Vietnamdefence.com

 

Khuyết tật của các máy bay tàng hình Mỹ

VietnamDefence - Trên thực tế, Mỹ đã 20 năm sử dụng các máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 bị lỗi. Chỉ vừa mới đây, các kỹ sư Không quân Mỹ và Công ty Northrop Grumman đã thông báo hoàn tất những tính toán sẽ cho phép loại trừ trục trặc của các máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit vốn thường xuyên xuất hiện trong 20 năm qua.

Từ "bệnh kinh niên" của B-2 Spirit

Trục trặc ở B-2 là ở chỗ tấm panel kim loại ở phần đuôi máy bay giữa các động cơ và che chắn khung xương bằng composite khỏi luồng lửa phản lực hay bị nứt. Nếu không thường xuyên kiểm tra kỹ thuật, trục trặc này có thể dẫn tới thảm hoạ hàng không. Lần đầu tiên, hiện tượng nứt các tấm được phát hiện chỉ 1 năm sau chuyến bay đầu tiên của B-2 vào năm 1989.
 
Trục trặc này thường xuyên xuất hiện, nhưng các kỹ sư trong thời gian dài không thể khắc phục, kể cả khi xác định được nguyên nhân nứt. Theo thông tin của Northrop Grumman, việc nứt tấm panel kim loại xảy ra do tác động của nhiệt độ cao, độ rung nhỏ bởi âm thanh của các động cơ hoạt động, dẫn đến hiệu ứng mỏi kim loại.

 B-2 Spirit



B2-Spirit

B-2 được phát triển vào cuối thập niên 1980, ứng dụng công nghệ Stealth (tàng hình). Máy bay có thể chở bom thường hay bom hạt nhân có tổng trọng lượng đến 17,4 tấn, có thể bay 970 km/h, tầm bay 11100 km. Trong chiến tranh chống Nam Tư năm 1999, B-2 đã thực hiện các chuyến bay không hạ cánh từ Mỹ sang Kosovo ném bom và quay về Mỹ. Sau này, chúng đã được sử dụng ở Afghanistan và cũng thực hiện các chuyến bay đường trường không hạ cánh giữa chừng như vậy.

Các kỹ sư định khắc phục khuyết tật này bằng cách sử dụng các vật liệu mới và có những thay đổi nhỏ trong kết cấu phần đuôi của B-2. Theo đánh giá của Northrop Grumman, việc cải tiến 20 chiếc B-2 hiện có của Không quân Mỹ sẽ không tốn nhiều tiền và thậm chí không đòi hỏi thay đổi toàn bộ kết cấu máy bay. Hơn nữa, khi khắc phục khuyết tật này, sẽ cho phép tiết kiệm chi phí cho khâu kiểm tra kỹ thuật vì thời gian giữa các lần kiểm tra sẽ dài ra.
 
Northrop Grumman có thể vui mừng vì thành tích này, song việc để tồn tại quá lâu một khuyết tật như vậy khiến người ta khó hiểu. Tại sao việc nứt tấm thép được phát hiện lần đầu năm 1990, còn chiếc B-2 Spirit of Missouri đầu tiên được nhận vào trang bị năm 1993. Trong thời gian này, trục trặc đã được phát hiện mấy lần. Máy bay vẫn được đưa vào làm nhiệm vụ chiến đấu năm 1997.

Trước khi kiểm định, sản xuất loạt và nhận vào trang bị, người ta đã có các cuộc bay thử, kể cả các kiểm tra của Không quân Mỹ và Lầu Năm góc. Không rõ quân đội Mỹ có biết về trục trặc này không, không loại trừ là họ có biết. Nhưng dầu sao thì B-2 vẫn được sản xuất cho đến tận giữa năm 1997 mà kết cấu của nó không hề bị thay đổi. Trong khoảng thời gian đó, khách hàng sử dụng chính B-2 là Không quân Mỹ không thể không phát hiện ra trục trặc.

Điều thú vị là trong thời gian tồn tại của B-2, người ta đã lắp ráp 21 chiếc. Theo số liệu chính thức của Lầu Năm góc, trong 17 năm sử dụng, chỉ mất có 1 chiếc B-2. Nó bị nổ năm 2008 khi cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Nguyên nhân máy bay rơi là sự chểnh mảng của đội nhân viên mặt đất thực hiện các quy trình chuẩn bị thiết bị trên khoang.

Theo số liệu không chính thức, Mỹ còn mất 2 chiếc B-2 là Spirit of Washingotn và Spirit of Missouri trong chiến dịch của NATO chống Serbia năm 1999. Không có tài liệu văn bản chứng minh có tổn thất chiến đấu này, nhưng người ta biết chắc rằng, năm 2004, lần đầu tiên trong lịch sử, một tổ lái toàn nữ đã thực hiện 1 chuyến bay trên chiếc Spirit of Missouri.

