VietnamDefence -
Hải quân Hàn Quốc xem xét khả năng trang bị 2 tàu sân bay hạng nhẹ vào năm 2036 trong bối cảnh hải quân Trung Quốc và Nhật tăng cường sức mạnh.
|
eng.ship.bsu.by |
Theo nguồn tin, hiện tại, Hải quân Hàn Quốc còn chưa xác định hẳn các yêu cầu chiến-kỹ thuật đối với tàu sân bay, nhưng họ đang nghiên cứu khái niệm sử dụng các tàu sân bay hạng nhẹ.
Theo thành viên Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Hàn Quốc Chung Hee-soo, để giải quyết các tranh chấp trên biển tiềm tàng với các nước láng giềng, Hàn Quốc phải trang bị các tàu sân bay càng nhanh càng tốt. Theo nghị sĩ này, Hải quân Hàn Quốc đề nghị thực hiện dự án này theo 3 giai đoạn.
Trước hết, phải đưa tàu sân bay trực thăng lớp Dokdo thứ hai vào trang bị, cho phép tiếp nhận các máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng. Tàu có thể được chuyển giao trước năm 2019 và khi cần có thể được trang bị các máy bay từ biên chế của quân đội Mỹ, Anh hay Tây Ban Nha.
Ở giai đoạn 2, Hải quân Hàn Quốc có thể đóng một tàu sân bay trực thăng-đổ bộ giống với các tàu đổ bộ vạn năng Juan Carlos I (L-61) của Hải quân Tây Ban Nha.
Ở giai đoạn cuối, từ năm 2028-2036, dự định đóng 2 tàu sân bay hạng nhẹ cỡ 30.000 tấn với tính năng giống với tàu sân bay Cavour của Italia vốn có khả năng chở đến 30 máy bay.
Trung Quốc đã nhận vào trang bị tàu sân bay đầu tiên vào năm 2012 và dự định đưa vào biên chế chiến đấu của hạm đội thêm 3 tàu sân bay nữa. Hải quân Phòng vệ Nhật sẽ nhận vào trang bị 2 tàu khu trục chở trực thăng lớp 22DDH cỡ 20.000 tấn, thực chất là các tàu sân bay hạng nhẹ.
Trước đây, trong khuôn khổ chương trình tăng cường sức chiến đấu, Bộ chỉ huy Hải quân Hàn Quốc đã công bố ý định mua vào năm 2023 thêm 3 tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis nhằm nâng cao sức mạnh quốc phòng trong bối cảnh các hạm đội châu Á gia tăng sức mạnh, sự đe dọa của Bắc Triều Tiên và căng thẳng gia tăng do tranh chấp lãnh thổ.
Sau năm 2023, Hải quân Hàn Quốc dự định bắt đầu dự án đóng 6 tàu khu trục cỡ 5.900 tấn thế hệ mới KDX.
Họ cũng đang phát triển một loại tàu ngầm đa năng. Hải quân Hàn Quốc dự định đưa vào trang bị thêm 6 tàu ngầm điện-diesel 1.800 tấn lớp Type 214, đưa tổng số tàu này lên 9 chiếc vào năm 2023. Sau đó, sẽ đưa vào trang bị 9 tàu ngầm hạng nặng 3.000 tấn KSS-III trang bị các bệ phóng thẳng đứng phóng tên lửa hành trình tầm bắn 1.500 km.
Hải quân Hàn Quốc cũng có chương trình FFX đóng các frigate mới với các phương tiện trinh sát cải tiến và nhiều loại vũ khí. Chúng sẽ thay thế các frigae hiện có lớp Ulsan và tàu hộ tống lớp Pohang. Các tàu FFX sẽ được đóng làm 2 loạt (mỗi loại 12 chiếc) nhằm đưa vào biên chế chiến đấu của hạm đội đến 24 chiếc vào năm 2026.
Ngoài ra, trong số các chương trình ưu tiên còn có việc mua sắm các máy bay quan sát và trinh sát. Cụ thể là đang xem xét khả năng mua các máy bay phản lực S-3 Viking vốn bị loại khỏi trang bị Hải quân Mỹ vào tháng 1/2009. Dự định mua 18 chiếc S-3 và nâng cấp chúng lên tiêu chuẩn mới. Nếu quyết định được thông qua, Viking sẽ là máy bay tuần tra phản lực đầu tiên của Hải quân Hàn Quốc. Hiện nay, họ đang khai thác 16 máy bay turbine cánh quạt P-3CK.
Nguồn: Defense News, Armstrade, 29.10.2013.