VietnamDefence -
Việc ký hợp đồng mua bán 24 tiêm kích Su-35 giữa Nga và Trung Quốc đã bị lùi sang năm 2014, Phó Tổng giám đốc Rosoboronoexport, ông Viktor Komardin cho biết, RIA Novosti đưa tin ngày 7/9/2013.
|
>> Người Nhật: Trung Quốc mua Su-35 để lấy cắp công nghệ
>> Không vũ khí, Su-35K vô nghĩa với Trung Quốc
>> Trung Quốc đừng mơ công nghệ avionics của Su-35
“Việc đàm phán đang diễn ra, nhưng hợp đồng sẽ khó được ký vào cuối năm nay. Chắc chắn việc ký kết hợp đồng sẽ diễn ra vào năm sau. Các nhà đàm phán Trung Quốc đang thảo luận diện mạo kỹ thuật của máy bay”, ông Komardin nói.
Ông cũng cho biết rằng, hai bên đang thảo luận cả vấn đề mua vũ khí cho Su-35. “Vũ khí lắp trong chắc chắn sẽ có ở đó, còn vũ khí treo chúng tôi sẽ thảo luận. Họ muốn, còn chúng tôi có các loại vũ khí mới, cụ thể là của Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV). Nhưng đó sẽ là một hợp đồng riêng lẻ”, ông Komardin nói.
Cuối tháng 6, Tổng giám đốc Tổng công ty nhà nước Rostekh, ông Sergei Chemezov thông báo, hợp đồng bán Su-35 cho Trung Quốc có thể được ký trước cuối năm 2013.
Trong khi đó, vào tháng 3/2013, báo chí Trung Quốc đã đưa tin, hai nước đã ký hợp đồng khung bán Su-35, cũng như tàu ngầm lớp Lada.
Su-35 là tiêm kích đa năng cải tiến sâu siêu cơ động thế hệ 4++ có sử dụng các công nghệ của thế hệ 5, cho phép có ưu thế so với các tiêm kích tương tự hiện nay của Mỹ và phương Tây.
Chắc chắn đằng sau việc lùi thời hạn ký hợp đồng bán Su-35 cho Trung Quốc là những bất đồng nào đó chưa được giải quyết, trong đó chắc chắn có vấn đề chuyển giao công nghệ.
Vậy những công nghệ nào mà Trung Quốc thèm khát nhất? Đó là động cơ, radar và vũ khí tiên tiến của Su-35. Đây là 3 công nghệ then chốt làm nên sức mạnh của tiêm kích hiện đại.
Cách đây không lâu, bình luận về thương vụ Su-35 với Trung Quốc, một quan chức Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản khẳng định: “Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến bản thân các máy bay tiêm kích. Mục đích thật sự là sao chép các hệ thống động cơ và radar để sử dụng trên các tiêm kích nội địa của họ” (
Người Nhật: Trung Quốc mua Su-35 để lấy cắp công nghệ).
Gần đây nhất, ngày 30/8/2013, ông Andrei Tyulin, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn “Công
nghệ vô tuyến điện tử” (KRET, Nga), hãng sản xuất thiết bị avionics cho
Su-35 cũng khẳng định sẽ không chuyển giao công nghệ avionics do hãng này phát triển và sản xuất cho Trung Quốc (
Trung Quốc đừng mơ công nghệ avionics của Su-35). KRET là hãng đã phát triển hệ thống radar điều khiển hỏa lực tối tân Irbis cho Su-35, công nghệ dẫn đường quán tính BINS. Tuyên bố của ông Tyulin cho thấy, phía Trung Quốc đã đặt yêu cầu Nga phải chuyển giao công nghệ avionics, mà chắc chắn phải có radar cho họ.
Còn Tạp chí China Defense Review (Canada) đã đăng một bài báo cho rằng, sẽ là vô nghĩa đối với Trung Quốc nếu mua các tiêm kích này không có vũ khí, nhất là các tên lửa không đối không và không đối diện (
Không vũ khí, Su-35K vô nghĩa với Trung Quốc). Các tên lửa này trong tương lai có thể bổ sung cho kho vũ khí của các tiêm kích Trung Quốc khác như J-11B, J-15, J-16...
Su-35 có kho vũ khí tiến công mạnh mẽ, trong đó có tên lửa chống hạm cải tiến Kh-31AD tầm 250 km, tên lửa chống radar thế hệ mới Kh-58UShKE tầm bắn 200 km, tên lửa chống hạm thế hệ mới Kh-35UE tầm bắn 260 km, tên lửa chiến thuật có điều khiển Kh-59M2E tầm bắn 115 km, tên lửa Kh-59MK2 tầm bắn tối đa 285 km, tên lửa không đối không tầm xa RVV-BD (R-37) tầm bắn 200 km, tên lửa RVV-MD tầm ngắn có tầm bắn tối đa 40 km, RVV-SD tầm trung tầm bắn 110 km.
Bài báo cũng cho biết, Trung Quốc cần tìm hiểu các tính năng thực của radar Irbis-E anten mạng pha thụ động trên Su-35. dduowwcj cho là có khả năng phát hiện mục tiêu có bề mặt tán xạ hiệu dụng 3 m2 ở cự ly
đến 350-400 km, bám 30 mục tiêu và bắn 8 mục tiêu trong số đó.
Việc Trung Quốc thèm khát công nghệ động cơ, radar và tên lửa hàng không tiên tiến của Su-35 cũng là dễ hiểu. Đây là đỉnh cao công nghệ tiêm kích của Nga và thế giới, là các công nghệ cận thế hệ 5 hoặc đã là thế hệ 5, chẳng hạn như vũ khí hàng không. Đây cũng là điểm yếu chí tử của các chương trình tiêm kích Trung Quốc, nhất là các chương trình thế hệ 5 đầy tham vọng J-20, J-31.
Nếu không có đột phá ở 3 lĩnh vực trên, J-20, J-31 sẽ chỉ dừng ở cái xác ấn tượng, còn công nghệ chỉ dừng ở thế hệ 4 dạng sao chép, chỉ là những con hổ giấy không nanh vuốt, yếu ớt và 'đần độn'. Nếu các công nghệ trên của Su-35 được chuyển giao, Trung Quốc sẽ sản xuất được tiêm kích thế hệ 5 có tính năng ngang ngửa với các loại của Mỹ, Nga, chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga và cạnh tranh với các nước này trên thị trường tiêm kích thế giới, và tất nhiên với ưu thế số lượng, Trung Quốc sẽ xóa bỏ ưu thế chất lượng của Không quân Mỹ và Không quân Nga ở chiến trường châu Á-Thái Bình Dương.
Người Nga sẽ tính sao? Có tham bát bỏ mâm? Hay sẽ đánh đổi lấy sự ủng hộ của Trung Quốc trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như Syria?