Đến "áo giáp... rách" của F-22 Raptor

Có thể phỏng đoán rằng, việc nhận vào trang bị vũ khí kỹ thuật bị lỗi tuy không phổ biến, nhưng vẫn được thực hiện ở Mỹ. Ví dụ, giữa tháng 11.2009, cựu kỹ sư của hãng Lockheed Martin Darell Olsen đã kiện công ty này ra toà với cáo buộc công ty đã cố ý sử dụng lớp phủ hấp thụ radar bị lỗi cho máy bay tiêm kích tàng hình F-22. Theo Olsen, F-22 đã bị sơn mấy lớp phủ thừa để chúng có thể vượt qua các thử nghiệm về radar.

F-22 Raptor


F-22 Raptor

Trong đơn kiện đối với Lockheed Martin, Darell Olsen đòi công ty trả lại chính phủ 50 triệu USD cho mỗi chiếc trong số 183 chiếc F-22 đã lắp ráp hoặc ký hợp đồng, cũng như trả án phí cho ông. Nếu Olsen thắng kiện, Lockheed Martin sẽ phải tra gần 10 tỷ USD. Đến trước năm 2010, Mỹ đã sản xuất 141 chiếc F-22. Dự kiến đến trước năm 2011, sẽ sản xuất 188 chiếc, nhưng năm 2009, Quốc hội Mỹ đã cắt khoản kinh phí mua F-22 trong ngân sách quốc phòng năm 2010.

Lỗi của lLớp phủ không phải ở chỗ nó hấp thụ quá kém sóng vô tuyến mà ở chỗ nó dễ bị bong khỏi vỏ máy bay do tác động của nhiên liệu, dầu nhớt hay nước. Theo Olsen, F-22 đã đuợc sơn thừa 272 kg lớp phủ. Olsen làm việc cho Lockheed Martin đến năm 1999. F-22 được phát triển vào cuối thập niên 1980 và sản xuất loạt từ năm 2001.

Phiên toà này chưa diễn ra. Lockheed Martin đã tuyên bố rằng, các thông tin của Olsen là sai sự thật. Rất khó xác định tiết lộ của Olsen có đúng không. Số liệu về bề mặt tán xạ hiệu dụng của F-22 là thông tin bí mật. F-22 chưa từng tham chiến và cũng chưa có tổn thất chiến đấu.

Câu chuyện xảy ra với B-2 và F-22 có thể chỉ là đỉnh của núi băng chìm. Trong đại đa số các trường hợp, thông tin về những khiếm khuyết hệ thống hay trục trặc đều đuợc giữ bí mật nghiêm ngặt. Nếu xem xét câu chuyện với các máy bay khác của Không quân Mỹ, có thể phỏng đoán rằng, chúng cũng có những trục trặc. Ví dụ, máy bay tiêm kích-bom tàng hành F-117 Night Hawk của Lockheed Martin.

và bệnh "chóng mặt" của F-117A Nighthawk

F-117A Nighthawk

F-117 được nghiên cứu chế tạo trong thập niên 1970, thực hiện chuyến bay đầu năm 1981. Năm 2008, nó bắt đầu bị loại khỏi trang bị. Tổng cộng, Mỹ chế tạo 64 F-117.

Trong suốt thời gian phục vụ, Mỹ tổn thất 7 chiếc F-117 (1 chiếc bị bắn rơi ở Nam Tư năm 1999, 6 chiếc còn lại bị nổ khi bay, cất cánh hoặc hạ cánh.

  • Năm 1982, 1 chiếc F-117 bị nổ khi cất cánh do hệ thống điều khiển bay bị cài đặt sai tại nhà máy.
  • Năm 1992, 1 F-117 bốc cháy khi bay đêm và nổ trên không. 
  • Năm 1986, 1987 và 1995, Mỹ mất 3 chiếc do đâm xuống đất khi bay đêm. Các vụ tai nạn bị đổ cho phi công thiếu kinh nghiệm.
  • Năm 1997, trong triển lãm hàng không ở Chesapeake, 1 F-117 đâm vào một toà nhà, nguyên nhân là trục trặc trong hệ thống điều khiển.

Mỹ chưa từng chính thức công bố các trục trặc hệ thống nào đó của F-117. Tuy nhiên, các trường hợp tai nạn phi chiến đấu cho phép phỏng đoán rằng, điểm yếu của máy bay này chính là hệ thống điều khiển bay bằng máy tính.
 

F-117A Nighthawk

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, B-2, F-117 và F-22 được nghiên cứu chế tạo vào thời chạy đua vũ trang, khi Mỹ cố gắng thể hiện ưu thế chiến đấu của mình trước Liên Xô. Các dự án tiến hành gấp rút, Lầu Năm góc không tiếc tiền chi cho vũ khí trang bị. Vì thế, họ đã nhắm mắt làm ngơ trước những khiếm khuyết "không lớn" của các loại vũ khí trang bị.

  • Nguồn: Lenta, 4.3.2010.

Print Print E-mail Print