VietnamDefence -
Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 PAK FA của Nga có một số những ưu điểm vượt trội so với đối thủ F-22 Raptor của Mỹ.
1 - Khung sườn máy bay: Cấu kiện chịu lực chính, là bộ khung giàn không gian phức tạp làm bằng titan hoặc hợp kim titan. Các phương pháp hàn, ghép titan là một trong những công nghệ bí mật nhất của Nga; Mỹ không có công nghệ này. Các biện pháp giảm độ bộc lộ bao gồm: hình dáng hình học đặc biệt, các bộ hút khí hình chữ S.
2 - Buồng lái: Bộ phận siêu mật của máy bay tiêm kích Nga. Chỉ biết rằng, thiết bị avionics của PAK FA sẽ bảo đảm khả năng tác chiến lấy mạng làm trung tâm, tức là PAK FA sẽ là một trong những bộ phận của một hệ thống chiến đấu lớn. Vòm kính được gia cường bằng các khung. Có phỏng đoán cho rằng, cần có các khung này để chống lại áp lực không khí khi bay siêu âm cao hơn tốc độ của F-22 của Mỹ.
3 - Hệ thống avionics: Máy bay sẽ được trang bị các trạm radar và định vị quang học làm việc ở các dải tần khác nhau để phát hiện máy bay tàng hình của đối phương. Anten phân tán chạy dài theo chiều dọc cho phép tạo tia radar rộng và dẹt thích hợp để quan sát mặt phẳng nằm bên dưới. Đảm nhiệm phát hiện các mục tiêu điểm là radar sóng cm, các hệ thống laser và quang-điện tử. Để giảm độ bộc lộ, máy bay sử dụng các sensor theo dõi tình hình thụ động, cũng như chế độ công tác “nhiễu ồn” cho các radar khi tần số tín hiệu được thay đổi theo quy luật giả ngẫu nhiên để che giấu việc bức xạ tín hiệu dưới dạng các nhiễu ồn vô tuyến tự nhiên.
4 - Cánh ngang phía trước: Làm tăng khả năng cơ động. Có dạng mũi cánh của bộ phận ghép thêm ở gốc cánh liên kết với nó thành một chỉnh thể. Giải pháp này lần đầu tiên được áp dụng trên một máy bay sản xuất loạt.
5 - Cánh: Dạng tam giác làm tăng khả năng cơ động khi bay ở tốc độ siêu âm. Biên dạng cánh mỏng hơn so với ở F-22. Với biên dạng cánh mỏng hơn, máy bay dễ đạt tốc độ hành trình siêu âm hơn. Giải pháp này được áp dụng chắc là do các động cơ của PAK FA không có công suất đủ mạnh so với của F-22.
6 - Trạm gây nhiễu quang-điện tử chủ động: Nga là nước dẫn đầu thế giới về lĩnh vực điện tử quân sự này. Trước đây, các trạm như vậy chỉ được trang bị cho các trực thăng.
7 - Tác chiến ở bán cầu sau: Các tên lửa và các radar phía sau của PAK FA cho phép thực hiện chế độ phóng ngược tên lửa để phòng thủ ở bán cầu sau. Máy bay không phải quay đầu lại để phóng tên lửa. Đây là khả năng độc đáo của PAK FA.
8 - Các khoang vũ khí: Có sức chứa kỷ lục đối với các máy bay có kích thước tương tự.
9 - Cánh đuôi ngang, các cánh đứng đuôi xoay toàn phần: Cánh đuôi đứng thông thường khi xoay tạo thành một góc với cánh lái hướng vì thế máy bay hiện rõ trên màn hình radar. Cánh đuôi đứng xoay toàn phần không có nhược điểm đó.