|
J-7 (Gaurika Wijeratne / Flickr)
|
Tổng công ty chế tạo máy bay GAIC của Trung Quốc đã lắp ráp và bàn giao cho không quân Trung Quốc 2 tiêm kích huấn luyện JJ-7A cuối cùng - đây vốn là máy bay sao chép cho thay đổi của tiêm kích MiG-21U của Liên Xô. Các máy bay này có số hiệu 3827 và 3828 đã được biên chế cho Lữ đoàn không quân huấn luyện số 2 của Trường bay Tây An, tỉnh Cam Túc.
Các máy bay JJ-7A được bàn giao là các máy bay cuối cùng trên thế giới của họ MiG-21; việc sản xuất chúng chấm dứt từ đây. Các máy bay họ MiG-21 được bắt đầu sản xuất loạt ở Liên Xô vào năm 1959 và đã kéo dài trong 58 năm.
Ở Liên Xô, MiG-21 và các biến thể của nó được sản xuất từ năm 1959-1985, còn ở Trung Quốc là từ năm 1967. Trước khi Liên Xô sụp đổ, các biến thể MiG-21 của Trung Quốc với tên gọi J-7 và F-7 được sản xuất theo giấy phép. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc tiếp tục tự sản xuất các tiêm kích này và nâng cấp thiết bị trên khoang.
|
JJ-7A (Modern Chinese Warplanes) |
Nếu tính cả số lượng máy bay sản xuất loạt ở Trung Quốc, từ năm 1959 tổng cộng đã lắp ráp gần 14.500 tiêm kích MiG-21, J-7 và F-7. Chúng đã được xuất khẩu số lượng lớn. Hiện nay, các máy bay này có trong trang bị của quân đội hơn 20 nước, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Zimbabwe và Tanzania.
J-7 có chiều dài 14,9 m và sải cánh 8,3 m, trọng lượng cất cánh tối đa 9,1 tấn, có thể đạt tốc độ đến 2.200 km/h và bán kính chiến đấu 850 km. Tiêm kích được trang bị 2 pháo 30 mm và 5 điểm treo bom/tên lửa có tổng trọng lượng 2 tấn.
Hiện nay, quân đội Trung Quốc sở hữu một số lượng lớn máy bay sản xuất làm nhái các máy bay Liên Xô. Ngoài J-7, trong biên chế của không quân Trung Quốc còn các máy bay H-6, Y-5, Y-7 và Y-8 vốn là các mẫu sao chép có hiện đại hóa tương ứng của Tu-16, An-2, An-24 và An-12, cũng như các tiêm kích J-11 và J-15 sao chép trái phép Su-27 và Su-33.