|
Tàu chống biệt kích Projekt 21980 (Grachonok) đầu tiên số hiệu nhà máy 01221 (P-340, nay là Yunarmeyets Zapolyaria) do Nhà máy đóng tàu Vympel đóng, lắp các động cơ diesel HND TBD620V12 do Công ty “Các hệ thống máy thủy” đang thử nghiệm, Rybinsk, tháng 8/2016.
|
Hai động cơ mua từ Trung Quốc lắp cho chiếc canô chống biệt kích của Bộ Quốc phòng Nga đã hỏng ngay trong lần thử đầu tiên. Sở chống độc quyền (UFAS) St. Petersburg đã phạt nhà thầu 750.000 rúp và vui mừng vì máy đã không bị hỏng lúc trực chiến.
Sở chống độc quyền St. Petersburg thông báo ngày 27/3/2017 quyết định phạt hành chính Công ty “Các hệ thống máy thủy” đã được đưa ra một tuần trước. Công ty này với tư cách nhà thầu phụ đã cung cấp 2 động cơ thủy cho Bộ Quốc phòng Nga theo đơn đặt hành nhà nước thông qua Nhà máy Vympel. Trong cuộc thử nghiệm vào tháng 9/2016, cả 2 động cơ đều hỏng.
Do cung cấp sản phẩm kém chất lượng, công ty này sẽ phải nộp vào ngân sách 750.000 rúp.
“Đây là lần phạt đầu tiên trong lịch sử UFAS St. Petersburg vì cung cấp sản phẩm kém chất lượng theo đơn đặt hàng nhà nước. Thật may là các động cơ hỏng trong khi chạy thử, chứ không phải khi trực chiến. Bởi vậy khi có thông tin về những vi phạm như thế, chúng tôi sẽ đối xử với hết sự nghiêm khắc của pháp luật”, lãnh đạo UFAS St. Petersburg, ông Vadim Vladimirov nói.
Hai động cơ Trung Quốc TBD620V12 được lắp trên canô chống biệt kích Projekt 21980 (Grachonok) đầu tiên, số hiệu nhà máy 01221 (P-340) do Nhà máy đóng tàu Vympel ở Rybinsk, tỉnh Yaroslav đóng. Canô này được hạ thủy ở Rybinsk ngày 7/6/2016 và bàn giao cho Hải quân Nga ngày 23/11/2016 đồng thời với canô thứ hai cùng loại số hiệu 01222 (P-421).
Công ty “Các hệ thống máy thủy” của Nga là nhà cung cấp thiết bị tàu và máy thủy do phương Tây và Trung Quốc sản xuất, vào tháng 3/2015, đã ký hợp đồng với Nhà máy Vympel cung cấp 2 động cơ diesel cho các canô chống biệt kích Projekt 21980 số hiệu nhà máy 01221 và 01222 do công ty Henan Diesel Engine Industry Co., Ltd (HND) ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc thuộc Tổng công ty công nghiệp đóng tàu nhà nước Trung Quốc CSIC. Mỗi bộ máy tàu có 2 động cơ chính TBD620V12. TBD620V12 là động cơ diesel 4 kỳ dạng chữ V 12 xylanh có tăng áp và làm mát bằng nước, công suất 1.630 kW ở vòng quay 1.860 vòng/phút. Hai bộ máy tàu này trị giá 16,848 triệu tệ (khoảng 165,9 triệu rúp), bộ đầu tiên lẽ ra phải được chuyển giao vào tháng 11/2015, bộ thứ hai là sau đó một tháng.
Ngày 12/8/2016, Công ty “Các hệ thống máy thủy” thông báo thử nghiệm thành công trên canô số 01221.
10 canô lớp Projekt 21980 trước đó đóng ở các xưởng đóng tàu khác được lắp động cơ diesel của công ty Đức MTU, nhưng cuối năm 2014, đối tác Đức dừng cung cấp động cơ khiến phía Nga phải thay bằng động cơ Trung Quốc.
Ngày 25/12/2014, Công ty “Các hệ thống máy thủy” tuyên bố đã ký hợp đồng với HND của Trung Quốc vốn “chuyên sản xuất các động cơ tàu thủy chất lượng cao dòng TBD604BL6, TBD620V8, V12, V16, CHD622V20 và các máy phát điện diesel” hợp đồng đại lý độc quyền phân phối thiết bị của HND tại Nga. Theo hợp đồng HND có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật/thương mại và cung cấp dịch vụ hậu mãi cho các động cơ và máy phát điện diesel bán ra, cũng như phụ tùng cho chúng cho đối tác Nga và các nhà thầu.
Ngoài cung cấp động cơ TBD620V12 cho các canô Projeket 21980 đang đóng ở Nga, Công ty “Các hệ thống máy thủy” còn ký các hợp đồng cung cấp các động cơ diesel HND CHD622V20 (thay cho các động cơ của MTU) cho các tàu tên lửa nhỏ lớp Projekt 21631 Buyan-M đang đóng tại Nhà máy A.M. Gorky ở Zelenodolsk từ tàu 6 trở đi (số hiệu nhà máy 636). Ngoài ra, công ty này còn cung cấp động cơ diesel NHD (thay cho các động cơ của Deutz) cho các tàu thủy văn Projekt Projekt 19920 do Vympel đang đóng, kể từ tàu có số hiệu nhà máy 01844 (2 tàu đầu có số hiệu 01844 và 01845 với động cơ mới đã được bàn giao cho Hải quân Nga ngày 24/11/2016).
Ngành đóng tàu Nga lâm vào tình thế nhục nhã này sau khi Ukraine cắt đứt quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga. Ukraine đã ngừng cung cấp động cơ cho các chương trình máy bay, trực thăng, tàu quân sự của Nga. Nhiều dự án đóng tàu chiến quan trong cho Hải quân Nga và xuất khẩu bị đình trệ, kể cả cặp tàu Gepard 3.9 thứ hai đóng cho Việt Nam.
Thậm chí, Nga còn phải bán một số tàu chiến hiện đại đóng dở cho Ấn Độ vì không có động cơ để Ấn Độ tự thương thuyết mua động cơ từ Ukraine.