Vietnamdefence.com

 

Obama vừa... ấy, vừa run

VietnamDefence - Obama bối rối, ngập ngừng và mâu thuẫn trước sức ép tăng lên trong vấn đề Syria, cả trên trường quốc tế, lẫn trong nước Mỹ, cả từ phe chủ chiến lẫn phe phản đối.

Obama đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại St. Petersburg, một vấn đề trung tâm được thảo luận là tình hình Syria. Ý kiến chia thành 2 phe ngang bằng.

Còn bản thân tác giả ý tưởng tấn công Syria là Barack Obama có lẽ cũng sẵn sàng từ bỏ kế hoạch tấn công quân sự của mình, tờ báo chính trị Mỹ Daily Caller đã viết như vậy.

Trả lời phỏng vấn các nhà báo, Obama nói rằng, ông không cố tìm cách can thiệp vũ trang vào Syria, thậm chí có thể hủy bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ. Tại sao Obama lại đổi giận làm lành?

Dường như bản thân Obama đã không còn vui mừng là đã đề xuất đánh Syria. Sau làn sóng lên án của người Mỹ và đa số các quốc gia nhằm vào Tổng thống Mỹ, ông liền hạ giọng, Daily Caller viết.

Trao đổi với tờ báo này, lập trường của Obama về Syria đã mềm mỏng hơn. Ông nói rằng, ông không phải là người ủng hộ một cuộc can thiệp quân sự như vậy và thậm chí còn ám chỉ là có thể hủy bỏ hoàn toàn việc bỏ phiếu về Syria tại Quốc hội Mỹ.

“Một số thành viên Quốc hội đã đề nghị hạn cho chế độ Syria 45 ngày để ký Công ước cấm vũ khí hóa học, tiêu hủy kho dự trữ chất độc. Tóm lại, Syria phải làm tất cả để cộng đồng quốc tế tin vào trách nhiệm của đất nước này và từ bỏ các hành động quân sự”, Obama tuyên bố.

Trong khi người Mỹ còn ngẫm nghĩ, ở châu Âu, người ta đánh vật đi tìm lập trường thống nhất, nhưng không nhất trí được với nhau ngay cả về báo cáo của Ủy ban của LHQ về vũ khí hóa học. Một số nước tin là ở đó mọi thứ đã rõ ràng. Số khác, trong đó có Đức, nói vẫn phải chờ kết quả chính thức. Ngay cả ủng hộ viên kiên định chiến dịch quân sự là Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng nói rằng, Paris sẵn sàng chờ đến khi công cố kết quả điều tra tại LHQ. Đó là vì  đa số người dân cũng không ủng hộ tấn công Syria.

Theo kết quả thăm dò mới nhất do Viện Ý kiến xã hội Pháp IFOP tiến hành thăm dò theo đơn đặt hàng của tờ Le Figaro ở Pháp vào ngày 4-6/9 và ở Đức ngày 2-5/9, hơn 2/3 (68%) người Pháp phản đối Pháp tham gia chiến dịch quân sự chống Syria; 64% người Pháp phản đối chiến dịch quân sự chống Syria bất kể vai trò của Pháp trong đó thế nào; 63% người Đức phản đối phát động chiến dịch chống Syria và 77% phản đối tham gia chiến dịch này.

Ngày 7/9, các nước EU đã kêu gọi Mỹ trì hoãn phát động chiến dịch chống Syria cho đến khi công bố báo cáo của LHQ về sự kiện 21/8.

Trên trang Twitter, Giáo hoàng Francisc cũng viết rằng, bất luận thế nào cũng không được phát động những cuộc chiến tranh mới mà phải giải quyết vấn đề một cách hoàn toàn hòa bình. Ông còn kêu gọi tất cả tham gia buổi cầu nguyện ngày thứ bảy vì hòa bình trên toàn thế giới.

Trong nước Mỹ, quá nửa người dân phản đối can thiệp quân sự vào Syria, số liệu do Viện Gallup đưa ra. Theo đó, 51% người Mỹ có ý kiến phản đối can thiệp quân sự chống Syria, 36% ủng hộ chiến dịch. Các nhà phân tích của Gallup đánh giá, đây là mức ủng hộ thấp bất thường đối với một sáng kiến chiến tranh của chính phủ, kết quả này là chưa từng thấy trong 20 năm qua. Cuộc can thiệp vào Kosovo năm 1999 được 43% người Mỹ ủng hộ, vào Iraq - 59%, xâm lược Afghanistan năm 2001- 82%. Cuộc trưng cầu ý kiến được tiến hành trên toàn lãnh thổ Mỹ ngày 3-4/9. Sai  số thống kê không quá 4%.

Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng phản đối chiến dịch quân sự. Báo chí Mỹ cho rằng, cơ hội để Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết cho phép tấn công Syria cũng rất bấp bênh, thậm chí không loại trừ sẽ không có bỏ phiếu tại Hạ viện vì nghị quyết của Nhà Trắng không có đủ số phiếu cần thiết để thông qua. Không loại trừ thời gian bỏ phiếu nghị quyết tại Hạ viện sẽ bị lùi lại 1 tuần thay vì ngày 9/9.

Theo AP, tuyệt đại đa số (6:1) những nghị sĩ đã công khai lập trường của mình đều phản đối phát động chiến dịch quân sự. Theo đó, 192 hạ nghị sĩ công khai phản đối sử dụng sức mạnh quân sự với Syria hoặc nghiêng về ý kiến đó. Chỉ có 30 hạ nghị sĩ trong 435 người tại giai đoạn này có tín hiệu ủng hộ nghị quyết. Kết quả là chính quyền Obama đã phát động chiến dịch tuyên truyền cho các hành động quân sự sắp tới.

Tại Thượng viện Mỹ, tình thế không rõ ràng như vậy. Hơn 30 thượng nghị rĩ cho rằng, cần thông qua nghị quyết. Cũng có chừng đó người có ý kiến ngược lại. Thượng viện Mỹ có 100 thượng nghị sĩ, không kể Phó Tổng thống Mỹ. Theo hiến pháp, ông ta là người đứng đầu Thượng viện.

Ngay ngoại trưởng Mỹ John Kerry được New York Times ngày 6/9 trích dẫn cũng cho rằng, sau chiến dịch quân sự ở Syria mà Obama đang đề nghị Quốc hội cho phép sẽ không làm thay đổi đáng kể cán cân có lợi cho phe đối lập Syria.

Ở một khung cảnh khác, ông Obama dường như lại có thái độ khác. Hãng AFP hôm 7/9/2013 lại đưa tin, Obama kêu gọi Quốc hội thống nhất trong quyết định vấn đề chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria.

“Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ sau những hình ảnh từ Syria mà chúng ta đã thấy. Đó chính là lý do tôi yêu cầu các thành viên Quốc hội thống nhất và hành động vì nền hòa bình mà chúng ta muốn sống trong đó, trong nền hòa bình mà chúng ta muốn để lại con cháu chúng ta và các thế hệ tương lai trong đó”, AFP trích dẫn thông điệp trên đài phát thanh của Obama.

Tổng thống Mỹ đang muốn Quốc hội thông qua chiến dịch quân sự chống Syria liên quan đến sự kiện vụ tấn công hóa học ngày 21/8.

Chính quyền Mỹ đã quyết định đẩy mạnh vận động ủng hộ chiến dịch Syria. Một số quan chức cao cấp đã được giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động ở các diễn đàn khác nhau và trên báo chí. Trước hết, trong thông điệp truyền hình hàng tuần, Obama trấn an người dân là chiến dịch quân sự ở Syria đáp ứng lợi ích quốc gia của Mỹ và sẽ không dẫn đến “một Iraq hay Afghanistan mới”.

“Chúng ta không nói đến một cuộc can thiệp vô hạn định. Đây sẽ không phải là Iraq hay Afghanistan mới. Sẽ không có chiến dịch quân sự mặt đất của Mỹ. Mọi hành động mà chúng ta sẽ thực hiện sẽ hạn chế về thời gian và quy mô, và nhằm vào việc ngăn cản chính phủ Syria một lần nữa đầu độc dân mình bằng khí độc, làm suy giảm khả năng của chế độ này hành động như vậy”, ông Obama nói.

Ông Obama cho rằng, Mỹ phải hành động, nếu không vũ khí hóa học có thể bị sử dụng nhiều lần nữa, nhưng khẳng định sẽ không cử quân Mỹ tham gia một cuộc chiến của người khác.

Phe chủ chiến cũng đã có sự gia tăng số lượng khi Đức trở thành nước thứ 12 và quốc gia EU thứ 5 ủng hộ Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự chống Syria kể cả khi không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, bà Thủ tướng Angela Merkel ngày 2/9 tuyên bố Đức sẽ không tham gia chiến dịch quân sự chống Syria. Các nước tại Hội nghị G20 vào ngày 6/9 đã ký văn kiện tuyên bố chung ủng hộ tấn công Syria là Australia, Canada, Pháp, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.


Nguồn: Vesti, RIA Novosti, Telegrafist, Regnum, 7.9.2013.

Print Print E-mail Print