xác các nguồn bức xạ điện tử (thiết bị thông tin và radar trên không và trên mặt đất) để dẫn đường cho các máy bay khác tấn công bằng tên lửa thông thường hoặc vũ khí phi động năng, vũ khí điện tử hay điều khiển học.

"Mục đích của chúng tôi là để 1 tiêm kích F-15 bay trong trong các đội hình chiến đấu phía trước cùng với F-22 và nhờ thời gian bay dài, nó hộ tống các đội hình đó, còn F-22 sẽ tiến hành các cuộc tiến công bí mật và không ai có thể ngăn cản sự khống chế trên không của chúng tôi", sĩ quan phụ trách chiến thuật sử dụng vũ khí của phi đoàn, thiếu tá Todd Giggy nói.

"Mục đích của chúng tôi đã làm phân tán các đội hình chiến đấu của đối phương và sau đó là tiêu diệt chúng. Radar anten mạng pha chủ động là yếu tố thiết yếu để thực hiện nhiệm vụ này. Chúng tôi không thể đối phó với các mối đe doạ hiện nay nếu chúng tôi không thể có được bức tranh điện tử và radar không gian chiến trường. Radar V3 cho phép chúng tôi chọn thời điểm và vị trí cần đến để tác động bằng vũ khí. Một số trong các hệ thống tác chiến điện tử đó và các dạng tác động phi động năng đối với đối phương rất quan trọng", thiếu tá Todd Giggy nói.      

Một bộ phận các máy bay F-15C sẽ hoạt động trong cùng đội hình với F-22 sẽ được chuyển đổi thành máy bay tác chiến điện tử, nhờ đó mà hiệu quả các trận không chiến còn được nâng cao hơn nữa.

Trước đó có tin Không quân Mỹ đã đặt hàng công ty Raytheon (Mỹ) hiện đại hoá 176 chiếc F-15, trong đó có lắp radar anten mạng pha chủ động. Dự kiến, 48 chiếc F-15C sẽ được chuyển thành máy bay tác chiến điện tử. Thông tin ban đầu cho biết, một bộ phận các máy bay F-15C sẽ được biên chế cho căn cứ không quân Langley ở Virginia, nơi triển khai F-22.  

Tuần trước, chiếc F-15C đầu tiên với radar cải tiến của Raytheon đã được nhận vào trang bị của phi đoàn tiêm kích 125 của không quân Vệ vinh quốc gia Mỹ. 

Các căn cứ không quân của Vệ binh quốc gia ở Florida, Lousiana và Oregon sẽ nhận được 48 tiêm kích F-15C trang bị radar APG-63 (V) 3 đầu tiên. Các phi đội của không quân Vệ binh quốc gia triển khai ở Massachusetts và Montana sẽ đảm nhiệm phòng thủ phía Tây và phía Đông nước Mỹ, bờ biển vịnh Mexico chống các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình. Ngoài ra, Mỹ đang phát triển biến thể tên lửa không-đối-không AIM-120 AMRAAM có khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn tại khu vực chiến trường. Các biến thể AIM-120C-6 và AIM-120D được tối ưu hoá để đánh chặn tên lửa hành trình có độ bộc lộ nhỏ.

Tổng cộng, số lượng tiêm kích F-15C Golden Eagle đến năm 2030, tức là đến cuối thời hạn sử dụng, sẽ đạt 176 chiếc. Bổ sung cho chương trình này còn có khoảng 220 máy bay tiến công F-15E cũng sẽ được trang bị radar anten mạng pha chủ động APG-82 (V) 4. Radar này có thể lắp cho cả F-15C. APG-82 (V) 4 có máy tính xử lý tín hiệu mới,màn hình lớn trong buồng lái máy bay và hệ thống truyền dữ liệu băng thông rộng hơn.

Mỹ đã phát triển các công nghệ then chốt như hệ thống tác chiến điện tử phía trước, các sensor đa phổ, giảm được tới mức thấp xác suất bị đối phương chặn thu thông tin truyền theo các kênh truyền dữ liệu và việc phối hợp với các máy bay không người lái.

  • Nguồn: aviationweek; Lenta, 16.4.2010

Print Print E-mail Print