Vietnamdefence.com

 

Indonesia chọn máy bay “nghĩa địa”

VietnamDefence - Các sĩ quan Không quân Indonesia sắp tới sẽ đến Mỹ để chọn các tiêm kích F-16C/D mà Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết cho không Indonesia.

Các máy bay F-16 tại bãi máy bay AMARG (Google Maps)

Họ sẽ chọn trong số các tiêm kích bị loại khỏi trang bị Không quân Mỹ (USAF) và đang được lưu giữ tại bãi máy bay của Nhóm bảo dưỡng và sửa chữa kỹ thuật hàng không vũ trụ số 309 (AMARG), được biết đến nhiều hơn với biệt danh “nghĩa địa máy bay” hay đơn giản là “Nghĩa địa” (The Boneyard).

Bãi máy bay AMARG được thành lập năm 1946, tại căn cứ không quân Davis-Monthan, ở cách không xa Tucson, Arizona. “Nghĩa địa” là nơi lưu chứa các máy bay bị loại khỏi trang bị.

Đang được lưu giữ tại bãi này là hơn 4.400 máy bay từng được  USAF sử dụng. Phần lớn máy bay và trực thăng đang được niêm cất - chúng được coi là có khả năng chiến đấu tiềm tàng và có thể đưa trở lại biên chế trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp.

Hiệp định về việc chuyển giao cho Indonesia các tiêm kích F-16 đã được thỏa thuận vào tháng 2.2011. Theo điều kiện hiệp định được ký kết, quân đội Indonesia có quyền lựa chọn 30 máy bay, trong số đó có 6 chiếc sẽ được tháo dỡ làm phụ tùng. Sau đó, 24 chiếc sẽ được khôi phục và hiện đại hóa tại một xí nghiệp của Mỹ với chi phí ước 400-600 triệu USD, bao gồm lắp đặt vũ khí, thiết bị trên khoang và mua 28 động cơ của Pratt & Whitney.

Mặc dù hiệp định chuyển giao máy bay đã được Mỹ và Indonesia ký kết, song nó vẫn chưa có hiệu lực. Văn kiện này phải được Quốc hội Mỹ và chính phủ Indonesia phê chuẩn.

Giữa mùa hè năm 2011, chính phủ Indonesia đã tạm dừng quá trình xem xét hiệp định và yêu cầu Bộ Quốc phòng Indonesia xác nhận rằng, trong các vụ mua bán vũ khí nước ngoài, Bộ này sẽ không khiến Indonesia phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí trang bị từ Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiệp định sẽ được phê chuẩn và cấp kinh phí.

Hiện nay, Indonesia đang thực hiện chương trình hiện đại hóa đội máy bay của Không quân Indonesia.
Năm 1992, Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với Indonesia và ngừng hợp tác kỹ thuật quân sự.

Năm 1999, trừng phạt bị xiết chặt khiến Indonesia mất khả năng mua phụ tùng ở thị trường bên ngoài để sửa chữa máy bay. Kết quả là các máy bay F-16 và C-130 của Không quân Indonesia trong một thời gian dài không thể bay được.

Năm 2005, Mỹ mới hủy bỏ lệnh trừng phạt Indonesia. Nhờ vậy, Bộ Quốc phòng Indonesia đã tiến hành được việc sửa chữa nhỏ vài máy bay.

Trong 5 năm tới, Indonesia dự định chi 150 tỷ rupi (16,8 tỷ USD) để mua sắm và hiện đại hóa máy bay và trực thăng của Không quân và Lục quân nước này. 2/3 số tiền trên sẽ được chi từ ngân sách nhà nước.

  • Nguồn: Lenta, 5.10.2011.

Print Print E-mail Print