Vietnamdefence.com

 

Máy bay không người lái Mỹ nhiễm virus

VietnamDefence - Mạng máy tính bảo đảm việc khai thác các máy bay không người lái Predator và Reaper của Không quân Mỹ (USAF) ở nước ngoài, trong đó có Iraq và Afghanistan, đã bị nhiễm virus.

MQ-9 Reaper (Getty Images/Fotobank.ru

Các nỗ lực tiêu diệt virus hiện chưa thành công.

Virus được tìm thấy trong các hệ thống máy tính của căn cứ không quân Mỹ Creech, bang Nevada. Để diệt virus đã sử dụng nhiều phần mềm diệt virus, kể cả các phần mềm của Phòng thí nghiệm Kaspersky, nhưng không đem lại kết quả.

Các chuyên gia Mỹ hiện vẫn chưa rõ đây là cuộc tấn công mạng có chủ yế vào mạng máy tính hay là việc lây nhiễm virus tình cờ.

Giả thiết chủ yếu hiện này là virus bị lây nhiễm vào các hệ thống thông qua một ổ cứng ngoài hay một thiết bị lưu trữ tháo lắp khác.

Các nhân viên điều khiển UAV tại căn cứ Creech đang điều khiển từ xa đa số UAV do quân Mỹ sử dụng ở Iraq, Afghanistan và các khu vực khác.

Hiện tại, các quan chức USAF không bình luận thông tin bị rò rỉ lên báo chí. “Chúng tôi thường không thảo luận các điểm yếu cụ thể của các mạng máy tính của chúng tôi, các mối đe dọa đối với chúng hay các phương án đối phó của chúng tôi, đại diện quân đội Mỹ, trung tá Tadd Sholtis nói.

Các UAV tầng cao Predator và Reaper được trang bị tên lửa, bom, được điều khiển từ mặt đất qua các vệ tinh, song cũng có thể bay độc lập. Chẳng hạn, Reaper có sải cánh hơn 20 m, động cơ turbine cánh quạt, cho phép bay liên tục trên không từ 14-42 giờ tùy theo tải trọng mang theo.

Hiện nay, dẫn đầu về chế tạo UAV là Mỹ. Nhưng cả Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Iran và Nga cũng đã nhảy vào cuộc chạy đua. Mỹ đang phát triển UAV có thể để trong ba lô, có nghĩa là loại vũ khí mới có thể lọt vào tay các phần tử cực đoan. 

Tiêu diệt đối phương nhờ sự hỗ trợ của UAV đã trở thành nét đặc trưng của các hoạt động quân sự mà Mỹ đang tiến hành ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Libya và Yemen. Hiện Mỹ gần như nắm độc quyền về UAV trang bị vũ khí. Mỹ hiện có gần 7.000 UAV, đa số không được trang bị vũ khí.

Đến nay, chỉ có Mỹ, Israel và Anh từng sử dụng UAV làm nhiệm vụ oanh kích. “Ưu điểm của UAV là chúng có cánh dài, các vị có thể gắn vào cánh cái gì tùy thích. Đó có thể là các camera video, thiết bị nghe lén hay bom đạn”, ông Dennis M. Gormley, nghiên cứu viên cao cấp Đại học Pittsburgh nói.

Và các khí tài này rõ ràng là được ưu tiên trong chiến lược quân sự. Dù sao, Mỹ cũng đang đào tạo nhiều hơn các nhân viên điều khiển UAV hơn là phi công lái máy bay tiêm kích và máy bay ném bom.

Nhưng không lâu nữa, sự độc quyền của Mỹ sẽ chấm dứt. Năm ngoái, tại triển lãm hàng không Chu Hải, các công ty Trung Quốc đã khiến người Mỹ kinh ngạc khi giới thiệu 25 mẫu UAV. Họ thậm chí còn chiếu tại triển lãm một phim hoạt họa có cảnh một UAV tấn công một tàu sân bay Mỹ.

Việc trình chiếu bộ phim đó là thủ đoạn quảng cáo hơn là sự đe dọa. Tuy nhiên, rõ ràng là Trung Quốc đang ráo riết xây dựng kho UAV của mình. Ngoài ra, còn có hơn 50 quốc gia đã mua hoặc chế tạo UAV, trong số đó, theo thông tin của các chuyên gia Mỹ, có Nga, Iran, Ấn Độ, Pakistan.

Ông P. W. Singer, chuyên gia Viện Brookings, Mỹ khẳng định rằng, thậm chí Hezbollah ở Li-băng cũng đã triển khai các UAV do Iran chế tạo có khả năng mang bom đạn.

Theo ông Singer, tình hình hiện nay giống với tình thế tồn tại trước khi Thế chiến I bắt đầu. Ban đầu, chỉ có vài nước có máy bay và chúng không mang bom. “Nhưng sau đó người ta lắp vũ khí lên máy bay và kỷ nguyên máy bay quân sự bắt đầu. Hiện nay, chúng ta cũng đang trên con đường đó”, ông Singer nói.

Theo các chuyên gia Mỹ, khi thực hiện các đòn đánh phủ đầu vào các mục tiêu ở các nước khác, Washington cũng đã tự tạo ra tiền lệ nguy hiểm từ góc độ luật pháp quốc tế. Chẳng hạn, làm sao Mỹ có thể phản đối Trung Quốc nếu nước này đưa UAV đến Kazakhstan để tấn công các phần tử người Uighur bị nghi tổ chức các vụ khủng bố? - phóng viên về an ninh quốc gia của tờ New York Times Scott Shane nêu câu hỏi.

Mỹ sẽ chẳng thể phản đối vì chính họ đã nêu gương. Chính quyền Obama thậm chí còn ban hành một chỉ thị mật. Nội dung cơ bản của nó là Mỹ có thể đưa vũ khí robot ra ngoài biên giới Mỹ để tiêu diệt những người bị coi là kẻ thù. Những người đó có thể là cả công dân Mỹ bị coi là mối đe dọa đối với nước Mỹ.

Điều không kém nguy hiểm là Lục quân Mỹ đã mở cuộc thầu trị giá 5 triệu USD. Hãng thắng thầu sẽ thiết kế UAV có kích thước đủ nhỏ để bỏ trong ba lô. Hơn nữa, UAV này lại có khả năng mang vũ khí tấn công. Chính vũ khí này là điều mơ ước của bọn khủng bố.

  • Nguồn: Dni, 9.10.11; NG, 10.10.11.
    .

Print Print E-mail Print